Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH, NGƯỜI THẦY NHƯ TÔI ĐÃ BIẾT


1.Tôi đã biết về thầy như thế
 “Ôi giáo sư mà chỉ giản dị thế thôi sao?”. Đó là lời thốt lên của mẹ tôi khi lần đầu tiên bà gặp GS Nguyễn Đăng Mạnh trong lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ của tôi, dạo tháng 11/2007. Trong bộ vét màu xám đã cũ, áo sơ mi trắng, nhưng trông thầy trẻ hơn nhiều so với  cái tuổi đã hơn “cổ lai hy” của mình. Thầy chủ động và nhanh nhẹn bước đến chỗ mẹ tôi ngồi, vì bà khá rụt rè trong lần đầu tiên được gặp các giáo sư bằng xương bằng thịt. Sau này khi trở về nhà rồi, mẹ tôi vẫn luôn nhắc đến thầy Mạnh như một hình mẫu về lối ăn mặc giản dị, và ứng xử thân thiện.
Tôi không ngạc nhiên trước cảm xúc của mẹ tôi, vì trong ý nghĩ và sự tưởng tượng của bà, thì các giáo sư phải khác cơ, và chắc chắn phải sang trọng, lịch sự và xa cách lắm.
Tôi dã từng có ý nghĩ giống y hệt như  mẹ, và điều đó chỉ được thay đổi khi tôi may mắn được là học trò của thầy Mạnh. Ấn tượng đầu tiên mà tôi được thấy về thầy là sự giản dị. Điều đó, làm cho đám học viên xa nhà và có nhiều vất vả như chúng tôi thấy vô cùng thân thiện. Khi được gần gũi với thầy nhiều hơn, tôi mới thấy trong đời thường, dường như thầy chẳng bao giờ để ý đến hình thức bề ngoài. Tôi nghĩ một người có vốn văn hóa Pháp uyên thâm sâu rộng như thầy, chắc thấm nhuần câu ngạn ngữ “ chiếc áo chẳng làm nên thầy tu”.
Sau những khoảnh khắc may mắn được ở bên thầy, tôi nhận thấy một điều là thầy chẳng bao giờ quan tâm đến tiền bạc, hay những thứ vật chất tương tự. Lần ấy, sau giờ giảng bài ở lớp Cao học (K15, chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại) của chúng tôi, thầy định ra về bằng xe ôm, tôi liến lấy xe máy đèo thầy về. Để cho thầy yên tâm và tin tưởng vào tay lái của tôi, nên tôi nói là “em sẽ đi rất chậm thôi ạ”. Khi tới nơi, mới biết có một mình thầy ở nhà  – sau này tôi biết ngôi nhà ấy được sinh viên và các học viên Cao học gọi là nhà số 5 Gốc Mít, vì ở khoảnh sân nhỏ  có một cây mít khá là cổ thụ, và  tên gọi ấy cũng giản dị như chính con người thầy vậy –  vì cô Thoại, vợ thầy, vắng nhà vì đi thăm người con trai lớn đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Cũng giống như mọi người đàn ông ở nhà một mình, ngôi nhà bừa bộn bát đĩa ăn cơm, ấm chén pha trà chưa rửa. Tiện thể, tôi giúp thầy thu dọn một số thứ cho gọn gàng hơn. Thầy có vẻ vô cùng lúng túng, nói ngại quá. Thầy bảo tôi: “ Nếu em không vội về thì giúp thầy giải phóng đám hộp kia”, thầy chỉ lên những hộp quà tặng xếp trên nóc tủ bếp. Tôi mang xuống và thấy có những hộp quà còn nguyên tấm thiếp chúc mừng từ cách đó tới hai năm. Dĩ nhiên là giá trị vật chất của những hộp quà đó bằng không, vì phần lớn đã để quá hạn. Thầy ngượng ngùng giải thích là không phải không tôn trọng người tặng quà, nhưng “nhà có trẻ con đâu, toàn là người lớn nên ngại dở ra”.
Tuy bề ngoài thế thôi, nhưng tôi biết rõ là thầy sống vô cùng tình cảm, và trong thâm tâm thầy rất trân trọng tình cảm của học trò. Thầy đã làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên về cách cư xử chu đáo và rất tình cảm.Tôi nhớ lần đó là khoảng tháng 1/ 2004, thầy lên Hòa Bình để giảng dạy theo lời mời của nhà  trường chúng tôi – Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình – đây cũng là dịp đầu tiên tôi được nói chuyện trực tiếp với thầy. Khi chia tay, thầy nói “nếu có dịp về Hà Nội, thì mời mọi người đến nhà chơi, và thầy sẽ tặng sách, vì thầy sắp ra một cuốn sách, nhỏ thôi nhưng có thể là có ích cho người dạy Văn”. Lúc đó tôi nghĩ đó chỉ là lời mới chào xã giao thôi, vì giáo sư sẽ quên chúng tôi ngay ấy mà. Một thời gian sau, tôi về học lớp Cao học k15 ( khóa 2005-2007), hôm đó là giờ giảng đầu tiên của thầy trong chuyên đề “ Phong cách nghệ thuật  nhà văn”, đến giờ nghỉ giải lao, như thường lệ những người quen biết thầy từ trước tíu tít đến nói chuyện với thầy. Khi mọi người đã tản ra, tôi mới đến chào thầy và làm nhiệm vụ của cán bộ lớp là  mời thầy tách trà nóng. Thầy nhận ra tôi ngay và nói : “ Em xuống học ở đây à? Sao không đến nhà thầy? Thầy vẫn để dành sách cho đấy!”.  Lúc đó, tôi thực sự bị bất ngờ và lúng túng, đành nói dối là chưa thông thạo đường Hà Nội, nên chưa đến thăm thầy được, và tôi xin lỗi thầy. Hôm sau, khi đến lớp, thầy mang tời cuốn sách “ Kinh nghiệm viết một bài văn”, thầy hỏi họ tên đầy đủ của tôi và cẩn thận viết lời đề tặng. Cuốn sách ấy tuy nhỏ, nhưng đúng như thầy đã nói, đối với giáo viên dạy Văn ở trường phổ thông như chúng tôi thật vô cùng thiết thực và hữu ích. Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên câu chuyện này, và cách xử sự của  Thầy đã dạy tôi một bài học về lời hứa. Không hẳn vì cuốn sách, mà vì lời hứa, và khi đã hứa thì không bao giờ được phép quên. Giờ đây, cuốn sách nhỏ ấy được nằm ở vị trí trang trọng nhất trên giá sách của tôi.
2. Vì những người trẻ và yêu nghề dạy học
Đã hơn một lần tôi được nghe GS Nguyễn Đăng Mạnh tâm sự rằng thầy rất thích nói chuyện, trao đổi với những người trẻ tuổi, vì thày thích lối tư duy năng động của họ. Dường như để minh chứng cho lời nói của mình, (hay là để tôi tin?) thầy nói rằng thầy có thể trao đổi mọi vấn đề với các thầy cô giáo trẻ trong khoa Văn (trường Đại học sư phạm Hà Nội) như cô Nguyễn Thị Bình, cô Hạnh Mai. Thầy còn cười, nụ cười hóm hỉnh quen thuộc, như tỏa ra trí tuệ lấp lánh, và giải thích rằng đó là do yêu công việc dạy học, muốn mang đến cho lớp trẻ chút kiến thức nào đó, và quan trọng nhất (thầy thường nhấn mạnh chỗ này) là học ở người trẻ nhiều điều, để thấy mình không bị già. Tôi thầm cảm phục lối suy nghĩ của thầy, và thấy tâm hồn thầy trẻ trung biết bao. Thực ra về tình yêu nghệ dạy học và tình cảm đối với học trò của thầy Nguyễn Đăng Mạnh, tôi đã cảm nhận ở thầy từ trước đó rất lâu, từ khi biết tên thầy trên những bài nghiên cứu, những cuốn sách phê bình văn chương.
Trở lại những năm 1987-1988, khi chương trình dạy môn Văn THPT bắt đầu thay đổi, thì ngoài sách giáo khoa theo quy định, giáo viên chúng tôi còn có thêm cuốn phụ lục cho phần đổi mới. Cũng phải nói thêm là ở miền núi, giáo viên Văn chúng tôi dạy cái phần phụ lục này khá vất vả, vì không có bất cứ tài liệu tham khảo nào để đọc về những tác giả như: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, và “ xương xẩu” nhất phải là tác gia Nguyễn Tuân. Cho nên đi học những lớp thay sách giáo khoa vào dịp hè là cơ hội quý giá để chúng tôi được học thêm. Tôi không nhớ hết những người đã lên lớp dạy cho giáo viên trong dịp ấy, vì có những người nói không hay, không thiết thực, có khi giáo viên quay ra tán gẫu với nhau, hoặc bỏ ra ngoài, mặc kệ diễn giả muốn nói gì thì nói. Vào ngày cuối cùng của đợt học, chúng tôi được thông báo là thầy Nguyễn Đăng Mạnh sẽ lên lớp phần văn học 1930 – 1945. Chúng tôi tò mó và háo hức. Tò mò vì cái tên Nguyễn Đăng Mạnh chúng tôi đã biết trên báo chí, trên một số sách nghiên cứu văn chương. Háo hức vì đây là phần học mà chúng tôi thấy cần nhất. Buổi lên lớp ấy, thực sự thầy Nguyễn Đăng Mạnh đã mê hoặc được đám giáo viên chúng tôi: tất cả học viên đều đến lớp, không một chỗ ghế bị bỏ trống, không có một tiếng động nhỏ; không có ai ra ngoài. Cho đến hơn 12 giờ trưa, trong lớp học nóng nực và chật chội, chúng tôi vẫn chăm chú nghe thầy giảng một cách say mê và hào hứng về tác gia Nguyễn Tuân. Tôi đã ghi chép được khá nhiều từ bài giảng của thầy, và cho đến hôm nay tôi vẫn giữ những bài giảng ấy. Cũng từ đó, tôi hình thành thói quen mua tất cả các cuốn sách có tên tác giả là Nguyễn Đăng Mạnh.
Sau này, khi có được điểu may mắn trở thành học trò của GS Nguyễn Đăng Mạnh, tôi càng hiểu rõ hơn phong thái làm việc của thầy: đến lớp trước giờ dạy khoảng 10 phút; không điểm danh học viên; thông thường thầy hay dạy quá giờ. Chúng tôi vẫn rất thích nghe bài giảng của thầy, nhưng sợ thầy mệt, nên thường nhắc thầy là “đã quá giờ rồi ạ”. Có một chi tiết rất vui và cảm động nữa là tôi nhận thấy trong khi giảng bài thầy nói rất to, mà phòng học thì đã có loa. Tôi nói với thầy là chỉ cần nói nhỏ thôi kẻo thầy sẽ bị mệt. Thầy cười rất hiền từ và nhỏ nhẹ bảo tôi là thầy sợ những người ngồi ở cuối hội trường không nghe rõ. Tôi phải nói thêm là những giờ lên lớp của GS Nguyễn Đăng Mạnh thường rất đông, vì không chỉ có riêng lớp chúng tôi – thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại – mà còn có học viên thuộc các chuyên ngành khác đến nghe giảng.
Thầy Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nói, người dạy học phải thuyết phục người nghe bằng bài giảng có những vấn đề mới và cần thiết, phải làm cho văn chương trở nên sang trọng, và dĩ nhiên chúng tôi bị cuốn theo những bài giảng vô cùng hấp dẫn của thầy. Tất cả nhưng giờ học chuyên đề của thầy Nguyễn Đăng Mạnh ở khóa Cao học của chúng tôi, hầu như không có học viên nào nghỉ học. Bằng niềm say mê văn chương, GS Nguyễn Đăng Mạnh đã thực sự đưa chúng tôi đi vào thế giới học thuật và nghiên cứu. Bằng phong thái làm việc nghiêm túc và tìm tòi trong khoa học, GS Nguyễn Đăng Mạnh đã dạy chúng tôi bài học về tinh thần yêu nghề và biết làm việc cho nghề dạy học và trên hết là vì người học. 
3. Như cây đời mãi mãi xanh tươi
Cuộc sống hôm nay có nhiều thay đổi bất ngờ đến chóng mặt. Từ chỗ có thể tiếp nhận những thông tin trên những trang giấy đen ngòm, in chữ xám xịt, cho đến chỗ chỉ cần cái“nhấp chuột” là có thể tiếp cận ngay với hàng loạt thông tin trên “net”. Đó là cả một chặng đường dài dằng dặc mà thế hệ chúng tôi đã chờ đợi. Nhưng đó cũng là điều tác động không nhỏ đến cách ứng xử của con người, có thể hôm nay kính trọng, ngày mai lại chê bai không tiếc lời. Âu cũng là lòng người! Nhưng tôi vẫn tin tưởng vào những điều tốt đẹp và chân chính của tình người, như câu nói nổi tiếng “cái gì của Xeda thì trả lại cho Xeda” và “ mọi lí thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Cho nên, tôi tin tưởng vào tình yêu và lòng trân trọng mà nhiều thế hệ học trò dành cho những người thầy của mình, trong đó có GS Nguyễn Đăng Mạnh. Tôi biết, có thể nào trong vài dòng chữ ngắn ngủi của bài viết nhỏ này lại có thể chứa đựng hết tình cảm yêu quý và kính trọng của tôi đối với người thầy kính yêu. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, người đã trở thành thần tượng, là người thầy giáo mẫu mực của nhiều thế hệ sinh viên và học viên Cao học, sẽ như cây đời mãi mãi xanh tươi.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong tổ bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã cho tôi cơ hội được bày tỏ tình cảm yêu kính đối với người thầy của chúng tôi, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80, ngày sinh của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh.
                                                                                    Hòa Bình, ngày 1/9/2009
                                                                                  Th.s Phan Thị Mai Hương

1 nhận xét:

Unknown nói...

Chào cô Phan Thị Mai Hương.

Con hiện đang học lớp 11 và không lâu nữa con sẽ học lớp 12 và thi đại học. Tuy nhiên, khi phân tích bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử, con cảm thấy còn nhiều vấn đề mâu thuẫn và khó hiểu. Con biết cô từng gặp và giao tiếp với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, con không thể liên lạc được với giáo sư để hỏi vấn đề này nên con xin mạn phép hỏi cô. Mong cô có thể giải đáp cho con.

Trong Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 tập 2, con đã được học về bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ". Trong sách có viết, bài thơ được sáng tác vào năm 1938 in trong tập "Đau thương". Nhưng khi con đi sâu tìm hiểu thì biết được rằng đến năm 1939 cô Hoàng Thị Kim Cúc mới biết tin Hàn Mặc Tử bị bệnh hiểm nghèo, rồi mới gửi tấm bưu ảnh về Quy Nhơn cho Hàn Mặc Tử. Em của Hàn Mặc Tử là Nguyễn Bá Tín cũng có ghi là vào năm 1939, cô Kim Cúc mới gửi bưu ảnh về. Nếu nói bài thơ được lấy cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử và cô Kim Cúc thì làm sao năm sáng tác là năm 1938 được? Con cảm thấy rất phân vân...

Con xin lỗi vì đã đột ngột như thế. Nếu cô nhận được tin của con, xin hãy trả lời con cô nhé!

Con xin cảm ơn cô!