Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

ĐỌC BÁO


                                                            Tản văn:  Phan Thị Mai Hương
“Đọc...” cái nhan đề của bài viết này, chắc bạn lại “ xì!!! có gì mà lạ, ai mà chả đọc báo …”. Đúng thế! Có thể ai đó cả đời không cầm đến cuốn tiểu thuyết cổ điển, những cuốn như “ cuốn theo chiều gió” “tiếng chim hót trong bụi mận gai” “đồi gió hú” …Nhưng không thể không bao giờ không cầm đến tờ báo.

     Tôi sinh trưởng trong một gia đình mà  được cư dân trong ngõ coi là  “ nhiều chữ”. Bố mẹ  là nhà giáo, cả 5 chị em  và các con rể  đều học xong đại học,  và riêng tôi thì học cao hơn các em một bậc, thế hệ thứ ba ( cháu) của gia đình thì cũng đã xong đại học, và chắc còn tiếp tục việc học lên nữa. Điểm qua cái sự học hành của mọi thành viên trong gia đình để  muốn nói rằng việc đọc sách và báo là truyền thống trong gia đình tôi, hơn thế nữa gần như là một nhu cầu không thể thiếu.
     Tôi nhớ hồi còn nhỏ,  thức ăn của chị em tôi triền miên là bí đỏ nếu  vào mùa bí, sáng chiều là  rau muống nếu vào mùa hè, tối ngày là  rau cải, nếu vào  mùa đông. Tất cả các món rau ấy sẽ kèm theo lạc rang, đậu phụ, trứng rang lẫn mắm tôm, đôi khi có thịt kho lẫn tóp mỡ, hoặc cá biển ướp lạnh kho là sang lắm rồi, và dĩ nhiên những  thứ đó đều mua theo tem phiếu. Nhưng sách báo trong nhà tôi không bao giờ thiếu và luôn luôn được đổi món!  Em bé thì có báo Nhi Đồng, chị lớn thì có báo Thiếu Niên, bố và mẹ có báo Quân Đội và Nhân Dân, có tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, tất cả các loại báo ấy đều  do bố tôi đặt qua bưu điện. Trong nhà có tất cả mọi cuốn sách truyện và thơ của nhà xuất bản Kim Đồng, nhưng tuyệt  nhiên không có món đồ chơi nào, ngoại trừ chiếc đèn ông sao do bố tự tay làm, mỗi năm một lần vào dịp Tết Trung Thu. Ngay từ thuở bé, chị em tôi đã thuộc lòng cuốn “ Góc sân và khoảng trời” của thần đồng thơ Trân Đăng Khoa, và những cái tên như Hồng Kiên, Lê Thị Mây, Phan Thị Vàng Anh với “ mèo con đi học chẳng mang cái gì…” đã trở thành thân quen gần gũi.  Sách và báo đã cùng tuổi thơ tôi đi qua những thiếu thốn vật chất, chăm bẵm những đam mê,  nuôi lớn những đợi chờ, nhen nhóm nhiều ước mơ.
      Trong khả năng có thể, bố tôi luôn mua bằng hết những cuốn sách vừa được xuất bản, và bày bán ở “ hiệu sách nhân dân” Tôi nhớ  để mua được cuốn “ sợi chỉ mỏng manh”( truyện phản gián của Liên Xô)  và cuốn “ X 30 Phá lưới”(truyện phản gián của Việt Nam), bố  đã phải xin giấy giới thiệu của phòng Giáo dục, gọi là  mua cho thư viện trường, để được mua ké vào đấy bằng được hai cuốn đó. Sách thời bao cấp thật là hiếm, và kiểu người đọc như bố tôi thời bao cấp so  với bây giờ cũng có vẻ như là của hiếm. Cho nên, trong gia đình tôi, sách và báo là thứ tài sản “luôn luôn phát triền”.
     Ngay từ khi học cấp 1, tôi đã rất thích lục lọi giá sách của bố mẹ, những cuốn “ thép đã tôi thế đấy” “ Hồng lâu mộng” “ Tam Quốc” “ Những mẩu chuyện Đông Tây” “ Chuyện nước ý” “ Lỗ Tấn” “ Người mẹ” “ Sông Đông Êm Đềm” “Anna ka rê ni na”; “Chiến tranh và Hòa Bình “ “Ruồi Trâu” “Viết dưới giá treo cổ” “ Thư  gửi người đàn bà không quen” v.v… đã được tôi “đọc trộm”  hết, vì bố luôn luôn cấm “ con gái đọc tiểu thuyết”. Tôi đọc chỉ  vì bố cấm, vì  thấy “ tiểu thuyết cấm” ấy hay hơn báo Thiều Niên Tiền Phong, đọc vì không hiểu gì cả, vì thế lại càng đọc đi đọc lại đến mức thuộc lòng, và quả là sau này khi học đại học mới hiểu những điều mình đã đọc. Ở cái thời mà không có thứ gì để nghe, hay nhìn thì đọc là môn giải trí hạng  nhất. Với ai đó thì không biết chứ với riêng tôi việc đọc thành thói quen và sở thích, và  quả thật là  “ sách đã mở ra những chân trời mới”.
    Tôi không có ý định dẫn bạn đi xa chủ đề “ đọc báo” đâu. Kể chuyện dông dài một tí, chỉ là tôi muốn khẳng định nếu ai đã  yêu nhưng cuôn sách thế nào thì cũng yêu báo chí thế ấy. Chả phải là từ  “sách”  và từ “ báo”  đi liền nhau tạo thành từ ghép trong tiếng Việt là “ sách báo” đấy ư? Tuy nhiên, tôi tin chắc 100% rằng tôi yêu sách báo thế nào thì bạn và rất nhiều người khác cũng yêu sách báo như thế ấy. Cho nên truyền thống trong gia đình tôi đâu phải là một ngoại lệ. Ai mà chả biết truyền thống của người Việt Nam là hiếu học, và đương nhiên truyền thống ấy phải gắn liền với sách báo. Thế giới hình như biết đến người Việt Nam yêu thơ ca nhất  chỉ sau bóng đá,  và hình như người Việt Nam nào cũng biết làm thơ, và nhà thơ ở Việt Nam  cũng chiếm một số lượng đông đảo, ví dụ như phong trào Thơ Mới có tới hàng nghìn nhà thơ, con số này đã được tác giả của “ Thi nhân Việt Nam” xác nhận. Nhưng bây giờ thì tình hình có vẻ đảo ngược, người Việt Nam trở thành dân tộc hâm mộ môn thể thao “ vua” nhất thế giới, ngoài ra giới trẻ còn hâm mộ nhiều thứ khác nữa, nhưng cái sự “hâm mộ” đó tôi sẽ cùng bàn với các bạn trong một dịp khác. Tôi chỉ muốn khẳng định có được kết quả đó là nhờ sức mạnh của báo chí, của các cơ quan truyền thông.
   Đúng thế! Bây giờ là thời đại của báo chí! Tôi cũng không biết con số chính xác những tờ báo đang được lưu hành là bao nhiêu! Có lần tôi dã  đọc được một số liệu thống kê rằng hiện nay người đọc có khoảng hơn 700 tờ báo, kể cả báo giấy và báo mạng,  đấy là chỉ kể những tờ báo đang được phát hành thôi, chứ không tính các loại “bờ lốc -  bờ leo” đâu nha! Cho nên, tôi thấy bạn đọc bây giờ thật là  sung sướng, khi được thỏa mãn niềm đam mê đọc một cách không giới hạn.
   Tôi đảm bảo với bạn rằng ở tất cả mọi công sở trên đất nước của chúng ta đều có “ nét”, và 100% viên chức khi đến công sở việc đầu tiên là bật máy tính lên để…đọc báo. Nếu còn băn khoăn thì tôi chứng minh giúp bạn nha! Bạn cứ bật máy tính của bạn lên vào quãng 8h thì sẽ thấy đường truyền đi rất chậm, thậm chí có lúc còn bị nghẽn. Và tôi cũng mở báo mạng ra coi ngay, nếu hôm đó không phải đến trường từ tiết 1, bởi trường vào  học 7 h, mà nhà tôi chỉ cách trường có 3 phút đi xe máy, nên có thể thoải mái thỏa mãn niềm đam mê đọc của mình.  Vậy  bạn đã  đồng ý với tôi là đọc báo là một thú vui bất tận chưa nào?
Vậy bạn đọc gì trong báo? Tôi đọc gì trong báo? Chữ “ đọc” ở đây còn có nghĩa chúng ta sẽ tìm kiếm điều gì trong báo? Câu trả lời không khó, đúng không bạn? Cái bạn tìm cũng giống cái  tôi muốn thấy, đó là những sự kiện thời sự chính trị kinh tế diễn ra trên khắp đất nước.  Mong cho nhìn thấy sự thay da  đổi thịt của những miền quê như có thêm một cái đập thủy điện nhưng đừng rò rỉ như suối chảy xối xả,  để cho trẻ em không còn  phải đu dây và  đi bè mảng qua sông đến trường, để cho cả một xã  thoát cái nạn 40 năm thiếu nước sạch vì không có  20 triệu đồng,  để cho những hóa chất độc hại đừng ngang nhiên đi vào từng miếng ăn của mỗi con người. Mong  thấy các quan chức, doanh nhân, trí thức công nhân và nông dân đừng tham nhũng hay tham lam, mà hãy lao động cống hiến sức lực và trí tuệ để Tổ Quốc vững mạnh, giàu có với  rừng vàng biển bạc còn vẹn nguyên, không bị “ nước lạ” nào đe dọa, không có vùng biển nào bị chiếm đoạt, đừng có cái đường lưỡi bò nào thè lè liếm vào đường biên giới hay hải đảo .
Vậy chúng ta cùng thấy gì trong báo? Không khó để nhận ra: cướp, giết,  hiếp, hở và kín,  váy ngắn và áo dài, yêu và “ lên đỉnh”, kiều nữ tung tăng, chân dài lượn phố, thần tượng xuất hiện, trẻ em  tung hô “ ta là đàn em của Luyện”v.v… Dẫu  biết rằng tất cả mọi thứ ấy đều có thật,  nhưng cứ đọc mãi, nghe mãi sẽ giống như giai thoại “ ở chợ có hố”, nói đi nói lại mãi cuối cùng  thành “ ở chợ có hổ” và  được tin đấy là chân lý.  Bạn có nghĩ ra hiệu ứng của nó  thế nào không? Đọc lần thứ nhất người ta thấy kinh sợ. đọc lần thứ hai người ta sẽ giật mình, đọc lần thứ ba người ta thấy xã hội thật nhiều bất ổn, đọc lần thứ tư người ta lo lắng cho sự an nguy của người thân và của chính mình, đọc đến lần thứ n…thì người ta thấy bình thường thôi, chuyện nhỏ như con thỏ, chuyện thường ngày ở huyện ấy mà. Cho nên tôi nghĩ hình như thói vô cảm được hình thành một cách rất tự nhiên trong cách hành xử của chính chúng ta. Cho nên những chuyện nêu trên cứ  xảy ra như tự nhiên, và đương nhiên luôn luôn là đề tài nóng bỏng .  
Thế  bạn có nghĩ mình bị vô cảm trước không?  Còn hậu quả của thói vô cảm?  nếu nói ra đấy thì vô cùng vô tận, nên tôi sẽ dừng lại ở đây. Và  hàng ngày…( thở dài), tôi vẫn muốn đọc báo, tôi khẳng định đấy, dù thấy mình như bị quay tít trong một  vòng tròn.
                                                                             Viết xong 1 9 / 8 / 2012

1 nhận xét:

Unknown nói...

Như vậy là trên giá còn thiếu Bỉ vỏ,Số đỏ,Đồi thông hai mộ,Đống rác cũ......
Tiếc cho chị Mai Hương!
***
Đoạn cuối trong bài chị MH viết rất đúng.Chuyện hay ít thấy,toàn chuyệ vợ nướng chồng,cha thái con từng khúc,bố chồng dính con dâu...Trên mặt báo mà thiếu những tin đó mới lạ.Cũng thông cảm cho các báo:nếu không có những tin giật gân đó thì các báo lấy gì mà ăn,chả lẽ họ tìm báo Nhân dân để xem chuyện chính trị?(Mà báo ND chắc gì có ai đọc-bởi lẽ báo ấy của các quan,mà quan còn để thời gian xem có dự án nào cũng như khu đất nào béo bở có thể thu hồi,thời gian đâu đọc báo).