Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

ĐẾM TUỔI


                                                            Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Nếu đặt câu hỏi là hành vi đầu tiên của con người khi mới được sinh ra là gì? Một câu hỏi quá dễ để trả lời ngay mà không phải nghĩ, đấy là khóc, câu trả lời dễ  như những câu hỏi ở mức 1 triệu đồng của của trò chơi “ ai là triệu phú” ấy.
    Bạn hãy nghĩ chúng ta đang ở trò chơi nhé, câu hỏi tiếp theo là “ vì sao mà khóc?”. Đến đây thì trò chơi này có vẻ giống như “ ống kính vạn hoa” của con trẻ rồi, nhưng bạn hãy kiên nhẫn hơn đi. Câu trả lời của bạn chắc chắn sẽ là nhiều khả năng, đại loại như là: đứa trẻ cần hơi ấm của mẹ nó; đứa trẻ cảm thấy trống vắng sợ hãi; đứa trẻ cần nơi tin cậy; đứa trẻ kiêu hãnh báo tin là nó đã xuất hiện thực sự ở cuộc đời đầy những hối hả này. Nghĩa là một nghìn lẻ một khả năng có thể có.
Nhưng tôi tin là bạn vẫn bỏ ngỏ một khả năng, tôi nghĩ  là đứa trẻ đang đếm từ giây phút thứ nhất, nó có mặt trên đời. Chứ không à? Này nhé la toáng lên và tay khua khoắng loạn xạ, chẳng lẽ không đúng sao? Tôi tin rằng cả cuộc đời một con người luôn trôi đi trong cái sự đếm thời gian
Bạn nghĩ xem hồi còn nhỏ thì bạn  đếm gì? Còn tôi thì đếm những viên bi xanh đỏ tím vàng sau mỗi ván chơi  với đám trẻ con hàng xóm,  thắng hoặc thua, được hoặc mất, và đếm rất kỹ. Suy ra cũng là đếm tiền, vì ban đầu muốn có bi thì phải mua, hoặc đổi chai lọ, giẻ rách, sắt vụn cho bà hàng đồng nát, và khi thắng bi nhiều quá thì lại bán bớt đi, 1 hào những 30 viên, trong khi mua của bà hàng đồng nát 1 hào chỉ được 15 viên thôi, khi nào đễ tính thì cho 18  viên , vì thế  bi của tôi tuy hơi cũ nhưng vẫn khá  đắt hàng. Thi thoảng, tôi cũng đếm tiền, những đồng tiền mà  tôi có được một cách thực sự ấy, bằng cách trồng rau xà lách,  rau mùi, rau húng, rau răm, mùi tàu, ớt, hành,  rau cải ở những rẻo đất bé xíu, sát chân bờ rào, cạnh bụi chuối, hái rau đó mang đi bán, tôi đếm cẩn thận những đồng tiền lẻ, mệnh giá bé xíu, vuốt phẳng phiu, cất chúng vào hộp giấy  đựng mứt Tết. Để khi tích cóp được một món kha khá thì mẹ lại vay, và tất nhiên tôi đếm lại cẩn thận trước khi trao cho mẹ. Đến tận bây giờ, mẹ tôi có cháu ngoại 25 tuổi rồi, mà vẫn chưa trả “ món nợ” thời ấu thơ cho tôi. Chỉ buồn cười là tôi một hai đinh ninh là đến khi lớn như một người lớn, tôi sẽ được mẹ trao lại cho món tiền của tôi, vì mẹ bảo khi nào lớn mẹ sẽ trả, vì thế tôi mong từng ngày mình sẽ lớn lên.
       Vì thế tôi đếm từng ngày để xem mình lớn lên tới đâu, và khi nào thì được coi là người lớn. Tôi cứ đếm mỗi ngày trôi qua trong niềm mong mỏi được trở thành người lớn,  còn để  được mắng mỏ, quát tháo, thậm chí cho lũ em “ăn” roi như bố đã làm  mỗi khi thấy bốn chị gái mải chơi đồ hàng trót quên cậu em út, bỏ kệ nó bò  lê la bẩn thỉu dưới đât. Thật là đáng yêu cho tuổi thơ mong mỏi ngày trôi nhanh để thành người lớn.
      Tuổi thơ tôi còn  đếm từng ngày để mong cho đến Tết. Vì ngày Tết có bao nhiêu là mong chờ. Này nhé, vui sướng vì sẽ được ăn bánh chưng do bà nội gói. Được tự do xúm xít bên bếp luộc bánh nóng rát để  vùi khoai, sắn , dong riềng vào đống than hồng rực mà không sợ bị mắng. Hân hoan vì  được nghỉ học để xếp hàng đi làm bánh quy ở lò bánh, cho dù món bánh ấy chỉ có bột mì trộn đường đỏ và nướng trong lò bánh mì, nó cứng đanh và hôi mùi cứt mọt, thậm chí nhìn rõ xác con mọt “hóa thạch” trên chiếc bánh bé, dài bằng ngón tay. Sung sướng nhất là được mặc đồ mới, nếu được áo thì thôi quần, và ngược lại, vì tiền lương 36 đồng của bố mẹ tôi dạo ấy làm sao có thể  sắm sanh cho cả năm đứa con. Háo hức hơn cả là  momg chờ  được cùng với bố đi chợ phiên ngày 27 âm lịch mua tranh về dán lại tường nhà, cái vách tường trát bằng bùn trộn rơm, thò ra những cái sợi rơm lởm chởm,  bê bết đất khiến tôi rất khó chịu. Tôi không thấy những sợi rơm như thế trên tường nhà lũ bạn,  tôi muốn những tờ tranh xanh đỏ vàng tím sặc sỡ sẽ che giấu cái sợi rơm xấu xí ấy đi, sẽ làm cho tường nhà tôi phẳng phiu, đẹp như tường nhà chúng nó.
       Mà không hiểu sao bố chỉ mua tranh Đông Hồ : tranh gà lợn, tranh chú bé chăn trâu, tranh em bé chơi với đàn gà, và nhất thiết là đôi tranh Hàng Trống vẽ cá chép trông trăng. Phiên chợ 27 âm lịch  năm nào bố  cũng chỉ mua ngần ấy tranh, cứ bỏ cái cũ thay cái mới vào dịp Tết. Sau này, tôi mới nghĩ ra, chắc bố cũng đếm ngày trôi đi, trông mong cho mọi điều tốt đẹp hơn ngày qua, hơn năm qua cho chị em chúng tôi.
       Tôi lại vẫn đếm từng ngày khi có con, là  đếm từng ngày mong con lớn khôn. Chao ôi, có lẽ mỗi ngày dài nhất, trôi đi lâu nhất là khi con chưa đầy tháng. Rôi mong cho được ba tháng để biết lẫy, mong cho được sáu tháng mà tập ngồi, mong cho được đầy năm mà biết đi. Mong cho… mong cho đến tận bây giờ, con được 25 tuổi, đã đi làm,  được coi là trưởng thành vẫn mong đến ngày…nào đó, gì đó cho con, của con. Chắc chắn bố mẹ tôi và bố mẹ bạn, tôi và bạn, đều đếm từng  ngày  để mong những chuỗi ngày trôi đi an lành trong cuộc đời mỗi đứa con.
        Bây giờ, tôi vẫn âm thầm đếm ngày, nhưng không phải là mong ngày chóng trôi đi, bởi  cái câu trong Đường Thi rằng “ thời gian trôi nhanh như bóng câu bên cửa sổ” dường đến giờ mới cảm nhận được một cách thấm thía, ví dụ như đã hết một năm rồi mà chả thấy mình làm được việc gi cho ra hồn.
       Trong 24 giờ của một ngày sẽ có bao nhiêu việc cần làm, nhưng cũng có lúc muốn “ bà Tám” để xả xì trét, có khi gọi điện chẳng phải là có việc gì, chỉ là muốn nghe thấy giọng nói của bạn bè, chỉ để  biết là vẫn vui vẻ, mạnh khỏe, vẫn ham công tiếc việc. Một trong những người bạn vong niên của tôi hay than “ chúng mình bằng này tuổi rổi…”,  câu cửa miệng của bạn làm nhói  lòng khi “tự dịch” ra là  “đã già rồi mà”, tôi muốn biết thế rồi thôi chứ than thì có ích chi?
Rồi ông chồng dạo này cũng dở chứng hay than thở rằng “ già rồi khó tính”, tôi bảo nói vậy là tự làm cho mình già, xấu tính hơn thôi.  Có  lần tôi đọc một truyện ngắn nào đó, không nhớ tên truyện lẫn tên tác giả, chỉ nhớ nhân vật chính sống  trong ngôi nhà gỗ nhỏ, giữa khu vườn đầy cỏ cây hoa lá, không cần nhớ tuổi mình, vì  theo như lời nhân vật thì nhìn hoa nở biết xuân sang, nhìn nguyệt tròn thì biết tháng ngày, nhớ tuổi làm chi cho mệt. Qua nhân vật , nhà văn cũng gửi đến một thông điệp về thời gian, thời gian hiện hữu, thời gian vĩnh hằng. Thời gian cứ như mụ phù thủy khắc nghiệt, áp sát, canh chừng,  dẫu biết rằng đâu còn là đứa trẻ để mà không  hiểu rằng chả níu kéo được thời gian? Nhưng cứ sống mà không nhắc đến thời gian đã mất  chả phải là một giải pháp tốt hơn sao?
    Hàng năm,  khi đã  qua  dịp ngày 27/ 7 , mẹ tôi thường nhắc sắp đến ngày giỗ bà nội và chú, chú là liệt sĩ và bà nội là “ bà mẹ Việt Nam anh hùng”,  mẹ đếm “ còn một tuần nữa đấy nha, sẽ làm giỗ vào chủ nhật”. Mẹ  biết rõ rằng chị em tôi đều nhớ những ngày quan trọng của gia đình, và chúng  tôi đã hình thành thói quen đếm ngược  đến ngày giỗ của bà nội,  của ông nội,  của chú, của bố tôi, của bà ngoại, ông ngoại,  nhưng mẹ vẫn nhắc như một thói quen  để nhớ đến người thân yêu đã khuất. Nhưng tôi nhớ chưa có lần nào mẹ nhắc đến ngày sinh của mẹ, tôi nhớ là bố mất quá sớm, trước khi chị em tôi kịp lớn  khôn để biết tổ chức sinh nhật một lần cho bố.
   Tôi nghĩ đến tập tục của người Việt, tại sao cứ phải đếm tuổi mà không quan tâm đến ngày sinh? Tại sao thường chỉ làm giỗ linh đình mà không nghĩ rằng mỗi  sinh nhật đến cũng xứng đáng để làm cỗ bàn đàng hoàng? Vậy liệu có bất công cho chuỗi ngày mình đang sống, xứng đáng được sống như một người lớn, như mong mỏi của cha mẹ sinh ra ta?
Thế cho nên tôi nghĩ là sẽ đón ngày mới đến bằng nụ  cười.  Vì tại sao lại không nghĩ rằng mỗi ngày đang trôi đi nghĩa là  mỗi ngày mới đang đến? Trong 24 giờ  đều có bao nhiêu sự đang đón đợi ta, chờ mong ta? Với bao nhiêu yêu thương ngọt ngào từ những người thân yêu? Và mọi sự dù có thế nào thì cũng đều ghi dấu ấn cho những ngày xứng đáng được nhớ trong cuộc đời mỗi chúng ta.
                                                                      Viết cho sinh nhật. 2012

Không có nhận xét nào: