Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

GIÁ TRỊ THỰC Ở NƠI ĐÂU


                                                         Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Tôi làm cái nghề chả liên quan gì đến giá cả, chả có họ hàng gì với chữ “kinh tế”. Nhiều khi đi ra chợ cứ hí hửng bởi “ em chỉ bán rẻ cho chị thôi đấy nha”! Ngọt ngào ấy làm cho về nhà cứ sướng râm ran  được hàng nửa ngày, sao thấy cái bản thân mình có giá trị thế? Ít nhất thì cũng bằng cái mớ hàng mua được …rẻ. Nhưng hết lúc “ tự sướng” thì tỉnh ngộ,  thấy…muốn ngất xỉu! Ờ, vậy giá trị thật nằm ở lời nói hay món hàng?
       Thế  là hì hục tra từ điển tiếng Việt, không phải loại từ điển khổ to để ôm được, khổ nhỏ đút túi quần, bán nhan nhản ở quầy sách vỉa hè đâu nha! Đây là từ điển “ xịn” của “ Viện Ngôn Ngữ Học” ( Viện Khoa Học Xã Hội)- xuất bản 1992, to đùng, dầy cộp, nặng cỡ 1 kg. Mở ngoặc một chút, tôi giữ cuốn từ điển này như báu vật, đồng nghiệp hay học trò mượn một thời gian là tôi phải thu hồi về ngay, nhưng đến nay nó cũng bị nhàu nhĩ vì tần xuất sử dụng quá lớn. Nói thế để thấy độ tin cậy của cuốn từ điền Tiếng Việt này là rất cao, phải 99,9 phần trăm, giống như tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT năm nay của một số trường  vậy.
        Xem nào! Đây rồi! Ôi, nhiều quá đi, riêng từ “giá” có tới 30 nghĩa, bỏ qua những ý nghĩa về cây cối, thời tiết, đồ vật, thì gồm có những nghĩa sau: Giá là  biểu hiện giá trị bằng tiền; Giá là  điều kiện thuận lợi giả thiết; Giá áo túi cơm là  hạng người ăn hại, không có ích gì cho xã hội; giá chợ là  hàng hóa được thả nổi trên thì trường tự do; giá cả cố định là  dùng tính giá thống nhất trên thì trường tự do; Giá họa  là gây tai họa cho người khác
Từ “ giá trị” ít nghĩa hơn, gồm có: Giá trị là cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, đáng quý về một mặt nào đó; Giá trị sử dụng là công dụng của một vật phẩm có thể thỏa mãn một nhu cầu sản xuất hay tiêu dùng nào đó của con người; Giá trị trao đổi thể hiện ở tỉ lệ trao đổi giữa hàng hoa này với hàng hóa khác; giá trị thặng dư là phần do giá trị do lao động của công nhân tạo ra vượt quá sức lao động của họ. Chả biết bạn đã đau đầu chưa, còn tôi thì thấy quá mệt trong cái đám ý nghĩa rối rắm  này rồi, bởi khả năng phân biệt mang tính kinh tế của tôi kém lắm.
        Nhưng tôi còn đang bị đau đầu hơn bởi nỗi phân vân về những giá trị đang tồn tại ở quanh mình. Nói là không nghĩ gì theo kiểu “ mac ke no” ( mặc kệ nó) thì chẳng hóa ra mình thuộc loại vô cảm à? Thế mà có lần đã cho học sinh viết bài luận “ suy nghĩ về sự thờ ơ, vô cảm” rồi đấy. Chẳng lẽ lời nói không song hành cùng việc làm à? Phải biết ngượng chứ đừng nên làm đứt dây thần kinh xấu hổ. Nói là suy nghĩ, ờ,  thế mà suy ngẫm tí ti thì lại thấy mình bị “xtret” không chịu nổi, thì lại tưởng tượng mình đang đi…Châu Quỳ ( tên gọi bệnh viện tâm thần Trung ương). Thành ra đang chả biết mình đang tồn tại ở cái dạng gì đây?
        Thử hỏi không đáng đi viện tâm thần sao? Khi mà mở báo mạng ra với hy vọng là tăng thêm vốn hiểu biết về thời sự, kinh tế, văn hóa đích thực, thì lại gặp hoa hậu bán dâm, chân dài định giá, nhà văn bàn bạc, nhà báo bình luận, nhà tâm lý phân tích v.v…Thôi thì cứ là loạn cả lên vì mỗi cái chuyện đâm dâm loạn loạn. Cứ như là sao Chổi đang quẹt vào trái đất vậy, mà người xưa quan niệm khi sao Chổi quẹt vào Trái đất tức là năm đó dân gian bị tai họa, hạn hán, lũ lụt, thiên tai địch họa.  Ngày nay, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học nên Sao Chổi được minh oan. Thật đáng đời cái thói cứ đổ tại, theo kiểu: 
                      Mất mùa là tại thiên tai
                    Được mùa là tại cái tài nhà nông.
      Mà cứ coi “ chân dài” dài bất tận như cái đuôi của sao Chổi đi thì cú quẹt này có vẻ đáng giá lắm đấy. Cơ man là những bài bình luận, bình phẩm, nêu hiện tượng, họp báo, phỏng vấn ý kiến các hoa hậu, các  người đẹp có tên và không có tên, các nhan sắc đã nổi tiếng, các nhan sắc sắp tai tiếng, mang tên A, B, C, D…XYZ. Nếu cụ Nguyễn Công Hoan sống lại chắc lại có tác phẩm dài vô tận  nhiều kỳ “ thế là mợ nó đi Tấy”, và chắc chắn cụ ấy sẽ giàu lắm, vì bán được cơ man là  nhiều chữ. Nhà thơ Nguyễn Bính từng có giai thoại về  đếm chữ để tình tiền nhuận bút rồi đấy. Khi ấy, mình có nên cậy biết chút ít văn chương, có lẽ nên đánh đường làm quen vay cụ ấy ít tiền chăng? Cũng là để hiểu biết thêm về giá trị thực của chữ? Xem ngần ấy chữ quy ra “ Việt Nam đồng” là đáng giá bao nhiêu? Chứ cứ  tính bằng “ u ét đê” thì mình lại như gà mờ cho coi.
      Thế là “ chân dài” được dịp nổi lên, nhấn chìm cái “ Ụ Nổi”. Thì tôi đã nói rồi, chả hiểu gì về kinh tế, cả đời chưa nhìn thấy đồng “ U ét đê” vuông tròn méo dẹt ra làm sao, còn cái “Việt Nam Đồng”  được lĩnh hàng tháng thì chưa nhìn  rõ mặt thì nó đã cất cánh bay mất tiêu. Thế mà dám nghĩ về cái giá trị của cái Ụ NÔI đang trôi nổi tận thành phố Hồ Chí Minh , rõ là “đánh trống qua cửa nhà sấm”, “dám mùa rìu qua mắt thợ”. Cho nên, không dám bàn luận gì đâu, mà chỉ thở dài, cám cảnh  hộ cho cái Ụ NỔI, vừa nổi lên mấy ngày do báo chí khơi ra, những tưởng rầm rộ đàng hoàng mà xuất hiện, như hoa hậu được trao vương miện trong đêm đăng quang ấy, nay thì chìm nghỉm không thấy tăm hơi. Còn mấy cái thứ như “ Vi na lai” “ Vi na sin” thì biến mất từ bao giờ, có thấy nó đứng cùng ‘ chân dài” trên trang báo đâu. Đến như giá xăng giảm tận tám trăm đồng trên một lít mà cũng chả được ai mặn mà, nên cũng chìm luôn. Trộm nghĩ hay những thứ đó tự thấy mình “ chân ngắn”, nên không dám sánh vai cùng “chân dài” nhỉ? Đấy, bạn đã thấy đau đầu chưa? Bạn có phân biệt được giá trị thực của…bấy nhiêu thứ không? Mà  tôi đã liệt kê hộ bạn những ý nghĩa về giá trị rồi đấy nha? Tôi thì  chả làm được đâu. Nghĩ một tí mà đã muốn tê liệt nửa đầu rồi này.
Thôi thì đành hành hạ cái đầu của mình thêm chút nữa, để  quay trở lại điều đang băn khoăn, giá trị thật nằm ở lời nói hay món hàng? Tôi khẳng định giá trị thật có lúc nằm ở lời nói. Bằng chứng là  cứ nói ra đi, ắt cũng gây được hiệu ứng hân hoan, như tôi tự sướng về cái ngọt ngào của cô bé bán hàng vậy. Tôi dám chắc nhiều người cũng giống y hệt như tôi, nghe lời nói này nói nọ, thấy hay, thấy tin tưởng, thấy hy vọng, thấy bớt thất vọng, thấy đủ vốn mơ ước mà sống tiếp…cho đến đầu bạc răng long. Nhưng thú thật, tôi chả thích “ đầu bạc răng long” đâu, vì nhìn xấu chết đi được! Tôi thì không có tiền mua thuốc nhuộm lại tóc, trồng lại răng, để cho …đẹp. Mở ngoặc thêm là loại trí thức…ngủ như tôi chỉ nghĩ được đến vậy thôi là đã mệt lắm rồi.
Vậy khi nào giá trị thật nằm ở món hàng. Ôi trời, tôi lại “tự khơi” ra vấn đề phức tạp rồi,  bởi vì chả hiểu gì về giá trị  thực của nhiều loại hàng hóa đâu, may ra thì chỉ biết giá trị sử dụng của  hàng hóa thông thường như rau , quả, thịt, cá, còn những thứ khác thì mù tịt. Nhưng nếu nói về ý nghĩa ngôn từ, thì tôi biết từ “ hàng hóa” bây giờ có thêm nhiều nghĩa phái sinh lắm, tức là nghĩa bóng ấy mà, kiểu như :  khoe hàng; lộ hàng; phơi hàng;  dìm hàng; Ôi! Ôi!  nhiều không thể kể xiết. Nhưng ngẫm sâu hơn một chút sẽ  có cảm giác  bây giờ nhiều  thứ HÀNG đang bị DÌM lắm, cho nên cái chữ “ GIÁ TRỊ” nó cũng không theo nghĩa trong cuốn từ điển tiếng Việt cũ từ tận cái năm 1992 kia đâu, mà hình như các  GIÁ TRỊ THẬT đang bị tráo đổi, lộn xộn, lung tung.
         Cho nên tôi nghĩ không phải riêng mình tôi mắc bệnh đau đầu trở thành kinh niên đâu? Nếu theo hiệu ứng đô mi nô thì  liệu bạn có bị đau đầu không, khi đọc bài viết này? Nếu có thì tạm tha cho tôi nha, đừng mắng mỏ, gào rú như cú bị mất mồi,  kẻo tôi không dủ tỉnh táo để phân biệt các GIÁ TRỊ của lời  chửi đâu, rồi tôi sẽ phải đi Châu Quỳ để chữa bệnh mất thôi.
                                                                 Viết xong 1 h/   15/6/2012.

Không có nhận xét nào: