Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

TẢN MẠN SAU NGÀY 20/11


                                                                           Tản Văn:  Phan Thị Mai Hương
Muốn viết cái gì đó về ngày của nghề giáo, nhưng cứ nghĩ mãi, vì có đủ nỗi sợ.  Nào là sợ “ vạch áo cho người xem lưng”; nào là sợ bị “ném đá” tơi bời từ đồng nghiệp; nào là sợ thiên hạ “chở gạch” đến ngõ nhà mình, mà cái ngõ nhỏ này bị chèn lối vào thì…biết đi đường nào?  làm sao mà “ khi đi em hỏi, khi về em chào” cho được?

MỘT MÌNH


                                                 Tản Văn:  Phan Thị Mai Hương
Thế nào là một mình nhỉ? Chẳng lẽ lại tra từ điển hay hỏi cụ Gúc Gờ ư? Mà việc gì lúc nào cũng phải chính xác nghiêm ngặt cơ chứ? Cứ thoát ra khỏi vòng mô phạm đi, nói theo ngôn ngữ “ sát thủ…” là cứ thoải con gà mái đi, vì là đang có mỗi  một mình.

TẬN HƯỞNG


                                                          Tản Văn:  Phan Thị Mai Hương
Chợt nổi hứng muốn  viết cái gì đó  sau một hồi ăn uống. Cơ mà văn chương vốn được coi là thứ  lãng mạn, thế mà xuất phát cảm hứng lại  từ chuyện ăn uống hết sức  phàm tục thế này, chả biết có xứng không đây? Mà loại mình thì  vốn là   “ ăn thùng uống vại”,  đâu có bén gót cụ Tản Đà, hay cụ Nguyễn Tuân mà ăn uống thanh cảnh gẩy gót đến từng cọng rau húng, mà phải húng Láng chính hiệu cơ, nên đâu có  dám phạm thượng bàn chuyện “ ẩm thực” ?  

AI LEO NHÀ SÀN NAO


                                                     Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Đành “ nghiến răng, nín thở ” bớt chút thì giờ vàng ngọc vào cái “ ẻn try” này thui. Bọn chúng “ la thăng” đến váng cả  trời cao rằng “ mama im tiếng”. Với lại ghé qua “ nhà” bọn chúng thấy tụ tập ầm ĩ, nhảy nhót gào thét với “ mõ tru” ( Bài MÕ TRÂU nhà nàng Mai- nhưng nàng í hổng biết tiếng Mường gọi “con trâu” là CON TRU ) thì mình đây cũng âm mưu tụ tập “ fan hâm mộ”

CÓ NHỮNG LÚC...


Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Trong cuộc sống đầy những bộn bề,  lo toan, bon chen, gấp gáp, mệt mỏi, buông xuôi, cố gắng, hào hứng, hoan hỉ, mặc kệ nó…tất cả đều là những cảm xúc đến rồi đi.  Cái sự đến và đi ấy, khi thì nó bay vèo  nhanh như cơn lốc vào lúc không hạt mưa rơi, khi thì nó ở lại rỉ rách triền miên như mưa dầm mùa đông. Thế cho nên, khi nhớ lại, khi  kể lại, khi  hồi tưởng lại, khi  suy nghĩ lại, để thấy sung sướng, để thấy  ân hận, để  thấy tiếc nuối, để thấy buồn bã, để thấy  chán chường, để thấy muốn quên đi,  để lại ước mơ “ giá mà…”. Có lẽ như vậy, cho nên  người ta hay gọi là “có những lúc…”.

ĐỌC BÁO


                                                            Tản văn:  Phan Thị Mai Hương
“Đọc...” cái nhan đề của bài viết này, chắc bạn lại “ xì!!! có gì mà lạ, ai mà chả đọc báo …”. Đúng thế! Có thể ai đó cả đời không cầm đến cuốn tiểu thuyết cổ điển, những cuốn như “ cuốn theo chiều gió” “tiếng chim hót trong bụi mận gai” “đồi gió hú” …Nhưng không thể không bao giờ không cầm đến tờ báo.

ĐẾM TUỔI


                                                            Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Nếu đặt câu hỏi là hành vi đầu tiên của con người khi mới được sinh ra là gì? Một câu hỏi quá dễ để trả lời ngay mà không phải nghĩ, đấy là khóc, câu trả lời dễ  như những câu hỏi ở mức 1 triệu đồng của của trò chơi “ ai là triệu phú” ấy.
    Bạn hãy nghĩ chúng ta đang ở trò chơi nhé, câu hỏi tiếp theo là “ vì sao mà khóc?”. Đến đây thì trò chơi này có vẻ giống như “ ống kính vạn hoa” của con trẻ rồi, nhưng bạn hãy kiên nhẫn hơn đi. Câu trả lời của bạn chắc chắn sẽ là nhiều khả năng, đại loại như là: đứa trẻ cần hơi ấm của mẹ nó; đứa trẻ cảm thấy trống vắng sợ hãi; đứa trẻ cần nơi tin cậy; đứa trẻ kiêu hãnh báo tin là nó đã xuất hiện thực sự ở cuộc đời đầy những hối hả này. Nghĩa là một nghìn lẻ một khả năng có thể có.
Nhưng tôi tin là bạn vẫn bỏ ngỏ một khả năng, tôi nghĩ  là đứa trẻ đang đếm từ giây phút thứ nhất, nó có mặt trên đời. Chứ không à? Này nhé la toáng lên và tay khua khoắng loạn xạ, chẳng lẽ không đúng sao? Tôi tin rằng cả cuộc đời một con người luôn trôi đi trong cái sự đếm thời gian
Bạn nghĩ xem hồi còn nhỏ thì bạn  đếm gì? Còn tôi thì đếm những viên bi xanh đỏ tím vàng sau mỗi ván chơi  với đám trẻ con hàng xóm,  thắng hoặc thua, được hoặc mất, và đếm rất kỹ. Suy ra cũng là đếm tiền, vì ban đầu muốn có bi thì phải mua, hoặc đổi chai lọ, giẻ rách, sắt vụn cho bà hàng đồng nát, và khi thắng bi nhiều quá thì lại bán bớt đi, 1 hào những 30 viên, trong khi mua của bà hàng đồng nát 1 hào chỉ được 15 viên thôi, khi nào đễ tính thì cho 18  viên , vì thế  bi của tôi tuy hơi cũ nhưng vẫn khá  đắt hàng. Thi thoảng, tôi cũng đếm tiền, những đồng tiền mà  tôi có được một cách thực sự ấy, bằng cách trồng rau xà lách,  rau mùi, rau húng, rau răm, mùi tàu, ớt, hành,  rau cải ở những rẻo đất bé xíu, sát chân bờ rào, cạnh bụi chuối, hái rau đó mang đi bán, tôi đếm cẩn thận những đồng tiền lẻ, mệnh giá bé xíu, vuốt phẳng phiu, cất chúng vào hộp giấy  đựng mứt Tết. Để khi tích cóp được một món kha khá thì mẹ lại vay, và tất nhiên tôi đếm lại cẩn thận trước khi trao cho mẹ. Đến tận bây giờ, mẹ tôi có cháu ngoại 25 tuổi rồi, mà vẫn chưa trả “ món nợ” thời ấu thơ cho tôi. Chỉ buồn cười là tôi một hai đinh ninh là đến khi lớn như một người lớn, tôi sẽ được mẹ trao lại cho món tiền của tôi, vì mẹ bảo khi nào lớn mẹ sẽ trả, vì thế tôi mong từng ngày mình sẽ lớn lên.
       Vì thế tôi đếm từng ngày để xem mình lớn lên tới đâu, và khi nào thì được coi là người lớn. Tôi cứ đếm mỗi ngày trôi qua trong niềm mong mỏi được trở thành người lớn,  còn để  được mắng mỏ, quát tháo, thậm chí cho lũ em “ăn” roi như bố đã làm  mỗi khi thấy bốn chị gái mải chơi đồ hàng trót quên cậu em út, bỏ kệ nó bò  lê la bẩn thỉu dưới đât. Thật là đáng yêu cho tuổi thơ mong mỏi ngày trôi nhanh để thành người lớn.
      Tuổi thơ tôi còn  đếm từng ngày để mong cho đến Tết. Vì ngày Tết có bao nhiêu là mong chờ. Này nhé, vui sướng vì sẽ được ăn bánh chưng do bà nội gói. Được tự do xúm xít bên bếp luộc bánh nóng rát để  vùi khoai, sắn , dong riềng vào đống than hồng rực mà không sợ bị mắng. Hân hoan vì  được nghỉ học để xếp hàng đi làm bánh quy ở lò bánh, cho dù món bánh ấy chỉ có bột mì trộn đường đỏ và nướng trong lò bánh mì, nó cứng đanh và hôi mùi cứt mọt, thậm chí nhìn rõ xác con mọt “hóa thạch” trên chiếc bánh bé, dài bằng ngón tay. Sung sướng nhất là được mặc đồ mới, nếu được áo thì thôi quần, và ngược lại, vì tiền lương 36 đồng của bố mẹ tôi dạo ấy làm sao có thể  sắm sanh cho cả năm đứa con. Háo hức hơn cả là  momg chờ  được cùng với bố đi chợ phiên ngày 27 âm lịch mua tranh về dán lại tường nhà, cái vách tường trát bằng bùn trộn rơm, thò ra những cái sợi rơm lởm chởm,  bê bết đất khiến tôi rất khó chịu. Tôi không thấy những sợi rơm như thế trên tường nhà lũ bạn,  tôi muốn những tờ tranh xanh đỏ vàng tím sặc sỡ sẽ che giấu cái sợi rơm xấu xí ấy đi, sẽ làm cho tường nhà tôi phẳng phiu, đẹp như tường nhà chúng nó.
       Mà không hiểu sao bố chỉ mua tranh Đông Hồ : tranh gà lợn, tranh chú bé chăn trâu, tranh em bé chơi với đàn gà, và nhất thiết là đôi tranh Hàng Trống vẽ cá chép trông trăng. Phiên chợ 27 âm lịch  năm nào bố  cũng chỉ mua ngần ấy tranh, cứ bỏ cái cũ thay cái mới vào dịp Tết. Sau này, tôi mới nghĩ ra, chắc bố cũng đếm ngày trôi đi, trông mong cho mọi điều tốt đẹp hơn ngày qua, hơn năm qua cho chị em chúng tôi.
       Tôi lại vẫn đếm từng ngày khi có con, là  đếm từng ngày mong con lớn khôn. Chao ôi, có lẽ mỗi ngày dài nhất, trôi đi lâu nhất là khi con chưa đầy tháng. Rôi mong cho được ba tháng để biết lẫy, mong cho được sáu tháng mà tập ngồi, mong cho được đầy năm mà biết đi. Mong cho… mong cho đến tận bây giờ, con được 25 tuổi, đã đi làm,  được coi là trưởng thành vẫn mong đến ngày…nào đó, gì đó cho con, của con. Chắc chắn bố mẹ tôi và bố mẹ bạn, tôi và bạn, đều đếm từng  ngày  để mong những chuỗi ngày trôi đi an lành trong cuộc đời mỗi đứa con.
        Bây giờ, tôi vẫn âm thầm đếm ngày, nhưng không phải là mong ngày chóng trôi đi, bởi  cái câu trong Đường Thi rằng “ thời gian trôi nhanh như bóng câu bên cửa sổ” dường đến giờ mới cảm nhận được một cách thấm thía, ví dụ như đã hết một năm rồi mà chả thấy mình làm được việc gi cho ra hồn.
       Trong 24 giờ của một ngày sẽ có bao nhiêu việc cần làm, nhưng cũng có lúc muốn “ bà Tám” để xả xì trét, có khi gọi điện chẳng phải là có việc gì, chỉ là muốn nghe thấy giọng nói của bạn bè, chỉ để  biết là vẫn vui vẻ, mạnh khỏe, vẫn ham công tiếc việc. Một trong những người bạn vong niên của tôi hay than “ chúng mình bằng này tuổi rổi…”,  câu cửa miệng của bạn làm nhói  lòng khi “tự dịch” ra là  “đã già rồi mà”, tôi muốn biết thế rồi thôi chứ than thì có ích chi?
Rồi ông chồng dạo này cũng dở chứng hay than thở rằng “ già rồi khó tính”, tôi bảo nói vậy là tự làm cho mình già, xấu tính hơn thôi.  Có  lần tôi đọc một truyện ngắn nào đó, không nhớ tên truyện lẫn tên tác giả, chỉ nhớ nhân vật chính sống  trong ngôi nhà gỗ nhỏ, giữa khu vườn đầy cỏ cây hoa lá, không cần nhớ tuổi mình, vì  theo như lời nhân vật thì nhìn hoa nở biết xuân sang, nhìn nguyệt tròn thì biết tháng ngày, nhớ tuổi làm chi cho mệt. Qua nhân vật , nhà văn cũng gửi đến một thông điệp về thời gian, thời gian hiện hữu, thời gian vĩnh hằng. Thời gian cứ như mụ phù thủy khắc nghiệt, áp sát, canh chừng,  dẫu biết rằng đâu còn là đứa trẻ để mà không  hiểu rằng chả níu kéo được thời gian? Nhưng cứ sống mà không nhắc đến thời gian đã mất  chả phải là một giải pháp tốt hơn sao?
    Hàng năm,  khi đã  qua  dịp ngày 27/ 7 , mẹ tôi thường nhắc sắp đến ngày giỗ bà nội và chú, chú là liệt sĩ và bà nội là “ bà mẹ Việt Nam anh hùng”,  mẹ đếm “ còn một tuần nữa đấy nha, sẽ làm giỗ vào chủ nhật”. Mẹ  biết rõ rằng chị em tôi đều nhớ những ngày quan trọng của gia đình, và chúng  tôi đã hình thành thói quen đếm ngược  đến ngày giỗ của bà nội,  của ông nội,  của chú, của bố tôi, của bà ngoại, ông ngoại,  nhưng mẹ vẫn nhắc như một thói quen  để nhớ đến người thân yêu đã khuất. Nhưng tôi nhớ chưa có lần nào mẹ nhắc đến ngày sinh của mẹ, tôi nhớ là bố mất quá sớm, trước khi chị em tôi kịp lớn  khôn để biết tổ chức sinh nhật một lần cho bố.
   Tôi nghĩ đến tập tục của người Việt, tại sao cứ phải đếm tuổi mà không quan tâm đến ngày sinh? Tại sao thường chỉ làm giỗ linh đình mà không nghĩ rằng mỗi  sinh nhật đến cũng xứng đáng để làm cỗ bàn đàng hoàng? Vậy liệu có bất công cho chuỗi ngày mình đang sống, xứng đáng được sống như một người lớn, như mong mỏi của cha mẹ sinh ra ta?
Thế cho nên tôi nghĩ là sẽ đón ngày mới đến bằng nụ  cười.  Vì tại sao lại không nghĩ rằng mỗi ngày đang trôi đi nghĩa là  mỗi ngày mới đang đến? Trong 24 giờ  đều có bao nhiêu sự đang đón đợi ta, chờ mong ta? Với bao nhiêu yêu thương ngọt ngào từ những người thân yêu? Và mọi sự dù có thế nào thì cũng đều ghi dấu ấn cho những ngày xứng đáng được nhớ trong cuộc đời mỗi chúng ta.
                                                                      Viết cho sinh nhật. 2012

TỪ ĐỒI NGÔ NGHĨ THÊM...


                                         Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Câu chuyện thi cử ở trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang đã làm nóng lên bao nhiêu là tờ báo, báo ngày, báo giấy, báo mạng. Không tin bạn cứ mở “ net” ra mà xem, độ “ hot” của “ Đồi Ngô” chả kém  chuyện “ chân dài bán nhan sắc ” là  bao nhiêu đâu, còn nếu  so với các loại “ vi na” thì “ hot” hơn nhiều. Giờ tôi có nói lại chuyện cũ thì bạn chịu khó bớt thời gian đọc chút vậy nha!
    Đồi Ngô “ nóng”  có thể vì những  lý do sau : Ồn ào vì cái chuyện này ai ai cũng có thể đưa ra ý kiến; không sợ thâm thủng ngân sách vì  nó  không liên quan đến” U ét đê” hay “ Việt Nam đồng”; nhộn nhịp vì không ảnh hưởng đến chức vụ, vì những người gây ra vụ việc cũng không được lên chức như cái ông quan chức ở một bộ khác,  và “ nhân sự” lại càng không có tiền mà trốn chạy lệnh truy nã bằng việc thoát ra nước ngoài;  hấp dẫn vì từ “ Đồi Ngô” còn  làm nảy sinh ra bao nhiêu là thầy bói nữa, theo kiểu A=B, và B=C; suy ra A=C ấy mà,  nên  dự đoán là còn nhiều  “ đồi sắn” “đồi khoai”, “đồi cà rốt” nữa cơ, chỉ là chưa bị lộ thôi. Và còn lý do… xyz nào  nữa thì bạn  cứ cho thêm vào, nếu muốn!
      Vấn đề “ Đồi Ngô” thu hút mọi phương tiện truyền thông, cái trường dân lập quá bình thường ở một tỉnh còn “ it tuổi” là Bắc Giang ấy bỗng dưng trở nên nổi tiếng như ngôi sao ăn khách nhất của giới “ sốp bit”. Một lần nữa, nhân vật chống tiêu cực trong thi cử vốn đã nổi tiếng vì đã được một quan chức là  Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng tặng bằng khen, nay lại tiếp tục nổi tiếng. Báo chí nói nhiều quá, tôi có cảm tưởng hình như trong cuộc sống sôi động, mở cửa và  đổi mới của con rồng Việt Nam ở châu Á này, không còn chuyện gì quan trong hơn chuyện thi cử, chuyện tư cách  đạo đức nhà giáo lẫn học sinh. Mọi thứ lạm phát, tham nhũng, thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỉ tiền thuế của dân, đều không đáng để phán xét về tư cách đạo đức của mọi nhà…khác ( có thể là nhà kinh doanh, nhà chính trị, nhà chính khách, nhà lập pháp, nhà hành pháp,  chỉ trừ nhà giáo), bằng các nhà giáo ở Đồi Ngô. Thế mới biết nghề giáo là  cao quý  thật đấy, chứ không phải chỉ là khẩu hiệu, nên mới nhận được sự quan tâm hết mực của tất thảy mọi người và mọi phương tiện truyền thông, và  sau bao năm làm nghề, giờ đây tôi lại càng  thấm thía điều này.
      Tôi thường nghĩ, trong nhiều kì thì ở cuộc đời đi học của một đứa trẻ, thì  kì thi tốt nghiệp THPT là quan trọng nhất, bởi nó đánh dấu mốc về sự trưởng thành, rằng đứa trẻ sắp trở thành người lớn. Tôi nghĩ là bố mẹ nào cũng lo lắng hết mình, chăm chút, chuẩn bị cho con mọi điều kiện tốt nhất cả về vật chất và tinh thần trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng  nhà tôi thì không có cái diễm phúc ấy, vì cả hai vợ chồng cùng làm nghề giáo, vẫn phải đi coi thi như mọi đồng nghiệp, có khác chăng là được đi coi ở trường gần, nên chỉ  có thể hỏi han con về chuyện bài vở thi cử vào buổi tối, việc ăn uống của con thì phải nhờ bà ngoại lo giúp. Cho nên, tôi nghĩ nhiều đến những đứa trẻ trong kì thi. Một kì thi, dù nó có diễn ra như thế nào, kì thi ấy tốt hay xấu,  thái độ người lớn ra sao, thì đối tượng nhận hậu quả vẫn là những đứa trẻ của hôm nay, là bộ mặt tương lai của xã hội ngày mai. Cụ thể là những đứa trẻ ở Đồi Ngô, có ai nghĩ rằng những đứa trẻ ấy sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai? Nếu trồng cây mà không hình dung ra cái quả sau này mình hái, là quả ngọt ngào, là quả sâu sia, thì thử hỏi rằng việc bạn trông cây hôm nay có ý nghĩa gì không?     
         Người ta nói thật nhiều về chuyện giở sách, chép bài, làm bài hộ trong kì thi tốt nghiệp. Tất nhiên là theo quy chế thi cử của bộ GD&ĐT ban hành thì đây là việc làm vi phạm trầm trọng, có quyền hủy bài thi. Tôi lại còn được đọc thêm một bài viết về  văn hóa nể nang trong ngành giáo dục; lại còn bài viết về bệnh thành tích trong ngành giáo dục; lại còn bài viết so sánh thời “hai không, ba không, bốn không” ngày xưa với thời “ không không” ngày nay, kèm thêm số liệu chính xác là từ …1 học sinh thi đỗ tiến đến 99,99% học sinh đều tốt nghiệp PTTH. Còn về Đồi Ngô thì chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất, vì một quan chức ngành giáo dục đã khẳng định, chuyện ấy chỉ xảy ra ở Đồi Ngô thôi, còn mọi trường khác  về cơ bản là “ nghiêm túc, an toàn, đảm bảo chất lượng trong thi cử…” Nghĩa là bao nhiêu hiện tượng, con người, tên tuổi, công tích…của ngành giáo dục đều được đem ra mổ xẻ tơi bời. Tôi có cô bạn làm bác sĩ, có lần để trêu chọc, tôi đã hỏi đùa, có khi nào mổ người ta ra mà không phải vì không có bệnh không à? Có khi nào  mổ phanh người bệnh ra mà quên khâu không à? có bao giờ để quên dao, kéo bông băng ở “ túi” bụng bệnh nhân mà khâu đại vào  không à? Cô bạn bác sĩ liền  nổi cơn tam bành vì bị động chạm đến lòng tự ái, dồn cho tôi một trận, rằng có bệnh mới mổ, chứ đang không đè con người ta ra để mổ a? để xác định được là có bệnh tưởng mà dễ a? thử nghĩ xem, những người say rượu có bao giờ tự nhận là mình say không a?
    Vì là giáo viên, nên tôi chỉ nghĩ trong phạm vi của mình. Bạn hãy  đặt cương vị bạn là giáo viên đương nhiệm, đi coi thi là nhiệm vụ, cái này thuộc về lý. Nhưng cách ứng xử của người Việt thì lại “ trăm cái lý không bằng một tí cái tình” , mà đã  làm nghề  giáo thì tôi đảm bảo với bạn phải có  hàng “trăm cái… tình” trở lên, chứ không phải là “một tí…” đâu. Bạn sẽ làm gì? Hỏi thế thôi chứ tôi tin bạn chẳng thoát khỏi vòng “ kim cô” của cái  tình khi những  người quen của bố me, em gái, em trai; những  bạn thân; rồi  bạn của bạn thân; rồi  bạn học thời phổ thông, thời tiểu học, thời mẫu giáo…đến nhờ “ con tớ thi tốt nghiệp đấy, quan tâm đến cháu  nó  một chút nha”. Tôi cũng khẳng định là  cái tình này không quy ra được phần trăm như bên A, bên B của các dự án, hay hợp đồng kinh tế, hay các cuộc đấu thầu…đâu. Đặt giả thiết nếu cái  tình ấy  được trả  bằng tiền, thì giờ đây phụ huynh nào sẽ  trả đủ tiền cho cái giá bị đuổi việc của các nhà giáo ở Đồi Ngô? Nhưng nếu cái  tình ấy mà được định giá bằng tiền thì không còn tình nữa, mà nhà giáo thì lại là kẻ…lụy tình hạng nhất. Vậy theo bạn đã…chấm com ở đây được chưa?
           Tôi cứ lẩn thẩn tự nghĩ rằng  nếu tôi đang là cái cô giáo bị cho thôi việc ở Đồi Ngô, tôi sẽ thế nào nhỉ? Khóc a? Rên rỉ than vãn cầu xin a? Nhưng có một điều chắc chắn là tôi phải nghĩ dến việc kiếm sống, vì đằng sau lưng tôi là cả một gia đình, con cái với trăm nghìn mối lo. Cô giáo ở Đồi Ngô thật không giống với nhưng quan chức ngành khác, sau một vụ tham nhũng vỡ lở, dình đám, họ vẫn có tiền để làm cái việc gọi là “chạy…án”, “ chạy…ra nước ngoài”, và không bị đuổi ngay ra khỏi ngành. Thế mới biết làm nghề giáo khắc nghiệt thật đấy! Chả cần tôi phải rơi nước mắt thương vay khóc hộ cho các nhà giáo nọ bị “ tai bay vạ gió”, thì  đã có một nhà giáo già giấu tên nói đến điều này trong một bài phỏng vấn của báo  Việt Nam Net.
     Tôi lại tưởng tượng tôi là nhà quản lý, bạn cũng tưởng tượng theo chuyện  “bà Tám” nha, và  ai tin thì tin, mà chả tin thì coi đây là chuyện “ bà Tám”. Ông Hiệu trưởng sẽ về hưu, ngay sau khi hoàn thành kì thi tốt nghiệp, và ông lo sốt vó cho kì thi để “ hạ cánh an toàn”. Mọi phương án “ nội công ngoại cách” được đặt ra. Và kết quả là  một trường chả có gì để nổi bật vể học tập, có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là  99,98% . Chắc chắn ông Hiệu trưởng nọ sẽ thở phào nhẹ nhõm đi báo cáo ở hội nghị tổng kết ngành, ông ấy sẽ có nụ cười mãn nguyện khi nghĩ đến cái lí lịch quản lý “sạch không tì vết”, ông ấy sẽ răn dạy người  kế nghiệp rằng “ thì…mà…là… XYZ”. Tôi chỉ tưởng tượng mình là nhà quản lý thôi,  vì tôi sẽ không được làm nghề…quản lý đâu vì nguyên cái  tội viết nhăng cuội trên blog là đã đủ có điểm trừ đến…âm rồi.  Nhưng tôi lại nghĩ thêm, nếu tôi là nhà quản lý sắp về hưu nọ, thì … tôi  biết làm gì khác để có kết quả báo cáo trong hội nghị tổng kết thi đua? Tôi lại nhớ đến ý kiến của giáo sư Văn Như Cương là đừng nên đưa kết quả thi tốt nghiệp vào chỉ tiêu thi đua. Hơn nữa làm hiệu trưởng thì lại không có thời gian viết blog để trình bày ý kiến, để có cơ hội xin lời khuyên từ các bạn đọc?
     Tuy không là nhà quản lý, nhưng tôi lại vẫn đang băn khoăn, các nhà giáo ở Đồi Ngô sẽ làm nghề gì sau khi bị cho thôi việc? Tôi nhớ là năm xưa, cái nhà  thầy giáo chống tiêu cực thi cử đến nổi tiếng, đã được Bộ trưởng tặng bằng khen, đã được “đánh tiếng” rằng nếu không có nơi nào nhận làm việc, thì bộ trưởng sẽ nhận…Bây giờ, tôi chỉ biết là thầy giáo  ấy không còn  làm trong ngành giáo dục nữa, vì hình như không có trường nào dám nhận, vì hình như  thấy ấy không chịu nổi áp lực “ thành tích…”, và lý do ấy có phần chủ quan của thầy giáo nọ. Bây giờ, các nhà giáo Đồi Ngô bị cho thôi việc là do vi phạm quy chế của ngành, và lý do ấy là do khách quan mang lại , xuất phát từ hành vi chủ quan ( bị làm, tự động làm)  của các thầy cô. Thế là nguyên nhân thì khác nhau, nhưng kết quả thì  lại giống nhau,đó  là đều…không ( được, bị)  làm trong ngành giáo dục. Tôi lại liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của một quan chức : “ cứ kỷ luật cách chức thì lấy đâu người làm việc?”.  Tôi không nhớ chính xác, nhưng đại ý là như vậy, thì tôi nghĩ câu nói ấy chỉ dành cho ngành “ quan chức” thôi, còn ứng dụng cho ngành giáo dục thì có vẻ không thích hợp, vì số lượng thầy cô giáo nhiều hàng bao nhiêu …triệu người, so với gần một trăm triệu dân Việt Nam cơ mà. Thế nên, bạn có nghĩ, cạnh tranh trong nghề giáo là cạnh tranh lành mạnh nhất không? Cho nên, tôi tin chắc là bạn cũng nghĩ giống tôi, theo  kiểu trò chơi “ Rồng Rắn” ngày xưa của  trẻ  con , “ thả đỉa ba ba, bắt được đàn bà/ phải tội đàn ông…vào nhà nào/  nhà nấy phải chịu”.  
     Là người trong nghề, nghe chuyện “ Đồi Ngô”, tôi chả biết là mình  vui hay buồn nữa. Có lần tôi đã (  bị, được)  một bạn đọc blog này hỏi “ nghĩ gì về vụ Đồi Ngô” ? Có thể vì lời “ còm” của bạn ấy cứ đeo bám, nên người tôi cứ lơ lửng như kiểu bị “ ốm nghén” ấy, và  vì “nghén” nên không nhịn thèm được, phải viết ra đây. Mở ngoặc chút nha, tôi đã qua cái tuổi được “nghén” rồi, chỉ là nhớ lại cảm giác hạnh phúc ấy chút thôi. Mở ngoặc thêm nữa, nếu bạn nào cùng nghề giáo mà đọc những dòng này thì đừng nổi giận nha, cho rằng sao không “đóng cửa bảo nhau” mà lại “ vạch áo cho người xem lưng”? Và nếu bạn nào khác nghề, mà cũng nổi giận thì nói…khe khẽ chút được không? Vì tôi đang nghĩ, có nên đăng bài viết như thế này lên blog không nhỉ?
                                                                Viết xong 11 h, 28/6/2012

GIÁ TRỊ THỰC Ở NƠI ĐÂU


                                                         Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Tôi làm cái nghề chả liên quan gì đến giá cả, chả có họ hàng gì với chữ “kinh tế”. Nhiều khi đi ra chợ cứ hí hửng bởi “ em chỉ bán rẻ cho chị thôi đấy nha”! Ngọt ngào ấy làm cho về nhà cứ sướng râm ran  được hàng nửa ngày, sao thấy cái bản thân mình có giá trị thế? Ít nhất thì cũng bằng cái mớ hàng mua được …rẻ. Nhưng hết lúc “ tự sướng” thì tỉnh ngộ,  thấy…muốn ngất xỉu! Ờ, vậy giá trị thật nằm ở lời nói hay món hàng?
       Thế  là hì hục tra từ điển tiếng Việt, không phải loại từ điển khổ to để ôm được, khổ nhỏ đút túi quần, bán nhan nhản ở quầy sách vỉa hè đâu nha! Đây là từ điển “ xịn” của “ Viện Ngôn Ngữ Học” ( Viện Khoa Học Xã Hội)- xuất bản 1992, to đùng, dầy cộp, nặng cỡ 1 kg. Mở ngoặc một chút, tôi giữ cuốn từ điển này như báu vật, đồng nghiệp hay học trò mượn một thời gian là tôi phải thu hồi về ngay, nhưng đến nay nó cũng bị nhàu nhĩ vì tần xuất sử dụng quá lớn. Nói thế để thấy độ tin cậy của cuốn từ điền Tiếng Việt này là rất cao, phải 99,9 phần trăm, giống như tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT năm nay của một số trường  vậy.
        Xem nào! Đây rồi! Ôi, nhiều quá đi, riêng từ “giá” có tới 30 nghĩa, bỏ qua những ý nghĩa về cây cối, thời tiết, đồ vật, thì gồm có những nghĩa sau: Giá là  biểu hiện giá trị bằng tiền; Giá là  điều kiện thuận lợi giả thiết; Giá áo túi cơm là  hạng người ăn hại, không có ích gì cho xã hội; giá chợ là  hàng hóa được thả nổi trên thì trường tự do; giá cả cố định là  dùng tính giá thống nhất trên thì trường tự do; Giá họa  là gây tai họa cho người khác
Từ “ giá trị” ít nghĩa hơn, gồm có: Giá trị là cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, đáng quý về một mặt nào đó; Giá trị sử dụng là công dụng của một vật phẩm có thể thỏa mãn một nhu cầu sản xuất hay tiêu dùng nào đó của con người; Giá trị trao đổi thể hiện ở tỉ lệ trao đổi giữa hàng hoa này với hàng hóa khác; giá trị thặng dư là phần do giá trị do lao động của công nhân tạo ra vượt quá sức lao động của họ. Chả biết bạn đã đau đầu chưa, còn tôi thì thấy quá mệt trong cái đám ý nghĩa rối rắm  này rồi, bởi khả năng phân biệt mang tính kinh tế của tôi kém lắm.
        Nhưng tôi còn đang bị đau đầu hơn bởi nỗi phân vân về những giá trị đang tồn tại ở quanh mình. Nói là không nghĩ gì theo kiểu “ mac ke no” ( mặc kệ nó) thì chẳng hóa ra mình thuộc loại vô cảm à? Thế mà có lần đã cho học sinh viết bài luận “ suy nghĩ về sự thờ ơ, vô cảm” rồi đấy. Chẳng lẽ lời nói không song hành cùng việc làm à? Phải biết ngượng chứ đừng nên làm đứt dây thần kinh xấu hổ. Nói là suy nghĩ, ờ,  thế mà suy ngẫm tí ti thì lại thấy mình bị “xtret” không chịu nổi, thì lại tưởng tượng mình đang đi…Châu Quỳ ( tên gọi bệnh viện tâm thần Trung ương). Thành ra đang chả biết mình đang tồn tại ở cái dạng gì đây?
        Thử hỏi không đáng đi viện tâm thần sao? Khi mà mở báo mạng ra với hy vọng là tăng thêm vốn hiểu biết về thời sự, kinh tế, văn hóa đích thực, thì lại gặp hoa hậu bán dâm, chân dài định giá, nhà văn bàn bạc, nhà báo bình luận, nhà tâm lý phân tích v.v…Thôi thì cứ là loạn cả lên vì mỗi cái chuyện đâm dâm loạn loạn. Cứ như là sao Chổi đang quẹt vào trái đất vậy, mà người xưa quan niệm khi sao Chổi quẹt vào Trái đất tức là năm đó dân gian bị tai họa, hạn hán, lũ lụt, thiên tai địch họa.  Ngày nay, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học nên Sao Chổi được minh oan. Thật đáng đời cái thói cứ đổ tại, theo kiểu: 
                      Mất mùa là tại thiên tai
                    Được mùa là tại cái tài nhà nông.
      Mà cứ coi “ chân dài” dài bất tận như cái đuôi của sao Chổi đi thì cú quẹt này có vẻ đáng giá lắm đấy. Cơ man là những bài bình luận, bình phẩm, nêu hiện tượng, họp báo, phỏng vấn ý kiến các hoa hậu, các  người đẹp có tên và không có tên, các nhan sắc đã nổi tiếng, các nhan sắc sắp tai tiếng, mang tên A, B, C, D…XYZ. Nếu cụ Nguyễn Công Hoan sống lại chắc lại có tác phẩm dài vô tận  nhiều kỳ “ thế là mợ nó đi Tấy”, và chắc chắn cụ ấy sẽ giàu lắm, vì bán được cơ man là  nhiều chữ. Nhà thơ Nguyễn Bính từng có giai thoại về  đếm chữ để tình tiền nhuận bút rồi đấy. Khi ấy, mình có nên cậy biết chút ít văn chương, có lẽ nên đánh đường làm quen vay cụ ấy ít tiền chăng? Cũng là để hiểu biết thêm về giá trị thực của chữ? Xem ngần ấy chữ quy ra “ Việt Nam đồng” là đáng giá bao nhiêu? Chứ cứ  tính bằng “ u ét đê” thì mình lại như gà mờ cho coi.
      Thế là “ chân dài” được dịp nổi lên, nhấn chìm cái “ Ụ Nổi”. Thì tôi đã nói rồi, chả hiểu gì về kinh tế, cả đời chưa nhìn thấy đồng “ U ét đê” vuông tròn méo dẹt ra làm sao, còn cái “Việt Nam Đồng”  được lĩnh hàng tháng thì chưa nhìn  rõ mặt thì nó đã cất cánh bay mất tiêu. Thế mà dám nghĩ về cái giá trị của cái Ụ NÔI đang trôi nổi tận thành phố Hồ Chí Minh , rõ là “đánh trống qua cửa nhà sấm”, “dám mùa rìu qua mắt thợ”. Cho nên, không dám bàn luận gì đâu, mà chỉ thở dài, cám cảnh  hộ cho cái Ụ NỔI, vừa nổi lên mấy ngày do báo chí khơi ra, những tưởng rầm rộ đàng hoàng mà xuất hiện, như hoa hậu được trao vương miện trong đêm đăng quang ấy, nay thì chìm nghỉm không thấy tăm hơi. Còn mấy cái thứ như “ Vi na lai” “ Vi na sin” thì biến mất từ bao giờ, có thấy nó đứng cùng ‘ chân dài” trên trang báo đâu. Đến như giá xăng giảm tận tám trăm đồng trên một lít mà cũng chả được ai mặn mà, nên cũng chìm luôn. Trộm nghĩ hay những thứ đó tự thấy mình “ chân ngắn”, nên không dám sánh vai cùng “chân dài” nhỉ? Đấy, bạn đã thấy đau đầu chưa? Bạn có phân biệt được giá trị thực của…bấy nhiêu thứ không? Mà  tôi đã liệt kê hộ bạn những ý nghĩa về giá trị rồi đấy nha? Tôi thì  chả làm được đâu. Nghĩ một tí mà đã muốn tê liệt nửa đầu rồi này.
Thôi thì đành hành hạ cái đầu của mình thêm chút nữa, để  quay trở lại điều đang băn khoăn, giá trị thật nằm ở lời nói hay món hàng? Tôi khẳng định giá trị thật có lúc nằm ở lời nói. Bằng chứng là  cứ nói ra đi, ắt cũng gây được hiệu ứng hân hoan, như tôi tự sướng về cái ngọt ngào của cô bé bán hàng vậy. Tôi dám chắc nhiều người cũng giống y hệt như tôi, nghe lời nói này nói nọ, thấy hay, thấy tin tưởng, thấy hy vọng, thấy bớt thất vọng, thấy đủ vốn mơ ước mà sống tiếp…cho đến đầu bạc răng long. Nhưng thú thật, tôi chả thích “ đầu bạc răng long” đâu, vì nhìn xấu chết đi được! Tôi thì không có tiền mua thuốc nhuộm lại tóc, trồng lại răng, để cho …đẹp. Mở ngoặc thêm là loại trí thức…ngủ như tôi chỉ nghĩ được đến vậy thôi là đã mệt lắm rồi.
Vậy khi nào giá trị thật nằm ở món hàng. Ôi trời, tôi lại “tự khơi” ra vấn đề phức tạp rồi,  bởi vì chả hiểu gì về giá trị  thực của nhiều loại hàng hóa đâu, may ra thì chỉ biết giá trị sử dụng của  hàng hóa thông thường như rau , quả, thịt, cá, còn những thứ khác thì mù tịt. Nhưng nếu nói về ý nghĩa ngôn từ, thì tôi biết từ “ hàng hóa” bây giờ có thêm nhiều nghĩa phái sinh lắm, tức là nghĩa bóng ấy mà, kiểu như :  khoe hàng; lộ hàng; phơi hàng;  dìm hàng; Ôi! Ôi!  nhiều không thể kể xiết. Nhưng ngẫm sâu hơn một chút sẽ  có cảm giác  bây giờ nhiều  thứ HÀNG đang bị DÌM lắm, cho nên cái chữ “ GIÁ TRỊ” nó cũng không theo nghĩa trong cuốn từ điển tiếng Việt cũ từ tận cái năm 1992 kia đâu, mà hình như các  GIÁ TRỊ THẬT đang bị tráo đổi, lộn xộn, lung tung.
         Cho nên tôi nghĩ không phải riêng mình tôi mắc bệnh đau đầu trở thành kinh niên đâu? Nếu theo hiệu ứng đô mi nô thì  liệu bạn có bị đau đầu không, khi đọc bài viết này? Nếu có thì tạm tha cho tôi nha, đừng mắng mỏ, gào rú như cú bị mất mồi,  kẻo tôi không dủ tỉnh táo để phân biệt các GIÁ TRỊ của lời  chửi đâu, rồi tôi sẽ phải đi Châu Quỳ để chữa bệnh mất thôi.
                                                                 Viết xong 1 h/   15/6/2012.

TẤT CẢ CHO CON

                                                  Tản văn: Phan Thi Mai Hương
  Đến tôi cũng ngạc nhiên, vì sao lại đặt “tít” bài như một sự phát hiện ấy nhỉ? Lẽ đương nhiên là các  bậc cha mẹ, phấn đấu sự nghiệp, tìm kiếm  tiền bạc, tranh giành danh lợi, cuối cùng thì chả để cho con  mình thì cho ai? Không lẽ để cho con  hàng xóm à?
 Ông Chu Dung Cơ ( nguyên Thủ tướng Trung Quốc), có bài viết gồm những khái niệm, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm sau một chặng đường đời. Trong đó phần viết về con cái, đại ý như sau: tiền bạc nhà cửa của cha mẹ là của con;  nhưng tiền bạc, nhà cửa của con không phải là của cha mẹ. Nhận xét của ông Chu Dung Cơ không mới, và chắc ai cũng thấu hiểu, nếu đã từng làm cha mẹ. Chỉ là nó được chú ý bởi lời nói của người nổi tiếng.
    Là người “ chìm nghỉm tiếng”, và  không có ý định “ tổng kết” gì đâu, nhưng tôi cứ bị ám ảnh hoài bởi  điều ông Chu Dung Cơ nói. Bởi vì, biết thế đấy nhưng không làm khác được. Bởi  cha mẹ luôn dành mọi điều tốt nhất cho con, như mọi dòng sông đều chảy. Điều đó khắc  sâu vào tâm khảm và  không ai,  không bao giờ có thể nghĩ đến  việc làm khác đi. Không có lí do gì mà nước sông không chảy về biến, cũng như tất cả giá trị vật chất, tinh thần của cha mẹ đều hội tụ  nơi con cái.
  Là cha mẹ,  liệu chúng ta đã biết yêu con mình đúng cách chưa? Tôi bị một ông anh ( con nhà bác ruột) rất không ưa, vì tội về quê, cứ chạm mặt anh là lên tiếng chỉ trích. Phần là lo, phần là “ máu” nghề nghiệp chen vào, khiến tôi không thể nhịn “ phê phán”. Tôi chắc bạn cũng chả nhịn được đâu, nếu được chứng kiến hai đứa con của anh: trai lớn 21, gái nhỏ 18. Nhà làm nghề nông mà cả hai đứa chưa bao giờ lội chân xuống ruộng, con gái  không biết nầu cơm, con trai tóc xanh đỏ, uống rượu,  phóng xe máy vèo vèo. Nhà có ruộng nhưng thuê cày cấy, vì chị dâu tôi đi lao động ở Đài Loan gửi tiền về. Tôi chưa từng thầy hai đứa con anh động chân mó tay vào việc gì trong nhà, chứ đừng nói làm vườn, lội ruộng. Anh làm tất thảy mọi việc nội trợ  trong nhà như một người phụ nữ đảm đang. Mà lạy giời, tôi chả thấy bọn trẻ học hành, bài vở gì cả, chỉ xem ti vi, tụ tập, lượn ngoài đường. Tôi không hình dung được là trong tương lai, hai đứa trẻ  sẽ trở thành ai? Tôi hình dung ra sau này khi  anh đau ốm, nếu có mệnh hệ nào thì chắc không phải chỉ do bệnh tật. Tôi cầm chắc  cô cháu gái ế chồng, vì ở làng ai mà dám rước loại tiểu thư nửa mùa ấy về nhà làm vợ, làm con dâu? Tôi tưởng tượng ra cháu dâu cũng cùng một loại với cháu trai, nghĩa là  tóc và móng ( tay, chân) cũng “ biến hóa” các màu. Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ làm tôi “đấu khẩu” với anh, cho dù thỉnh thoảng mới về quê. Rồi tôi cũng buộc phải “bó tay chấm com”. Vì lý luận của ông anh tôi  là “ lớn lên khắc biết tất…”. Có lẽ vì thế với tôi, việc về quê cũng thưa thớt dần, chỉ  khi có việc hiếu, hỉ, chẳng đừng được, thì tôi phải chịu.
       Yêu con là điều đương nhiên, nhưng tôi luôn tự hỏi con trẻ cần lòng yêu thương ấy thế nào? Đã khi nào chúng ta, những người làm cha mẹ, sống chậm lại để suy nghĩ nghiêm túc về điều đó chưa? Tôi nuôi con đến nay tạm gọi là ổn vì con đã  trưởng thành: 25 tuổi, xong 2 bằng đại học, đã có thể tự lập. Lúc “ tám chuyện”, đồng nghiệp nói tôi “ sướng, vì con ngoan”. Nói thật, tôi chưa hình dung ra cái” sướng” ấy vuông tròn ra làm sao, bởi lòng cha mẹ nào mà chả bề bộn nỗi lo? Ôi trời! nếu kể ra đây thì có mà …hết ngày.
   Ngỡ tưởng đã làm hết mọi điều cho con, nhưng tôi đã lầm, khi con trai tôi tâm sự với chị nó ( chị con nhà bác) : “em buồn lắm vì có lúc  mẹ không hiểu em,  nhưng em  sẽ cố gắng sẽ làm cho mẹ hiểu”…. Tôi thực sự bị choáng váng, rồi hoang mang,  làm thế nào để hiểu bọn trẻ đây? Tôi vốn tự hào về bản thân là  không đến nỗi nào, khi không chỉ biết làm mẹ, mà còn biết làm bạn của con trai mình một cách đúng nghĩa. Vậy mà bỗng dưng bị “ giải thiêng” bởi chính con trai mình? Làm sao mà không choáng cơ chứ?
 Tôi thuộc thế hệ 6x, như có ý kiến nhận xét là thế hệ lỡ dở: kinh tế thì chuyển từ bao cấp sang thị trường; đường học hành thì làm “chuột bạch” cho nhiều đợt cải cách nối tiếp nhau ( tôi có một xấp giấy chứng nhận đã  học bồi dưỡng chu kỳ qua nhiều mùa hè); có học vấn tử tế, chu đáo nhưng không nhiều cơ hội. Nên mọi cố gắng làm lụng chỉ mong sao nếu thời thơ ấu, mình ước được ăn gì, chơi đồ chơi gì, thì bây giờ có điều kiện thì mua cho con, quan trọng nhất chăm chút cái sự  học  hành của con cho suôn sẻ. Làm sao con được đủ đầy cả về vật chất và tinh thần,  không bị thiếu thốn như mình hồi nhỏ.
      Phải chăng tôi đã thiếu sót điều gì cơ bản khi nuôi dạy con? Phải chăng tôi đã góp phần tạo ra một “thế hệ ích kỉ”? (như ý kiến để gọi thế hệ 8x, 9x. 10x  ). Vậy tôi đã mắc sai lầm ở đâu, khi muốn thêm vào hành trang của con những kinh nghiệm, để con có thể đi bằng con đường ngắn nhất, trên hành trình vào cuộc đời. Còn sử dụng những kinh nghiệm ấy như thế nào thì con phải chủ động. Giống như bây giờ, khi lớn lên con trẻ đã có ngay máy vi tính để dùng mà không cần phải phát minh ra nó nữa.
    Một người bạn tôi tâm sự một cách buồn rầu rằng đã  bất lực từ khi bị con gái gào vào mặt: “ không cần bố mẹ phải vì con. Hãy vì chính bố mẹ ấy! Thử nhìn xem, hai người suốt ngày cãi nhau”. Kết cục, cô bé sống ngoài đường là chủ yếu, nay mới lớp 10 đã ngang nhiên dẫn bạn trai về nhà…học, khi bố mẹ đi vắng. Nỗi đau ấy thấm thía đến cỡ nào thì chỉ có người mẹ ấy mới thấu hiểu. Nhưng tôi  cảm nhận nỗi đau ấy bằng tấm lòng người đã nuôi con, thêm nữa lại làm nghề dạy trẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà có câu “hổ dữ không ăn thịt con”, như  minh chứng về lòng yêu thương muôn đời mẹ cha dành cho con cái, cho dù đứa con ấy có thế nào. Đành phải nghĩ con cái là phúc phần mà bậc  làm cha mẹ chúng ta được hưởng. Vậy cái phúc bạn muốn, chắc cũng giống cái phần tôi mong? Sau tất cả những gì cần phải làm và đã làm, tôi đành phải  hy vọng và đợi chờ  ở thì tương lai thôi.
 Tôi viết những dòng này nhân kỉ niệm 1 năm, ngày con trai tôi nhận bằng tốt nghiệp Đại học. Tôi muốn dành tặng bài viết này cho con trai, cho người đàn ông đã trưởng thành của gia đình tôi.
                                                                                             Viết xong, 1h ngày 18/5/2012

TẢN MẠN NGHỀ GIÁO


                                                                Tản văn: Phan Thị Mai Hương
  Tôi đã từng đọc một cái tin vắn trên báo Giáo Dục & Thời Đại, rằng trong xã hội hiện đại này có 1 số nghề chịu nhiều áp lực nhất, đó là : Cảnh sát; phóng viên; bác sĩ; giáo viên;  người quét rác. Áp lực của  nghề khác thì tôi không biết rõ, chỉ nêu ra cho có thêm đồng minh thôi. Tôi chỉ nói về áp lực trong nghề giáo.
      Tôi  có một gia tài là  ngót 25 năm trong nghề giáo. Mọi vui buồn sướng khổ của nghề tôi đều trải nghiệm. Nói là không hay thì chả ai tin. Thói đời “ thấy đỏ tưởng chín” mà. Cái chuyện “ trong chán ngoài thèm” đâu có xa lại với ai? Nói là hay thì chắc đồng nghiệp lại ngấm nguýt “ nói như đồ dở hơi biết bơi”, đừng có mà làm cho người khác “ hớn hở như dưa bở”, “ngất ngây con gà tây”, rồi thì khối đứa lao vào sư phạm,  rồi ra  trường lại “ ngất trên cành quất” mất thôi.
      Nghề của tôi có vui không? Ai bảo là không? Này nhé, hoa nở rực rỡ trong nhà các ngày  20/11, 8/3 ( riêng 8/3 thì cô giáo còn được các thầy giáo tặng hoa ). Chúng tôi được đón nhận, trao gửi những nụ cười tươi tắn nhất, vì ai đến tặng hoa các thầy cô giáo  cũng mang nét  mặt tươi hơn hoa.
    Nghề giáo luôn sôi động nóng bỏng, nói như “teen” là  độ “hot” luôn ở mức cao, bởi nếu phát hiện học trò yêu, con ngoan của mình thường xuyên “học” trong quán “ nét” thì cả bố mẹ và thầy cô như ngồi trong chảo dầu sôi, nóng như trong lò bát quát của Thiên Đình trừng phạt Tôn Ngộ Không. Mà phát hiện được trò yêu của mình ở quán “nét” nào  là cả  một kỳ công, bởi chúng có đủ 72 phép biến hóa thần thông của Tôn Ngộ Không .
      Nghề giáo là nghề gánh vác nặng nề, vì  phụ huynh luôn luôn nói “ trăm sự nhờ thầy cô”! Làm cho mình cứ tưởng học trò là của riêng thầy cô giáo thôi. Bởi cứ ngỡ mình chỉ gánh vác “ 1 cái sự” học kiến thức là đã quá nặng nề rồi. Vậy mà còn thêm “ 99 sự nữa”. Nếu là bạn, bạn sẽ nghĩ sao? Bạn có mang vác được không?
“Gánh” ấy còn “nặng” thêm nữa, bởi thầy cô giáo  kiêm luôn quan tòa, phân xử mọi chuyện ở lớp cho công bằng từ những hờn giận trẻ con, chia bàn trực nhật vv…thậm chí cả  “vì sao bố mẹ em lại luôn luôn cãi nhau hả cô?”. Bạn có thấy “ nặng” không?
      Nghề giáo là nghề có cơ hội được rèn luyện tính kiên nhẫn. Thử hỏi không “ kiên nhẫn” thì còn biết làm sao khi tiếp nhận từ phụ huynh những lời rằng:  tôi bận rộn công việc làm ăn lắm, chả có thời gian đâu, mong cô thông cảm;  Tôi bận tối mắt tối mũi ấy, không có thời gian đến trường mà nghe cô kể lể đâu;  Làm sao tôi biết được là con tôi hư? tôi biết đâu đấy! tôi thấy nó đi vắng suốt, hỏi thì bảo đi học, có thấy mặt nó ở nhà đâu? Tại  sao khi nó mới hư cô không nói với  tôi? Tóm lại là bạn được học chữ “ nhẫn” một cách hoàn hảo nhất.
      Không chỉ học chữ “nhẫn” mà còn được học chữ “ nín nhịn” tuyệt đối luôn. Chứ không à? Này nhé, bạn đã bao giờ gặp tình huống bị cân điêu ngoài chợ chưa? Vài lạng thì không đáng kể gì, nhưng nếu là con cá tính thành tiền 1,4 kg, nhưng khi cân lại con cá ấy chỉ còn 0,8 kg? Mà tôi chỉ vô tình  nhìn cân, vì khi mua thịt để tạm cá lên đĩa cân của chị hàng thịt. Bạn vẫn phải lẳng lặng mang con cá ấy về, thở dài nghĩ coi như đánh rơi tiền. Vì nếu mang lại cho chị hàng cá, bạn sẽ không địch nổi với những lời lẽ rằng: tôi mà thèm làm điêu cho nhà chị à, cái con cá bé ranh ấy; tôi buôn bán cả đời ở chợ này có ai nói tôi cân điêu đâu; mỗi ngày tôi bán hàng tạ cá, có con cá bé tí mà phải đi cân lại; tiên sư đứa nào cân điêu rồi đổ cho bà;.v.v…  Phải lẳng lặng về thôi. Vì nếu có ý định bảo vệ lẽ phải của mình,  thì bạn phải biết gào to hơn chị hàng cá. Nếu định gào to hơn chị hàng cá  thì sẽ có hàng chục ( tạm ít thế) cặp mắt nhìn vào bạn, rồi sau lưng sẽ đầy rẫy dư luận:  Là cô giáo mà ra chợ cãi nhau; Cái cô giáo X,Y, Z…toàn cãi nhau ở chợ v.v… mà  không cần biết lẽ phải thuộc về ai. Vậy bạn có chịu nổi không?Thần kinh tôi kém lắm nên không mang được loại “ xì căng đan” này! Đành nghĩ thầm, cạch mặt cái  hàng cá ấy ra, cho lành! Vì tiếng lành thì  đồn.. ít thôi, còn tiếng xấu thì đồn..vừa  xa, vừa  lâu. Thêm nữa trăm năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!
Nghề giáo là nghề không dạy được con mình chữ nào đâu,  đến như chăm chút cho con ăn uống mà cũng không chu đáo được. Con trai tôi năm nay 25 tuổi. Hồi tiểu học, thì học trường Thực nghiệm. Thú thật ngày ấy, tôi không hiểu gì về mô hình giáo dục mới này, cho con học là vì Thực Nghiệm là trường duy nhất có bán trú, con cả ngày ở trường, mẹ có thể yên tâm ( không như bây giờ, các trường tiểu học đều bán trú). Cấp THCS thì học lớp chọn của  trường gần nhà. Câp THPT thì học trường Chuyên. Học xong Đại học thì làm kỹ sư thiết kế xây dựng. Điểm qua cái sự học của con để nói rằng tôi không dạy được con mình nửa chữ nào. Con tôi được như hôm nay là nhờ ở các thầy cô giáo của cháu nó hết đấy. Thật lòng mà nói, tôi vô cùng trân trọng và biết ơn những thầy cô giáo đã dạy con tôi.
 Nếu hỏi nghề giáo có hạnh phúc không? Tôi sẽ kể chuyện này. Cách đây 23 năm, tôi có một cậu học trò, học tôi mỗi năm lớp 10, vì em ấy bị ở lại lớp. Em ấy bỏ  học, phần vì nhà nghèo, phần vì chán nản bởi đúp lớp. Việc em ấy bỏ học làm tôi day dứt mãi, cho rằng lỗi tại tôi, rằng nếu tôi vớt được em ấy lên lớp 11 thì mọi chuyện đã khác. Em ấy từng làm nhiều nghề, đi xe bò, làm xe ôm, lái xe thuê, cửu vạn, sửa chữ xe đạp xe máy.v.v… Bất ngờ là  chủ nhật vừa rồi em ấy gọi điện và mời tôi đên thăm nhà. Ngôi nhà 3 tâng mới xây, khang trang, đồ gỗ trong nhà đẹp đẽ. Ngôi nhà của hai vợ chồng trẻ, cùng 2 đứa con. Em ấy nắm tay tôi và  khóc “ vì cô đã đến! cô đã  không quên em! Thế mà em nghĩ mãi mới dám gọi cô vì chỉ sợ cô không đến”. Em ấy khóc vì  biết là “ Cô đã từng nghĩ nhiều đến em, đã từng hỏi thăm em”. Còn tôi cũng rớt nước mắt vì mừng cho hạnh phúc đủ đầy của em ấy. Cần nói thêm là đến thăm nhà, tôi mới biết vợ em ấy cũng từng là học trò của  tôi, và là một cô bé rất ngoan. 
Bạn có hạnh phúc không? Nếu khi được đọc lá thư viết tay, của cô bé đã rời ghế nhà trường 10 năm, hỏi thăm cô giáo ngày 20/11. Thư viết: “ em đã khóc, vì khi em gọi điện cô nhận ra em ngay, nói Thảo chứ gì, cô quên làm sao được! tắt máy đi, cô gọi lại cho, sinh viên làm gì có tiền! ”. Tôi nâng niu lá thư viết tay đầy tình cảm ấy, vì  trong thời đại công nghệ thông tin này, cô bé ấy có thể gửi mail cho cô giáo cơ mà. Hiện giờ, cô bé ấy cũng là cô giáo. Bạn nghĩ sao về niềm hạnh phúc từ nghề giáo? Nó nhỏ nhoi? hay lớn lao? Chắc tùy theo quan niệm mỗi người.
Tôi nghĩ nghề nào cũng chịu những  áp lực, chủ quan từ chính trong nghề, khách quan từ tác động xã hội trên cả hai mặt tiêu cực và tích cực. Nhưng nghề giáo chịu nhiều áp lực nhất vì đối tượng lao động  là con  trẻ, tự di chuyển theo ý muốn nếu chúng không có ý định sợ cô giáo; là đối tượng biết học, biết chơi, biết cãi, thậm chí cô giáo chưa nói xong đã cãi xong. Nghề giáo là nghề có tác động tới mọi ngành nghề, mọi đối tượng trong xã hội, nên cái sự phức tạp càng tăng gấp bội.
 Những áp lực của nghề giáo, tôi nêu ra trên đây, là chưa hết đâu, còn nhiều lắm, nhưng vì sợ bạn đọc bị áp lực vì bài  dài, đọc mệt và chán, nên tôi kết thúc ở đây.
                                                                              2.6.2012

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG


                                                                              Tản văn: Phan Thi Mai Hương
  Con cái học hành, làm việc xa nhà. Đành thở dài xếp sự nghỉ ngơi lại. Ra đường. Ôi trời cứ nghĩ đến con đường và những chiếc ô tô là mình thấy ngán ngẩm. Vì hàng mấy tháng nay,  báo mạng, báo viết, báo nói chính thống ( truyền hình), đến cả  báo “nói” ở vỉa hè chỉ quan tâm mỗi một chuyện về cái ô tô, và con đường phải mang vác nó.
 Cái xe ô tô khách thật đáng nghi ngại.  Nhìn bằng mắt cũng có cảm giác nếu nó nổ máy thì mọi bộ phận trên xe đếu “ lên tiếng ”. Cuối cùng, vẫn chấp nhận, chỉ vì anh tài xế lớn tuổi, trông đứng đắn, nói năng nhẹ nhàng, và kiên quyết để trống  ghế đầu xe, nhưng khi 1 bà cụ khoảng 80 tuổi lên xe  thì được anh ta mời lên ghế ấy. Ai cũng mong nhìn thấy điều tốt lành, nhất là trong một buổi sáng,  mở đầu cho một chuyến đi.
 Niềm tin của mình được củng cố  trong tình huống gặp chiếc xe máy bất ngờ tạt ngang,  tài xế vẫn khéo léo đánh tay lái. Mình hơi hoảng, và chờ đợi 1 câu rủa tục tằn, nhưng lại nhìn thấy sự  thản nhiên. Lái xe là một nghề vất vả và nóng nảy, vậy mà… đằm tính như thế chắc là của  hiếm.
 Có lẽ nghề lại xe phải quen với cảnh ấy? Mình tự trách, sao ít tin vào sự bình an thế? Sao lại cứ phải nghĩ đến sự bất ổn?  Phải chăng sự bất ổn đã trở thành phổ biến? Phải chăng mình hèn nhát như nhân vật Bê-li-cốp chỉ “ sợ nhỡ có chuyện gì xảy ra?” ( truyện ngắn “Người trong bao” – A.Sê-khôp).
Ô tô thì phải đi trên đường. Đường quốc lộ 6, đoạn từ Xuân Mai về Hà Nội, bụi mù mịt, chi chít những chỗ đào bới sửa chữa, trông lổn nhổn như mụn trứng cá nằm chềnh ềnh trên khuôn mặt đẹp. Trong những cái xóc nẩy chồm chồm, và phải bò dò dẫm tránh những ổ gà, ổ trâu, tài xế thốt nhiên nổi khùng: “đường như cái mặt giặc”. Chưa hết! vẫn tiếp tục càu nhàu: “ cái ông Bộ trưởng giao thông thử đi trên con đường này xem! Thế mà còn đòi thu phí …”, và tất nhiên là  kèm theo một tràng chửi rủa, nhắc ra đây không tiện. A!  thì ra sự từ tốn nãy giờ chỉ là “ hiện tượng” thôi, còn “ bản chất” chính là đây.
Mình nghĩ tài xế ước mong thật viển vông. Vì cùng đi trên đường, nhưng xe ô tô của lãnh đạo tất nhiên là sẽ  khác với xe ô tô của dân thường đi kiếm ăn như anh ta chứ. Mình nghĩ đến câu nói của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc “ Phí rất cao, nhưng đường rất tồi, phải chủ động dành một phần tiền đó tăng cường cho giao thông”.
Nghề nghiệp ảnh hưởng nhiều đến tính cách. Mình đã từng nghe ai nói thế. Mình đây cũng đang mắc “bệnh” nghề nghiệp, khi thầm phán xét tính nết phổ biến tài xế  là nóng nảy, thô lỗ. Nhưng mình có mặt trên ô tô này vì cái tính nền nã mà mình đã nhìn thấy cơ  mà. Hóa ra cái nhìn thấy và cái chưa nhìn thấy không nằm cùng một hệ quy chiếu.
Người phụ nữ trung tuổi ngồi hàng ghế trên góp chuyện: ông Bộ trưởng đấy bị tất cả  các báo  phản đối . Trong các báo chửi, thì báo Văn Nghệ chửi hay và khéo nhất”. “ sao chị biết”-“ thì tôi về hưu rồi, đọc báo mạng không đủ, tôi đặt tất cả các loại báo để đọc thêm”. Ôi! Chị ấy làm mình thán phục sát đất. Thế mới biết sức mạnh của báo chí có thể đi và thông tỏ mọi ngõ ngách.
 Văn Nghệ  là tờ báo mình đọc thường xuyên, vì nó liên quan đến chuyên môn của mình.  Vì thế  mình thấy thú vị với nhận xét báo Văn Nghệ “ chửi hay và khéo” của  chị ấy. Đấy,  vấn đề không nằm  ở chỗ  nói cái gì, mà cái chính  là nói như thế nào.  Bài học đân gian “ chim khôn nói tiếng rảnh rang / người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” hóa ra muôn đời vẫn đúng như một đáp số duy nhất.
 Và, đến đây lại phải  thở dài thêm một cái nữa. Những chuyện chửi “hay và khéo” như báo Văn Nghệ ; hay  nguyền  rủa tục tằn thô lỗ như anh tài xế;  hay không nói gì như mình; tất cả đều có  chung một ước mong  con đường thì  đẹp như dải lụa hồng, mà xe ô tô thì duyên dáng như  thiếu nữ đôi mươi. Bởi vì  mỗi người đều mong muốn có những cuộc di chuyển an lành.
Cái điện thoại bỗng dưng gừ gừ. Cầu mong tin tốt. Không. Thất vọng rồi: “ Anh, chị về ngay nhé…”. Đường về  quê nội  dài  260 km. Vậy là lại phải nghĩ đến con đường và xe ô tô trong những chuyến đi tiếp theo. Mình nhớ có ai đó đã nói là  di chuyển là một phần tất yếu của cuộc sống. Ôi! Giá mà hạn chế được sự di chuyển! Thật là một khát khao hão huyền.
                                                                                                                    25.4.2012

ĐIỀU KỲ DIỆU


Thơ Phan Thị Mai Hương
Trong những điều kỳ diệu,
Đấy sẽ là tình yêu.
Trong thiên nhiên thơ mộng,
Trong tâm hồn thanh tao.
Lời thì thầm của gió.
Lời nhắn nhủ của mưa.
Nồng nà như ánh mắt.
Và…trái tim chao nghiêng
Em nghe trong lá cỏ,
Tiếng dế hát …mùa thu.
Em nghe trong đất cát,
Đọng hương rừng vi vu
Em nghe hơi gió thở,
Thì thầm lời yêu đương.
Em nghe hoa nhắn gửi,
Một nụ hôn đầu đời.
Ai biết tự bao giờ,
Cỏ cây mang tiếng hát.
Ai biết tự tâm hồn,
Mang sẵn điều kỳ diệu.
                             

TÌNH YÊU


                                                        Tản văn: Phan Thị Mai Hương
1.Tôi vốn không thích cái sự “lá cải” của báo mạng, nhưng đôi khi cũng “ đi dạo” một vòng “ quanh thế giới” để biết mức độ “ củ cải” đến đâu? Bởi vì, tôi nghĩ không thích không có nghĩa là ruồng bỏ.Khi ta không hiểu về thứ ta không thích thì có lẽ chính ta cũng không biết vì  sao mà ta không thích.
Hôm nay tôi tình cờ đọc bài viết có nhan đề “ Kinh hoàng trước cảnh cứu ngựa cưng của bà mẹ trẻ” trên Dân Trí. Tôi đọc là vì “ kinh hoàng”  trước cái nhan đề bài báo, chắng hóa bà mẹ trẻ ấy đẻ ra con ngựa à? Chắc chắn trang chủ của “ la cai org”sẽ có lời bình sâu sắc hơn tôi.
Nhưng khi đọc và xem ảnh của bài viết, tôi cực kỳ xúc động. Những tấm ảnh làm tôi ứa nước mắt. Cô gái trẻ bị chìm lút dưới bùn lầy cùng với con ngựa, chỉ còn nhô 1/3 thân thể trên mặt bùn đen xì. Hình ảnh làm tôi nhớ hồi còn nhỏ, đi ra đầm lầy vớt bèo tây làm thức ăn cho heo. Thi thoảng tôi cũng bị sa xuống những cái hố sâu, hai chân như bị kéo xuống, và tâm trạng thì cực kì hoảng hốt. Nỗi khiếp đảm, hãi hùng  ấy vẫn còn ám ảnh tôi trong những giấc mơ, và khiến tôi luôn nhìn những  vũng bùn lấy với ánh mắt nghi ngờ.
Tôi bị choáng bới sự can đảm của cô gái. Phần thân trên của cô ấy bị trát gần kín bởi bùn, chỉ lộ đôi mắt tràn đầy sự nỗ lực, hy vọng, kiên trì, nhẫn nại, để vỗ về chú ngựa. Nghe nói ngựa vốn là loài vật thông minh, chắc nó cũng đang sợ hãi lắm, nhưng chắc là nó cũng hiểu được sự nỗ lực của cô chủ? Và  có lẽ  cô ấy cũng đang hoảng sợ chả kém gì  chú ngựa. Tuy nhiên,  xem ảnh, tôi chỉ  thấy ánh mắt cô ấy tràn đầy yêu thương, che chở, chia sẻ, động viên dành cho “ ngựa cưng”.  Tôi tin là cô ấy đã  đối xử với “ ngựa cưng” như  với con gái của mình.
 Tự nhiên, tôi nghĩ đến những con thú bị cắt tiết, cạo lông, thui vàng rộm, treo lủng lẳng ở các quán ăn ở chùa Hương và các khu du lịch khác. Tôi liên tưởng đến những con vật bị nhồi vào những bình lớn và nhỏ, bày trong các nhà hàng sang trọng, các khu du lịch sinh thái, mà râu, chân , càng, vẩy của chúng như vẫn đang giương lên ngoe nguẩy trong rượu. Tôi nghĩ đến hội chọi trâu  truyền thống ở Đồ Sơn. Những chú trâu đẹp đẽ, bóng mượt, căng mọng như quả sim chín. Những chú trâu được ăn ngon, ở sạch, được chủ tắm táp cho từng li từng tí,  cùng đi dạo và luyện tập “ thể hình”  trong suốt một năm trời. Để rồi một ngày đẹp trời của mùa xuân, những chú Trâu được mang ra chọi trong lễ hội, mang lại sự hồ hởi, vui vẻ phấn khích cho hàng ngàn người sau một năm lao động vất vả. Để cái còn lại cuối cùng của những chú Trâu dũng mãnh là một đống thịt lẫn máu me bầy nhầy trên đất, được bán với giá từ 5 trăm ngàn đến 1 triệu đồng cho 1 kg.  Có lẽ tôi đã phần nào  hiểu được tâm trạng của khách du lịch là người nước ngoài, khi họ nhìn thấy những con thú bị đối xử như thế. Cái từ mà tôi thấy  họ thường dùng để diễn tả cảm giác là “ kinh hoàng”.
 Tôi khâm phục sự nỗ lực đến mức không thể tuyệt vọng của cô gái và chú ngựa, trong một hoàn cảnh tuyệt vọng. Chuyện gì sẽ xẩy ra, khi cô ấy và con ngựa cứ đang chìm dần, chìm dần xuống bùn? Bạn đã biết trước kết cục ấy rồi. Nếu rơi vào hoàn cảnh ấy tôi sẽ chọn gì? Ngựa cưng hay là mạng sống của bản thân? Bức ảnh đẹp nhất là chú ngựa rướn mình, căng tất cả các cơ bắp như lực sĩ thể hình để thoát khỏi bùn lầy. Cô gái uốn cong mình, dồn hết sức lực ở phía sau hông “ ngựa cưng” để giúp đẩy con vật lên mặt đất khô ráo. Tôi cảm nhận sự cưng chiều, động viên âu yếm, khích lệ dịu dàng, từ cô gái đối với chú ngựa. Tôi tin rằng cô ấy là mẹ đích thực của chú ngựa. Tôi tin rằng đấy chính là tình yêu.
Tình yêu ấy không chỉ là “ 20 năm tôi đã cưỡi con ngựa này” như cố gái sau này kể với phóng viên.  Cô ấy có thể thay con ngựa khác để cưỡi , vì đơn giản đó chỉ là một con ngựa. Hơn nữa, cô ấy phụ trách hẳn một trang trại ngựa .  Cho nên, có thể hiểu cảm xúc ấy trong sự  yêu thương, gìn giữ, nâng niu, như một phần máu thịt mà không thể tách rời. Có một nhà thơ  đã nói về tình yêu rất ngộ nghĩnh và hóm hỉnh, nhưng hình như là đúng ( ít nhất là trong trường hợp này): “ người tình như viên mỡ con ? Chui vào trong anh ở bên nạng sườn / Áo mặc vào còn cởi ra dược / Cắt bỏ làm sao mỡ dính với xương” ( Dương Thuấn).
 Tôi nghe nói ngựa là loài vật rất thông minh, có thể hiểu được tình cảm của người nuôi. Ở đây tôi tin rằng chú ngựa hiểu được tình yêu thương mà cô gái dành cho nó, nên đã cố gắng hết mình. Ở đây, cách giải thích tình yêu  là cho nhau, vì nhau, và cùng nhìn về một hướng, đã được hiện diện bằng hình tượng rất sinh động. Cô gái và chú ngựa đã cùng nhìn về sự sống để nương tựa vào nhau, để vượt qua đầm lấy. Họ - cô gái và chú ngựa - đã chiến thắng vì một tình yêu, tình yêu dành cho nhau.
 Trên tất cả mọi thứ,  đó là  tình yêu dành cho cuộc sống. Khi cánh cửa này đóng lại, sẽ có cảnh cửa khác mở ra, miễn là bạn biết tìm ra nó. Tôi nghĩ, đó là thứ tình yêu rất cần cho tất cả mọi người,  khi chúng ta đang ở trong một cuộc sống có quá nhiều áp lực, có quá nhiều sự lựa chọn. Khi mà chúng ta chạy hối hả tranh cướp với thời gian vật chất để sống mà quên mất rằng cần phải đi chậm, thậm chí dừng lại để cảm nhận một tình yêu.
                                                                                                   15.4.2012