Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

GIÓ LÙA QUA VƯỜN


Truyện ngắn:  Phan Thị Mai Hương


 Bất ngờ! choáng váng ! hụt hẫng! hoài nghi !không thốt được nửa lời! ấy là lúc tôi được người ta báo tin.
Tôi ngồi bên chị. Và chị im lặng. Và tôi cũng im thin thít. Giống như khi chị và tôi giận nhau. Nhưng khác khi tôi và chị giận nhau. Chị không phồng mặt lên tức giận, hay không vênh mặt lên tỏ vẻ bất cần tôi. Chị lại còn trang điểm phấn son nữa chứ. Da trắng nhợt. Môi đỏ choét.
Sao lại có thể như vậy được? Chị tung tẩy và hớn hở như một đứa trẻ được quà. Tao đi kiểm tra sức khỏe đây! Mày có đi không?  Thèm vào mà đi! Em chưa bị hâm như chị! ở nhà còn yên tâm, tự nhiên dở hơi đến bác sĩ rồi để mà mua hàng đống lo vào người ấy à? Bói ra ma, quét nhà ra rác, đến nhà bác sĩ khỏe như voi cũng bới ra vi trùng,  là có bệnh tất. Cái miệng xinh xắn của chị dẩu lên. Mày mới là đứa dở hơi, có chồng con thế phải biết nghĩ đến bản thân chứ. Lỡ có bệnh tự nhiên chết có phải phí đời không? Tôi cười phá lên. Bà hâm ơi! Chết có số đấy, có phải muốn mà được đâu! Đôi mắt đen thẳm chợt long lanh. Tao ấy à ở một mình, có ai yêu đâu, chết lúc nào chả được, có gì mà tiếc. Nhưng tao muốn sống lắm. Tuy nhiên sống thế này thì chán quá!
Đấy là câu cửa miệng chị có thể thốt ra với tôi bất cứ lúc nào. Tôi đâm quen với cái kiểu nói của chị, bộ mặt trái xoan lúc bình thường thì rõ xinh và tươi tắn, khi nói câu ấy lại chùng xuống tiu nghỉu, nhưng liền lúc cái miệng nhỏ phá lên một chuỗi cười giòn rã, như thể “cái chán” ấy bay đi mất tiệt làm chị tiếc đứt ruột vậy!
 Em biết không? Lão ta rõ tởm! Chị kể mà như đang quát ai đó, cái mũi hơi hếch lấm tấm mồ hôi trên bộ mặt tức giận đỏ bừng trông lại càng đanh đá. Thế chị đập cái xẻng vào mặt lão ta à? May mà không gây ra “ án mạng” đấy? Chị cười phá lên. Tao đang ở trong vườn, lão ấy xông vào ôm, tao vớ ngay cái xẻng nói “ sẽ đập chết” lão ấy liền chạy mất.Tao đã kịp đập cái nào đâu? Nhưng tao sẽ đập cho thật đấy! đừng tưởng tao sống một mình mà bắt nạt? Loại ấy à, chẳng thà tao đi chịn vào gốc cây! Tôi cười ngặt nghẽo. Trời ơi! Lão ấy không biết là đã trêu vào tay “bà La Sát” rồi?  “ lão ấy” chính là cái gã góa vợ, mới chuyển về cơ quan cùng đợt với tôi. Chị nhìn thẳng vào mặt tôi đột ngột thay đổi “ đề tài” , mày có hạnh phúc không? Hỏi gì mà khó! Tôi phụng phịu, chị hết chuyện rồi hả? em về ninh xương nấu cháo cho cu Bi đây! Đôi mắt tinh quái của chị nheo lại, này con ranh, suýt nữa tao phải gọi mày là cô đấy, vì thằng ấy là chú họ của tao mà!  Này ! nói thật nhá! Tao tiếc cho hai đứa mày! Tại đứa nào gây ra hả? Giá như mày làm cô của tao!  Còn nếu tính tuổi thì mày phải gọi tao là cô ấy chứ! Chẳng gì tao cũng hơn mày những 18 tuổi cơ mà. Tôi cười làm hòa, vâng thưa “bà trẻ” con  chỉ có 23 tuổi thôi ạ, nhưng con phải đi nấu cháo đây, không thì cháu “bà” sẽ chết đói mất.
 Chị mơ màng, khuôn mặt trái xoan hơi lẹm nơi cằm, như phủ một làn sương. Ở cái nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi, chỉ có núi non thống lĩnh này biết kiếm đâu ra một thằng đàn ông tử tế bây giờ? Chị  ngồi dậy, vươn tấm thân tròn lẳn,  với cái gương và cái lược chải lại mái tóc uốn quăn rất điệu. Ngày đầu tiên, từ thành phố đến cái huyện heo hút toàn là núi đồi này,  tôi ngạc nhiên vô cùng vì ở nơi thâm sơn cùng cốc này , tìm đỏ cả mắt không ra một hiệu làm tóc, mà lại hiện diện một mái tóc uốn rất điệu đà, làm tôi thấy thiện cảm với chị ngay. Tôi còn ngạc nhiên hơn vì biết xuất xứ của mái tóc uốn ấy là nơi cách đây 40 km, chỉ toàn có núi đá với tắc kè. Ấy là chị kể về quê chị như thế. Và đấy cũng là lý do chị không về phục vụ quê hương sau khi tốt nghiệp đại học. Cái môi bĩu ra nguýt : “ con ngố”, khi chị biết tôi vào đây công tác với lời hứa “ sau một năm sẽ cho về thành phố” của một vị lãnh đạo Sở, vốn là bạn của bố tôi.
 Hôm nay mày có biết tao đi đâu không? Ừ nhỉ? Mải bận rộn việc nhà, con  trai tôi mới 14 tháng, được ngày nghỉ thì lại ninh nấu, cháo lão cho con và tranh thủ giặt giũ mọi thứ, mà nước thì hiếm như vàng ấy, chồng tôi phải đi gánh nước về ăn ở nơi cách 2 km. Còn giặt giũ thì phải kéo nước từ cái giếng đất nông choèn, cạnh con suối cạn, có màu đục lờ lờ và đánh phèn để lắng xuống. Nơi này toàn đá, nên đào giếng rất khó có nước. Bận thế, làm sao tôi kịp biết chị đi đâu vào ngày chủ nhật?
 Ngố ơi, tao đi đám ma Hậu đấy! Tôi giật mình, sao chết hả chị? Không quan tâm đến câu hỏi của tôi, dường như chị đang thả hồn đi lang thang tận đẩu tận đâu, ở nơi xa tít nào đó. Mày biết không? Cả nhà đồng ý cho tao “ đội khăn “ đấy! Nhìn vẻ mặt buồn bã, nhưng có chút kiêu hãnh vì được thỏa mãn của chị, tôi cố mím môi nhịn cười. Vậy thì có nghĩa lý gì cơ chứ? Chị đã không lấy anh ấy mà! Có mà chưa thành kẻ thù là may cho chị đấy. Đôi mắt nhấp nhánh nước như đang sắp buông nỗi buồn xuống,  chợt nheo lại ngấm nguýt. Đúng là “ con ngố”! Rồi chị giảng giải: đúng là hai nhà đã chuẩn bị đám cưới, đã làm lễ ăn hỏi, và đúng là tự tao đã đội một mâm trầu cau đi trả nhà ấy, nhưng theo tục lệ ở miền núi này, nếu không nên duyên vợ chồng thì vẫn được coi như con gái trong nhà. Tao muốn “đội khăn” cho anh ấy vì thương quá, ai lại chết trẻ thế, mới có 42 tuổi thôi! Mà chết đau đớn lắm, xơ gan cổ chướng nên bụng to như người chửa 7 tháng. Sao chị biết? thì tao đi thăm hôm chủ nhật tuần trước mà! Chị soi khuôn mặt vào tấm gương nhỏ như muốn tìm cái gì, nếp nhăn mờ trên cái trán trắng mịn như giãn ra. Nhưng may mà tao trả trầu cau, nếu không bây giờ tao là bà vợ góa với một lô con cái. Tôi dịu dàng. Chị ơi, thế chị không yêu anh ấy sao lại để cho nhà người ta ăn hỏi? chị quay phắt lại . Ngố ơi! nếu tao biết tại sao thì còn nói làm gì, ngày ấy tao cũng vừa ra trường như mày bây giờ ấy! Và Hậu là người đàn ông rất tốt bụng, tốt lắm ấy! Nhưng tao biết chắc chắn một điều là cần phải làm thế, cần phải đi trả lại lễ ăn hỏi, và tao đi một mình, không cần phải nhờ  ai cả. Khi lần đầu tiên nghe chị kể chuyện này, hình dung ra chị một mình đội đủ một mâm to tướng, đầy ụ lễ ăn hỏi đến nhà trai để trả lại, tôi đã thán phục chị vô cùng.
 Ngố này, sao lại chán đến không thể chịu được thế này nhỉ! Tôi ngắt lời,  không để cho chị tiếp tục bản “trường ca” của mình nữa. Sao lại chán, tại chị không muốn đấy chứ. Thế chiều nay chị đuổi anh Dũng về rồi à? Chị lườm tôi: chả về thì sao? ở đây đã một tuần rồi. Chị cười cợt. Không về á, con vợ nó lên tìm thì nó cắt cổ! Gò má có vài nốt tàn nhang mờ mờ của chị chợt ửng hồng lên. Này, biết không? ngày xưa, hai đứa tao yêu nhau lắm, nhưng chỉ nắm tay nhau và hôn má  thôi. Sau đó đơn vị hắn chuyển đi đột ngột, bặt tin từ bấy đến giờ. Nhưng hắn vẫn còn yêu tao lắm nhé! Nếu không yêu sao lại lặn lội ngót 300 cây số tìm đến đây? Hắn bảo biết tin tao ở đây là đi liền đấy!  Tôi xì một cái, trêu chị . Thì “ tình cũ không rủ cũng đến mà”! chị  nguýt tôi, cái nguýt  dài hơn cả đường về quê anh người yêu cũ. Mày chả hiểu gì về tình yêu cả.. Thế mà cũng đòi lấy chồng! Nhìn bộ dạng chị, tự nhiên tôi tin hạnh phúc là thứ có thật
Sống mãi thế này tôi cũng không biết được là có chán quá không, khi mà tôi cứ rối bù trong vòng quay của mình.  Công việc thì nhàm chán, lương đủ sống một tuần, đã thế thỉnh thoảng còn bị thay thế tiêu chuẩn gạo bằng phân đạm nữa chứ, nên luôn nghĩ cách ăn cắp thời gian làm thêm việc gì đó, kiếm tiền mua chút xương lợn nấu cháo cho con, hay là đi ngót 2 km gánh nước về tắm rửa và giặt giũ, vì làm gì có tiền mua nước. Tôi quên chưa nói đấy là thời bao cấp của những năm 1980. Còn cái gọi là tình yêu của tôi thì tôi chắc là nó đã bị chìm nghỉm và biến mất trong cái vòng quay nghiệt ngã và hỗn độn ấy rồi. Cho nên dù ở cách nhà chị một khoảng vườn ( cũng phải dài đến 200 m) tôi cũng không biết chuyện xảy ra ở nhà chị, vào sáng nay.
Em chán nghe cái chuyện đấy, phải không? Chị mở đầu câu chuyện như thói quen có chữ “ chán” trong lời nói. Tôi vừa thấy ghét, vừa thấy tức, vừa thương chị. Tại sao lại có chuyện chị bị đánh ghen? Mà  anh ta là ai? Chị dài giọng, và có phần nhí nhảnh. Ngố ơi, không nhớ tay lái xe ủi mà chị vẫn thuê vào đánh đá trong vườn hả? Ôi trời! đến nước này thì còn gì để nói nữa. Đúng là “bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Tôi giận chị thật. Tính tôi xấu thế đấy, khi ghét tôi không muốn nhìn mặt.
  Ngố này, không thấy chán sao? Khi không thèm nói chuyện với chị? Không muốn nhìn thấy chị, hả? Cái cằm lẹm của chị hơi hất lên, mắt  nheo lại vẻ bất cần, nhưng thoáng chút tủi hờn. Bận kiếm tiền chứ gì? Chị dài giọng ra, với vẻ đùa cợt làm lành . Khi nào giầu cho chị vay làm đám cưới nhé? Giọng chị chùng xuống. Đừng giận chị. Anh ấy làm hết cho chị bao nhiêu việc đấy. Toàn công to việc nặng, phải cần đến tay đàn ông ! này nhé, phá quả núi đá sau nhà, làm sân, đào giếng. Em lên nhà chị mà xem, giếng tuy sâu nhưng rất nhiều nước. Bây giờ em không phải đi gánh  nước xa nữa đâu. Và cái giếng rất sâu và có nhiều nước trong ấy đã làm tôi nguôi giận. Tôi tin lời chị nói là cái giếng ấy có ‘ nước rất trong”. Dẫu gì tôi cũng muốn chị được uống “nước trong”.
 Giọng chị chì chiết như đay nghiến.  Sống như chị thế này thì có gì mà thích cơ chứ! Rồi chị bĩu môi, dài giọng ra nhại lại tôi.Thà em được sống như chị! Đúng là loại trẻ ranh mới nói thế! chỉ lắm chuyện, vợ chồng khúc mắc chuyện nọ chuyện kia là bình thường, bát đũa còn có khi xô kia mà , giận nhau một tí mà cứ làm y như “cháy nhà chết người” không bằng! Đúng là con ngố! chị ngừng lời. Đột nhiên tôi thấy ánh mắt và nụ cười chị rạng rỡ . Chị thì thầm. Chị muốn thay đổi… Ngố ạ! Anh ấy muốn được sống với chị! Tôi dè dặt. Thế còn…? Chị liền cướp lời tôi, và thả ra một tràng dường như sợ nếu ngừng lời thì sẽ bị mất hết vậy. Anh ấy nói sẽ ly hôn, vì không thể tiếp tục cuộc sống “ đồng sàng dị mộng”, như vậy sẽ khổ lắm. Chị sẽ chăm sóc ba đứa con của anh ấy, cho dù những đứa trẻ ấy sống với bố hay mẹ! những đứa trẻ cần được học hành chu đáo em ạ! Nghe chị nói, tôi cảm nhận dường như chị đang thỏa thuê bơi lặn trong biển tình yêu, ngụp mình trong con sóng hạnh phúc, chứ tôi không hiểu đấy là kế hoạch lãng mạn nhất cho  tình yêu  ở  trên cõi đời này mà tôi được biết. Mà  tận khi gần bằng tuổi chị tôi mới hiểu được sự khó khăn trắc trở của con đường hạnh phúc mà chị đã vẽ ra một cách nhẹ tênh như vậy, nếu không nói rằng muốn thực hiện nó phải có nghị lực phi thường. Và biết đâu chị sẽ thực hiện được kế hoạch ấy, chị không chịu thất bại đâu. Nhưng lúc đấy thì, ngay lập tức, tôi tin lời chị vô cùng.
 Ngố này! Chị nghĩ kỹ rồi, không thể để “ nó” như thế được! “ Nó” chính là một một khiếm khuyết nhỏ trong cơ thể của chị, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nếu phẫu thuật thì vô cùng đơn giản. Chị đi “cắt”  đây! Tôi tròn xoe mắt nhìn. Chị thản nhiên. Dào ôi! có gì đâu mà em phải lo lắng cơ chứ? Dù sao  nói đến chữ “ mổ” tôi vẫn sợ chết khiếp. Tôi đã bị mổ khi sinh cu Bi, dấu tích để lại là vết sẹo dài như một con rắn nằm trên bụng. Ôi chà! Cái đấy thì có sao đâu, chị đã chung sống với nó ngót 20 năm rồi còn gì? Ngố ơi, chị đã hỏi cẩn thận rồi, bác sĩ nói chỉ là tiểu phẫu thôi mà! yên tâm đi! Có bạn chị dẫn đến nơi tin cậy. Thế nhé! Chị hớn hở và tung tẩy như trẻ con được mặc áo mới trong dịp Tết. Thế chị đi bệnh viện thật sao? Chị cười thật xinh. Chứ lại không á? Muốn làm việc gì cũng phải có sức khỏe. Chị nói như hô khẩu hiệu, xong rồi thả ra chuỗi cười trong trẻo và giòn tan như như chuỗi hạt thủy tinh.
 Tôi chẳng thể nào hình dung ra được. Tôi ngồi im lặng như những hòn đá nằm trong mảnh vườn nhỏ của chị, vô hồn, bải hoải, rã rời hứng từng cơn gió hoang lạnh. Chợt có lúc cũng muốn gào lên, nhưng lại thôi, nghĩ để làm gì cơ chứ? Ôi chà! trang điểm phấn son kiểu gì thế không biết? Da trắng nhợt. Môi đỏ choét. Nếu là ngày thường thì chị sẽ chửi cho chết đứa nào dám trang điểm cho chị như thế. Chị vốn có tiếng là đáo để mà! Còn bây giờ ai muốn bôi thế nào thì bôi, chị im thít chẳng phản đối gì cả.
Tôi ngồi bên chị. Còn chị nằm dài thườn thượt như lúc đang  khoái chí nhất và sắp bắt đầu kể với tôi một chuyện gì đó mà chị thấy thú vị. Nhưng không phải là ở trên giường để cười rúc rích với tôi, mà chị nằm trong một cái áo quan. Vì đơn giản là chị đã chết. Lý do cũng vô cùng đơn giản. Cái phẫu thuật nhỏ ấy được làm ở một cơ sở y tế tư nhân, và ba ngày sau chị chết vì nhiễm trùng vết mổ.
 Tôi ngồi bên chị. Nhưng bên tôi không có chị nữa. Tôi thấy cái áo quan là đồ  rẻ tiền, là  hàng chợ, đến cái màu đỏ của nó cũng nhợt nhạt. Chị làm sao mà thích nó được? Hình như chuỗi cười của chị đang lơ lửng theo làn khói trầm mà bay lên cao.
                                                                   Viết xong 1h 38 – 3/10/ 2008.

Không có nhận xét nào: