Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

MÊNH MANG TÂY NGUYÊN


                                           
 

Tùy Bút của Phan Mai Hương

 Được xê dịch là một trong những niềm khao khát không chỉ của riêng tôi. Con người ta sẽ thấm thía hơn về sự trì trệ nếu như cứ phải ở lâu một chỗ. Chả thế mà nhân vật của Nguyễn Tuân hay củaThạch Lam đều phải mượn chuyến tàu để cho tâm hồn được bay tới những miền xa xôi. Cho nên nếu trong tâm thức luôn thường trực giấc mơ Tây Nguyên thì cũng có gì là lạ đâu?
Thì cứ hình dung đang ở Tây Bắc với sương muối và gió Lào, còn ở Tây Nguyên lại đang xanh mướt mát của thông reo? hay đang vàng thắm màu hoa dã quỳ? Tây Nguyên với thật nhiều ánh mắt mời gọi của bạn bè? Tây Nguyên trong hồn người xa trước hết là những nồng nàn của rượu cần đã ủ sẵn hàng trăm năm; ấm áp như những vỉa đất bazan đang tuôn chảy từ miệng núi lửa mênh mang từ hàng triệu triệu năm.
Vậy thì đây, nếu Hãng hàng không Việt Nam giúp bạn được luồn lách trên những cuộn mây cũng là điều bình thường. Nhưng khi gặp mây của cao nguyên, bạn sẽ bất chợt nhận ra hình như  có một ranh giới mong manh nào đó.Để từ thẳm sâu trong chờ mong, bạn sẽ nhận ra mây đấy là của riêng Tây Nguyên.
Nếu lỡ khi lơ đãng thì tiếng reo của em gái ngồi ghế sau sẽ nhắc cho ánh nhìn chạm mây: “ kia rồi, đường Hồ Chí Minh ! mây cao nguyên kìa”. Dù gì thì tiếng reo đó sẽ không làm bạn khó chịu như em đã từng  nói chuyện quá to trước đó. Bạn sẽ thấy lòng mình bao dung rộng rãi thảnh thơi như gió đang giỡn tưng bừng trên trời xanh cao nguyên. Bừng tỉnh, để rơi ánh mắt chạm nơi đỉnh trời. Để thấy xanh thắm một nền trời với màu xanh không thể khác xanh. Để thấy nõn nà tinh khôi từng cụm bông trắng muốt, những vầng trắng trinh nguyên mà nhìn vào đấy người ta đã muốn làm thơ. Hình như trời xanh với mây trắng là thương hiệu riêng của miền cao nguyên đất đỏ?
Nếu có lúc nào đó bỏ qua cụm bông nõn mùa thu này chẳng phải là một thiệt thòi lắm sao? Bạn nói trong này không mùa thu, đang ngơ ngác thì bạn giải thích, vì thu không thành mùa riêng hẳn ra như Tây Bắc đâu. Vẫn thắc mắc cho học trò Tây Nguyên làm sao cảm nhận “ Mùa Thu câu cá” của Nguyến Khuyến? Nhưng đến Tây Nguyên mới biết mùa thu riêng của Tây Bắc đã nhập vào mỗi ngày của Tây Nguyên để làm nên một bảng màu hấp dẫn, sáng xuân, trưa hè, chiều thu, đêm đông. Có lẽ vì vậy mà nắng và gió đều mang sắc màu; đất và nước đều mang mùi vị; cứ nồng nàn sôi nổi; cứ rực rỡ trong hương hoa phong lan quanh năm khoe sắc. Con người cứ như bị cuốn đi trong cái bảng màu ào ạt, hối hả tiếp nối nhau của thiên nhiên.
Phải chăng thiên thời đã dành cho Tây Nguyên những đối lập trong từng mảng màu, để tạo ra cái nắng cái gió vừa dữ dội vừa mênh mang? Có thê nói thế, vì đã từng chạm mây Tây Bắc nơi cổng trời Lai Châu. Cũng là trời xanh mây trắng, nhưng màu xanh thoáng pha chút ánh trắng lả lướt nên không đậm sắc như trời xanh Tây Nguyên. Nếu trời xanh Tây Bắc đủ để ta cảm nhận cái lồng lộng của mây gió nhẹ nhàng bay lượn một cách ám ảnh, thì trời xanh Tây Nguyên cứ thăm thẳm từ bên trong mà bật bung ra ngoài bằng sắc xanh nồng nàn mà không kém phần bạo liệt.
Khi tôi nói sẽ đi Tây Nguyên, bạn bảo đang mùa mưa, đừng có đi vội thế, đợi đến mùa khô, đến mùa hoa dã quỳ. Nhưng tôi đã đến Tây Nguyên mùa mưa như một mặc định của ý nghĩ, cho dù phải bỏ lại mùa dã quỳ vàng thắm những triền đồi xa xôi.
 Phải nói thật là tôi bị ám ảnh bởi  những cơn mưa rừng Tây Nguyên trong tiểu thuyết “ Nỗi buồn chiến tranh” của  nhà văn Bảo Ninh. Cho nên, tôi đã đến Tây Nguyên để trải nghiệm cơn mưa nhạt nhòa núi non; mưa mờ mịt những nẻo rừng xa; mưa ướt át buông trùm kín  những cánh rừng lặng lẽ;  mưa ẩm ướt dầm dề nơi ngút ngàn màu xanh của rừng nguyên sinh;  mưa nhão nhoẹt cả núi non, suối, đá, nước; mưa lén lút và sầm sập trong những tán cây đại thụ buông  từng chùm rễ xanh âm u.
Tôi đã thấm mưa suốt hơn bốn giờ đồng hồ từ Kon Tum lên Măng Đen, trên con đường ngót 50 km, bạn nói hồi chiến tranh đây là đường dùng vận chuyển vũ khí và lương thực. Rời thành phố lúc 14h30, vẫn còn nắng chói chang, đi khoảng 15 phút thì  gặp mưa giữa đường,  nhưng tôi không thấy lo lắng gì bởi chưa hình dung ra mưa Tây Nguyên. Thế rồi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, và cứ rỉ rách hoài như cứa vào các giác quan, nhòe nhoẹt dầm dề trên con đường đèo quanh co uốn lượn những khúc cua tay áo gấp khúc.

Bạn giải thích con đèo có tên Vio Lăk vì đi trên đó người lắc lư từ bên nọ sang bên kia đấy thôi, sẽ giảm béo và có eo lắm đấy. Bạn cười rí rắc làm đường mưa ấm hơn. Quả thật tôi đã qua nhiều đèo: đèo Thung Khe cao vòi vọi của Mai Châu; đèo Giàng, đèo Gió hun hút của Cao Bằng; đèo Ngoạn Mục kè bên vực sâu đấy thông reo của Đà Lạt; đèo Pha Đin cheo leo lượn trên sườn núi ở Điện Biên; đèo Ô Quy Hồ nối từ Sa Pa sang Lai Châu, con đèo cao hơn hai nghìn mét và dài nhất trong các con đèo đường bộ Việt Nam. Nhưng để được trải nghiệm cảm giác đi trên đèo mà như lắc vòng, thì thật sự bạn phải đi trên đèo Vio Lawk của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ này.

Đi trên con đèo chênh vênh và uốn lượn men theo rừng mưa mù mịt. Luồn rừng trong hoàng hôn sầm sập tối. Dò dẫm trong rừng mưa miên man ướt lạnh. Leo dần từng khúc cua tay áo này sang khúc cua tay áo khác mà không biết đâu là kết thúc. Thử hình dung khi đang rét run và dò dẫm quan sát từng hòn đá tìm chỗ cho bánh xe luồn lách, thì bạn khúc khích nói, chưa có gì hứa hẹn sẽ có lần thứ hai được trải nghiệm cảm giác như thế này đâu nhá, thì lại thấy hào hứng muốn xuyên mưa.Thì lại thấy quá đúng hơn khi trải qua cảm giác mong mỏi cháy lòng được nhìn thấy ánh lửa từ ngôi nhà đầu tiên để tấp xe vào mà không hề có sự lựa chọn, miễn là ấp áp như lửa là được. Đi trong mưa để cảm nhận sự đe dọa của lạnh lẽo và hoang vu; để thấy sự khiếp sợ bởi cô đơn  hoang lạnh; để thấy sự sống ấm áp đáng quý biết bao. Sự ấp áp của lửa, sự ấm áp của tình người như một mặc định vĩnh hằng của cuộc sống này; sự ấm áp để cho bạn tựa nương.

Đã bao giờ bạn dừng chân bên một con suối Tây Nguyên chưa, để thấy mảng xanh thắm xanh đột ngột hiện ra chói chang giữa cơn mưa bất chợt của rừng trong mùa mưa Tây Nguyên. Ngay giữa những cơn giông rừng xối xả thì màu xanh thắm ấy vẫn không chịu mất đi bởi cái nội lực bung ra từ bên trong. Cho dù kề cận bên mảng xanh trời vời vợi ấy là mạng sườn núi trơ đất đỏ như vết thương chiến tranh vẫn đang còn  rỉ máu. Để cho tạm quên đi cái nhức nhối của con suối cạn trơ những tảng đá xù xì, cho dù đang mùa mưa. Mặc dù lạc bước đến Tây Nguyên mùa mưa, nhưng đã rất tiếc nuối vì mất đi hy vọng nhìn thấy thác nước dưới chân mình. Thế mà khi khởi  hành đã từng  hy vọng rằng không phải tưởng tượng đâu, mà sẽ được nhìn tận mắt cảnh hùng vĩ trời xanh mây trắng và thác réo âm u của rừng Tây Nguyên. 

Đến Tây Nguyên, tôi thèm những cánh rừng nguyên sinh mang sắc xanh cuộn khối, hào hùng, thấm đượm màu của sử thi, để gợi về những chàng Đam San Xinh Nhã dũng mãnh từ thuở xa xưa; những chàng trai trẻ của thời hiện đại, đã ngã xuống cho đất cao nguyên thêm thắm đỏ. Sẽ cảm nhận điều ấy rất rõ, nếu bạn thong dong đi trên con đường quốc lộ, với hai làn rộng rãi mịn màng uốn lượn giữa triền ca fe bạt ngàn xanh um, đẹp mê hồn. Đang bị quyến rũ ngất ngây trước con dốc cao vòi vọi, hai bên đường uốn khum những rặng cây cổ thụ, lá nhỏ xanh tươi, hoa vàng thắm buông rủ từng chùm. Chưa kịp hỏi  tên con dốc và tên cây hoa, vì anh tài xế đã hỏi, thế nhà báo có biết con dốc Chu Bao này có câu thơ nổi tiếng không? Rồi anh đọc câu thơ nghe lạnh người: “ Dốc Chu Bao oán hờn trong gió / Mỗi mét đường mỗi chiếc khăn tang”. Anh giải thích, đồi Chu Bao này là nơi diễn ra  những cuộc chiến đấu ác liệt, từ năm 1968 đến năm 1972, bộ đội Giải phóng và quân Việt Nam Cộng Hòa chết rất nhiều, có trận người chết nhiều, nằm xếp lớp trên đường. Tôi hỏi sao anh biết, anh nói anh sinh ra và lớn lên ở đây, có 32 năm lái xe trên đường này, nhà báo đừng hỏi tên tôi, cứ gọi tôi là tài xế xe buýt. Tôi đã không nài nỉ  để hỏi tên anh nữa. Tôi nhớ ngay tên con dôc là  Chu Bao. Xe tuột xuống chân dốc bên kia, tôi chăm chú nhìn xuống đường và tự hỏi, tại sao  sau 40 năm mưa gió cao nguyên vẫn chưa thể gột  rửa sạch ký ức đau thương về cuộc chiến năm xưa.

Lại nhớ câu chuyện bạn đã  kể. Già A Vy-  sinh 1940, quê Đăk Mông, Đăk Tô, Kon Tum – đã mấy ngày nay theo đội tìm kiếm mộ liệt sĩ trong trận chiến vào tháng 5/ 1972 với tư cách là nhân chứng. Hồi đó, già về học trường Dòng ở nhà thờ Gỗ. Khi trận chiến kết thúc, già A Vy cùng năm người  bạn đi gom tử thi của hai bên về chôn. Nay thì năm người bạn ấy đã mất, chỉ còn lại mỗi mình Già sống cùng với quá khứ khó phai mờ. Chính tay Già đã chôn hai liệt sĩ chung một mộ, nơi mà ngày nay là cổng một trường học khang trang giữa thành phố Kon Tum. Suốt buổi sáng tìm kiếm, Già A Vy ngồi âm thầm trên ghế đá, mắt dõi  theo từng xẻng  đất đợi chờ. Cuộc tìm kiếm hài cốt thất bại, không có ai trách cứ, nhưng Gài A Vy cứ thu mình trên ghế, dáng người như bé nhỏ hơn, mắt hướng về nơi xa xăm nào đó và hình như  mang đau đáu một nỗi niềm. Nhớ đã đọc câu thơ “ Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thằng thì nhân dân đều bại”. Thiết nghĩ, mình chẳng cần phải viết gì thêm về mảnh đất đã thắm đỏ máu của nhiều bên?Câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy đã nói hộ những điều muốn nói, và dường như  sử thi  của thời đại cũng nào cũng thẫm đẫm sự hy sinh của nhiều thế hệ.

Tôi nhờ bạn chụp hộ những bức hình ghi lại sườn núi phô ra mảng màu đỏ chói màu đất đỏ, đối lập dữ dội với mây trắng trời xanh và nắng đổ tràn trên đầu. Khi tôi nhận xét, Tây Nguyên đang trong hành trình phủ trọc đồi xanh, bạn là  giáo viên Văn, vốn rất yêu Tây Nguyên có trả lời rằng do thủy điện đó, thủy điện thì không biết đến đâu, nhưng nó giết chết bao nhiêu con suối và cánh rừng. Lại nhớ, người bạn kỹ sư ở nhà máy thủy điện được coi là lớn nhất nước, đã kể rằng đã có hơn hai mươi năm làm thủy điện, nhưng chỉ sau khi được làm lãnh đạo và đi thực tế vùng lòng hồ mới biết thủy điện đã phá hủy thiên nhiên và những cánh rừng như thế nào?

Nhưng tôi có một ít thất vọng cho sự tìm kiếm của mình. Nhìn Tòa khách sạn 12 tầng cao vòi vọi nổi bật giữa thành phố, tôi đã hiểu rừng nguyên sinh phải thấp nhỏ bớt đi là đúng rồi. Bạn kể, không hiểu sao cái khách sạn lộng lẫy này hay có người đến nhảy xuống tự tử? Ngay khi tôi đã xa Tây Nguyên, vừa đọc báo điện tử thấy tin công an Gia Lai đã giải  cứu thành công một cô gái đang có ý định nhảy xuống từ tầng 12 của khách sạn đẹp nhất thành phố Pleiku. Nhưng không vì thế mà du khách thấy thành phố cao nguyên bớt đi sự hiện đại của cuộc sống hôm nay. Vì có thể điều đó cũng là một phần của cuộc sống của đô thị hiện đại mà chúng ta phải chấp nhận.
  Nhưng tôi cũng đã rất hào hứng khi dừng lại bên cây cầu treo hoành tráng ở thị trấn Đăk Rve thuộc huyện Kon Rẫy. Được biết đây là một trong những cây cầu treo hiện đại nhất ở Kon Tum.Nhìn cây cầu treo duyên dáng điệu đà vắt qua dòng sông Đăk Pone thấy phố núi nhỏ xíu nép bên bìa rừng cũng trở nên lộng lẫyvà hiện đại  biết bao trong nắng gió cao nguyên.
 Vẫn dừng lại nữa, nơi con suối cạn giữa rừng Tây Nguyên. Nơi có một cây cầu treo bắc qua. Cây cầu cũ kỹ chằng buộc những dây thép han rỉ, lưng nó đã oằn võng xuống, gần thành hình chữ S. Có thể cây cầu này đã từng được sử dụng? Có thể bây giờ nó chỉ đứng chơ vơ cô đơn, như để làm cảnh với nghệ thuật sắp đặt nơi núi rừng? Tôi chẳng có ai để hỏi. Cây cầu và những tảng đã dưới con suối cạn Tây Nguyên kia lại đưa tôi về con suối cạn ở bản Chu Va (Lai Châu), nơi có cây cầu treo Chu Va bắc qua con suối cũng cạn trơ đá tảng như thế này.Thật sự, tôi đã được nhìn thấy những tảng đá to như lưng voi bạc trắng nhấp nhô dưới lòng con suối cạn khi ô tô đi lướt qua bản Chu Va ở Lai Châu để thấy cảm giác rùng mình khi hình dung mình bị rơi tự do xuống đấy. Nhưng bây giờ, khi đứng ở bờ con suối cạn với những tảng đá bạc đầu cũng ngổn ngang như lưng voi nơi suối cạn giữa rừng Tây Nguyên, thì không dám hình dung cây cầu kia sẽ bị gẫy bất thình lình.Tôi im lặng mà không dám hỏi  bạn điều  gì, dù trong lòng rất muốn bật ra câu hỏi rằng cây cầu kia nối với bản nào trong rừng sâu.
Tôi muốn biết rằng có bước chân em bé nào khoác túi, vượt rừng băng qua cây cầu kia mà đến trường hay không? Nhưng nghĩ vẫn còn may mắn vì vẫn nhìn thấy cây cầu bắc  qua suối để chắc rằng các em bé không phải đu dây hay ngồi trong túi bóng mà đến trường. Cứ miên man thế, vì lòng cứ rưng rung, vì đã từng gặp em bé khoác túi trên vai, chân nhỏ xíu, đi bộ mải miết và tung tăng hồn nhiên trên con dốc uốn dài  đổ nẳng nơi rừng Tây Nguyên. Đã dừng lại để chạy theo em, đã năn nỉ chỉ để được ngắm nhìn khuôn mặt lấm lem đỏ bừng, tóc hoe vàng bê bết mồ hôi, dính bệt vào trán vào tai. Nhưng đôi mắt. Ôi đôi mắt nâu sáng bừng rạng ngời cứ trong veo đến độ như chứa cả đất đỏ trời xanh, chứa cả mây ngàn gió núi của Tây Nguyên thăm thẳm.
Chả biết có phải vì bệnh nghề nghiệp hay không mà đến bất cứ nơi nào, cứ hay nghĩ đến các em bé và ngôi trường. Nghe bạn nói ở Tây Nguyên có một ngôi trường gần 100%  là các cô giáo từ Sông Đà đến Tây Nguyên lập nghiệp. Tôi  thấy mình đã để lại Tây Nguyên một niềm tiếc nuối vô cùng khi không thể đến trường Trung học Phổ thông Yaly. Nơi đó có những đồng nghiệp đã từ Sông Đà xung phong vào góp phần xây dựng thủy điện Yaly từ những năm 1990 của thế kỷ trước.  
Đã biết cuộc thiên di này, vì tôi đã từng muốn lắm được tham gia trong đội ngũ giáo viên và bác sĩ đi chi viện Tây Nguyên thời ấy.Thì đã nói là tôi luôn mang niềm khao khát được đi xa, nhưng lại bị sợi chỉ nhỏ buộc chân. Tôi có cô bạn khá thân, là bác sĩ vừa ra trường đã xung phong đi YaLy từ hồi ấy và mang theo cả con nhỏ. Chuyện về cô ấy tôi sẽ kể trong dịp khác, nhưng tôi tự thấy mình không dũng cảm như cô ấy.
Hồi đó, xung phong vào Yaly là những người trẻ, họ sẵn sàng đến Tây Nguyên mang theo hạn định sau ba năm sẽ  trở về Tây Bắc. Cuộc thiên di ấy có trống rong cờ mở  với một không khí cờ hoa rất trang trọng, y như các cuộc tiễn đưa những người trai trẻ đi ra mặt trận hồi còn chiến tranh.
Sao hồi đấy, thấy Tây Nguyên là miền đất quá xa xôi? Không có ai nói cho chúng tôi biết Tây Nguyên là thế nào? nhưng bây giờ đến Tây Nguyên, tôi  tưởng tượng ra hồi ấy chắc  núi rừng hoang vu và khó khăn chồng chất. Bạn đồng nghiệp làm quản lý giáo dục nói, những cô giáo từ Tây Bắc vào đã xây dựng được một sự nghiệp giáo dục đáng nể ở YaLy lắm đấy. Lại nghĩ vị lãnh đạo ngành hồi đấy đã động viên được hơn năm trăm giáo viên vào YaLy, đã được hưởng quyền lợi như một bậc công thần, nhưng  giờ đây chắc gì bác ấy đã nhớ đến những cô giáo trẻ năm xưa. Sau nhiều năm, tôi cứ ngỡ những người trẻ năm xưa đã trở về. Nhưng hôm nay, vào Tây Nguyên, qua thông tin của đồng nghiệp, tôi mới biết họ đã gắn bó hẳn cuộc đời với nơi nắng gió cao nguyên này. Lại hình dung, nếu năm xưa tôi dám dũng cảm chấp nhận cuộc thiên di,thì bây giờ tôi đang là chủ nhân ở miền cao nguyên đất đỏ này,chứ không phải trong vai du khách đến thăm.
 Tôi  cũng bớt đi phần tiếc nuối, khi gặp em đồng hương dáng vẻ dịu dàng với nụ cười tươi rói hồn nhiên trên khuôn mặt xinh xắn đáng yêu. Tôi bị xúc động khi nhìn vào đôi mắt rưng rưng láng nước của em. Rồi em ríu rít, gặp chị thế này em vui quá, em vào đâycùng bố mẹ từ hồi học lớp Tám, đồng hương mình trong này hiếm lắm, hè nào em cũng về Sông Đà đấy.Tôi và em thân nhau được ngay có lẽ cùng đồng cảm là dân văn chương. Được biết em có một gia đình hạnh phúc cùng chồng và hai con đủ nếp tẻ. Tôi nói đùa, giáo viên trường chuyên với bộ đội Tây Nguyên là hơi bị đẹp đôi và giàu có đấy. Em cười vui vẻ, chồng em rất yêu vợ nên quý cả đồng hương của vợ, có lần đi tận Lạc Dương ( Đà Lạt) tìm đồng hương cho em đấy! chị về nhà em chơi nhá? hay là vợ chồng em đến thăm ? sau này khi chị về Sông Đà rồi thì chúng mình vẫn sẽ thường xuyên điện thoại nhé. Cứ ríu rít quên cả giờ đồng hồ đã trôi qua nơi quán ca fe bên hồ Đức An. Tôi thấy em gái nhỏ đã yêu cao nguyên thật rồi. Gặp em, tôi tự thấy mình cũng trở nên đã thân thiết và hình thành sợi dây gắn bó với miền cao nguyên lần đầu tiên đặt chân đến. Nhưng với tư cách người viết, coi như tôi vẫn nợ Tây Nguyên và các đồng nghiệp của mình ở ngôi trường nơi thủy điện Yaly.

Những cánh rừng Tây Nguyên nếu nhìn bề ngoài thì thăm thẳm xanh, nhưng bên trong lại  là màu xanh nhức nhối bởi những cây bé nhỏ èo uột không đủ sức níu mưa. Những cánh rừng đã mặc kệ những con lũ quét bất thần xoáy thêm vào những bề bộn khó khan của cuộc sống. Chỉ cần đi xa hơn ngôi nhà quen thuộc của mình, bạn đã có thể hiểu nhiều hơn. Khi tôi đã xa Tây Nguyên và đang viết những dòng này, thì báo Gia Lai đưa tin một số xã của huyện Chư Pah, nơi có công trình  thủy điện Yaly, bị  mưa to và lũ quét, thiệt hại khá nặng nề. Lại chỉ biết thở dài chia sẻ âm thầm. Lại nhớ mấy hôm ở Tây Nguyên mùa mưa, được hưởng một trận mưa ở thành phố Pleiku, lớn như mưa đá vậy. Chẳng biết có phải là mình gặp may không? Mà hai lần đi qua Chư Pah đều không gặp cơn mưa nào, chỉ có nắng chang chang như lửa đổ xuống cao nguyên? Nghĩ cho cùng thì suối và rừng, cây và trời xanh nơi nào mà chẳng giống nhau, cho dù là Tây Bắc hay Tây Nguyên ?
Pleku 16/8 / 2014 – Hòa Bình 6/9 /2014

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

VỀ VỚI MƯỜNG PHĂNG


                                                              Bút ký : Phan Mai Hương
Tây Bắc tưởng chừng như  gần gũi,  thế mà lại trở nên xa xôi. Gần vì  tôi  sinh ra và lớn lên  ở thành phố cửa ngõ miền Tây. Nhưng lại xa xôi là bởi chưa một lần chạm mặt Tây Bắc,  vì nghĩ  muốn đến  lúc nào cũng được.  Lại thấy  mình  sao vô tâm  giống nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn “ Bến quê” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.  Trong cuộc đời , người ta  hay hướng đến  điều cao xa mà vô tình không biết đến những vẻ đẹp gần gũi ngay bên cạnh mình ?
      Nhưng mà ngẫm nghĩ chút thì hình như  mọi sự  diễn ra trong cuộc đời này đều do có duyên mà  ra. Phải chăng dịp này mới có duyên, khi  đoàn công tác của chúng tôi lên Tây Bắc,  chuẩn bị cho hoạt động báo chí kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ? Tôi đã vui mừng biết bao khi biết chuyến tham quan Điện Biên sẽ bắt đầu  từ di tích  Mường Phăng.  
   Buổi sáng Điện Biên hơi lành lạnh, giăng giăng làn sương mỏng tang xuyên qua ánh nắng ban mai  như chiếc khăn voan đủ làm cho thành phố nơi sơn cước  duyên dáng hơn,  điệu đà hơn như thiếu nữ đang  dậy thì.  Từ thành phố đi Mường Phăng,  nếu theo  đường bộ  thì  dài 38 km, còn đường chim bay chỉ 10 km thôi.  Đến chỗ  rẽ vào rừng thì  gặp chốt kiểm soát giao thông, xe nào qua đây cũng bị kiểm tra.  Đồng chí cảnh sát giao thông chuyển từ nét mặt nghiêm nghị sang nụ cười rạng rỡ khi  bạn viết  ở hội Văn nghệ  Điện Biên  nhanh nhẹn đến  nói nhỏ điều  gì đó. Thấy tôi  chăm chú nhìn,  anh đưa  tay lên  chào, tôi cũng đưa tay lên và  mỉm cười đáp lại. Tự nhiên có cảm giác thân thiện vô cùng, phải chăng mọi người cùng chung tình cảm yêu mến  với Mường Phăng,  là đại bản doanh nơi  Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, đã từng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nổi tiếng  tiếng toàn thế giới, và kết thúc sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam.   
     Mải miết dõi theo con đường mòn  len lỏi trong những cánh rừng còn nguyên những  gốc cổ thụ mà tôi không biết tên cây. Đường uốn vòng   luồn  qua một khu rừng đẹp tuyệt  làm cho cả đoàn ồ lên và ai đó  nói giọng tiếc rẻ, giá như được ở lại khu  rừng dẻ này để làm thơ, khiến tôi giật mình nhìn lên vòm lá kiếm tìm những chùm  hoa dẻ thanh mảnh thơm ngát, mà hồi đi học tôi thường ép vào quyển sách.
 Hình dung  Đại Tướng Võ Nguyên Giáp  từng đi bộ qua rừng  này, bộ quân phục bạc màu và  chân quấn xà cạp vội vã những bước gấp gáp, và Người  có kịp nhìn thấy rừng rất đẹp không? Nhớ  là  Đại Tướng từng nói  với các nhà báo nước ngoài : “suối lấp lánh ánh trăng,  núi đá  hiện lên dưới trăng như công trình điêu khắc… chúng tôi chiến đấu cho đất nước tôi tươi đẹp.” (Vài hồi ức về  Điện Biên) . Lại ước ao giá như có thể bay như cánh chim kia, để  có mặt ở Mường Phăng trước mọi người. Trở về Mường Phăng như hành trình về nguồn, tìm lại hình ảnh Đại Tướng anh hùng  trong  lòng dân tộc Việt Nam. Rừng quá đẹp mà không thể cất lời, dâng lên niềm rưng rưng và hình như cảm xúc rơi xuống bờ  mi. 
      Chiếc xe tran sít không còn mới hì hục luồn rừng, leo đèo  hơn một giờ, đã đưa chúng tôi tới Sở chi huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, nơi vốn là khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Bộ chỉ huy đã đóng ở đây 105 ngày ( từ  31 /  1 / 1954 đến 15 / 5 / 1954). Khu căn cứ được xây dựng dọc theo một con suối nhỏ chảy quanh dưới chân núi Pú Đồn, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90 km, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào lán trại thuận tiện, phù hợp tốc độ làm việc khẩn trương của bộ chỉ huy chiến dịch, vừa đảm bảo an toàn bí mật tuyệt đối.
     Nhà làm việc của các cơ quan trong sở chỉ huy là những lán nhỏ dấu mình dưới tán cây rừng rậm rạp xanh rì. Bên dưới nền lán là những căn hầm nhỏ, trên nắp lát những cây gỗ tròn đề phòng  đạn pháo và  bom. Trên đỉnh Pú Đồn là đài quan sát, nơi dành riêng cho chỉ huy quân ta quan sát mặt trận. Từ sau chiến thắng  Điện Biên Phủ 7/5/1954, nơi này đã trở thành cụm di tích lịch sử để các thế hệ mai sau có thể hình dung được cuộc sống, chiến đấu của ông cha trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Con đường  mòn  ngoằn ngoèo  xuyên  rừng, rẽ vào  những đường  hầm bí mật luồn dưới lòng đất, lách dưới những tầng rễ cây; rẽ vào  những ngôi nhà lá bé nhỏ nép  bên bờ suối, dưới tán rừng xanh rì rào,  mới hiểu thế nào là “ rừng che bộ đội, rừng vây quân thù  – thơ Tố  Hữu”.   Lại miên man nghĩ  chắc  rừng xanh vĩnh hằng  có bài ca  riêng của miền đại ngàn  lưu giữ không khí nóng bỏng khẩn trương và nỗi lo lắng như trái núi  đè nặng lên trái tim  vị  Đại Tướng vĩ đại cầm quân của cuộc chiến Điện Biên  năm xưa?
Con đường nhỏ xíu  luồn qua cánh rừng dẫn tôi đến trái tim của  Mường Phăng, đó là lán Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong hồi ức về  những ngày Điện Biên,  Đại Tướng kể:  “ đó là nơi  quen thuộc để tôi trở về sau mỗi lần đi chiến dịch,  giống hầu hết những ngôi nhà của các cơ quan ở Việt Bắc trong  kháng chiến. Chỉ khác là ở mặt trận thì được thu nhỏ tới mức tối thiểu, 18 m vuông. Đó  là một cái lán,  vật liệu là tre, nứa, lá gồi kiếm được tại chỗ. Giữa  nhà , một chiếc bàn đủ rộng để trải bản đồ, hai ghế dài ghép bằng những  đoạn vầu bổ đôi. Hai phía đầu nhà kê giường nứa ghép: một của tôi, một của đồng chí vệ sĩ. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra kiểu nhà này, nó đã ổn định đến mức không cần sự cải tiến nào” Ngôi  lán nhỏ  được phủ cỏ gianh để tránh gió lùa, và giấu bớt  ánh sáng từ ngọn đèn nhỏ xíu. Treo trên vách  là  bản đồ tình hình chiến trường Đông Dương thu- đông 1953-1954 và   bản đồ theo dõi vận chuyển hậu cần của ta. Trên chiếc bàn tre, tấm  bản đồ chiến sự giữa ta và địch ở Điện Biên luôn mở rộng, kề bên là máy  điện thoại quay tay. Từ lán Đại Tướng Võ Nguyên Giáp có đường hầm thông sang lán Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh.  Giữa hầm là phòng họp, đặt  máy thông tin liên lạc trực tiếp với các đại đoàn đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ.
     Trông bề ngoài,  lán của  Đại Tướng Võ Nguyên Giáp thật đơn sơ nhưng đó là nơi làm  việc của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.  Vì ngoài nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp còn có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động quân sự trên phạm vi toàn quốc, trên chiến  trường Đông Dương  cùng phối hợp với Điện Biên Phủ để dành chiến  thắng như nhiệm vụ do Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã giao.
    Đến Mường Phăng trong khoảng thời gian hạn hẹp, nhưng tôi đã  dành phần lớn khoảng  thời gian đã  có,  để  ở lại  lâu hơn  nơi căn lán đơn sơ tới mức không thể đơn sơ hơn. Nơi  đây, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từng đấu trí từng giây từng phút  với vị  Tướng sừng sỏ của  quân đội Pháp lúc bấy giờ là Na Va. Thời ấy,  vị  Tướng người Pháp  lừng danh ấy  lại càng thêm nổi tiếng  với lời tuyên bố kiêu ngạo đầy chủ quan  về trận Điên Biên: “ Tôi sẽ nắm quyền chủ động. Tôi sẽ giữ quyền chủ động. Chiến thắng! Phải kiên quyết chiến thắng. Nhưng chiến thắng là người  đẹp chỉ yêu anh khi anh biết chinh phục” ( trich thư gửi binh lính Pháp ở Điện Biên) . Lại nhớ đến lời nói khiêm nhường nhưng không hề kém về sự quyết tâm của  Đại Tướng Võ  Nguyên Giáp với các nhà báo nước ngoài rằng: “ đêm trăng đẹp như bức tranh, chúng tôi chiến đấu để cho khắp mọi miền của đất nước  tôi đều đẹp như đêm nay” ( Hồi ức Điện Biên) . Trận Điện Biên chiến thắng giòn giã và cả thế giới đã tôn vinh Đại Tướng Tống Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam Võ  Nguyên Giáp một cách xứng đáng.  Lại nghĩ những vị Tướng  thắng trận tất nhiên là nổi tiếng,  nhưng vị Tướng  bại trận cũng nổi tiếng theo cách riêng, và  sự nổi tiếng ấy là những mảng màu đối lập nhau như màu trắng và màu đen.  Chắc chắn danh tiếng  đã bị nhuốm   màu đen với những vị tướng thua trận như Na Va, tướng  bị bắt làm tù binh như Đờ Cát-xtri, sau trận Điện Biên ?
Chả phải ngẫu nhiên mà cụm từ “ Đại Tướng của lòng dân” đã trở thành danh từ riêng nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chỉ cần  bạn được nghe anh lái xe tắc xi ở  Điện Biên kể  làu làu  về “Tướng  Giáp”với chiến thuật “ rút lui để  đánh chậm,  chắc  chắn phải thắng”, bảo đảm sẽ hay hơn bất cứ một cuốn sách giáo khoa lịch sử nào. Tôi thấy dân Điện Biên thường gọi Người là “ Tướng Giáp” với đầy niềm tự hào. Phải  chăng đó là điều đã  làm nên sự vĩ đại khiến cho cả thế giới phải nghiêng mình trước Người?   
Chăm chú ngắm từng thanh nứa đập giập làm giường ngủ, làm bàn họp của Đại Tướng. Lùa  tay vào lớp cỏ gianh phủ ngoài, tưởng  như  hơi ấm  của 60 năm trước còn lưu  giữ  lại ? Bên  lán nhỏ  Mường Phăng, càng thấm thía sâu xa với   lều cỏ  đơn sơ , với những  giản dị và  khiêm nhường đến vô cùng  của Người.  Lều cỏ nơi đây  đã đánh thức trong tâm hồn   những  xúc động  tưởng chừng  như ngủ yên từ 30 năm về trước. Mường Phăng lặng lẽ  bình dị  khiên tôi  hiểu  thêm phần nào phong thái ung dung tự tại của Người,  mà tôi từng được diện kiến.
 Tôi muốn nhắc về  một kỷ niệm với  Đại Tướng  Võ Nguyên Giáp,  mà tôi không bao giờ quên. Tôi nghĩ, trong hàng triệu ngừời Việt Nam, thì tôi đã vô cùng may mắn, vì cách đây 30 năm đã được gặp Người.  Khi cả nước chuẩn bị cho đại lể 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì tôi lại  được đến thăm nơi Đại Tướng từng chiến đấu cùng với dân tộc làm  chiến công chấn động địa cầu. Phải chăng đều  do chữ “ duyên”?  Theo  quan niệm trong đạo Phật, thì vạn vật trên đời cứ tùy duyên mà sống, bởi cuộc sống là vô định tính, luôn luôn thay đổi, con người có thể thiết kế nhưng không thể sắp đặt được cuộc sống. Huống chi một người  bình thường như tôi làm sao có thể hình dung ra những tình huống ngẫu nhiên như có sự sắp đặt từ trước?
    Ngược về thời gian của  30 năm về  trước,  năm 1983 của thế kỷ 20, tôi vừa chớm tuổi 17, nhỏ xíu 36 kg,  chân ướt  chân ráo bước qua cổng trường đại học. Cả khóa  học có khoảng 80 người, vì  mới nhập học nên chưa quen nhau, phần nữa là học chính trị nên ghép lớp vì thế  tôi  lại càng không biết ai. Hôm đó là  thứ Hai, chúng tôi  đang đợi thầy giáo vào dạy tiết thứ nhất, thì  thầy giáo đến cùng  một nhóm khoảng bốn  người mặc quân phục sĩ quan, trong đó có một  bác đã  già  nhưng  nom rất  đẹp lão,  lại có một  người cầm máy chụp ảnh. Khi thầy giáo giới thiệu khách : “ Đại Tướng  Võ Nguyên Giáp đến thăm và dự giờ học của lớp ta”. Cả lớp ồ lên ngạc nhiên và háo hức. Phải nói thế, vì thế hệ chúng tôi chỉ nghe tên Bác Giáp chứ có được nhìn ảnh bao giờ đâu mà biết mặt? Sách giáo khoa cũng không in ảnh Bác Giáp, nhưng trong tâm hồn thế hệ chúng tôi thì Bác Hồ và Bác Giáp là một.
  Đại Tướng  tươi cười  bảo chúng tôi gọi là “ Bác Giáp nhé! ”  và bắt đầu nói.  Đại Tướng  không đứng trên bục giảng, mà đứng sát bàn đầu tiên, chỗ tôi ngồi. Tôi  không nhớ hết những điều  Đại Tướng  đã nói, hình như là về lịch sử dân tộc, và  dặn dò các cháu là sinh viên, còn trẻ, có  nhiều cơ hội  phụng sự đất nước, nên hãy học tập  chăm chỉ. Thực ra, tôi chỉ chăm chú nhìn Đại Tướng  để nhớ, bởi nghĩ đây là cơ hội chỉ có một lần. Tôi ngắm bàn tay Bác nhịp nhịp theo câu nói, bàn tay  nom mềm mại, trắng hồng, có điểm nốt tàn nhang lấm tấm, nhưng vẫn rất đẹp, tôi thầm nghĩ tay Bác  không bị nhăn nheo như  tay bà nội ở nhà. Tôi ngắm bộ quần áo sĩ quan bộ đội mà  Bác mặc, không mới lắm, nhưng không bị cũ, và  rất vừa vặn vào khổ người hơi đẫy của Bác, nom rất đẹp.
       Tôi phải hơi ngửa cổ lên mới ngắm được khuôn mặt Bác.  Mái tóc bạc cắt cao và  gọn, nom hiền từ như ông tiên, nhưng lại nom khỏe mạnh nhanh nhẹn như thanh niên. Khuôn  mặt trắng hồng và cũng lấm tấm tàn nhang, mà  người lớn hay  gọi vệt đồi mồi.  Nom Bác toát lên một vẻ anh minh và hiền hậu, bởi phong cách nói chuyện thân thiện vô cùng.  Ảnh mắt của Bác toát lên sự tinh anh  và cương nghị, lại thoáng  nét hóm hỉnh và vui vẻ . Làm cho lũ  sinh viên xa nhà  đều  thấy vô cùng ấm áp, riêng tôi có cảm giác Bác như ông nội trong nhà.  Bác nói giọng  miền Trung trầm và ấm, rất dễ nghe, rất cuôn hút thể hiện  một phong cách rất sư phạm. Nhớ lại phút giây  ấy,  tôi liên tưởng  đến câu nói của Đại Tướng với một nhà báo Pháp “ nếu không có chiến tranh, tôi sẽ làm thầy giáo dậy lịch sử”, thấy sự bình dị và vĩ đại cùng hòa hợp tự nhiên trong một con người. Phải chăng Người  thu phục được lòng dân đất Việt cũng chính từ điều ấy ?
Sau cuộc nói chuyện hơn một giờ đồng hồ, Bác vui vẻ mời mọi người cùng lên chụp ảnh. Bác hỏi, lớp mình có ai là bộ đội về đi học, thì lên đây cho Bác chụp cùng đồng đội. Bác đưa ánh  mắt hiền từ nhìn khắp cả lớp một lượt, sau đó dừng lại ở chỗ tôi, Bác hỏi:  sao sinh viên mà bé xíu thế này? quê cháu ở đâu? thế cháu  có phải là người dân tộc không? Tôi ngượng ngùng cúi mặt lễ phép trả lời Bác. Bác cười niềm nở và vui vẻ kéo tay tôi,  ồ cháu là người dân tộc cơ à? cháu  học giỏi vào nhé, lên đây chụp ảnh với Bác. Thế là trong bức ảnh ấy tôi được đứng sát bên Người,  chắc là vì bé nhất. Bức ảnh duy nhất ấy có khoảng 7 hay 8 người gì đó,  gồm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và hai người đi cùng, có thầy giáo của tôi, có anh bộ đội phục viên học cùng lớp, có thêm một vài người lớn tuổi.  Chụp ảnh xong, Bác Giáp cười hiền từ và   nhẹ nhàng đưa tay lên vẫy chào từ biệt cả lớp và  nhanh nhẹn bước ra cửa.  
      Nhớ lại mới thấy tiếc vô cùng vì tôi không xin được  một bức ảnh. Nhưng quả thực  không biết xin ai ?  cũng đã cố ý tìm xem ảnh ấy có được in báo Nhân Dân hay Quân Đội không?  Chỉ  có một lần,  tôi  lên phòng truyền thống của trường  tìm  ngắm lại khoảnh khắc tôi được đứng bên Đại Tướng.  Năm ấy, Đại Tướng tròn 72 tuổi. Sau này nhớ lại mới  thấy sao Đại Tướng giản dị thế không biết? Đến thăm một trường Đại học mà không hề  có trống rong cờ mở, không có nhiệt liệt chúc mừng, không có biểu ngữ chăng ra đỏ rực như  hầu hết các nhà chính khách hiện nay ?
       Sau này,  biết đó là thời điểm Đại Tướng nhận thêm công tác Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình,  thì  tôi thực sự cảm phục và kính yêu Đại Tướng, một người  đã không câu nệ và không chấp trước bất cứ một việc gì, cho dù đó là việc nghịch hay thuận. Tại thời điêm ấy,  phong thái  ung dung tự tại của Người đã làm rung động tâm hồn trong trẻo của cô sinh viên 17 tuổi là tôi. Nhưng phải đợi đến  30 năm sau tôi mới đủ tri thức  để  hiểu tư thế  ung dung đứng trên mọi sự của Người.  Phải chăng những việc đã và  đang diễn ra trong cuộc sống  đều là những bài học làm tăng thêm vốn kinh nghiệm cho bản thân, cho  dù đó là những việc tốt hay xấu ?  đem đến thành công hay thất bại ? 
     Tôi đã  thảng thốt khi đọc  tin Đại Tướng vĩnh viễn đi xa. Chồng tôi ngậm ngùi  nói hồi  học năm thứ nhất Cụ đến thăm lớp mình, được chụp ảnh chung, được bắt tay Cụ, và bàn  tay ấm lắm nhé. Còn   được  Cụ gọi là “ đồng đội” và ôm vai, nom Cụ rất khỏe và đẹp lão,  thế vợ có nhớ không? Nghe chồng nhắc con trai, mai xuống Hà Nội thì thay mặt  bố mẹ đên  dâng hương cho Đại Tướng  Võ Nguyên Giáp ở số nhà 30 Hoàng Diệu.
Tôi còn  bị bất ngờ vì sau  ba mươi  năm,  tôi mới biết  chồng mình  có mặt trong bức ảnh chụp chung với Đại Tướng. Nhưng chồng tôi  thì  vẫn chưa biết là cũng có tôi trong bức ảnh. Phải chăng đấy  là cái duyên của gia đình tôi với Đại Tướng kính yêu?
        Những ngày đầu tháng Mười của năm 2013. Cuối  mùa hè  mà nắng nóng  gay gắt,  oi ả.  Nhưng  nước mắt nhân dân  đổ xuống  để tưởng nhớ  Đại Tướng Võ Nguyên Giáp  còn nóng bỏng  hơn. Cầm  bó hồng vàng mà ai cũng hỏi thăm hoa mua  đâu vừa đẹp vừa thơm ? Sáng sớm, ghé chợ hoa, cô bán hàng thấy tôi tự tay bó hoa, liền hỏi: chị mua hoa đến đấy  phải không? Cô bé đang cùng chọn mua  hoa nói, hôm qua em cũng mang hoa này  đến đấy, hôm nay mua về cắm ban thờ, hồng này có màu vàng thắm mà thơm.  Nỗi nghẹn ngào dâng lên, phải  cúi xuống và chớp mắt liên tục để cố  ngăn giọt nước  mắt rơi. Mới biết  chung   nỗi đau tiếc thương khiến cho những người xa lạ cũng trở nên hiểu nhau mà không cần phải  nói thành lời. Mọi người  đều hiểu “ đến đấy” có nghĩa là đến số nhà 30 Hoàng Diệu.
    Tôi xếp hàng từ Lăng Bác , hàng người di chuyển chầm chậm,  từng bước hướng  đến ngôi biệt thự xây kiểu kiến trúc Pháp,  nhưng từ hàng tuần lễ nay ngập đầy màu vàng thắm của  hoa mà hàng vạn người dân mang đến   đưa tiễn người Anh Hùng của dân tộc về nơi vĩnh hằng. Xếp hàng cùng là  mấy  nhà báo lủng lẳng máy ảnh trước ngực; mấy cụ ông gần tuổi  80; một cụ bà tuổi 85 khiền cho tôi cứ sợ cụ bị ngất; hai  mẹ con từ Thanh Hóa ra gửi tôi trông hộ  chỗ để tranh thủ đưa con gái thăm Lăng Bác; các  cháu học sinh trường  trung học phổ thông Lê Quý Đôn nói hôm nay cô giáo cho nghỉ học đi viếng Bác Giáp; hai anh bộ đội  thời chống Mỹ, nay làm việc ở một  trường quân sự; một anh khác  làm việc ở Lăng Bác Hồ; mấy chị công nhân nhà máy dệt; vài chị làm nghề quét rác; nhóm  cô cậu sinh viên năm 3, trong đó có một em từng  học trò cũ của tôi. Xếp hàng sát  bên tôi là một cô tiếp viên của hãng Hàng không Vietnam Airlines, cô ấy nói làm việc ở bộ phận điều phối - cô ấy đi một mình. Cô ấy bị ngất giữa lúc nắng nóng nhất, một thanh niên khỏe mạnh đang xếp cùng hàng liền đưa cô ấy ra ngoài và  được bộ phận cấp cứu đưa ngay vào bệnh viện. Nhưng khi khỏe lại cô ấy lại ra xếp hàng để vào viếng Người. Hơn  sáu tiếng đồng hồ xếp hàng trật tự bên nhau, đủ để làm cho mọi  người bỗng trở nên thân thiết lạ kì.
    Chúng tôi cùng chuyện trò về  lí do có mặt ở đây, mọi  người đều kể   đã từng được  gặp khi  Đại Tướng khi đến thăm cơ quan, hay đến một  vùng quê.  Mấy cô cậu sinh viên thì nói chúng cháu  chưa được gặp Bác Giáp như các cô chú, nhưng chúng cháu biết Bác Giáp cũng là  vĩ nhân như Bác Hồ,  một anh hùng của dân tộc, một con người vĩ đại mà thế hệ  chúng cháu kính trọng. Anh bộ đội nói bằng giọng đầy ghen tị với tôi:   “Nhưng không ai có kỷ niệm đáng quý như cô giáo này, cô giáo có mặt ở đây là xứng đáng”. Anh nói đã  được chứng kiến  cuộc gặp vĩ đại lần  thứ nhất  của dân tộc vào năm 1969 khi Bác Hồ mất, thì đây là cuộc gặp vĩ đại lần thứ  thứ hai, và không biết  đến bao giờ lại  có cuộc gặp lần  thứ ba, vĩ đại  như thế này ?
     Có những sự kiện không cần  thêm  lời bình nào bởi bản thân sự kiện đã quá  đầy đủ ý nghĩa, và nhất là  khi một người lính đi qua cuộc chiến tranh đã nói ra những điều quá thấu đáo như thế. Rồi lại thấy mình may mắn khi được là nhân chứng cho sự kiện thứ hai,  mà tin chắc là  hàng trăm năm sau không lặp lại, một sự kiện sẽ đi vào đời sống lịch sử văn hóa  của dân tộc Việt Nam. Phải  có mất mát, phải  đớn đau giống như sự sinh nở  để bắt đầu lại một hành trình làm NGƯỜI. Nhờ có tình cảm kính yêu đối với  Đại Tướng mà mọi người  cùng xích lại gần nhau, có tít bài báo  đã nói là " cả dân tộc nắm tay nhau", một  cách nói hình tượng rất đẹp.
      Khi  vào  cổng nhà  30 Hoàng Diệu,  đi  trên con đường vàng thắm  hoa cúc hoa hồng,  tôi đã  mặc kệ  để  nước mắt tuôn rơi. Bước vào gian phòng vô cùng giản dị của Đại Tướng,  lại  nghĩ như  30 năm về trước, đi thật chậm, nhìn thật lâu, vì đây là cơ hội cuối cùng được ngắm Người.  Vẫn  nụ cười tươi vui, hiền hậu  như năm  xưa, nhưng bây giờ chỉ  được nhìn  qua bức  ảnh chân dung Đại Tướng trên ban thờ.  Nước mắt nhạt nhòa khi nghe  chú cảnh vệ nhắc: chị ơi, đi nhanh, cho người sau. Tôi đã được  thấy  ban thờ của Đại Tướng cũng giản dị như ban thờ  Bác Hồ ở Đá Chông, hay  trên đỉnh Tản Viên Sơn.
   Chợt nhận ra có những điều  giản dị để làm nên sự vĩ đại, và  hiểu  hơn  vì sao Đại Tướng  được coi là học trò xuất sắc của Bác Hồ. Phải chăng  đó  chính là sự ung dung tự tại chấp nhận những sự đổi thay và vận động? Con người không thể sắp đặt được cuộc sống, nhưng  cũng không thể trốn tránh cuộc sống. Tôi nhận ra  bản lĩnh ở Người là sống với chính con người mình,  và thực thi lý tưởng của  dân tộc mình.
      Tôi đã được thấy cái cách mà  Đại Tướng  đã tiếp nhận và  ứng đối với những gì đang và sẽ  diễn ra. Sau khi trở về từ 30 Hoàng Diệu, thật lòng  là  tôi  rất muốn viết cái gì đó để bày tỏ cảm xúc, nhưng thấy suy nghĩ của  mình thật nhỏ  nhoi,  sẽ không nói lên  được những điều  lớn lao từ  Đại Tướng, con người  vĩ đại đã đi qua và trùm bóng lên thế kỷ Hai Mươi. Chỉ  khi được đặt  chân đến Mường Phăng , tôi mới vỡ ra vài điều,  ngẫm ra  sự kỳ diệu của  chữ DUYÊN trong cuộc đời,  với những điều cứ tưởng như vô tình trong quá khứ, những khoảnh khắc  ngẫu nhiên tưởng như  lặng lẽ trôi qua, thế  rồi lại vô tình  tái hiện ở đoạn nào đó trong cuộc đời con người.  Để cảm nhận  thấm thía điều này, tôi đã phải  trải thời gian 30 năm.
       Khi ở Mường Phăng,  tự trách mình  ẩu đoảng  vì  không có một bó hoa đặt lên chiếc bàn nứa  đơn sơ . Lại nhớ đến bó hoa rừng đỏ thắm ấm áp tình cảm  mà nhân dân Mường Phăng đặt trên chiếc  bàn này vào cái  ngày Đại Tướng  đi xa. Rồi  thấy được an ủi phần nào vì  kịp có một  bó hoa hồng  vàng đặt ở số nhà 30 Hoàng Diệu vào hôm Đại Tướng chuẩn bị về quê  Quảng Bình.
     Tôi đã vui lắm khi  mang về từ Mường Phăng một  cụm phong lan rừng, và  cô bé bán hàng cũng  không biết  hoa màu gì. Nhưng  đúng vào  ngày hôm nay, khi tôi đang viết những dòng này, thì cụm lan rừng Mường Phăng đã hé nở bông đầu tiên màu vàng thắm, làm cho tôi nghĩ đến con đường hoa cúc vàng ở số nhà 30 Hoàng Diệu,  ở Vũng Chùa. Càng  cảm nhận rõ hơn  sự kì diệu của  chữ DUYÊN, mới hay  con người  hay  vạn vật  đều phải có cơ duyên mới gặp được nhau. Lại càng đau đáu một ước mong có dịp nào đó sẽ  được đặt một bó hoa cúc  vàng óng , được  đón ánh nắng vàng lung linh từ phía đảo Yến khi  hé rạng ánh bình minh đầu tiên. Lại nghĩ  sẽ  trở lại trường đại học, tìm và chụp lại bức ảnh năm  xưa.

 Mường Phăng 22 / 2/ 2014 -  Hòa Bình 10/3/2014

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

ĐỂ HIỂU RÕ HƠN VỀ MỘT LUẬN VĂN ĐANG BỊ ĐÁNH GIÁ LẠI

http://vanviet.info/phe-binh-gioi-thieu/luan-van-nha-thuyen-ai-moi-khong-can-khoa-hoc/

Luận văn Nhã Thuyên: Ai mới không cần khoa học?

Khoảng cách dòng+-ACỡ chữ+-In bài viết này
Nguyễn Hiếu Quân thực hiện
Luận văn Thạc sĩ “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan (dưới đây gọi tắt theo tên phổ biến hơn là Luận văn Nhã Thuyên –LVNT) đã bị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP HN) thẩm định lại và sau đó ra quyết định số 667/QĐ-ĐH SP HN không công nhận Luận văn này. Chúng tôi đã từng có cuộc phỏng vấn một số người trực tiếp hướng dẫn và chấm LVNT, qua đó cho thấy LVNT có đủ chất lượng khoa học và xứng đáng nhận học vị Thạc sĩ Ngữ văn. Đồng thời, các ý kiến cũng cho thấy lối làm việc không sáng tỏ, thiếu đối thoại của Hội đồng chấm lại LVNT do Trường ĐHSP HN lập ra ngày 5/3/2014[1]. Việc hủy kết quả LVNT, rõ ràng, gây nên bức xúc, phẫn nộ không chỉ đối với tác giả luận văn, những người trong Hội đồng chấm LVNT, mà còn đối với nhiều trí thức, nhà nghiên cứu trong cộng đồng đại học[2]. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ lụy từ LVNT có thể còn đặc biệt nghiêm trọng hơn những gì chúng ta thấy qua những tường thuật của báo chí, tin tức cộng đồng mạng, mà trước nhất là lối làm việc không cần khoa học, thiếu tôn trọng mục đích khoa học chắc chắc sẽ trở thành “chuyện thường ngày”. Để làm rõ hơn về điều này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn hai người trong Hội đồng chấm LVNT đồng thời chứng kiến các hệ lụy từ LVNT: PGS, NGND Nguyễn Văn Long, TS Nguyễn Phượng (đều là cán bộ giảng dạy tại khoa Ngữ văn – ĐHSP HN) Chúng tôi trân trọng coi đây là sự lên tiếng có trách nhiệm, thấu đáo của hai ông trước những tình huống bất thường vốn chẳng còn xa lạ trong đời sống hiện nay.
……………………..
Tính đến ngày 21/4/2014, sau hơn một tháng trường ĐHSP HN ra Quyết định hủy kết quả LVNT, tước bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên):
 108 cá nhân vốn là những nhà nghiên cứu, nhà giáo uy tín ở trong nước kí tên vào Bản Phản đối và Yêu cầu gửi Hiệu trưởng trường ĐHSP HN về việc đơn vị này đã ra những Quyết định phi pháp và phi lí liên quan đến LVNT.
 40 nhà nghiên cứu, nhà giáo đã/đang công tác ở nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới kí tên vào thư ngỏ gửi trường ĐHSP HN, Bộ GD – ĐT Việt Nam về sự vi phạm tự do học thuật trong vụ thu hồi bằng Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan.
 4 giáo sư người Việt ở nước ngoài (Ngô Bảo Châu, Hồ Tú Bảo, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần) gửi thư cho Hiệu trưởng ĐHSP HN, phản đối việc trừng phạt Đỗ Thị Thoan và PGS TS Nguyễn Thị Bình.
chưa có sự bạch hóa bản “kết luận và đề nghị” của Hội đồng chấm lại LVNT – cơ sở đề trường ĐHSP HN ra quyết định hủy kết quả LVNT, tước bằng Thạc sĩ của tác giả luận văn.
chưa có sự đối thoại khoa học trực tiếp giữa hai Hội đồng chấm và thẩm định LVNT như một thông lệ khoa học.
chưa có sự trả lời chính thức của ông Hiệu trưởng ĐHSP HN về kiến nghị yêu cầu đối thoại, được giải trình của các thành viên trong Hội đồng chấm LVNT.
 toàn văn bản nhận xét của PGS TS Phan Trọng Thưởng (thành viên Hội đồng thẩm định LVNT) được đăng trên website của Hội Nhà văn Việt Nam: http://vanvn.net/news/14/4614-PGS TS-phan-trong-thuong–de-hieu-ro-hon-thuc-chat-cua-mot-luan-van.html”
……………………………
Nguyễn Hiếu Quân (NHQ): Trước tiên, xin cảm ơn PGS Nguyễn Văn Long vì đã nhận lời phỏng vấn. Tôi biết ông vừa qua đợt ốm, hiện sức khỏe chưa hồi phục. Nhưng trước diễn biến, hệ lụy từ LNVT, hẳn ông muốn công khai quan điểm của mình? Nên xin hỏi ngay rằng, ông đánh giá thế nào về Quyết định hủy kết quả LVNT của trường ĐHSP HN?
unnamed
PGS Nguyễn Văn Long
PGS Nguyễn Văn Long: Tôi thấy đây là một quyết định quá vội vàng. Không chỉ Quyết định hủy LVNT là vội vàng, mà Quyết định cho PGS TS Nguyễn Thị Bình nghỉ hưu bởi lí do không thuyết phục cũng rất vội vàng và phải nói là nhẫn tâm. Thật sự tôi thấy rất khó hiểu điều gì đã dẫn tới các quyết định đó. Bởi vì trong khi sự phân định về LVNT chưa thuyết phục, đặc biệt chưa có những trao đổi khoa học giữa Hội đồng chấm và Hội đồng thẩm định thì nhà trường lại vội vàng ra những Quyết định thiếu căn cứ. Còn nếu cho rằng sự việc LNVT gây thiệt hại cho uy tín nhà trường, thì cũng phải nói rõ nó ở mức độ nào?. Ông Hiệu trưởng phải giải thích rõ để các đương sự và dư luận thấy hợp lí chứ. Bản thân PGS TS Nguyễn Thị Bình là người có chuyên môn tốt, có nhiều đóng góp cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của khoa và trong công tác quản lý bộ môn. Giả thiết rằng PGS TS Nguyễn Thị Bình có sai sót trong LNVT thì phải cân nhắc kĩ lưỡng, thấu lí đạt tình những đóng góp của cô Bình trong suốt mấy chục năm công tác ở trường ĐHSP Hà Nội. Đằng này chưa đủ cơ sở để khẳng định cô Bình sai, bất chấp thực tế khoa và bộ môn đang rất cần những người có chuyên môn vững để tiếp tục công tác, nhà trường vẫn ra quyết định cho cô Bình về hưu. Tôi thấy sự việc này còn có những ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của trường ĐHSP HN. Có nhiều sinh viên cũ của trường đã bày tỏ với tôi nỗi buồn và sự tổn thương đến tình cảm, niềm tin của họ với trường ĐHSP HN.
NHQ: Là người đã có kinh nghiệm nhiều năm và đã hướng dẫn rất nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh và ủng hộ tinh thần mạnh dạn tìm tòi khoa học ở họ, thì ông có thấy những hệ lụy LVNT liệu có trở thành cảm giác lo âu, bất an ở những người nghiên cứu trẻ, những học viên cao học và nghiên cứu sinh không, thưa ông?
PGS Nguyễn Văn Long: Quả là những hệ lụy LVNT đang và sẽ gây ra những nỗi hoang mang đối với những người nghiên cứu trẻ. Họ đã có một “ví dụ tày đình” để rút kinh nghiệm cho việc lựa chọn đề tài, việc viết lách, mà nhìn chung là họ sẽ chọn giải pháp rút vào những khu vực càng an toàn, càng yên ổn càng tốt. Các cá tính khoa học khó có điều kiện đựơc bộc lộ trước những đề tài mới, phức tập và khó. Mà lâu nay đề tài nghiên cứu của học viên cao học, nghiên cứu sinh thì đang dần cạn kiệt, nếu không khuyến khích họ mạnh dạn đi vào những cái mới, dám thử sức và cả phiêu lưu trong khoa học. Tình hình đó các nhà quản lý cần quan tâm để ủng hộ những tìm tòi mạnh dạn, nhất là trong lớp trẻ.
NHQ: Thưa PGS Nguyễn Văn Long, phần lớn các bài phê phán LVNT đều cho rằng, bản thân đối tượng nghiên cứu (nhóm Mở Miệng) là không đáng nghiên cứu. Và nếu chọn nghiên cứu Mở Miệng thì lẽ ra phải phê phán, phải thấy thơ Mở Miệng là phản văn hóa, chứ không thể “ca ngợi” như LVNT đã làm. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
PGS Nguyễn Văn Long: Một hiện tượng văn chương nào cũng có bối cảnh và lí do tồn tại của nó. Nếu mặc định Mở Miệng là tục, là phản văn hóa thì cũng phải thấy rằng, cái tục cũng đã có mặt từ lâu trong văn học Việt Nam. Hiện tượng thơ Mở Miệng ngay từ khi xuất hiện đã gây chú ý của dư luận, đã cho thấy một sự khác biệt trong tinh thần sáng tác và quan niệm thơ của họ. Chọn Mở Miệng làm đối tượng nghiên cứu vì nó có tính vấn đề ở chỗ đó. Tác giả luận văn đã cố gắng đưa ra sự lý giải về hiện tượng thơ Mở miệng trên bối cảnh địa văn hoá ở thành phố Hồ Chí Minh và trong ngữ cảnh khủng hoảng của thơ trẻ Sài Gòn, đồng thời thử vận dụng những lý thuyết mới như của J. Derrida, chủ nghĩa hậu hiện đại vào việc luận giải hiện tượng Mở Miệng. Cố nhiên, việc vận dụng các lý thuyết cũng như sự luận giải của luận văn còn có những chỗ khiên cưỡng, có chỗ cực đoan, như các nhận xét của các thành viên trong hội đồng chấm luận văn đã chỉ ra nhưng kết quả nghiên cứu của luận văn là cần ghi nhận và đáng khích lệ. Chúng tôi đọc LVNT từ các luận điểm khoa học mà nó có, chứ không đọc nó từ mặc định rằng Mở Miệng là tục tĩu, phản văn hóa. Mà phải nói thêm, chính Mở Miệng tự gọi họ là “thơ rác, thơ dơ”, nghĩa là họ tự thấy mình không cần được ca ngợi, không có nhu cầu đứng chung với các khuynh hướng thơ đã, đang có. Nhưng người nghiên cứu buộc phải xem xét xem quan niệm đó có khác gì với truyền thống, có cung cấp một nghĩa lí về thẩm mĩ, về phương thức sáng tạo không. Đấy là những thao tác quan trọng nếu tìm hiểu về một hiện tượng thơ nào từng có trong lịch sử thơ ca nói chung, còn với Mở Miệng là trong thơ đương đại. Có một thao tác lâu nay mỗi khi chúng ta xem xét văn hóa, xem xét các hiện tượng văn chương là thường chỉ từ và thông qua đánh giá những “cái hữu dụng”, những cái có nghĩa. Trường hợp Mở Miệng với lối thực hành thơ theo kiểu trò chơi, tạo nên những câu thơ không rõ nghĩa, những câu thơ nói ngược, bông đùa, giễu nhại… và với quan niệm “thơ rác thơ dơ”, thì họ còn cho thấy sự tồn tại của “cái vô dụng”. Nên chỉ ra sự tồn tại của “cái vô dụng” cũng là việc làm của nghiên cứu.
NHQ: Thưa ông, từng là chủ tịch Hội đồng chấm LVNT, nhưng đến giờ ông vẫn chưa có cơ hội để bảo vệ quan điểm của mình trước “kết luận và đề nghị” của Hội đồng thẩm định lại luận văn này. Ông thấy phải nói rõ chuyện này thế nào?
…………………………..
- “không chỉ Quyết định hủy LVNT là vội vàng mà Quyết định cho PGS.TS Nguyễn Thị Bình nghỉ hưu bởi lí do không thuyết phục cũng rất vội vàng và phải nói là nhẫn tâm”
- “Điều đáng tiếc nữa là các kết luận của Hội đồng khoa học khoa và Hội đồng khoa học trường đã không được lấy làm căn cứ chính để nhà trường xử lý với luận văn, mà chỉ dựa vào những phán xét của Hội đồng thẩm định được lập ra sau đó”
- không thể qui hẹp samizdat vào thời kì chiến tranh lạnh và tồn tại chỉ bởi những người “chống đối chế độ” [...] Các hình thức tự xuất bản này đã tạo ra một không gian mới rộng rãi và linh hoạt nhanh nhạy hơn cho các sản phẩm văn hoá, trong đó có văn chương. Đó là điều hợp quy luật phát triển của thời đại ngày nay, không thể bỏ qua…”
PGS Nguyễn Văn Long đưa ra một số nhận định liên quan đến LVNT
…………………………………….
PGS Nguyễn Văn Long: Trước hết tôi phải nói rõ vài điều mà bản thân tôi và các thành viên trong Hội đồng chấm LVNT đã làm để chứng tỏ chúng tôi thực sự muốn đối thoại khoa học cẩn trọng, trách nhiệm. Nhiều người cứ nói tại sao chúng tôi không lên tiếng. Nhưng thực tế, cái gọi là trao đổi, tranh luận ở thời gian qua đã tập trung vào chuyên môn đâu, đã theo đúng thông lệ khoa học đâu. Khi LVNT bị báo chí phê phán, theo yêu cầu của truờng, Hội đồng chấm luận văn đã gửi đến nhà trường một bản giải trình vắn tắt về việc chấm và đánh giá luận văn. Cũng theo yêu cầu của trường, Khoa Ngữ văn đã có cuộc họp của Hội đồng khoa học khoa mở rộng nhưng các thành viên Hội đồng chấm luận văn cũng không được mời dự để trình bày ý kiến, quan điểm của mình, ngoại trừ giáo viên hướng dẫn là PGS TS Nguyễn Thị Bình (lúc này cô Bình là tổ trưởng bộ môn nên là thành viên của Hội đồng khoa học). Theo tôi được biết, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về LVNT trong cuộc họp này, nhưng trong kết luận của Hội đồng khoa học khoa mở rộng vẫn khẳng định rằng đề tài của luận văn là có thể nghiên cứu. Sau đó Hội đồng khoa học của trường, một tập hợp các nhà chuyên môn nhiều lĩnh vực, thẩm quyền cao hơn Hội đồng khoa học của khoa, cũng có những kết luận không trái với kết luận của Hội đồng khoa học khoa Ngữ văn. Chỉ đến lúc ấy, mới xuất hiện Hội đồng chấm lại LVNT. Nhưng điều đáng nói là, ở cả ba cuộc họp Hội đồng nói trên, đại diện của Hội đồng chấm luận văn đều không được mời tham dự và do đó, không có cơ hội nào để trình bày ý kiến, chứ chưa nói đến đối thoại. Điều đáng tiếc nữa là các kết luận của Hội đồng khoa học khoa và Hội đồng khoa học trường đã không được lấy làm căn cứ chính để nhà trường xử lý với luận văn, mà chỉ dựa vào những phán xét của Hội đồng thẩm định được lập ra sau đó.
NHQ: Trong kinh nghiệm đối thoại khoa học mà ông có được, ông có nhận ra sự lép vế của những nhà khoa học thuần túy trước các “quan chức quản lí” không? Trong trường hợp đó, đâu là cách thức hợp tác mà ông cho là đúng đắn, hợp lí?
PGS Nguyễn Văn Long: Theo quan sát của tôi thì mối quan hệ giữa nhà khoa học và nhà quản lí là khá phức tạp và không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhưng tôi nghĩ một nhà chính trị, một nhà quản lí khôn ngoan thì phải để nhà khoa học làm việc, làm hết ý đồ và năng lực khoa học của họ. Nhà quản lí nên lắng nghe nhà khoa học, kể cả những điều phản biện, phản đối. Vì như thế chỉ có lợi cho nhà chính trị, nhà quản lí, ít ra giúp họ nhìn rộng, nhìn sâu nhiều vấn đề hơn, từ đó có thể đưa ra những chủ trương, quyết định hợp lý và sáng suốt hơn.
NHQ: Thưa TS Nguyễn Phượng, là người nắm rõ các nhận xét LVNT của thành viên Hội đồng chấm, xin ông nói cho biết họ đã đọc luận văn này ra sao, ông có suy nghĩ gì khi nhiều người vin vào đó để chê bai Hội đồng này là không thực sự biết vấn đề của luận văn, đã chỉ ra nhược điểm của luận văn nhưng vẫn cho điểm 10, là thông qua luận văn để ca ngợi thứ “thơ rác rưởi” của nhóm Mở Miệng,…?
unnamed
Ts Nguyễn Phượng
TS Nguyễn PhượngTôi thấy những người đưa ra nhận xét nói trên có thể ít tìm hiểu kĩ công việc hướng dẫn và chấm luận văn, luận án ở trường đại học. Do đó, xin phép cho tôi được dài dòng một chút.
Nhiều năm giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh làm khóa luận, luận văn, luận án… tôi để ý thấy có ba loại người đi học và làm luận văn, luận án tốt nghiệp:
Loại người học thứ nhất, số lượng không nhiều, là loại chỉ cần một tấm bằng để hợp lí hóa khi đi liên hệ việc làm hoặc để thêm chút “điều kiện đủ” cho việc thăng tiến trong nghề nghiệp. Do đó, loại người đi học này thường chọn những đề tài an toàn, vô thưởng vô phạt, thậm chí có người còn cả gan chọn những đề tài mà nếu cần phải nói thực, không nể nang thì là vớ vẩn, vô nghĩa. Đương nhiên, họ sẽ tìm đến những người hướng dẫn sẵn lòng chia sẻ với họ nguyện vọng đó. Kết quả là công trình của họ cũng được thông qua, thậm chí có người còn được điểm khá cao và nhận được những lời khen hào phóng thậm chí ồn ào của hội đồng chấm.
Loại người học thứ hai, số lượng khá đông, là loại cũng cần một tấm bằng nhưng phải là bằng thật, do học thật nên họ sẽ chọn những đề tài gọi là có chút ít ý nghĩa khoa học nhưng không quá khó, ít gây tranh cãi và thường dễ được hội đồng chấm thông qua nhanh chóng.
Loại người học thứ ba, là loại ít và hiếm, thường là chỉ đếm chưa đầy năm ngón trên một bàn tay ở mỗi khóa học. Trong loại này lại có những cá nhân đặc biệt xuất sắc, có khi chín mười khóa học mới xuất hiện một lần. Loại người học này chính là những người có quá trình học vấn luôn luôn xuất sắc ở mọi cấp học. Học và trở thành một người có chuyên môn tốt luôn luôn là mục tiêu thường trực trong ý nghĩ và lương tâm họ. Loại người học này thường rất tự trọng, có tư duy độc lập và tinh thần tự học rất cao. Lên đến bậc học thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ thì trong loại người đi học này hình thành cho mình một quan niệm về đạo đức khoa học. Đó là họ không cho phép họ chọn những loại đề tài vô thưởng, vô phạt để nghiên cứu. Các đề tài dễ thực hiện, dễ được hội đồng chấm đồng thuận cũng không phải là lựa chọn của họ. Mục tiêu của họ là những vấn đề mới và khó, thậm chí phức tạp, còn gây tranh cãi hoặc có trường hợp nhiều năm giới khoa học tranh luận chưa ngã ngũ. Họ có biết họ sẽ húc đầu vào đá không? Có chứ! Nhưng một người có đạo đức khoa học là một người biết tự nhận trách nhiệm đi tìm câu trả lời cho những vấn đề hóc búa. Một người có đạo đức khoa học đôi khi còn phải hy sinh bản thân mình vì những thách thức và rủi ro trong nghiên cứu. Được hướng dẫn những học viên loại này thật là một hạnh phúc không chỉ vì luôn luôn có nhiều cơ hội để thầy trò cùng được học hỏi lẫn nhau mà còn vì người hướng dẫn đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bồi đắp đạo đức và nhân cách khoa học cho những người xuất sắc của thế hệ sau. Tôi cho rằng, chị Đỗ Thị Thoan thuộc loại người đi học thứ ba này.
Là thư kí hội đồng chấm, chính tôi được nghe các chuyên gia văn học đương đại mở đầu bản phản biện của mình bằng mấy lời phi lộ, rằng: “Đây là một đề tài thực sự mới, khó, phức tạp không dễ giải quyết thấu đáo một lần là xong, không chỉ đối với học viên mà cả với chúng tôi, những người có nhiều năm quan sát biến động của văn chương đương đại…”. Tuy nhiên: “Đối với một hiện tượng văn chương nghệ thuật mới mẻ, phức tạp có nhiều ý kiến không thuận chiều, thậm chí bị tẩy chay, nguyền rủa nhưng lại được một học viên nổi tiếng từ nhiều năm trong giới học đường về sự hiếu học, sắc sảo, thông minh lại đang là một cây bút trẻ có tên tuổi trong đời sống văn chương đương đại thực hiện, nên chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian để đọc”. Các ông PGS Nguyễn Văn Long, PGS TS Ngô Văn Giá, PGS TS Nguyễn Đăng Điệp, TS Chu Văn Sơn và cả tôi đều nói thêm ngoài lề với học viên Đỗ Thị Thoan rằng: “không chỉ đọc luận văn của chị mà còn phải đọc cả gần chục tập thơ của nhóm Mở Miệng cùng mấy người khác có xu hướng gần gũi lẫn mấy chục công trình lý thuyết “ghê răng” trên thế giới hiện nay để đọc chị. Tiền thù lao nhà nước thì trả ít, vậy nên, thiệt cho chúng tôi quá”, “mà cũng lợi cho chúng tôi quá” – có người nói thêm.
Do đó, theo sự đánh của cá nhân tôi, các thành viên Hội đồng được mời tham gia chấm LVNT đều là những chuyên gia thực sự về văn học Việt Nam đương đại, họ có sự am hiểu ở mức độ sâu sắc vấn đề mà LVNT đề cập tới.
Thứ hai, tôi cho rằng tất cả các thành viên của Hội đồng đã đọc LVNT một cách thấu đáo, kĩ lưỡng, khách quan và tôn trọng đạo đức khoa học của người làm luận văn khi họ không những khẳng định chính xác những ưu điểm của luận văn mà còn chỉ ra một cách thấu đáo những chỗ chưa được của công trình. Tuy nhiên, chính tôi cũng nghe các thành viên nói thêm rằng: “học viên có quyền bảo lưu quan điểm của mình”.
Trong buổi bảo vệ, sau khi trình bày bản tóm tắt, Đỗ Thị Thoan nói thêm mấy lời khiêm nhường: “Đây là cơ hội để em được lắng nghe ý kiến đánh giá, chỉ dẫn của các nhà khoa học am hiểu chuyên sâu về văn chương đương đại” nhưng tôi cũng nhận thấy cô ấy một mặt lắng nghe các ý kiến khẳng định, thừa nhận những hạn chế, những cực đoan, những chỗ sơ suất trong luận văn do áp lực thời gian vì đề tài không ngờ đẻ thêm nhiều vấn đề phải giải quyết, nhiều vấn đề lý thuyết cần được trang bị, nhiều kiến thức liên ngành cần có, nhưng mặt khác, cô vẫn muốn giữ một niềm tin riêng cho mình.
Buổi bảo vệ luận văn của học viên Đỗ Thị Thoan có kéo dài hơn thường lệ. Vì nó đã trở thành một buổi sinh hoạt học thuật mini khá sôi nổi, thú vị.
Chúng tôi cũng đã thảo luận kĩ trước khi cho điểm tuyệt đối. Chủ tịch hội đồng chấm luận văn trước khi thông báo kết quả có “lẩy” ý một câu nói nổi tiếng của Voltaire: “Mặc dù chúng tôi chưa hoàn toàn đồng ý với tất cả mọi điều trong luận văn của chị nhưng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quyền được nói lên tất cả mọi điều trong công trình của chị. Tuy vậy, chị cũng cần phải cắt gọt, sửa chữa một số chỗ trong luận văn mà tự chị cũng cảm thấy là chưa hợp lý”.
Cho nên, nói rằng các thành viên hội đồng chấm “ít am hiểu vấn đề của luận văn”, “đã chỉ ra nhiều sai sót của công trình mà vẫn cho điểm 10” là một nhận xét làm chúng tôi bật cười. Bạn ngưỡng mộ và chấm điểm 10 cho một vận động viên Việt Nam nhảy qua 2m35 sau khi làm rơi sào đến hai lần hay bạn ngưỡng mộ và cho điểm 10 cho, cũng chính vận động viên ấy, khi anh/cô ta chỉ nhảy qua 1m35 và không làm rơi sào lần nào? Nhưng, theo tôi, sở dĩ họ có thể nói thế trong khi họ thừa biết trình độ chuyên môn thực sự về văn chương đương đại của các thành viên hội đồng chấm 1 chủ yếu là do sự khác nhau về niềm tin học thuật, sự khác nhau trong quan điểm đánh giá công trình khoa học và người làm khoa học. Do vậy, rất cần sự đối thoại để tìm tiếng nói chung, hay ít ra, để chia sẻ những chỗ có thể chia sẻ được.
Còn nói rằng, chúng tôi hùa theo người làm luận văn để cổ xúy cho hành động ca ngợi thứ thơ rác rưởi thì quả thật, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Vì chấm công trình khoa học là chấm công trình khoa học. Lấy đâu ra sự liên đới kì lạ vậy? Ngạc nhiên hơn là ở đây tôi như đang nghe vọng âm của những lời các ông Thái Phỉ, Nhất Chi Mai nói về văn phẩm của Vũ Trọng Phụng vào đầu thế kỉ trước.
Một người làm việc kiệt sức trong cơ cực, thiếu thốn rồi nhiễm bệnh lao, nhổ ra đờm dãi, thổ huyết và viết văn về cái dâm uế, trơ trẽn, tục tĩu cùng bao nhiêu “sự thực ở đời” khác như nhà văn Vũ Trọng Phụng thì mục tiêu mà tất cả phải chung tay hủy diệt là vi trùng Koch, là tình trạng nhơ nhớp, bất công, phi lí của xã hội thời ấy chứ không phải là nhà văn Vũ Trọng Phụng, những người nghiên cứu đờm dãi, hay những người nghiên cứu văn chương Vũ Trọng Phụng.
NHQ: Như thế, ở đây có chuyện đồng nhất việc chấm LVNT với việc các thành viên Hội đồng chấm LVNT khuếch tán những “ý kiến sai trái” “màu sắc chính trị chống đối”… Theo ông, tại sao có lập luận như vậy? Phải chăng đây là cách để làm hệ lụy khoa học trở nên trầm trọng?
TS Nguyễn PhượngNhư tôi đã nói ở trên, sở dĩ có sự lập luận như vậy chủ yếu là do niềm tin học thuật khác nhau cùng trên một hiện tượng văn hóa. Mở Miệng chẳng qua cũng chỉ là một nhóm văn học nhỏ, hoạt động có thời hạn, trong đó, họ coi việc nói ngược với những quan điểm chính thống, lấy việc phản ứng cực đoan làm phương tiện phản tỉnh và giải hoặc. Những hiện tượng như của Mở Miệng từng có trong đời sống văn hóa dân tộc và nhân loại. Lấy ví dụ, sự kiện rước dương vật, âm vật của lễ hội dân gian. Ở đây từng xuất hiện hai cách nhìn, hai cách diễn giải: Một, người ta từng cho đó là hành động tôn vinh cái tục tĩu của một thứ sinh hoạt thô lậu, phản văn hóa. Hai, giờ đây người ta đã cho đó là hành động tôn vinh sự sống của nền văn hóa phồn thực làm nên sức mạnh trường tồn của cộng đồng. Hay một ví dụ khác, các thành ngữ ngược: “bong bóng thì chìm, gỗ lim thì nổi” hoặc vè nói ngược: “Trời mưa cho mối bắt gà/ Cho đàn cào cào đuổi bắt cá rô…”. Người không hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học có thể cho đó là những câu nói nhảm nhí, sai sự thật. Nhưng người làm khoa học có ý thức nghiên cứu thực sự sẽ rất quan tâm đến hiện tượng này và truy tìm tận gốc nghĩa lí của những hiện tượng đó. Chúng ta không thể nói người nghiên cứu lễ hội rước dương vật, âm vật, thành ngữ ngược hay vè nói ngược là có biểu hiện lệch lạc, phản động được, càng không thể nhân đó để qui cho những người tán đồng hành động nghiên cứu trên là đã cổ xúy cho những kiểu nói vô lí, sai sự thật được. Nghiên cứu khoa học mà bị đánh đồng, bị ngộ nhận như vậy thì ai còn dám nghiên cứu nữa? Hoặc giả có ai đó, vì tình yêu khoa học mà bất chấp những rủi ro, sợ hãi thì chắc chắn số còn lại ấy sẽ rất ít và rất hiếm. Có giai thoại kể rằng: con trai nhà bác học Pascal định làm một điều “điên rồ” nhưng trước khi làm điều đó anh ta có hỏi ý kiến ông. Pascal đã từng trải qua tuổi trẻ “điên rồ” của mình nên đã nói, giọng đầy khích lệ: “Con làm đi! Con có quyền được sai lầm mà!”. Tôi không dám phán quyết về những tổn hại khoa học qua vụ LVNT nhưng thời gian này tôi hay ngẫm nghĩ về nguyên nhân sự giảm sút tình yêu khoa học và sự dấn thân của giới trẻ. Rồi lại lẩn thẩn nghĩ: sở dĩ khoa học nước ta đang tụt hậu là vì chúng ta đã có quá ít những người như con trai Pascal và có quá nhiều những ông thầy khôn ngoan hơn Pascal chăng?
NHQ: Mới đây, báo Nhân Dân có đăng bài “Họ đâu cần quan tâm tới khoa học..”[3] của Trần Việt Quang – Hồ Ngọc Thắng. Bài viết có dẫn điểm c mục 3 Điều 26 Chương IV Thông tư 10/2011/TT-BGD ĐT Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ: “Người phản biện phải là người có am hiểu về đề tài luận văn”. Bởi qui định đó, Trường ĐHSP HN đã thành lập Hội đồng thẩm định LVNT với những nhà chuyên môn có danh tiếng, đáng kính. Nhưng bài báo nói rằng đã có người “nhục mạ Hội đồng thẩm định”. Ông có thấy vậy không?
TS Nguyễn Phượng: Có thể vì thấy có những khác biệt về chuyên môn hẹp nên trên mạng có người đã phát tán những phán định nào đó vội vàng. Chúng tôi nghĩ, cả hội đồng 1 và hội đồng 2 dù chuyên môn hẹp theo đuổi các lĩnh vực khác nhau nhưng đều hoạt động trong một cộng đồng khoa học. Chúng tôi bao gồm các thành viên của cả hai hội đồng đều biết nhau cả, thậm chí, trong các mối quan hệ cá nhân, chúng tôi còn coi họ là các vị các đàn anh, đàn chị và là đồng nghiệp đáng trọng. Hội đồng thẩm định sau chắc cũng tương kính với chúng tôi như vậy. Cho nên, chúng tôi đặc biệt dị ứng với những lời lẽ kích động. Vì nó làm sứt mẻ cộng đồng khoa học vốn đã rất mỏng và yếu của chúng ta. Chúng tôi thực sự muốn cả hai hội đồng có thời gian và cơ hội được ngồi lại với nhau, bàn bạc và chia sẻ với nhau những khó khăn và hệ lụy của công việc nghiên cứu khoa học cùng những giải pháp thích hợp sau đó. Đáng tiếc, sự vội vàng trong phán quyết đã tước mất cơ hội ấy.
NHQ: Tôi nghĩ, dù sao, các nhà chuyên môn vẫn có quyền được trình bày ý kiến ở các lĩnh vực mà họ không gần gũi. Có như thế sự tranh biện về vấn đề mới trở nên đa chiều hoặc được bổ sung rõ hơn. Cho nên, ông chờ đợi và vẫn tin vào sự tái thẩm định, sự trở lại của vấn đề thơ Mở Miệng trong những nghiên cứu, đánh giá tiếp theo chứ?
TS Nguyễn Phượng: Thì đúng như vậy. Có ai dám vỗ ngực tuyên bố rằng tôi đây hiểu biết thấu đáo tất cả mọi lĩnh vực? Người theo đuổi nghiên cứu một chuyên ngành hẹp nhiều năm mà nhiều khi còn cảm thấy mình rất ngu, nữa là. GS NGND Nguyễn Đình Chú thường chia sẻ với thế hệ chúng tôi rằng: “Nghiên cứu (khoa học) trong tiếng Pháp không chỉ là công việc tìm kiếm mà là công việc tìm đi tìm lại (recherche)”. Cho nên, tôi tin những người nghiên cứu khoa học và quan tâm đến khoa học một cách thực sự thì từ trong căn để, luôn luôn là những người suy nghĩ và hay suy nghĩ lại. Và, tôi vẫn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng: một ngày đẹp trời nào đó, hoặc là chính chúng ta, hoặc là những người mới sẽ tiếp tục cái công việc mà hôm nay chúng ta đã buộc phải bỏ dở trong nuối tiếc và ngậm ngùi…
……………………….
- “…theo sự đánh của cá nhân tôi, các thành viên Hội đồng được mời tham gia chấm LVNT đều là những chuyên gia thực sự về văn học Việt Nam đương đại, họ có sự am hiểu ở mức độ sâu sắc vấn đề mà LVNT đề cập tới.[...]. Buổi bảo vệ luận văn của học viên Đỗ Thị Thoan kéo dài hơn thường lệ. Vì nó đã bị biến thành một buổi sinh hoạt học thuật mini rất thú vị”
- “…Còn nói rằng, chúng tôi hùa theo người làm luận văn để cổ súy cho hành động ca ngợi thứ thơ rác rưởi thì quả thật, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên. Vì chấm công trình khoa học là chấm công trình khoa học. Lấy đâu ra sự liên đới kì lạ vậy ?”
- “…Chúng tôi thực sự muốn cả hai hội đồng có thời gian và cơ hội được ngồi lại với nhau, bàn bạc và chia sẻ với nhau những khó khăn và hệ lụy của công việc nghiên cứu khoa học cùng những giải pháp thích hợp sau đó. Đáng tiếc, sự vội vàng trong phán quyết đã tước mất cơ hội ấy…”
- “…tôi vẫn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng: một ngày đẹp trời nào đó sẽ lại có những người tiếp tục cái công việc mà hôm nay chúng tôi đã buộc phải bỏ dở trong nuối tiếc và ngậm ngùi…”
TS Nguyễn Phượng nói về những hệ lụy từ LVNT
……………………………………
NHQ: Đến đây, tôi lại muốn PGS Nguyễn Văn Long nói thêm một chút về samizdat. Trong bài báo nói trên, hai tác giả cho rằng “Samizdat chỉ tồn tại trong thời chiến tranh lạnh, tác giả của Samizdat là một số người đi đầu phong trào chống chế độ”; “những gì xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu trong quá khứ, được ghi lại trong sách báo đã chỉ rõ rằng, Samizdat là một công cụ nguy hiểm đối với xã hội”… Ý kiến của ông về samizdat như thế nào?
PGS Nguyễn Văn LongSamizdat là từ tiếng Nga, kết hợp hai từ sam (nghĩa là “tự mình”) vài izdat (“xuất bản”). Hình thức “tự xuất bản” – samizdat vốn có từ lâu và không chỉ diễn ra ở nước Nga nhưng đã được thuật ngữ hóa bởi tiếng Nga, bối cảnh văn học Nga thời Xô-Viết. Sự tồn tại của samizdat chủ yếu nhằm để thoát khỏi việc kiểm duyệt và tạo ra một hình thức xuất bản khác với việc xuất bản được cấp phép bởi nhà nước. Và samizdat sẽ càng phát triển khi có máy photocopy xuất hiện, một phương tiện nhân bản in nhanh chóng. Cho nên không thể qui hẹp samizdat vào thời kì chiến tranh lạnh và tồn tại chỉ bởi những người “chống đối chế độ”. Trong sinh hoạt văn chương ở Việt Nam, tự xuất bản đâu phải đến khi Mở Miệng mới có. Nó là một phần của văn học truyền khẩu, của văn học kí tự thời trung đại. Ngay cả khi có hệ thống nhà xuất bản, ở nhiều giai đoạn khác nhau vẫn có tác phẩm tự xuất bản. Chẳng hạn, nhiều bài thơ của Quang Dũng thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng lưu truyền bằng chép tay trong các sổ tay của các chiến sĩ, những cán bộ kháng chiến, nhất là những người từ thành thị đi vào kháng chiến. Mà hiện nay nếu hiểu rộng thì có hàng ngàn tập thơ của các câu lạc bộ thơ, các cá nhân được in ra chủ yếu cũng bằng hình thức tự xuất bản. Hàng năm, cứ đến Ngày thơ ở Văn Miếu, người ta thấy hàng trăm sản phẩm thơ tự in, tự phát tán, photocopy nhân bản truyền tay, từ quan chức-nhà thơ đến người yêu thơ đều nhận nó một cách thoải mái, tự nhiên. Trong thế giới internet hiện nay ở ta, có hàng trăm blog, hàng triệu facebook với hàng vạn các bài viết mỗi ngày, đó cũng có thể coi là hình thức tự xuất bản rất phổ biến. Nhiều tác phẩm, trước khi in thành sách ở nhà xuất bản, đã được phổ biến khá rộng rãi trên Internet, như Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập. Như vậy các hình thức tự xuất bản này đã tạo ra một không gian mới rộng rãi và linh hoạt nhanh nhạy hơn cho các sản phẩm văn hoá, trong đó có văn chương. Đó là điều hợp quy luật phát triển của thời đại ngày nay, không thể bỏ qua. Cố nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó: hiện tượng tự xuất bản cũng tạo ra những sản phẩm rất khác nhau về giá trị, mục đích, có cả hay dở, xấu tốt. Nhà quản lý văn hoá không nên chỉ nghĩ tới việc ngăn cấm, mà cần có những định hướng khôn ngoan và thích hợp để tạo ra những sân chơi mới, lành mạnh tạo cơ hội cho mọi người được đáp ứng nhu cầu giao lưu và tự biểu hiện trong đời sống tinh thần.
NHQ: Thưa TS Nguyễn Phượng, giờ đây, khi đã biết rõ những hệ lụy mà học trò và đồng nghiệp của mình đang gánh chịu, ông có nghĩ bài học “biết sợ”, “biết giữ thân” khi làm văn chương nghệ thuật ở xứ ta là không bao giờ cũ? Và nếu vẫn còn quá nhiều nỗi “sợ” thì “ai cho ta hi vọng”, thưa ông?
TS Nguyễn Phượng: Nguyễn Minh Châu có lần kể rằng: Trong một cuộc rượu với với các bạn viết cùng thế hệ và cả mấy người của thế hệ sau, có ai đó nói chuyện gì đó liên quan đến cái hèn, cái dũng của người cầm bút, người ta chợt thấy Nguyễn Tuân, lúc bấy giờ đang rất nổi tiếng về những lời nói và hành vi thể hiện tính cách cao ngạo và ngông nghênh, vâng, người ta thấy Nguyễn Tuân nâng li rượu lên, rưng rưng nước mắt, nói: “Tôi cũng hèn, tôi sống được đến ngày hôm nay, là do tôi đã biết sợ”. Đến như Nguyễn Tuân mà còn phải nói thế, thì chúng ta là ai mà dám nói rằng…
Nhưng ngẫm kĩ, người ta thường vì những hệ lụy riêng tư này khác mà buộc phải sống thế này hay thế nọ trái với những giá trị sống mà người ta muốn theo đuổi. Cho nên, chuyện sống phải “biết sợ”, “biết giữ thân” là chuyện muôn thuở của con người và có thể, còn là bài học muôn thuở đối với con người. Đằng sau một ứng xử bất thường nào đó có muôn vàn những lí do mấy ai thấu hiểu hết? Nhưng nếu cả cộng đồng ai cũng vì những lí do cá nhân mà sống theo nguyên tắc “biết sợ”, “biết giữ thân” thì thật thảm hại cho cái cộng đồng ấy. Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông chúng ta vẫn ra rả lên án thói vô cảm. Nhưng trước một câu chuyện nhỡn tiền của đồng nghiệp mình, học trò mình thì, xin lỗi, chính chúng ta lại vô cảm hơn ai hết. Tôi nói ở góc độ, các bên, tất cả, ở mức độ này hay mức độ khác, đã thể hiện sự vô cảm trong cách hành xử của mình. Nhưng tôi vẫn tin, hướng tới sự ứng xử một cách văn minh (trong đó, có tinh thần dân chủ và đối thoại lẫn sự thấu hiểu và khoan dung) với tất cả mọi vấn đề của cuộc sống luôn là mục tiêu của xã hội chúng ta. Và đó là lí do để tôi và tất cả chúng ta có quyền hi vọng.
Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn PGS Nguyễn Văn Long và TS Nguyễn Phượng. Cuộc trò chuyện này đã giúp tôi hiểu rõ hơn một số vấn đề văn chương và đồng thời, cho tôi thấy mình không hoài công khi đăng tải ý kiến của hai ông, vốn là tiếng nói rất được dư luận chờ đợi. Xin chúc hai ông sức khỏe, niềm vui sáng tạo!
HN, 21/4/2014
Người phỏng vấn gửi Văn Việt.


[2] Xem: “Bản phản đối và yêu cầu” của cộng đồng nghiên cứu và giáo dục Việt Nam với 108 chữ ký tính đến ngày 20/4/2014) (http://vanviet.info/van-de-hom-nay/ban-phan-doi-va-yeu-cau/); “Thư ngỏ về sự vi phạm tự do học thuật trong vụ thu hồi bằng thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan” với 40 chữ ký chủ yếu là của những nhà nghiên cứu và giảng dạy người Việt ở nước  ngoài (http://vanviet.info/van-de-hom-nay/thu-ngo-ve-su-vi-pham-tu-do-hoc-thuat-trong-vu-thu-hoi-bang-thac-si-cua-ba-do-thi-thoan/) và thư phản đối của các giáo sư Ngô Bảo Châu (Mỹ), Hồ Tú Bảo (Nhật), Trần Văn Thọ (Nhật), Cao Huy Thuần (Pháp) (http://vanviet.info/van-de-hom-nay/thu-cua-cac-giao-su-ngo-bao-chau-my-ho-tu-bao-nhat-tran-van-tho-nhat-cao-huy-thuan-phap-gui-hieu-truong-dhsp-ha-noi/).
[3] Toàn văn bài viết, xem ở đây: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/22905702-ho-dau-can-quan-tam-toi-khoa-hoc.html. Xin nói thêm điều mà một người đọc ít hiểu biết và không làm khoa học như tôi bỗng có được khi đọc bài này:
- Khi cần tra cứu thuật ngữ, cho dù chỉ dùng trong bài báo, lại là bài của hai tác giả “quan tâm tới khoa học”, có nên tra Wikipedia như Trần Việt Quang – Hồ Ngọc Thắng đã làm (với thuật ngữ samizdat) không? Không rõ trong các tư vấn của Michel Beaud ở “Nghệ thuật viết luận văn” (NXB Tri Thức, H.2013) mà bài báo nêu ra làm lí tưởng có chỉ giúp hai tác giả “nếu mà không biết thì tra Wikipedia” các thuật ngữ khoa học? Hi vọng, cô ĐTT hoặc các độc giả am hiểu trả lời giúp về vấn đề này, và mong được cung cấp một số từ điển công cụ về “samizdat” để hai tác giả biết thêm.
- Bài viết cho biết ở CHLB Đức đã từng tước học vị (tiến sĩ) của ông Karl-Theodor zu Guttenberg và của bà Annette Schavan vì “phát hiện có sai lầm”, “đã vi phạm các qui định”. Nhưng bài báo không nói rõ “phát hiện có sai lầm”, “vi phạm các qui định” gì nên người đọc dễ nhầm tưởng rằng tước bằng Thạc sĩ của ĐTT ở Việt Nam là có tính quốc tế, “quốc gia nào cũng vậy”. Thực tế, cả ông Karl-Theodor zu Guttenberg lẫn bà Annette Schavan bị tước bằng vì sách/luận án của họ đạo văn (plagiarism). Quí vị có thể xem báo Đức (phiên bản tiếng Anh) đưa tin ở đây:
Merkel Loses Minister: Schavan Steps Down amid Plagiarism Scandal’,http://www.spiegel.de/international/germany/a-882398.html
Thật đáng ngưỡng mộ vì CHLB Đức đã dám tước bằng hai tiến sĩ đạo văn dù họ có làm Bộ trưởng. Và cũng đáng ngưỡng mộ cả hai đã quyết từ chức vì lỗi của mình. Hẳn hai tác giả Trần Việt Quang – Hồ Ngọc Thắng sẽ tiên phong và quí vị cũng sẽ vui lòng ủng hộ nước ta nên làm được điều này, nhất là gần đây có quá nhiều “nghi án đạo văn”? Còn LNVT đâu có qui tội “đạo văn”, sao lại bị tước bằng?