Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

TẤT CẢ CHO CON

                                                  Tản văn: Phan Thi Mai Hương
  Đến tôi cũng ngạc nhiên, vì sao lại đặt “tít” bài như một sự phát hiện ấy nhỉ? Lẽ đương nhiên là các  bậc cha mẹ, phấn đấu sự nghiệp, tìm kiếm  tiền bạc, tranh giành danh lợi, cuối cùng thì chả để cho con  mình thì cho ai? Không lẽ để cho con  hàng xóm à?
 Ông Chu Dung Cơ ( nguyên Thủ tướng Trung Quốc), có bài viết gồm những khái niệm, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm sau một chặng đường đời. Trong đó phần viết về con cái, đại ý như sau: tiền bạc nhà cửa của cha mẹ là của con;  nhưng tiền bạc, nhà cửa của con không phải là của cha mẹ. Nhận xét của ông Chu Dung Cơ không mới, và chắc ai cũng thấu hiểu, nếu đã từng làm cha mẹ. Chỉ là nó được chú ý bởi lời nói của người nổi tiếng.
    Là người “ chìm nghỉm tiếng”, và  không có ý định “ tổng kết” gì đâu, nhưng tôi cứ bị ám ảnh hoài bởi  điều ông Chu Dung Cơ nói. Bởi vì, biết thế đấy nhưng không làm khác được. Bởi  cha mẹ luôn dành mọi điều tốt nhất cho con, như mọi dòng sông đều chảy. Điều đó khắc  sâu vào tâm khảm và  không ai,  không bao giờ có thể nghĩ đến  việc làm khác đi. Không có lí do gì mà nước sông không chảy về biến, cũng như tất cả giá trị vật chất, tinh thần của cha mẹ đều hội tụ  nơi con cái.
  Là cha mẹ,  liệu chúng ta đã biết yêu con mình đúng cách chưa? Tôi bị một ông anh ( con nhà bác ruột) rất không ưa, vì tội về quê, cứ chạm mặt anh là lên tiếng chỉ trích. Phần là lo, phần là “ máu” nghề nghiệp chen vào, khiến tôi không thể nhịn “ phê phán”. Tôi chắc bạn cũng chả nhịn được đâu, nếu được chứng kiến hai đứa con của anh: trai lớn 21, gái nhỏ 18. Nhà làm nghề nông mà cả hai đứa chưa bao giờ lội chân xuống ruộng, con gái  không biết nầu cơm, con trai tóc xanh đỏ, uống rượu,  phóng xe máy vèo vèo. Nhà có ruộng nhưng thuê cày cấy, vì chị dâu tôi đi lao động ở Đài Loan gửi tiền về. Tôi chưa từng thầy hai đứa con anh động chân mó tay vào việc gì trong nhà, chứ đừng nói làm vườn, lội ruộng. Anh làm tất thảy mọi việc nội trợ  trong nhà như một người phụ nữ đảm đang. Mà lạy giời, tôi chả thấy bọn trẻ học hành, bài vở gì cả, chỉ xem ti vi, tụ tập, lượn ngoài đường. Tôi không hình dung được là trong tương lai, hai đứa trẻ  sẽ trở thành ai? Tôi hình dung ra sau này khi  anh đau ốm, nếu có mệnh hệ nào thì chắc không phải chỉ do bệnh tật. Tôi cầm chắc  cô cháu gái ế chồng, vì ở làng ai mà dám rước loại tiểu thư nửa mùa ấy về nhà làm vợ, làm con dâu? Tôi tưởng tượng ra cháu dâu cũng cùng một loại với cháu trai, nghĩa là  tóc và móng ( tay, chân) cũng “ biến hóa” các màu. Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ làm tôi “đấu khẩu” với anh, cho dù thỉnh thoảng mới về quê. Rồi tôi cũng buộc phải “bó tay chấm com”. Vì lý luận của ông anh tôi  là “ lớn lên khắc biết tất…”. Có lẽ vì thế với tôi, việc về quê cũng thưa thớt dần, chỉ  khi có việc hiếu, hỉ, chẳng đừng được, thì tôi phải chịu.
       Yêu con là điều đương nhiên, nhưng tôi luôn tự hỏi con trẻ cần lòng yêu thương ấy thế nào? Đã khi nào chúng ta, những người làm cha mẹ, sống chậm lại để suy nghĩ nghiêm túc về điều đó chưa? Tôi nuôi con đến nay tạm gọi là ổn vì con đã  trưởng thành: 25 tuổi, xong 2 bằng đại học, đã có thể tự lập. Lúc “ tám chuyện”, đồng nghiệp nói tôi “ sướng, vì con ngoan”. Nói thật, tôi chưa hình dung ra cái” sướng” ấy vuông tròn ra làm sao, bởi lòng cha mẹ nào mà chả bề bộn nỗi lo? Ôi trời! nếu kể ra đây thì có mà …hết ngày.
   Ngỡ tưởng đã làm hết mọi điều cho con, nhưng tôi đã lầm, khi con trai tôi tâm sự với chị nó ( chị con nhà bác) : “em buồn lắm vì có lúc  mẹ không hiểu em,  nhưng em  sẽ cố gắng sẽ làm cho mẹ hiểu”…. Tôi thực sự bị choáng váng, rồi hoang mang,  làm thế nào để hiểu bọn trẻ đây? Tôi vốn tự hào về bản thân là  không đến nỗi nào, khi không chỉ biết làm mẹ, mà còn biết làm bạn của con trai mình một cách đúng nghĩa. Vậy mà bỗng dưng bị “ giải thiêng” bởi chính con trai mình? Làm sao mà không choáng cơ chứ?
 Tôi thuộc thế hệ 6x, như có ý kiến nhận xét là thế hệ lỡ dở: kinh tế thì chuyển từ bao cấp sang thị trường; đường học hành thì làm “chuột bạch” cho nhiều đợt cải cách nối tiếp nhau ( tôi có một xấp giấy chứng nhận đã  học bồi dưỡng chu kỳ qua nhiều mùa hè); có học vấn tử tế, chu đáo nhưng không nhiều cơ hội. Nên mọi cố gắng làm lụng chỉ mong sao nếu thời thơ ấu, mình ước được ăn gì, chơi đồ chơi gì, thì bây giờ có điều kiện thì mua cho con, quan trọng nhất chăm chút cái sự  học  hành của con cho suôn sẻ. Làm sao con được đủ đầy cả về vật chất và tinh thần,  không bị thiếu thốn như mình hồi nhỏ.
      Phải chăng tôi đã thiếu sót điều gì cơ bản khi nuôi dạy con? Phải chăng tôi đã góp phần tạo ra một “thế hệ ích kỉ”? (như ý kiến để gọi thế hệ 8x, 9x. 10x  ). Vậy tôi đã mắc sai lầm ở đâu, khi muốn thêm vào hành trang của con những kinh nghiệm, để con có thể đi bằng con đường ngắn nhất, trên hành trình vào cuộc đời. Còn sử dụng những kinh nghiệm ấy như thế nào thì con phải chủ động. Giống như bây giờ, khi lớn lên con trẻ đã có ngay máy vi tính để dùng mà không cần phải phát minh ra nó nữa.
    Một người bạn tôi tâm sự một cách buồn rầu rằng đã  bất lực từ khi bị con gái gào vào mặt: “ không cần bố mẹ phải vì con. Hãy vì chính bố mẹ ấy! Thử nhìn xem, hai người suốt ngày cãi nhau”. Kết cục, cô bé sống ngoài đường là chủ yếu, nay mới lớp 10 đã ngang nhiên dẫn bạn trai về nhà…học, khi bố mẹ đi vắng. Nỗi đau ấy thấm thía đến cỡ nào thì chỉ có người mẹ ấy mới thấu hiểu. Nhưng tôi  cảm nhận nỗi đau ấy bằng tấm lòng người đã nuôi con, thêm nữa lại làm nghề dạy trẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà có câu “hổ dữ không ăn thịt con”, như  minh chứng về lòng yêu thương muôn đời mẹ cha dành cho con cái, cho dù đứa con ấy có thế nào. Đành phải nghĩ con cái là phúc phần mà bậc  làm cha mẹ chúng ta được hưởng. Vậy cái phúc bạn muốn, chắc cũng giống cái phần tôi mong? Sau tất cả những gì cần phải làm và đã làm, tôi đành phải  hy vọng và đợi chờ  ở thì tương lai thôi.
 Tôi viết những dòng này nhân kỉ niệm 1 năm, ngày con trai tôi nhận bằng tốt nghiệp Đại học. Tôi muốn dành tặng bài viết này cho con trai, cho người đàn ông đã trưởng thành của gia đình tôi.
                                                                                             Viết xong, 1h ngày 18/5/2012

Không có nhận xét nào: