Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

AI LEO NHÀ SÀN NAO


                                                     Tản văn: Phan Thị Mai Hương
Đành “ nghiến răng, nín thở ” bớt chút thì giờ vàng ngọc vào cái “ ẻn try” này thui. Bọn chúng “ la thăng” đến váng cả  trời cao rằng “ mama im tiếng”. Với lại ghé qua “ nhà” bọn chúng thấy tụ tập ầm ĩ, nhảy nhót gào thét với “ mõ tru” ( Bài MÕ TRÂU nhà nàng Mai- nhưng nàng í hổng biết tiếng Mường gọi “con trâu” là CON TRU ) thì mình đây cũng âm mưu tụ tập “ fan hâm mộ”
, bởi sợ “ kém miếng khó chịu” quá à!
     Bọn chúng ở đây là các “ nường” có chung danh tính là  “ BÚN CHẢ”, sau chuyến “ phượt” Tây Bắc  này thì bạn ONG có ý kiến là cái tên đó  đậm sắc  màu ẩm thực quá,  nên căn cứ vào “ nhà cửa” đã xây xong  mà  đặt tên là nhóm “TINH TÚY” , nhưng cả lũ không chịu và cùng thống nhất cái tên TUNG TÓE, vậy thì ai gọi tên gì “các nường” cũng “ dạ, thưa có ngay”!
    Nguyên do của cuộc hành trình  bất thình lình này là bởi có nàng ONG NÂU lạc lên rừng.  Chủ nhật, sáng bảnh mắt, nắng thu vàng óng như mật ong chan chứa rót vô phòng ngủ, bọn chúng đã  làm cho mình cuống cuồng lên bởi 1 cái tít tít nhảy vô cục gạch “ bạn ONG lên tới rừng, kế hoạch của mama?” Ui trời! may mà còn viết có dấu nên dịch được ra luôn tiếng Việt! thì còn biết làm gì, ngoài cái việc…đi  thôi nào, nhào  vô rừng! Tổng cộng có 5 chủ và 1 khách, thế mới biết ông bà ta nói cấm có sai câu nào, nhìn vào đội hình thì thấy rõ là “ tiền chủ hậu khách”, mà  khiếp cái “ mặt tiền” này rõ là áp đảo về số lượng. Mình mang cái “ mẹt” đến muộn một chút, bọn chúng nhao nhao phản đối như cá rô đớp bóng, miệng đành nở nụ cười ngăn chặn ngọn lửa chiến tranh vùng Vịnh, nhưng trong bụng thì hậm hực  nghĩ cái bọn Cá Rô ấy đâu biết rằng mình vừa tìm cách thoát thân an toàn khỏi 1 cuộc họp ở trường,  đang đi giữa đường vẫn còn  nghe thấy cái cục gạch trong nằm trong túi xách kêu réo rắt, nhưng mình “ mackeno”, ở đây chỉ có thân thể  là đang “di động”, còn mọi thứ khác trong trạng thái “cố định”, nha!
      Dù vội đến đâu cũng nên nghĩ đến cái sự  ăn  đã chứ “ có thực mới vực được đạo” cơ mà! nhưng rẽ qua bếp  chỉ vớ được nhõn một hộp nếp cẩm, kèm vài quả bưởi,  xui thế chứ, trong tủ lạnh chả còn thứ gì khác, thế mà “ vưỡn” được nàng Ong khen là “ chu đáo” ( ở en try “ Hòa Bình và Ngồng” bên nhà  nàng í), xấu hổ chít đi được! Đành tự hứa là nếu có dịp cho lần sau, mình sẽ “ chu đáo” thực sự hẳn hoi, cho bạn thấm cái ngọt ngào dẻo quẹo như là tình dan díu của sữa chua nếp cẩm, để cho bạn biết thêm là nếp cẩm là  thứ đặc sản riêng của Tây Bắc thôi đấy nha.
     Hai nàng trên một đầu xe…máy, bắt đầu  tíu tít rong ruổi cho một ngày nắng thủy tinh, nhằm hướng tây bắc thẳng tiến trên đường đi vào xã  Bình Thanh, con đường mà ngày xưa các cụ hành quân từ Chợ Bờ ( Hào Bình)  lên Điện Biên ấy. Vô tình hôm nhìn cái ảnh ở Bảo tàng lịch sử chụp cái  cảnh dân công đang cong lưng leo dốc,  đẩy xe thồ chở lương thực lên Điên Biên, mình phát hiện ra có bố chồng mình ở trong ảnh mới thú vị chứ, và hôm vê nhà chồng cũng tìm thấy tấm ảnh ấy trong an bum gia đình, ông nội của con trai mình có vẻ cực kỳ tâm đắc với  tấm ảnh ấy! Ơ nhưng con dâu  của cụ cũng thích bức ảnh ấy lắm mà! Và chắc  chắn nhờ cái vụ bỏ mẹ chồng mình  đang trong thời xuân thì hơ hớ ở nhà một mình “ giường không chiếu trống” để   cong lưng vượt đèo dốc ấy nên bố chồng mình được thưởng hẳn một cái huy chương kháng chiến , không chung nhau với ai.  Chả là ngày xưa các loại quyết định thuyên chuyển, tăng lương toàn là chung một danh sách, nên cần đến giấy tờ làm cái loại hồ sơ là cứ tìm địa chỉ của nhau loạn cả lên, để truy tìm cái gọi là “ quy đê” ( QĐ),  đến thời mình đây “ vưỡn” còn bị thế.  
     Nên hôm nay đi trên con đường xưa ấy, mình không nín được liền buột miệng “ đường đẹp quá” bởi  nghĩ đến con đường mòn gồ ghề ngày xưa như đối lập hoàn toàn  với hình ảnh con đường được  phủ làn nắng vàng óng như mật ong đang chảy, mặt đường trải  nhựa mịn màng như gò má xinh xắn của  nàng sơn nữ gặp ở nhà tiếp tân, con đường  uốn lượn theo triền đồi, khoảnh vườn, nương rau, như đường cong bí hiềm mà đầy phồn thực, chan chứa mà đầy  nồng nàn  của thiếu nữ miền Tây Bắc, dẫn cái  bọn trung trung  tre trẻ, ham chơi, ham ăn,  đến nơi cần đến. Mà thôi, mình chả làm thơ đâu, cho dù chỉ nhìn bằng mắt (  chứ chưa sờ bằng tay đâu) cũng thấy  con đường rất rất gợi tình theo kiểu hình dáng “thiếu nữ ngủ ngày” và chắc là bà Hồ Xuân Hương cũng phải cười xòe với mình thôi. Con đường còn gợi tình theo kiểu “ con đường nhỏ nhỏ gió xiễu xiêu / lả lả cành hoang nắng trở chiều” nữa cơ, thơ  Xuân Diệu tả con đường  tình tứ duyên dáng điệu đàng tuyệt vời  thế, mình đâu dám phạm thượng “ diễn xuôi”  lại.
     Gọi là  “ bảo tàng văn hóa Mường” cho oai thôi, nhưng đây chỉ là bảo tàng tư nhân, ban đầu  là nơi cứ trú của một đại gia đình người Mường, chắc “ tứ đại” hay “ ngũ đại’ đồng đường gì đó. Ông chủ trẻ của khu này vồn là học trò cũ của bọn mình, vì quá yêu một nền văn  hóa Mường nên đã đầu tư cho gia đình đó ăn ở sống ở đây như cũ, với điều kiện là không được thay đổi bất cứ một vật dụng nào nào ở trong nhà cũng như ở ngoài vườn, ngoài ngõ,  kèm bổ sung thêm những thứ còn thiếu. Nghe thì tưởng như  đơn giản, nhưng có được cái khu gọi là “ Bảo Tàng văn hóa Mường” này chắc phải có rát nhiều lòng yêu,  yêu chan chứa với một nền văn hóa đẹp đẽ đang có nguy cơ mai một dần. Đến như mình đây, mỗi lần về quê hay nói chuyện ở quê  với mẹ, mình chỉ biết than tiếc hùi hụi ngôi nhà sàn của bác cả, với những hàng cột gỗ lên nước thời gian bóng loáng to bằng vòng tay ôm của mình, khi ấy vẫn còn là đứa trẻ, với cái sàn gỗ rộng thênh thang chị em mình chạy đuổi nhau mỏi chân, với hàng hiên chạy bao quanh là nơi các chị con nhà bác hay ngồi thập thò, rủ rì tâm tình với các người yêu thuở ấy! Thi thoảng cao hứng rủ con trai về quê đi ra rừng, vào thác, lên hang núi, nhưng con hay kiếm cớ thoái thác, sau rồi mới hiểu con sợ các bác quý hay mời uống rượu và phải đi làm “ Quận Công”( có câu “ nhất quận công, nhì ị đồng”),  vì ở quê ai cũng phải làm “quận công”. Ôi chao! mình cứ hay than tiếc hoài một thời quá vãng một đi không trở lại, chắc là do  bệnh già lẩm cẩm đấy mà.
     Chọn cái nhà sàn to  nhất, cà đoàn hào hứng leo lên dốc, trèo lên cầu thang và … lên sàn. Ở đây là sàn gỗ chính hiệu chứ không phải cái sàn “trứng khoán” xanh đỏ thụt thò bấp bênh dễ tan nát,  hệt như “ trứng để đầu đẳng” đâu nha. Gặp một người phụ nữ đang lúi húi trong góc nhà,  vừa giới thiệu “ nhõn” 1 câu rằng đây là nhà của Lang, chưa kịp nhìn rõ mặt đã  bỏ  đi đâu mất hút, đành cười xòa, chúng ta tự làm hướng dẫn viên vậy. Việc đầu tiên là quan sát toàn bộ ngôi nhà, và mình xin khẳng định là cái nhà sàn của nhà Lang này vẫn  kém ngôi nhà sàn của bác cả mình ở quê về độ bề thế cũng như chất lượng gỗ, hơn thế nữa còn lợp bằng lá gồi, chắc là gia chủ không kiềm được cỏ tranh, tuy nhiên cũng vẫn cực kỳ thú vị mà.     
      Mở đầu hành trình khám phá nhà sàn,  bé Hoahoa trỏ cái nhà sàn bé xíu ở góc vườn hỏi nhà đấy để làm gì, mình trêu nên trả lời “ nhà cho Ma Gà ở”, cô bé sợ im thít luôn. Chẳng là do  sự tích có từ ngày xưa, trong các miền rừng núi heo hút, những cô gái xinh đẹp tất nhiên là có rất rất  nhiều chàng trai muốn  hỏi cưới, nhưng bọn họ ghen nhau, và có kẻ xấu bụng vu vạ cô gái  là Ma Gà mới xinh đẹp chứ người thường làm gì mà xinh đến thế, và kết cục là cô gái ấy  bị cả bản xa lánh, ruồng rẫy, phải  ra rừng sống cô  độc đên hết đời trong ngôi nhà sàn bé xíu. Bé Hoahoa gào lên “ mama ơi, cháu không mún làm Ma Gà đâu”.
     Cả lũ đi tung tăng ngắm nghía ngôi nhà sàn của dòng họ nhà Lang, bọn CÁ RÔ lại nhao nhao hỏi đủ thứ:  rằng sao lại có hai bếp trong nhà? rằng sao lại phải chia ra  bếp chủ và bếp khách? rằng sao nhiều chiêng thế, sao cái thì  có núm, cái thì  không có núm? rằng ối  giời cái bình gì mà loe miệng trông kỳ cục thế này? ( thực ra đó  là cái nồi hông dùng để làm món đồ của người Mường)? rằng súng này của trai bản nào vậy,  có săn được con thú nào để  dụ dỗ người đẹp vào bẫy không nhi? rằng cây kiềm này của tráng sĩ nào vậy, chàng ấy có mang đi đánh trận không nhỉ, khi chiến thắng trở về có được một ÚN xinh nhất Mường đón không ? rằng cái khung cửi này đã  dệt được mấy tấm chăn cưới cho đôi tân lang tân nương, mấy  gối tựa cho bố mế ông bà, mấy gối ôm cho các dì các cô nhà ngoại nhà nội, và để dệt được đống hồi môn ấy chắc cô dâu phải trồng bông dệt vải từ lúc 7 tuổi? rằng liệu cái cối tre  quay tay  xay này ra gạo có ngon như máý xát hiện đại không nhỉ? rằng cái cối giã gạo đạp  bằng chân thế này thì mỏi chít và sẽ làm bắp chân to ra thì  mặc váy ngắn sẽ  xấu tệ hại đây? rằng sao chú chó kia lại cũng “ tự tiện”  lên sàn vậy? Bạn Ong thì nói ít hơn, nhưng cái “ ai pát” của bạn ấy làm việc hết công suất, khi thì quay phim, khi thì chụp ảnh. Mà cái bọn Cá Rô này “ tự sướng” mới ghê chứ, hết chen vào “ ai pát” của nàng Ong ngồi đứng ngả ngồn, lại gào lên “ mama chụp cho em nào! cho em cơ! Em ở chỗ này mà !” cứ loạn xị ngậu đến  tận đến khi máy ảnh mình hết “ điện”  thì cả lũ tiu nghỉu, thở dài tiếc rẻ, trách cứ “ sao mama không mang sạc đi theo?” “ cái cục gạch nầy chụp ảnh chán bỏ xừ”,  “chời cao  đất dày”  ới ơi, lần sau mình tự hứa sẽ sắm bằng được cái “ ai pát” to bằng cái nong phơi lá thuốc ngoài sân kia cho cái bọn Cá Rô này khỏi chen nhau đến “vỡ” cả ống kính máy ảnh.
    Cuộc “ lên sàn” có cái kết thúc  rất có hậu, là một mâm lá chuối, với 25 thứ rau hái ngoài rừng và  đồ trong chõ bằng gỗ, gà leo núi ôm đám rau trong chõ, chú  cá măng dài thượt bắt từ sông Đà được nướng trên bếp  than hồng rực rỡ đã chuyển sang màu cánh gián pha vàng thơm lừng đến không ngăn được con tỳ con vị cùng cựa quậy,  bát lòng cá chưng mẻ vàng ươm lấp ló bên đĩa rau thơm miền núi đá đủ màu sắc xanh đỏ như một vườn hoa xuân thu nhỏ, chen lấn vào là đĩa xôi trắng cùng bát vừng đen thơm phưng phức, và hộp xôi nếp cẩm của nhà mang theo đen nhánh như hàm răng hạt na của các bà mế ăn trầu, cũng nghênh ngang góp mặt. Cả lũ Cá Rô, chẳng có “ tiền chủ hậu khách” gì cả,  không đợi giục lần thứ hai, rào rào đưa đũa gắp, nếm, nhai, xuýt xoa: eo ơi sao mà ngon thế, thơm thế, ngọt thế? sao mà đũa Mường dài thế ( dài gấp 3 lần đũa thường dùng) , gắp vướng quá, thôi thì dùng “ 5 quân” cho tiện. Đấy Ong chả kể trong “ ẻn try” của nàng rằng phải chen lấn mới đến được  bên đĩa rau đồ là gì.
   Cả  bọn  ra về trong cái nắng  tuy đã nhạt màu thủy tinh nhưng vẫn còn trong trẻo vô ngần, vẫn còn hấp dẫn như thiếu phụ hồi xuân ấy, trong nỗi niềm tiếc rẻ rằng ngày chóng hết quá à! Chợt liếc mắt ra chỗ anh chàng phóng viên của VTV , vừa  rào rào nổ máy xe vừa chợt nghĩ lúc nãy anh ta chĩa ống kính máy quay đến là “ thô bạo” vào chỗ lũ mình chơi đu, chả biết có hớ hênh gì không, kẻo rồi lại “ gái đu gối hạc khom khom cật / gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng”. Nhưng rồi lại “tự sướng” rằng có những lúc được cởi bỏ ra khỏi khuôn mẫu mô phạm một chút thì đã làm sao, cho nên vẫn vô cùng tiếc rẻ khi phải  bỏ lại đằng sau một không gian núi đá và cây rừng ôm chứa đầy tràn những  chuỗi cười trong veo giòn tan như tuổi 18.
                                             Viết xong 19h/ 19/9/ 2012.








14 nhận xét:

Unknown nói...

Ghé nhà bạn nhân dịp đầu năm mới, thăm nhà sàn.Chúc bạn năm mới nhiều niềm vui.

Unknown nói...

Đọc bài viết của bạn lại nhớ mùi vị thơm ngon và nhân nhẩn đắng của món Rau đồ chấm lòng cá.
Tôi đã tìm mãi mà không biết được cách chế biến món lòng cá này,...

Unknown nói...

Chợt liếc mắt ra chỗ anh chàng phóng viên của VTV , vừa rào rào nổ máy xe vừa chợt nghĩ lúc nãy anh ta chĩa ống kính máy quay đến là “ thô bạo” vào chỗ mình , chả biết có hớ hênh gì không, kẻo rồi lại “ GÁI đu gối hạc khom khom cật / gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng”.
---
Hình như đoạn này chị MAI HƯƠNG xinh gái viết vừa thiếu vừa sai.
Mà sao chị để cái kiểu coment khó chịu thế này!
(Chị vào THIẾT KẾ>CÀI ĐẶT,dò đến dòng"BÀI ĐĂNG VÀ NHẬN XÉT" rồi thiết kế lại theo chỉ dẫn chị nhé)

Hải Đăng nói...

Lâu ngày thăm lại với Mai Hương
Chẳng ngại quan san vạn dặm đường
Chót vót nhà sàn nơi đỉnh núi
Vì tình với nghĩa mến yêu thương.

Unknown nói...

Hồng Nga ui! chị đã nói là chi dốt cái khoản TINH VI này lắm cơ! chị có biết gì đâu! em Hồng Nga xinh yêu của chị ợ! Giá mà em giúp chị sửa chữa nhỉ?

Unknown nói...

Anh Hải Đăng ạ! Mai Hương xin lỗi nha! lâu rui không vào bolg! vì em thấy cái blog này khó dùng! nhưng em vãn nhớ bạn cũ lắm í! Gặp anh là em vui lắm! chúc anh mạnh khỏe viết nhiều, để me còn nói gương!

Unknown nói...

Bạn Toàn Thắng Nguyên à!Chế biến món lòng cá dễ thôi mà! Trước hết lòng cá phải Làm thật sạch, kẻo có sán, đặc biệt là cá nuôi ao! cá sông thì không có! sau đó bạn đun với dấm mẻ nghệ ớt....Tóm lại là cho gia vị làm sao để tạo ra các vị: đắng, chua, cay mặn ngọt, mà nếm thấy ngon là được! cái sự ngon này thuộc về khẩu vị riêng đấy> Còn vị đắng thì lại nằm chủ yêu ở món rau đồ. Thường thì phải tìm khoảng 25 loại rau trở lên, cái loại cây mọc dại ở vườn, bờ bụi, ví dụ: đinh lăng, lá đu đủ non, vông, bông mã đề, diếp dại, cải đồng....nhiều Lắm! chúc bạn ngon miệng!

Unknown nói...

Anh Hải Đăng ạ! em xin lỗi viết sai! ...sửa lại: " chúc anh viết nhiều để cho em còn noi gương"! He!he! em chào anh nha!

Unknown nói...

Sang thăm bạn để cùng được leo lên nhà sàn

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Từ G+ thăm nhà Blogspot của Phan Mai Hương. Chúc vui!

Unknown nói...

Chị bỏ viết blog rồi ư chị MH xinh gái?

Thăng Nẫu nói...

Nhìn mặt quen quen, có phải người quen ở xóm nhà Yahoo?

Unknown nói...

HN lại sang thăm chị.Chúc chị ngủ ngon!

Unknown nói...

Hồng Nga! cái nhà sàn này bị cháy mất rùi! rõ tiếc chứ!