Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

TỪ ĐỒI NGÔ NGHĨ THÊM...


                                         Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Câu chuyện thi cử ở trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang đã làm nóng lên bao nhiêu là tờ báo, báo ngày, báo giấy, báo mạng. Không tin bạn cứ mở “ net” ra mà xem, độ “ hot” của “ Đồi Ngô” chả kém  chuyện “ chân dài bán nhan sắc ” là  bao nhiêu đâu, còn nếu  so với các loại “ vi na” thì “ hot” hơn nhiều. Giờ tôi có nói lại chuyện cũ thì bạn chịu khó bớt thời gian đọc chút vậy nha!
    Đồi Ngô “ nóng”  có thể vì những  lý do sau : Ồn ào vì cái chuyện này ai ai cũng có thể đưa ra ý kiến; không sợ thâm thủng ngân sách vì  nó  không liên quan đến” U ét đê” hay “ Việt Nam đồng”; nhộn nhịp vì không ảnh hưởng đến chức vụ, vì những người gây ra vụ việc cũng không được lên chức như cái ông quan chức ở một bộ khác,  và “ nhân sự” lại càng không có tiền mà trốn chạy lệnh truy nã bằng việc thoát ra nước ngoài;  hấp dẫn vì từ “ Đồi Ngô” còn  làm nảy sinh ra bao nhiêu là thầy bói nữa, theo kiểu A=B, và B=C; suy ra A=C ấy mà,  nên  dự đoán là còn nhiều  “ đồi sắn” “đồi khoai”, “đồi cà rốt” nữa cơ, chỉ là chưa bị lộ thôi. Và còn lý do… xyz nào  nữa thì bạn  cứ cho thêm vào, nếu muốn!
      Vấn đề “ Đồi Ngô” thu hút mọi phương tiện truyền thông, cái trường dân lập quá bình thường ở một tỉnh còn “ it tuổi” là Bắc Giang ấy bỗng dưng trở nên nổi tiếng như ngôi sao ăn khách nhất của giới “ sốp bit”. Một lần nữa, nhân vật chống tiêu cực trong thi cử vốn đã nổi tiếng vì đã được một quan chức là  Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng tặng bằng khen, nay lại tiếp tục nổi tiếng. Báo chí nói nhiều quá, tôi có cảm tưởng hình như trong cuộc sống sôi động, mở cửa và  đổi mới của con rồng Việt Nam ở châu Á này, không còn chuyện gì quan trong hơn chuyện thi cử, chuyện tư cách  đạo đức nhà giáo lẫn học sinh. Mọi thứ lạm phát, tham nhũng, thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỉ tiền thuế của dân, đều không đáng để phán xét về tư cách đạo đức của mọi nhà…khác ( có thể là nhà kinh doanh, nhà chính trị, nhà chính khách, nhà lập pháp, nhà hành pháp,  chỉ trừ nhà giáo), bằng các nhà giáo ở Đồi Ngô. Thế mới biết nghề giáo là  cao quý  thật đấy, chứ không phải chỉ là khẩu hiệu, nên mới nhận được sự quan tâm hết mực của tất thảy mọi người và mọi phương tiện truyền thông, và  sau bao năm làm nghề, giờ đây tôi lại càng  thấm thía điều này.
      Tôi thường nghĩ, trong nhiều kì thì ở cuộc đời đi học của một đứa trẻ, thì  kì thi tốt nghiệp THPT là quan trọng nhất, bởi nó đánh dấu mốc về sự trưởng thành, rằng đứa trẻ sắp trở thành người lớn. Tôi nghĩ là bố mẹ nào cũng lo lắng hết mình, chăm chút, chuẩn bị cho con mọi điều kiện tốt nhất cả về vật chất và tinh thần trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng  nhà tôi thì không có cái diễm phúc ấy, vì cả hai vợ chồng cùng làm nghề giáo, vẫn phải đi coi thi như mọi đồng nghiệp, có khác chăng là được đi coi ở trường gần, nên chỉ  có thể hỏi han con về chuyện bài vở thi cử vào buổi tối, việc ăn uống của con thì phải nhờ bà ngoại lo giúp. Cho nên, tôi nghĩ nhiều đến những đứa trẻ trong kì thi. Một kì thi, dù nó có diễn ra như thế nào, kì thi ấy tốt hay xấu,  thái độ người lớn ra sao, thì đối tượng nhận hậu quả vẫn là những đứa trẻ của hôm nay, là bộ mặt tương lai của xã hội ngày mai. Cụ thể là những đứa trẻ ở Đồi Ngô, có ai nghĩ rằng những đứa trẻ ấy sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai? Nếu trồng cây mà không hình dung ra cái quả sau này mình hái, là quả ngọt ngào, là quả sâu sia, thì thử hỏi rằng việc bạn trông cây hôm nay có ý nghĩa gì không?     
         Người ta nói thật nhiều về chuyện giở sách, chép bài, làm bài hộ trong kì thi tốt nghiệp. Tất nhiên là theo quy chế thi cử của bộ GD&ĐT ban hành thì đây là việc làm vi phạm trầm trọng, có quyền hủy bài thi. Tôi lại còn được đọc thêm một bài viết về  văn hóa nể nang trong ngành giáo dục; lại còn bài viết về bệnh thành tích trong ngành giáo dục; lại còn bài viết so sánh thời “hai không, ba không, bốn không” ngày xưa với thời “ không không” ngày nay, kèm thêm số liệu chính xác là từ …1 học sinh thi đỗ tiến đến 99,99% học sinh đều tốt nghiệp PTTH. Còn về Đồi Ngô thì chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất, vì một quan chức ngành giáo dục đã khẳng định, chuyện ấy chỉ xảy ra ở Đồi Ngô thôi, còn mọi trường khác  về cơ bản là “ nghiêm túc, an toàn, đảm bảo chất lượng trong thi cử…” Nghĩa là bao nhiêu hiện tượng, con người, tên tuổi, công tích…của ngành giáo dục đều được đem ra mổ xẻ tơi bời. Tôi có cô bạn làm bác sĩ, có lần để trêu chọc, tôi đã hỏi đùa, có khi nào mổ người ta ra mà không phải vì không có bệnh không à? Có khi nào  mổ phanh người bệnh ra mà quên khâu không à? có bao giờ để quên dao, kéo bông băng ở “ túi” bụng bệnh nhân mà khâu đại vào  không à? Cô bạn bác sĩ liền  nổi cơn tam bành vì bị động chạm đến lòng tự ái, dồn cho tôi một trận, rằng có bệnh mới mổ, chứ đang không đè con người ta ra để mổ a? để xác định được là có bệnh tưởng mà dễ a? thử nghĩ xem, những người say rượu có bao giờ tự nhận là mình say không a?
    Vì là giáo viên, nên tôi chỉ nghĩ trong phạm vi của mình. Bạn hãy  đặt cương vị bạn là giáo viên đương nhiệm, đi coi thi là nhiệm vụ, cái này thuộc về lý. Nhưng cách ứng xử của người Việt thì lại “ trăm cái lý không bằng một tí cái tình” , mà đã  làm nghề  giáo thì tôi đảm bảo với bạn phải có  hàng “trăm cái… tình” trở lên, chứ không phải là “một tí…” đâu. Bạn sẽ làm gì? Hỏi thế thôi chứ tôi tin bạn chẳng thoát khỏi vòng “ kim cô” của cái  tình khi những  người quen của bố me, em gái, em trai; những  bạn thân; rồi  bạn của bạn thân; rồi  bạn học thời phổ thông, thời tiểu học, thời mẫu giáo…đến nhờ “ con tớ thi tốt nghiệp đấy, quan tâm đến cháu  nó  một chút nha”. Tôi cũng khẳng định là  cái tình này không quy ra được phần trăm như bên A, bên B của các dự án, hay hợp đồng kinh tế, hay các cuộc đấu thầu…đâu. Đặt giả thiết nếu cái  tình ấy  được trả  bằng tiền, thì giờ đây phụ huynh nào sẽ  trả đủ tiền cho cái giá bị đuổi việc của các nhà giáo ở Đồi Ngô? Nhưng nếu cái  tình ấy mà được định giá bằng tiền thì không còn tình nữa, mà nhà giáo thì lại là kẻ…lụy tình hạng nhất. Vậy theo bạn đã…chấm com ở đây được chưa?
           Tôi cứ lẩn thẩn tự nghĩ rằng  nếu tôi đang là cái cô giáo bị cho thôi việc ở Đồi Ngô, tôi sẽ thế nào nhỉ? Khóc a? Rên rỉ than vãn cầu xin a? Nhưng có một điều chắc chắn là tôi phải nghĩ dến việc kiếm sống, vì đằng sau lưng tôi là cả một gia đình, con cái với trăm nghìn mối lo. Cô giáo ở Đồi Ngô thật không giống với nhưng quan chức ngành khác, sau một vụ tham nhũng vỡ lở, dình đám, họ vẫn có tiền để làm cái việc gọi là “chạy…án”, “ chạy…ra nước ngoài”, và không bị đuổi ngay ra khỏi ngành. Thế mới biết làm nghề giáo khắc nghiệt thật đấy! Chả cần tôi phải rơi nước mắt thương vay khóc hộ cho các nhà giáo nọ bị “ tai bay vạ gió”, thì  đã có một nhà giáo già giấu tên nói đến điều này trong một bài phỏng vấn của báo  Việt Nam Net.
     Tôi lại tưởng tượng tôi là nhà quản lý, bạn cũng tưởng tượng theo chuyện  “bà Tám” nha, và  ai tin thì tin, mà chả tin thì coi đây là chuyện “ bà Tám”. Ông Hiệu trưởng sẽ về hưu, ngay sau khi hoàn thành kì thi tốt nghiệp, và ông lo sốt vó cho kì thi để “ hạ cánh an toàn”. Mọi phương án “ nội công ngoại cách” được đặt ra. Và kết quả là  một trường chả có gì để nổi bật vể học tập, có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là  99,98% . Chắc chắn ông Hiệu trưởng nọ sẽ thở phào nhẹ nhõm đi báo cáo ở hội nghị tổng kết ngành, ông ấy sẽ có nụ cười mãn nguyện khi nghĩ đến cái lí lịch quản lý “sạch không tì vết”, ông ấy sẽ răn dạy người  kế nghiệp rằng “ thì…mà…là… XYZ”. Tôi chỉ tưởng tượng mình là nhà quản lý thôi,  vì tôi sẽ không được làm nghề…quản lý đâu vì nguyên cái  tội viết nhăng cuội trên blog là đã đủ có điểm trừ đến…âm rồi.  Nhưng tôi lại nghĩ thêm, nếu tôi là nhà quản lý sắp về hưu nọ, thì … tôi  biết làm gì khác để có kết quả báo cáo trong hội nghị tổng kết thi đua? Tôi lại nhớ đến ý kiến của giáo sư Văn Như Cương là đừng nên đưa kết quả thi tốt nghiệp vào chỉ tiêu thi đua. Hơn nữa làm hiệu trưởng thì lại không có thời gian viết blog để trình bày ý kiến, để có cơ hội xin lời khuyên từ các bạn đọc?
     Tuy không là nhà quản lý, nhưng tôi lại vẫn đang băn khoăn, các nhà giáo ở Đồi Ngô sẽ làm nghề gì sau khi bị cho thôi việc? Tôi nhớ là năm xưa, cái nhà  thầy giáo chống tiêu cực thi cử đến nổi tiếng, đã được Bộ trưởng tặng bằng khen, đã được “đánh tiếng” rằng nếu không có nơi nào nhận làm việc, thì bộ trưởng sẽ nhận…Bây giờ, tôi chỉ biết là thầy giáo  ấy không còn  làm trong ngành giáo dục nữa, vì hình như không có trường nào dám nhận, vì hình như  thấy ấy không chịu nổi áp lực “ thành tích…”, và lý do ấy có phần chủ quan của thầy giáo nọ. Bây giờ, các nhà giáo Đồi Ngô bị cho thôi việc là do vi phạm quy chế của ngành, và lý do ấy là do khách quan mang lại , xuất phát từ hành vi chủ quan ( bị làm, tự động làm)  của các thầy cô. Thế là nguyên nhân thì khác nhau, nhưng kết quả thì  lại giống nhau,đó  là đều…không ( được, bị)  làm trong ngành giáo dục. Tôi lại liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của một quan chức : “ cứ kỷ luật cách chức thì lấy đâu người làm việc?”.  Tôi không nhớ chính xác, nhưng đại ý là như vậy, thì tôi nghĩ câu nói ấy chỉ dành cho ngành “ quan chức” thôi, còn ứng dụng cho ngành giáo dục thì có vẻ không thích hợp, vì số lượng thầy cô giáo nhiều hàng bao nhiêu …triệu người, so với gần một trăm triệu dân Việt Nam cơ mà. Thế nên, bạn có nghĩ, cạnh tranh trong nghề giáo là cạnh tranh lành mạnh nhất không? Cho nên, tôi tin chắc là bạn cũng nghĩ giống tôi, theo  kiểu trò chơi “ Rồng Rắn” ngày xưa của  trẻ  con , “ thả đỉa ba ba, bắt được đàn bà/ phải tội đàn ông…vào nhà nào/  nhà nấy phải chịu”.  
     Là người trong nghề, nghe chuyện “ Đồi Ngô”, tôi chả biết là mình  vui hay buồn nữa. Có lần tôi đã (  bị, được)  một bạn đọc blog này hỏi “ nghĩ gì về vụ Đồi Ngô” ? Có thể vì lời “ còm” của bạn ấy cứ đeo bám, nên người tôi cứ lơ lửng như kiểu bị “ ốm nghén” ấy, và  vì “nghén” nên không nhịn thèm được, phải viết ra đây. Mở ngoặc chút nha, tôi đã qua cái tuổi được “nghén” rồi, chỉ là nhớ lại cảm giác hạnh phúc ấy chút thôi. Mở ngoặc thêm nữa, nếu bạn nào cùng nghề giáo mà đọc những dòng này thì đừng nổi giận nha, cho rằng sao không “đóng cửa bảo nhau” mà lại “ vạch áo cho người xem lưng”? Và nếu bạn nào khác nghề, mà cũng nổi giận thì nói…khe khẽ chút được không? Vì tôi đang nghĩ, có nên đăng bài viết như thế này lên blog không nhỉ?
                                                                Viết xong 11 h, 28/6/2012

2 nhận xét:

Unknown nói...

Có lẽ đời học sinh (trừ em cực giỏi) không có ai lại là người chưa từng quay cóp bài.
Hết lớp 12 coi như học xong ABC (phổ thông mà),vào đại học các em còn thi nữa.
Đao to búa lớn quá! HN chợt nghĩ đến câu"hùm tha bò thì vô sự,mèo ăn vụng miếng mỡ thì đánh cho kỳ chết!"
Thủa còn đi học,thầy dạy lý ra đề kiểm tra,thầy tuyên bố:"Các em tha hồ giở tài liệu,cấm coi bài của bạn."
GIÁ NHƯ CÓ NHỮNG ĐỀ THI NHƯ THẾ!
Thôi,chúc chị MH luôn khỏe mạnh và luôn để cho nhiều người mê!

Unknown nói...

em Hồng Nga mới đang yêu chứ! chị thấy em chăm chỉ viết ghê ! còn chị thì lười biếng quá! thật là xấu hổ! Phải nhìn vào em để lấy lại dộng lực viết thôi!