Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

CHUYỆN NHẶT DỌC ĐƯỜNG


                                                                              Tản văn: Phan Thi Mai Hương
  Con cái học hành, làm việc xa nhà. Đành thở dài xếp sự nghỉ ngơi lại. Ra đường. Ôi trời cứ nghĩ đến con đường và những chiếc ô tô là mình thấy ngán ngẩm. Vì hàng mấy tháng nay,  báo mạng, báo viết, báo nói chính thống ( truyền hình), đến cả  báo “nói” ở vỉa hè chỉ quan tâm mỗi một chuyện về cái ô tô, và con đường phải mang vác nó.
 Cái xe ô tô khách thật đáng nghi ngại.  Nhìn bằng mắt cũng có cảm giác nếu nó nổ máy thì mọi bộ phận trên xe đếu “ lên tiếng ”. Cuối cùng, vẫn chấp nhận, chỉ vì anh tài xế lớn tuổi, trông đứng đắn, nói năng nhẹ nhàng, và kiên quyết để trống  ghế đầu xe, nhưng khi 1 bà cụ khoảng 80 tuổi lên xe  thì được anh ta mời lên ghế ấy. Ai cũng mong nhìn thấy điều tốt lành, nhất là trong một buổi sáng,  mở đầu cho một chuyến đi.
 Niềm tin của mình được củng cố  trong tình huống gặp chiếc xe máy bất ngờ tạt ngang,  tài xế vẫn khéo léo đánh tay lái. Mình hơi hoảng, và chờ đợi 1 câu rủa tục tằn, nhưng lại nhìn thấy sự  thản nhiên. Lái xe là một nghề vất vả và nóng nảy, vậy mà… đằm tính như thế chắc là của  hiếm.
 Có lẽ nghề lại xe phải quen với cảnh ấy? Mình tự trách, sao ít tin vào sự bình an thế? Sao lại cứ phải nghĩ đến sự bất ổn?  Phải chăng sự bất ổn đã trở thành phổ biến? Phải chăng mình hèn nhát như nhân vật Bê-li-cốp chỉ “ sợ nhỡ có chuyện gì xảy ra?” ( truyện ngắn “Người trong bao” – A.Sê-khôp).
Ô tô thì phải đi trên đường. Đường quốc lộ 6, đoạn từ Xuân Mai về Hà Nội, bụi mù mịt, chi chít những chỗ đào bới sửa chữa, trông lổn nhổn như mụn trứng cá nằm chềnh ềnh trên khuôn mặt đẹp. Trong những cái xóc nẩy chồm chồm, và phải bò dò dẫm tránh những ổ gà, ổ trâu, tài xế thốt nhiên nổi khùng: “đường như cái mặt giặc”. Chưa hết! vẫn tiếp tục càu nhàu: “ cái ông Bộ trưởng giao thông thử đi trên con đường này xem! Thế mà còn đòi thu phí …”, và tất nhiên là  kèm theo một tràng chửi rủa, nhắc ra đây không tiện. A!  thì ra sự từ tốn nãy giờ chỉ là “ hiện tượng” thôi, còn “ bản chất” chính là đây.
Mình nghĩ tài xế ước mong thật viển vông. Vì cùng đi trên đường, nhưng xe ô tô của lãnh đạo tất nhiên là sẽ  khác với xe ô tô của dân thường đi kiếm ăn như anh ta chứ. Mình nghĩ đến câu nói của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc “ Phí rất cao, nhưng đường rất tồi, phải chủ động dành một phần tiền đó tăng cường cho giao thông”.
Nghề nghiệp ảnh hưởng nhiều đến tính cách. Mình đã từng nghe ai nói thế. Mình đây cũng đang mắc “bệnh” nghề nghiệp, khi thầm phán xét tính nết phổ biến tài xế  là nóng nảy, thô lỗ. Nhưng mình có mặt trên ô tô này vì cái tính nền nã mà mình đã nhìn thấy cơ  mà. Hóa ra cái nhìn thấy và cái chưa nhìn thấy không nằm cùng một hệ quy chiếu.
Người phụ nữ trung tuổi ngồi hàng ghế trên góp chuyện: ông Bộ trưởng đấy bị tất cả  các báo  phản đối . Trong các báo chửi, thì báo Văn Nghệ chửi hay và khéo nhất”. “ sao chị biết”-“ thì tôi về hưu rồi, đọc báo mạng không đủ, tôi đặt tất cả các loại báo để đọc thêm”. Ôi! Chị ấy làm mình thán phục sát đất. Thế mới biết sức mạnh của báo chí có thể đi và thông tỏ mọi ngõ ngách.
 Văn Nghệ  là tờ báo mình đọc thường xuyên, vì nó liên quan đến chuyên môn của mình.  Vì thế  mình thấy thú vị với nhận xét báo Văn Nghệ “ chửi hay và khéo” của  chị ấy. Đấy,  vấn đề không nằm  ở chỗ  nói cái gì, mà cái chính  là nói như thế nào.  Bài học đân gian “ chim khôn nói tiếng rảnh rang / người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” hóa ra muôn đời vẫn đúng như một đáp số duy nhất.
 Và, đến đây lại phải  thở dài thêm một cái nữa. Những chuyện chửi “hay và khéo” như báo Văn Nghệ ; hay  nguyền  rủa tục tằn thô lỗ như anh tài xế;  hay không nói gì như mình; tất cả đều có  chung một ước mong  con đường thì  đẹp như dải lụa hồng, mà xe ô tô thì duyên dáng như  thiếu nữ đôi mươi. Bởi vì  mỗi người đều mong muốn có những cuộc di chuyển an lành.
Cái điện thoại bỗng dưng gừ gừ. Cầu mong tin tốt. Không. Thất vọng rồi: “ Anh, chị về ngay nhé…”. Đường về  quê nội  dài  260 km. Vậy là lại phải nghĩ đến con đường và xe ô tô trong những chuyến đi tiếp theo. Mình nhớ có ai đó đã nói là  di chuyển là một phần tất yếu của cuộc sống. Ôi! Giá mà hạn chế được sự di chuyển! Thật là một khát khao hão huyền.
                                                                                                                    25.4.2012

Không có nhận xét nào: