Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

CÓ NHỮNG LÚC...


Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Trong cuộc sống đầy những bộn bề,  lo toan, bon chen, gấp gáp, mệt mỏi, buông xuôi, cố gắng, hào hứng, hoan hỉ, mặc kệ nó…tất cả đều là những cảm xúc đến rồi đi.  Cái sự đến và đi ấy, khi thì nó bay vèo  nhanh như cơn lốc vào lúc không hạt mưa rơi, khi thì nó ở lại rỉ rách triền miên như mưa dầm mùa đông. Thế cho nên, khi nhớ lại, khi  kể lại, khi  hồi tưởng lại, khi  suy nghĩ lại, để thấy sung sướng, để thấy  ân hận, để  thấy tiếc nuối, để thấy buồn bã, để thấy  chán chường, để thấy muốn quên đi,  để lại ước mơ “ giá mà…”. Có lẽ như vậy, cho nên  người ta hay gọi là “có những lúc…”.

Có những lúc…như thế  ấy được khởi đầu từ đâu nhỉ? câu trả lời là không biết, kiểu như là con gà bắt đầu từ quả trứng hay quả trứng bắt đầu từ con gà?  Đó là một câu hỏi muôn thuở vì:  giá mà biết trước thì đã “ nhanh giầu”; giá mà biết trước thì đã không như thế này; giá mà…giá mà…đều kèm theo thở dài. Rồi lại tự hỏi để làm gì cơ chứ ? Nhưng ai cũng biết rõ là nếu biết chính xác để làm gì,  nên làm gì thì đã không có những lúc… như thế ấy.
   Người đời thường hay đúc kết theo kiểu cuộc sống mang đến cho con người thật nhiều, nhưng ông Trời cũng công bằng lắm, rồi cũng sẽ  lấy lại thật nhiều thôi. Mà cái sự nhiều hay ít này thì chỉ biết được một cách chủ quan khi so sánh bản thân với người khác. Vậy  sao lúc được thật nhiều người ta lại không thắc mắc, nhưng  khi chỉ  mất đi một ít thôi, thì  người ta đã  lại oán trách ông Trời ăn ở không công bằng. Phải chăng tất cả là do đố kỵ mà ra?
  Sự đố kị  thường chỉ nhận ra bằng hiện tượng mà  thật khó gọi ra bản chất  bằng tên thật. Mình đọc một bài báo nói về “ hậu trường cuộc thi Hoa Hậu 2012” rằng trong các sinh hoạt chung, trong lúc các bữa  ăn uống, các người đẹp đứng bên nhau để ăn nhưng không hề nói với nhau câu nào. Mình hình dung cái không khí ấy thật “ kinh khủng”, và cảm giác mang lại là sự chán nản khi nghĩ về cái đẹp, và cứ nghĩ mãi không hiểu cái đẹp và sự nhân văn có thực sự đi cùng nhau như người ta vẫn nói  không? Nhưng khi bình tĩnh  lại, thì thấy cái hành động “ không nói với nhau câu nào” ấy cũng rất nhân văn đấy chứ, bởi lẽ đấy mới là sự thật trần trụi, bởi lẽ xét ở một góc nhìn nào đó thì  giá trị nhân văn chẳng phải chính là khi con người được biểu hiện mình một cách chân thực nhất đấy sao?
    Để được nhìn thấy sự thật trong cuộc sống này là khá hiếm hoi. Bởi lẽ có lúc mình cũng làm vậy mà, có lúc cũng nhìn thấy bạn mình như thế mà, có lúc thấy tất cả mọi người đều trong trạng thái “ không nói với nhau câu nào” bằng nhưng  cách thể hiện ra theo kiểu khác là  nói ra những điều không phải là mình nghĩ thế, những điều  không thuộc là mình.  Bạn có thấy hiện trạng như thế ở công sở không?  Cứ nói thơn thớt như thật, cứ cho là thật, cứ tưởng là thật, và  liệu có khi nào tự hỏi  có lúc chính mình sẽ bị  mắc cái bẫy giả dối đã giăng ra? Nhưng ít ai nghĩ đến cái lúc ấy lắm, còn mọi người biết đều biết thừa là đang được thụ hưởng sự giả  dối ấy thì  chủ yếu là  đành tự “AQ” bản thân rằng “ cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Nhưng cũng lại biết thừa rằng đợi đến lúc ấy thì lâu lắm, rằng đến được lúc ấy thì cũng “ tụt hết cảm hứng” phẫn nộ, thế nên đành  cho về “ số mo” và “chủ nghĩa  măckeno” muôn năm. Cho nên từ chỗ có những lúc như vậy đồng nghĩa với việc  người ta phải sống giả dối.
     Từ giả dối đến giả tạo có ranh giới mong manh như sợi chỉ. Bạn có sống trong môi trường ấy không? Tôi có sống trong môi trường ấy không? Câu trả lời ai cũng biết. Và chỉ biết thở dài với ước mong giá mà mình được sống khác đi…giá mà mình không phải làm  thế…Mình lại nhớ đến nhận xét của một doanh nhân người Ý, đến sống tại Việt Nam từ những năm 1990, hiện đang kinh doanh các  món bánh có nguồn gốc  từ chính nước Ý, khi nói về  về tình trạng giao thông ở Việt Nam , đại ý rằng  tất cả mọi người Việt Nam đều biết giao thông thật là hỗn loạn, tất cả đều kêu ca, nhưng tất cả đều “KHÔNG LÀM GÌ” để thay đổi hiện trạng ấy. Mình nghĩ là doanh nhân nọ nhận xét chính xác đấy chứ, và nghĩ thêm rằng  đó không chỉ là tình trạng riêng của giao thông, và chính mình cũng đang hành xử theo kiểu “kêu ca”  như thế khi viết những dòng này trên blog.  
     Nhưng ngay cả cái trang  blog này cũng thế, nơi mà  nhiều người gọi là “ góc riêng”, gọi là “ nhà”, nhưng 100%  coi nó là “ thế giới ảo” và chả tin cái gì cả, dù rằng những thứ hiện lên trên trang đều do chính bản thân chủ nhân trang blog tạo ra. Đã đành là chủ nhân của nó biết rõ  là người đọc sẽ chả tin những điều đã đọc được, nhưng có khi  đến người viết cũng chả tin những điều  mình viết ra, cho dù khi viết cái gì đó đều mong muốn được nhận sự chia sẻ thật tâm, nhưng khi nhận sự chia sẻ lại nghi ngờ rằng chả biết thế nào, chắc gì có bao nhiêu phấn trăm  là  sự thật?  Hơn nữa,  sự nghi ngờ cứ đeo bám dai dẳng như điều đương nhiên theo kiểu:  nói thế nhưng không phải thế, chắc gì đã là sự thật.
      Mình dạo này  hay đọc linh tinh để xả “ xì- trét”, có lúc đọc cả cái tin một ngôi sao của Hoolyut đang nổi tiếng nhất thế giới đã từng nổi loạn bằng rượu và ma túy, bằng quan hệ đồng tính, bằng cảm giác mạnh khi đeo lọ máu của người tình trên cổ, từng muốn nhảy ra khỏi máy bay khi máy bay đang bay trên trời…Tất cả những lúc như thế được giải thích là do không kiềm chế được năng lượng sống đang chảy tràn trề trong người.  Kể tiếp chuyện rằng “con mèo hoang” ấy  đã được  một ngôi sao màn bạc khác cũng  nổi tiếng nhất thế kỉ 21 này thuần hóa, nhưng sự thuần hóa ấy cũng chỉ được xác định theo kiểu là “hiện tại hẵng cứ biết thế đã, còn tương lai thì biết đâu mà nói trước”. Thế mới biết, bản năng của con người là thứ dữ dội nhất, là thứ mà rất khó có thể thuần hóa. Mình khâm phục “con mèo hoang” ấy, vì ít nhất có những lúc hành xử theo kiểu oái oăm như thế mới là được sống cho chính mình, mình ước mơ một cách viển vông rằng  giá mà có thể “ nổi loạn”,  lúc nào làm được, hoặc được làm, hoặc cứ làm, như cái “ con mèo hoang” nọ.  Nhưng rồi rút cục, cái  muốn ấy  chỉ là “có  những lúc…” thôi.  Vậy nên chọn cách hành xử như thế nào? Câu hỏi này thật khó trả lời. Vậy nên suy cho cùng có những lúc chọn cách  sống giả dối, giả tạo  chính là bản năng tự bảo vệ trong một hoàn cảnh sống nhiều bất ổn.
      Giả tạo hay chân thành rút cục chỉ là  có từng lúc thôi, chỉ nghĩ thế thôi mà đã  thấy cuộc sống này sao mà  “oải” thế? Muốn nói một câu với ai đó mà phải nghĩ có nên không? Rồi khi nói phải nghĩ theo kiểu “ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”? Mệt quá đi thôi khi mà sự bất ổn len lỏi vào trong từng suy nghĩ, đến từng trong mỗi cách hành xử, làm  mình nhớ đến nhạc sĩ họ Trịnh  với những  nốt nhạc đầy day dứt “mệt quá thân ta này…”. Những lúc như thế thì mình lại mong ước  giá mà không bị, không phải làm cho thân ta mệt quá, và bạn  ơi! bạn có mong muốn giống tôi không?
   Thế nên rút cục lại ngồi  mong ước một mình như một đứa dở hơi rằng giá mà mọi thứ đều là thật, dù chỉ là một phút thôi, cho cuộc sống được huy hoàng như nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết " thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt / còn hơn buồn le lói suốt trăm năm", còn hơn là bị chìm nghỉm trong cái sự không có thật một cách triền miên. Nhưng nghĩ lại thì “một tay làm sao che được mặt trời” nên đành tự an ủi rằng cuộc sống vốn thế rồi. Nên lại ao ước giá mà có những lúc không phải nghĩ và viết ra những dòng này, nhưng rồi lại nghĩ lại rằng cứ viết ra để mình xả "xì tret" cho mình chẳng tốt hơn sao.             
      Và cám ơn đời  rằng đã cho ta có  những lúc dở hơi, suy nghĩ vớ vẫn như thế này, để có thể tự tìm lại sự cân bằng trong những bộn bề, lo toan, bon chen, ganh tỵ,  gấp gáp, mệt mỏi, buông xuôi, cố gắng, hào hứng, hoan hỉ…của cuộc sống này.
                 Viết xong 5/9/ 2012.

5 nhận xét:

Dinh nói...

Bạn mở mục chia sẻ để mọi người có đường link sang nhà nhé-chúc vui heng

Unknown nói...

bạn ơi! mình không bít làm thế nào đây này! không hiểu gì đẻ xử lí cai " nhà mới này"! bạn nói cho mình với! mình còn không thể vào được nhà người khác cơ!

Dã thảo nói...

Happy new year, dear ma ma!

THIYÊN ĐÌNHNGUYÊN nói...

anh nè

THIYÊN ĐÌNHNGUYÊN nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.