Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

TẢN MẠN NGHỀ GIÁO


                                                                Tản văn: Phan Thị Mai Hương
  Tôi đã từng đọc một cái tin vắn trên báo Giáo Dục & Thời Đại, rằng trong xã hội hiện đại này có 1 số nghề chịu nhiều áp lực nhất, đó là : Cảnh sát; phóng viên; bác sĩ; giáo viên;  người quét rác. Áp lực của  nghề khác thì tôi không biết rõ, chỉ nêu ra cho có thêm đồng minh thôi. Tôi chỉ nói về áp lực trong nghề giáo.
      Tôi  có một gia tài là  ngót 25 năm trong nghề giáo. Mọi vui buồn sướng khổ của nghề tôi đều trải nghiệm. Nói là không hay thì chả ai tin. Thói đời “ thấy đỏ tưởng chín” mà. Cái chuyện “ trong chán ngoài thèm” đâu có xa lại với ai? Nói là hay thì chắc đồng nghiệp lại ngấm nguýt “ nói như đồ dở hơi biết bơi”, đừng có mà làm cho người khác “ hớn hở như dưa bở”, “ngất ngây con gà tây”, rồi thì khối đứa lao vào sư phạm,  rồi ra  trường lại “ ngất trên cành quất” mất thôi.
      Nghề của tôi có vui không? Ai bảo là không? Này nhé, hoa nở rực rỡ trong nhà các ngày  20/11, 8/3 ( riêng 8/3 thì cô giáo còn được các thầy giáo tặng hoa ). Chúng tôi được đón nhận, trao gửi những nụ cười tươi tắn nhất, vì ai đến tặng hoa các thầy cô giáo  cũng mang nét  mặt tươi hơn hoa.
    Nghề giáo luôn sôi động nóng bỏng, nói như “teen” là  độ “hot” luôn ở mức cao, bởi nếu phát hiện học trò yêu, con ngoan của mình thường xuyên “học” trong quán “ nét” thì cả bố mẹ và thầy cô như ngồi trong chảo dầu sôi, nóng như trong lò bát quát của Thiên Đình trừng phạt Tôn Ngộ Không. Mà phát hiện được trò yêu của mình ở quán “nét” nào  là cả  một kỳ công, bởi chúng có đủ 72 phép biến hóa thần thông của Tôn Ngộ Không .
      Nghề giáo là nghề gánh vác nặng nề, vì  phụ huynh luôn luôn nói “ trăm sự nhờ thầy cô”! Làm cho mình cứ tưởng học trò là của riêng thầy cô giáo thôi. Bởi cứ ngỡ mình chỉ gánh vác “ 1 cái sự” học kiến thức là đã quá nặng nề rồi. Vậy mà còn thêm “ 99 sự nữa”. Nếu là bạn, bạn sẽ nghĩ sao? Bạn có mang vác được không?
“Gánh” ấy còn “nặng” thêm nữa, bởi thầy cô giáo  kiêm luôn quan tòa, phân xử mọi chuyện ở lớp cho công bằng từ những hờn giận trẻ con, chia bàn trực nhật vv…thậm chí cả  “vì sao bố mẹ em lại luôn luôn cãi nhau hả cô?”. Bạn có thấy “ nặng” không?
      Nghề giáo là nghề có cơ hội được rèn luyện tính kiên nhẫn. Thử hỏi không “ kiên nhẫn” thì còn biết làm sao khi tiếp nhận từ phụ huynh những lời rằng:  tôi bận rộn công việc làm ăn lắm, chả có thời gian đâu, mong cô thông cảm;  Tôi bận tối mắt tối mũi ấy, không có thời gian đến trường mà nghe cô kể lể đâu;  Làm sao tôi biết được là con tôi hư? tôi biết đâu đấy! tôi thấy nó đi vắng suốt, hỏi thì bảo đi học, có thấy mặt nó ở nhà đâu? Tại  sao khi nó mới hư cô không nói với  tôi? Tóm lại là bạn được học chữ “ nhẫn” một cách hoàn hảo nhất.
      Không chỉ học chữ “nhẫn” mà còn được học chữ “ nín nhịn” tuyệt đối luôn. Chứ không à? Này nhé, bạn đã bao giờ gặp tình huống bị cân điêu ngoài chợ chưa? Vài lạng thì không đáng kể gì, nhưng nếu là con cá tính thành tiền 1,4 kg, nhưng khi cân lại con cá ấy chỉ còn 0,8 kg? Mà tôi chỉ vô tình  nhìn cân, vì khi mua thịt để tạm cá lên đĩa cân của chị hàng thịt. Bạn vẫn phải lẳng lặng mang con cá ấy về, thở dài nghĩ coi như đánh rơi tiền. Vì nếu mang lại cho chị hàng cá, bạn sẽ không địch nổi với những lời lẽ rằng: tôi mà thèm làm điêu cho nhà chị à, cái con cá bé ranh ấy; tôi buôn bán cả đời ở chợ này có ai nói tôi cân điêu đâu; mỗi ngày tôi bán hàng tạ cá, có con cá bé tí mà phải đi cân lại; tiên sư đứa nào cân điêu rồi đổ cho bà;.v.v…  Phải lẳng lặng về thôi. Vì nếu có ý định bảo vệ lẽ phải của mình,  thì bạn phải biết gào to hơn chị hàng cá. Nếu định gào to hơn chị hàng cá  thì sẽ có hàng chục ( tạm ít thế) cặp mắt nhìn vào bạn, rồi sau lưng sẽ đầy rẫy dư luận:  Là cô giáo mà ra chợ cãi nhau; Cái cô giáo X,Y, Z…toàn cãi nhau ở chợ v.v… mà  không cần biết lẽ phải thuộc về ai. Vậy bạn có chịu nổi không?Thần kinh tôi kém lắm nên không mang được loại “ xì căng đan” này! Đành nghĩ thầm, cạch mặt cái  hàng cá ấy ra, cho lành! Vì tiếng lành thì  đồn.. ít thôi, còn tiếng xấu thì đồn..vừa  xa, vừa  lâu. Thêm nữa trăm năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!
Nghề giáo là nghề không dạy được con mình chữ nào đâu,  đến như chăm chút cho con ăn uống mà cũng không chu đáo được. Con trai tôi năm nay 25 tuổi. Hồi tiểu học, thì học trường Thực nghiệm. Thú thật ngày ấy, tôi không hiểu gì về mô hình giáo dục mới này, cho con học là vì Thực Nghiệm là trường duy nhất có bán trú, con cả ngày ở trường, mẹ có thể yên tâm ( không như bây giờ, các trường tiểu học đều bán trú). Cấp THCS thì học lớp chọn của  trường gần nhà. Câp THPT thì học trường Chuyên. Học xong Đại học thì làm kỹ sư thiết kế xây dựng. Điểm qua cái sự học của con để nói rằng tôi không dạy được con mình nửa chữ nào. Con tôi được như hôm nay là nhờ ở các thầy cô giáo của cháu nó hết đấy. Thật lòng mà nói, tôi vô cùng trân trọng và biết ơn những thầy cô giáo đã dạy con tôi.
 Nếu hỏi nghề giáo có hạnh phúc không? Tôi sẽ kể chuyện này. Cách đây 23 năm, tôi có một cậu học trò, học tôi mỗi năm lớp 10, vì em ấy bị ở lại lớp. Em ấy bỏ  học, phần vì nhà nghèo, phần vì chán nản bởi đúp lớp. Việc em ấy bỏ học làm tôi day dứt mãi, cho rằng lỗi tại tôi, rằng nếu tôi vớt được em ấy lên lớp 11 thì mọi chuyện đã khác. Em ấy từng làm nhiều nghề, đi xe bò, làm xe ôm, lái xe thuê, cửu vạn, sửa chữ xe đạp xe máy.v.v… Bất ngờ là  chủ nhật vừa rồi em ấy gọi điện và mời tôi đên thăm nhà. Ngôi nhà 3 tâng mới xây, khang trang, đồ gỗ trong nhà đẹp đẽ. Ngôi nhà của hai vợ chồng trẻ, cùng 2 đứa con. Em ấy nắm tay tôi và  khóc “ vì cô đã đến! cô đã  không quên em! Thế mà em nghĩ mãi mới dám gọi cô vì chỉ sợ cô không đến”. Em ấy khóc vì  biết là “ Cô đã từng nghĩ nhiều đến em, đã từng hỏi thăm em”. Còn tôi cũng rớt nước mắt vì mừng cho hạnh phúc đủ đầy của em ấy. Cần nói thêm là đến thăm nhà, tôi mới biết vợ em ấy cũng từng là học trò của  tôi, và là một cô bé rất ngoan. 
Bạn có hạnh phúc không? Nếu khi được đọc lá thư viết tay, của cô bé đã rời ghế nhà trường 10 năm, hỏi thăm cô giáo ngày 20/11. Thư viết: “ em đã khóc, vì khi em gọi điện cô nhận ra em ngay, nói Thảo chứ gì, cô quên làm sao được! tắt máy đi, cô gọi lại cho, sinh viên làm gì có tiền! ”. Tôi nâng niu lá thư viết tay đầy tình cảm ấy, vì  trong thời đại công nghệ thông tin này, cô bé ấy có thể gửi mail cho cô giáo cơ mà. Hiện giờ, cô bé ấy cũng là cô giáo. Bạn nghĩ sao về niềm hạnh phúc từ nghề giáo? Nó nhỏ nhoi? hay lớn lao? Chắc tùy theo quan niệm mỗi người.
Tôi nghĩ nghề nào cũng chịu những  áp lực, chủ quan từ chính trong nghề, khách quan từ tác động xã hội trên cả hai mặt tiêu cực và tích cực. Nhưng nghề giáo chịu nhiều áp lực nhất vì đối tượng lao động  là con  trẻ, tự di chuyển theo ý muốn nếu chúng không có ý định sợ cô giáo; là đối tượng biết học, biết chơi, biết cãi, thậm chí cô giáo chưa nói xong đã cãi xong. Nghề giáo là nghề có tác động tới mọi ngành nghề, mọi đối tượng trong xã hội, nên cái sự phức tạp càng tăng gấp bội.
 Những áp lực của nghề giáo, tôi nêu ra trên đây, là chưa hết đâu, còn nhiều lắm, nhưng vì sợ bạn đọc bị áp lực vì bài  dài, đọc mệt và chán, nên tôi kết thúc ở đây.
                                                                              2.6.2012

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

hôm nay c được đọc một số bài trong blog của cô hay quá,nhất là bài này làm con thêm yêu và trân trọng những con người vẫn đang ngày đêm miệt mài cống hiến sức mình ho mầm non của đất nước, để c biết rằng hoá ra vẫn có những người như vậy đang sống thật đẹp. Có lẽ chính vì ở giữa lòng thủ đô, những mối lo cơm áo gạo tiền và sự ganh đua lừa lọc ích kỷ đã làm thoái hoá không ít lương tâm của một bộ phận giáo viên, còn đâu cái nghề trồng người cao quý nữa đây.
p/s: rất vui vì được đọc những dòng tản văn của cô, con thích văn phong và bầu không khí đó biết bao, cám ơn cô!!!