Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

TẢN MẠN SAU NGÀY 20/11


                                                                           Tản Văn:  Phan Thị Mai Hương
Muốn viết cái gì đó về ngày của nghề giáo, nhưng cứ nghĩ mãi, vì có đủ nỗi sợ.  Nào là sợ “ vạch áo cho người xem lưng”; nào là sợ bị “ném đá” tơi bời từ đồng nghiệp; nào là sợ thiên hạ “chở gạch” đến ngõ nhà mình, mà cái ngõ nhỏ này bị chèn lối vào thì…biết đi đường nào?  làm sao mà “ khi đi em hỏi, khi về em chào” cho được?

Nhưng rồi nghĩ đi thì lại nhìn lại và quyết định là… cứ viết! Vì lướt vòng quanh thế giới một hồi, thấy “ họ nhà Báo… Chí….” chọc chĩa đến nhàu nhĩ vào cái mảng “ nghề giáo” với ngày “ tôn sư…20/11” của nghề mình.  Đọc các bài viết trên báo thấy hình như họ ( phóng viên) viết về ngày tôn vinh nhà giáo như kiểu  không có cái gì để viết hay sao í, như kiểu moi móc hay sao í,  là mình lại muốn ngoắng vô bàn phím,  khua vài chữ cho hả cơn…uống rượu!
    Cảm xúc cao trào  thì nói  vậy thôi, chứ  mình chỉ uống rượu gọi là chút xíu, pha nhiều mật ong cho ngọt thì làm sao say , với lại hàng ngày chúng ta đều  quen bị báo chí cho uống mật ngọt, kiểu như là:  nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan, trong khi giá cả hàng hóa thì  tăng lên với tốc độ phi mã, ; sốp bít Việt có mấy ngọc nữ lấy chồng đại gia trong khi  trên mọi miền đất nước có hàng trăm em bé chân đất đến trường; Quan chức tuyên bố  thủy điện sông Tranh tuyệt đối an toàn trong khi dân bỏ xứ lánh động đất; và vân vân còn  nhiều thứ khác cũng đều ngọt ngào như  thế. Cho  nên, nhân 20/11 được nghỉ ở nhà , đọc báo mạng và nhìn thấy cái nghề giáo có tín hiệu “ bị ném đá” là mình không chịu được, vì có quen được với “ trái đắng” đâu, khổ thế chứ!
           Vì còn nguyên nỗi “ không chịu được” nên mình phải tìm chỗ để “xả’ ra chứ. Nơi trút đầu tiên là …bố mình,  vì ông cứ khăng khăng “phải có đứa nối nghiệp”, chả là cả bố và mẹ mình đều là nhà giáo, rằng cho đi học ngân hàng nhỡ làm mất tiền của nhà nước không bán nhà đi mà đền được”. Đấy là thập kỷ 80, bố mang  lý luận thuyết phục mình  rằng xã hội bây giờ đang khổ sở thiếu thốn, nhưng sau này không thể khổ mãi thế này được, và con người ở  thời đại nào cũng cần phải đi học, chắc chắn sau này nghề dạy học sẽ được  xã hội tôn vinh. Bây giờ nghĩ lại, mình thấy bố nói như là …ủy viên bộ chính trị ấy, ( hu hu!!!). Thế là số phận mình được định đoạt để gắn với nghề chuyên “ gào thét” một cách nhanh chóng thế đấy. Có lẽ đây cũng  là tiêu biểu cho nền giáo dục “ áp đặt” mà mình được hưởng một cách đầy đủ và mẫu mực nhất.
    Mình nhớ đên lời một tiến sĩ ( TS Hồ Thiệu Hùng)  đã nói về nghề giáo rằng nghề giáo là nghề tồn tại mãi, không bao giờ mất đi, từ người lao động đến nhà khoa học được giải Nô Ben, từ dân thường đến nguyên thủ quốc gia, không ai là không có thầy. Đấy, cái cách mà tiến sĩ  nói có khác gì lời  bố mình đã nói đâu, và cùng giống nhau ở chỗ cho  thầy nghề giáo là   quan trọng nhất, là cao quý nhất trong các nghề cao quý.  Thế nhưng cứ  lên truyền thông mà đọc xem báo chí khai thác về nghề làm thầy ở góc độ nào?
      Báo mạng nói nhiều thứ về thầy giáo, nào là thấy đổi điểm lấy tình, nào là thầy hiếp dâm học sinh, nào là thầy giáo  bạo hành vợ; rồi cô giáo bắt học sinh liềm ghế, cô giáo bắt phạt học sinh bằng cách tự vả vào mặt, cô giáo mầm non dán băng keo vào miệng trẻ, nào là cô giáo nấu món canh gà…vân vân và vân vân. Nói chung là  nhiều lắm í, toàn  những chuyện “ giật gân”  về các thầy cô giáo, đến như mình trong nghề, hiểu rõ “con rận to con rận bé” của nghề  giáo, thế mà  nghe còn thấy chết khiếp, cảm hứng phẫn nộ nổi lên bừng bừng. Cho  nên mình rất thông cảm cho cư dân mạng “ còm”  ầm ĩ, bày tỏ mọi cung bậc cảm xúc, cứ gọi là trào dâng như nước chảy tràn xối xả  qua cái  đập thủy điện bị thủng.
      Nhưng mình càng lấy làm lạ là bao nhiêu những thầy cô  giáo đang đốt tuổi trẻ, cháy hết mình cho nghề, dạy  học ở các trường vùng cao vùng xa vùng sâu, những vùng chỉ thắp  đèn dầu khi đêm về, thì chẳng được ai nói đến.  Cho nên, mình thấy bộ phim “ Thung lũng hoang vắng” của đạo diễn Nhuệ Giang với đề tài về nghề giáo là hết sức chân thực, thấm đượm nỗi xót xa cho sự hy sinh tuổi xuân với nghề dạy trẻ. Mà mình nghe đồn là ban đầu, bộ phim này rất khó khăn mới phát hành được, chả biết vì lý do gì?
      Hay đơn giản nhất là hàng ngày, có  triệu triệu nhà giáo đang cháy hết mình trên bục giảng thì không được một dòng chữ nào của báo chí nhắc đến. Hay đấy không phải là chuyện “ giật gân” không câu được khách, không bán được báo? Hay đấy là chuyện hàng ngày, việc của  các thầy  cô phải dạy dỗ con trẻ để ăn lương nhà nước nên có gì mà đáng ngợi ca?
     Cứ nghĩ mà xem,  mỗi nhà dạy vài đứa con để thi đỗ trường này trường nọ đã rối rối ren ren cả nhà, thậm chí cả dòng họ , thế mà hàng năm mỗi  thầy cô giáo phải “ lùa”  vài chục học trò vào trường đại học, điều này ai là người thấu hiểu? Cho nên mình cảm nhận về  cái câu “ công ơn thầy cô”  ra rả trên truyền thông sao mà sáo rỗng cứ trôi tuồn tuột như nước chảy trên đá cuội ?
      Thế mới biết nếu tất cả  mọi nghề đều chịu sự chi phối của đồng tiền, thì nghề giáo chịu hậu quả nặng nề nhất. Khi đọc những tin ấy, sẽ hình dung ra bức tranh nghề giáo mang một màu xám xịt, hàng triệu triệu phụ huynh sẽ nghi ngờ, sẽ soi mói lại  năng lực và phẩm chất của Thầy Cô  dạy con mình. Đồng thời Thầy  Cô  cũng phải cay đắng chấp nhận mọi sự dị nghị, cho dù biết thừa rằng  trong hàng triệu người làm nghề dạy học,  thì với vài trường hợp kể trên, chỉ là hiện tượng quá ít ỏi, so với sự tham nhũng và tật xấu xa  của các ngành khác, mà thời buổi hiện nay thì nào có thiếu gì?
     Hơn nữa còn là do cách nhìn  hiện tượng của phóng viên báo chí, phần lớn họ đều hiểu về đối tượng một cách hời hợt, cho nên sự việc không được gọi đúng bản chất, và vì thế người tốt bị dìm một cách oan uổng, mà cô giáo trong vụ “ Canh gà Thọ Xương” là một ví dụ điển hình. Chả thế mà đã có chương trình phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, cô phóng viên đã bị người được phỏng vẫn hỏi lại ngay rằng “ thế nào là suy thoái kép?” khiến cho cô ấy lúng túng, không giải thích được, vì không hiểu rõ cái vấn đề đưa ra phỏng vấn.
    Nhìn bức tranh giáo dục như  thế, ai mà chẳng bi quan, lại chẳng nghĩ rằng chả biết  có nên” tôn sư trọng đạo” nữa hay thôi ? Đến mức mà đã có một sáng kiến là nên bỏ khỏi nhà trường cái khẩu hiệu “ tiên học lễ….’’, và cái vị quan chức ấy giải thích lễ ở đây là “ lễ bái…”.  Thế là công lao Thầy Cô bị mang ra so sánh với giá trị “ Việt Nam Đồng”, mà cái đồng Việt Nam bị xuống giá vùn vụt, nên “cái giá” của \Thầy Cô càng ngày càng chẳng được nâng lên tẹo nào.   
     Có  một thứ mà  dường  ai cũng quan tâm  là “văn hóa  phong bì”, nhất là trong cái thời buổi “ gạo châu củi quế’ này, khi mà chỉ số  lạm phát tăng vùn vụt.  Chả biết cái cụm từ “ văn hóa phong bì” xuất thân từ đâu? nhưng mình cầm chắc là nó được sinh ra từ cửa sau của nhà  quan chức chứ dứt khoát không phải từ cửa trước của nhà giáo. Cái gọi là văn hóa phong bì này liên quan đến việc ( bị, được, phải) thăm hỏi Thầy Cô nhân ngày nhà giáo 20/11.
      Ban đầu, ai cũng hiểu chữ “ thăm” ở đây là “tôn sư trọng đạo”, nhớ hồi học lớp 4, hình như là  năm 1974 gì đó, bọn mình đi thăm  cô giáo chủ nhiệm với quà là một bó hoa dâm bụt với mào gà và  1 bó mía to đùng , chào cô xong là cả bọn quay ra chén hết bó mía mang đến, nhưng vui ơi là vui và  thấy  tuổi thơ thật đáng yêu vô cùng.
     Hồi mình mới bước chân vào nghề dạy học, khoảng những năm 1986, học trò vẫn đến thăm cô bằng mít dứa nhãn hái ở vườn nhà, cô và  trò cùng ăn và ríu ran chuyện  trường chuyện lớp, mít và dứa còn xanh thì đủn vào  gầm giường của cô giáo trong gian phòng tập thể, đợi chín đến ăn tiếp, những ngày đó mình thấy yêu nghề lắm lắm ấy.
      Hồi đi học Cao học, trở lại thời học trò, có lần  thay mặt tập thể lớp đến thăm Thầy giáo  bằng hoa và phong bì, thầy nhận hoa, còn phong bì thầy kiên quyết trả lại “ để đưa  vào quỹ lớp” làm cho mình thấy  kính trọng thày gấp bội,  nhưng xấu hổ vô cùng, mình đã học được bài học là không nên lấy đồng tiền tầm thường hóa tình cảm, làm cho bản thân mình trở thành rẻ rúng .
     Mình nhớ đến  người Nhật có hẳn một nền văn hóa gói quà, một nền công nghiệp sản xuất nhưng tấm vải để gói quà, vì hồi sau chiến tranh đời  sống người Nhật cực kỳ thiếu thốn, những tấm vải trở nên vô cùng quý giá, cho nên để tỏ lòng yêu quý khi tặng quà, họ dùng những mảnh vải để gói quà tặng, và ngày nay đã trở thành nếp văn hóa truyền thống đẹp của người Nhật. Còn người Việt Nam đã có sẵn truyền thống đẹp là hiếu học và tôn sư trọng đạo thì lại làm cho truyền thống ấy bị mai một, biến tướng đi thành một dạng khác, thực dụng đến mức phản cảm.
     Ngày nay, những  chuyện vốn là đạo nghĩa ấy trở thành đề tài nóng bỏng cho báo chí với những nhan đề kiều như : “  phong bì đi thày cô bao nhiêu tiền; quà cho thày cô…v.v.   Những cái phong bì sẽ “nặng’ gấp nhiều lần khi được  đếm theo kiểu  tính trung bình là mỗi lớp có ngần này học trò, vị chi là ngần này tiền, rồi đưa ra bình luận là nghề cô giáo kiếm tiền thật là dễ dàng. Khi đọc những tin này, cảm giác của mình là “ đau” trong “ bụng”, kiểu như đau dạ dày, và sau này thành phản xạ có điều kiện, cứ nhìn vào những “ tít’ ấy là mình đau theo kiểu trào ngược thực quản.  Mình cảm thấy  xót xa vì thiên hạ rẻ rúng Thầy Cô của con họ, vì mình luôn nghĩ muốn tôn trọng người thì trước hết phải biết tôn trọng chính mình, không biết khi đặt cái “ tít” như vậy , truyền thông đang tôn trọng ai? Tôn trọng cái gi?
     Ngày nay, thông tin được mở rộng vô cùng, mình lập facebook trước hết là để hiểu con trẻ, để cùng đồng hành với lứa tuổi của con trai,  và khác với đồng nghiệp, mình mở cửa facebook để cho học trò vào thoải mái, cũng là cơ hội biết bọn trẻ như thế nào. Mình  đọc được một cảm nhận về ngày 20/11, rằng đi chơi nhà thầy cô cả ngày, mệt nhưng vui cực kỳ, vì có những cuộc này mới hiểu thêm rất nhiều, đằng sau cái nghiêm nghị thường có trên lớp  trên là  những phát hiện:  có cô thì teen vô cùng;  có cô thì thông thạo  hết mọi trò “gạo” của trò; có cô thì nói chuyện hay ơi là hay; và cùng giống nhau là đến nhà các cô đều “ đập phá” mọi loại hoa quả bánh kẹo, nên thấy “ yêu các cô vô cùng”, và nghĩ rằng “ mình phải học thật tốt” vì các cô giáo đều  đáng yêu lắm. Đọc những dòng này, mình vẫn thấy con trẻ ngây thơ đáng yêu như lứa tuổi chúng vốn đang có, và con trẻ không hề có lỗi trong cái gọi là “ văn hóa phong bì” . Mình lấy làm tiếc lắm lắm, sao báo chí không có góc nhìn như thế này về ngày 20/11, ngày nhà giáo?
 Mình thường nghĩ, cuộc sống này vốn không dễ dàng gì, để tồn tại được con người luôn phải phấn đấu rất  vất vả. Nhưng nếu cứ nghĩ về những cái khó khăn, dễ làm cho ta bị nản, chi bằng cứ lưu giữ những điều  ngọt ngào để thấy cuộc đời đáng để yêu nhiều hơn ta tưởng. và mình luôn yêu những tâm hồn trong trẻo, tươi tắn của tuổi học trò như những đóa hoa mình nhận được trong ngày nhà giáo.
                                                  Viết xong 24 h ngày 22/11/2012








8 nhận xét:

Unknown nói...

Chị M.H xinh gái! Khi chị đăng ảnh vào bài viết,chị nhấp chuột vào chữ "sửa" hiện trang sửa.chị nhấp chuột vào từng ảnh,nó hiện chữ "nhỏ""vừa""lớn"....chị cứ thử nhé,chị SẼ LÀM ĐƯỢC MÀ KHÔNG CẦN AI NGỒI CẠNH ÔM EO để giúp đỡ đâu.
(bức ảnh thứ 2 dưới lên chị để quá cỡ đó)

Unknown nói...

cam ơn em gái Hông Nga vừa xinh vừa dịu dàng! chị là dốt về cái món CÔNG NGHỆ MẠNG này lăm cơ! Chị sẽ cố gắng kiếm ai đó để vừa ÔM EO vừa LÀM! Có lẽ như thế thì học bài nhanh thuộc hơn!Nói nhỏ em biết này, từ sáng đến bây giờ chị mới biết mở trang của chị đấy!À! xuýt quên CHÚC MỪNG NĂM MỚI, chúc em gái cứ mãi xinh tươi như thế nha!

Unknown nói...

Mec ghé thăm chị đây. Chúc chị một tối thật an lành nhé!

hoa huong duong nói...

Kính chào Bạn đồng nghiệp.
Tứ ngày blog @yahoo.com đóng cửa
không gặp lại bạn.
Hôm nay mới chuyển đến nhà mới.
gặp lại bạn,, chúc vui vẻ .

thienquy888.blogspot.com nói...

Kinh moi ban huu Mai Huong thuong den thinh phap...rat huu ich cho cuoc song cua ban...Nam mo Dia Tang Vuong Bo Tat....

hoa huong duong nói...

Đã nâu không gặp , chào cô giáo Mai hương..

Unknown nói...

Bác Hướng Đặng Ngọc! lâu lắm em không vào blog, quên mất cả i meo nè! em cháo bác!chúc bác mạnh khỏe viết nhiều ạ! ( hihi hơn em)

Unknown nói...

Mec ghi! chào em! lâu lắm mới gặp! vui quá!