Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

TÌNH YÊU


                                                        Tản văn: Phan Thị Mai Hương
1.Tôi vốn không thích cái sự “lá cải” của báo mạng, nhưng đôi khi cũng “ đi dạo” một vòng “ quanh thế giới” để biết mức độ “ củ cải” đến đâu? Bởi vì, tôi nghĩ không thích không có nghĩa là ruồng bỏ.Khi ta không hiểu về thứ ta không thích thì có lẽ chính ta cũng không biết vì  sao mà ta không thích.
Hôm nay tôi tình cờ đọc bài viết có nhan đề “ Kinh hoàng trước cảnh cứu ngựa cưng của bà mẹ trẻ” trên Dân Trí. Tôi đọc là vì “ kinh hoàng”  trước cái nhan đề bài báo, chắng hóa bà mẹ trẻ ấy đẻ ra con ngựa à? Chắc chắn trang chủ của “ la cai org”sẽ có lời bình sâu sắc hơn tôi.
Nhưng khi đọc và xem ảnh của bài viết, tôi cực kỳ xúc động. Những tấm ảnh làm tôi ứa nước mắt. Cô gái trẻ bị chìm lút dưới bùn lầy cùng với con ngựa, chỉ còn nhô 1/3 thân thể trên mặt bùn đen xì. Hình ảnh làm tôi nhớ hồi còn nhỏ, đi ra đầm lầy vớt bèo tây làm thức ăn cho heo. Thi thoảng tôi cũng bị sa xuống những cái hố sâu, hai chân như bị kéo xuống, và tâm trạng thì cực kì hoảng hốt. Nỗi khiếp đảm, hãi hùng  ấy vẫn còn ám ảnh tôi trong những giấc mơ, và khiến tôi luôn nhìn những  vũng bùn lấy với ánh mắt nghi ngờ.
Tôi bị choáng bới sự can đảm của cô gái. Phần thân trên của cô ấy bị trát gần kín bởi bùn, chỉ lộ đôi mắt tràn đầy sự nỗ lực, hy vọng, kiên trì, nhẫn nại, để vỗ về chú ngựa. Nghe nói ngựa vốn là loài vật thông minh, chắc nó cũng đang sợ hãi lắm, nhưng chắc là nó cũng hiểu được sự nỗ lực của cô chủ? Và  có lẽ  cô ấy cũng đang hoảng sợ chả kém gì  chú ngựa. Tuy nhiên,  xem ảnh, tôi chỉ  thấy ánh mắt cô ấy tràn đầy yêu thương, che chở, chia sẻ, động viên dành cho “ ngựa cưng”.  Tôi tin là cô ấy đã  đối xử với “ ngựa cưng” như  với con gái của mình.
 Tự nhiên, tôi nghĩ đến những con thú bị cắt tiết, cạo lông, thui vàng rộm, treo lủng lẳng ở các quán ăn ở chùa Hương và các khu du lịch khác. Tôi liên tưởng đến những con vật bị nhồi vào những bình lớn và nhỏ, bày trong các nhà hàng sang trọng, các khu du lịch sinh thái, mà râu, chân , càng, vẩy của chúng như vẫn đang giương lên ngoe nguẩy trong rượu. Tôi nghĩ đến hội chọi trâu  truyền thống ở Đồ Sơn. Những chú trâu đẹp đẽ, bóng mượt, căng mọng như quả sim chín. Những chú trâu được ăn ngon, ở sạch, được chủ tắm táp cho từng li từng tí,  cùng đi dạo và luyện tập “ thể hình”  trong suốt một năm trời. Để rồi một ngày đẹp trời của mùa xuân, những chú Trâu được mang ra chọi trong lễ hội, mang lại sự hồ hởi, vui vẻ phấn khích cho hàng ngàn người sau một năm lao động vất vả. Để cái còn lại cuối cùng của những chú Trâu dũng mãnh là một đống thịt lẫn máu me bầy nhầy trên đất, được bán với giá từ 5 trăm ngàn đến 1 triệu đồng cho 1 kg.  Có lẽ tôi đã phần nào  hiểu được tâm trạng của khách du lịch là người nước ngoài, khi họ nhìn thấy những con thú bị đối xử như thế. Cái từ mà tôi thấy  họ thường dùng để diễn tả cảm giác là “ kinh hoàng”.
 Tôi khâm phục sự nỗ lực đến mức không thể tuyệt vọng của cô gái và chú ngựa, trong một hoàn cảnh tuyệt vọng. Chuyện gì sẽ xẩy ra, khi cô ấy và con ngựa cứ đang chìm dần, chìm dần xuống bùn? Bạn đã biết trước kết cục ấy rồi. Nếu rơi vào hoàn cảnh ấy tôi sẽ chọn gì? Ngựa cưng hay là mạng sống của bản thân? Bức ảnh đẹp nhất là chú ngựa rướn mình, căng tất cả các cơ bắp như lực sĩ thể hình để thoát khỏi bùn lầy. Cô gái uốn cong mình, dồn hết sức lực ở phía sau hông “ ngựa cưng” để giúp đẩy con vật lên mặt đất khô ráo. Tôi cảm nhận sự cưng chiều, động viên âu yếm, khích lệ dịu dàng, từ cô gái đối với chú ngựa. Tôi tin rằng cô ấy là mẹ đích thực của chú ngựa. Tôi tin rằng đấy chính là tình yêu.
Tình yêu ấy không chỉ là “ 20 năm tôi đã cưỡi con ngựa này” như cố gái sau này kể với phóng viên.  Cô ấy có thể thay con ngựa khác để cưỡi , vì đơn giản đó chỉ là một con ngựa. Hơn nữa, cô ấy phụ trách hẳn một trang trại ngựa .  Cho nên, có thể hiểu cảm xúc ấy trong sự  yêu thương, gìn giữ, nâng niu, như một phần máu thịt mà không thể tách rời. Có một nhà thơ  đã nói về tình yêu rất ngộ nghĩnh và hóm hỉnh, nhưng hình như là đúng ( ít nhất là trong trường hợp này): “ người tình như viên mỡ con ? Chui vào trong anh ở bên nạng sườn / Áo mặc vào còn cởi ra dược / Cắt bỏ làm sao mỡ dính với xương” ( Dương Thuấn).
 Tôi nghe nói ngựa là loài vật rất thông minh, có thể hiểu được tình cảm của người nuôi. Ở đây tôi tin rằng chú ngựa hiểu được tình yêu thương mà cô gái dành cho nó, nên đã cố gắng hết mình. Ở đây, cách giải thích tình yêu  là cho nhau, vì nhau, và cùng nhìn về một hướng, đã được hiện diện bằng hình tượng rất sinh động. Cô gái và chú ngựa đã cùng nhìn về sự sống để nương tựa vào nhau, để vượt qua đầm lấy. Họ - cô gái và chú ngựa - đã chiến thắng vì một tình yêu, tình yêu dành cho nhau.
 Trên tất cả mọi thứ,  đó là  tình yêu dành cho cuộc sống. Khi cánh cửa này đóng lại, sẽ có cảnh cửa khác mở ra, miễn là bạn biết tìm ra nó. Tôi nghĩ, đó là thứ tình yêu rất cần cho tất cả mọi người,  khi chúng ta đang ở trong một cuộc sống có quá nhiều áp lực, có quá nhiều sự lựa chọn. Khi mà chúng ta chạy hối hả tranh cướp với thời gian vật chất để sống mà quên mất rằng cần phải đi chậm, thậm chí dừng lại để cảm nhận một tình yêu.
                                                                                                   15.4.2012

Không có nhận xét nào: