Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

NGƯỜI ĐẸP VÌ LỤA



                                                 Tản văn: PHAN MAI HƯƠNG
 Ngay từ hồi mới biết mặt chữ, đã thuộc lòng câu “ người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”.  Còn nhớ rõ là đọc câu tục ngữ ấy trong bài tập đọc của sách giáo khoa lớp Ba. Nhưng thực ra  chỉ nhớ về đằng trước thôi, vì gợi ra một hình ảnh đẹp rạng rỡ đầy cuốn hút, đủ tô vẽ cho một ước mơ, đủ nhen nhóm niềm khát khao bé bỏng theo đuổi suốt những năm tháng ấu thơ .
 Đấy là những  áo xiêm váy vóc lụa là  rực rỡ mà một năm đôi lần, hiếm hoi lắm thì đám trẻ con lứa 6x,7x chúng tôi mới  có dịp nhìn thấy trên sân khấu, với những  “ Quan Âm Thị Kính”, “ Ai mua hành tôi”, “ Xúy Vân Giả Dại” của đoàn chèo Hà Tây, đoàn cải lương Chuông Vàng, nhà hát tuồng Trung Ương, khi họ  về tỉnh miền núi lưu diễn, mà  nhiều nhất chỉ  là ba đêm.
Lũ trẻ con ngày ấy  như là chìm trong mê  mẩn khi  ngắm những cô diễn viên đẹp như tiên sa, trong những áo váy  lụa là với  những tầng sắc màu rực rỡ như những lớp cánh bảy màu của con cào cào mỗi khi xòe cánh bay. Tâm hồn thơ ngây trẻ con mải miết mê tơi đi theo nàng Thị Mầu tung tẩy trên sân chùa. Lẽ dĩ nhiên là chả đứa nào  thích  nàng Thị Kính mấy đâu,  vì  lúc nào cũng thầy  nàng ấy chỉ khoác một  bộ nâu sồng tối om om. Nhưng cũng  thầm cảm thấy thương và ghen hộ nàng  Thị Kính xinh  là thế mà  không được mặc váy áo đẹp như nàng Thị Màu. Nhưng có một  điều chắc chắn là sau những buổi xem diễn kịch trong “ nhà hát” đất nện ở sân vận động, thì  tâm hồn được thỏa thuê bay bổng trong những giấc mơ trẻ thơ.  Nào là mơ  được như nàng Thị Màu xiêm áo lượt là. Rồi  mơ được như là  nàng Xúy Vân có hoa rực rỡ cài đầu trong ngày cô dâu vu quy. Rồi  mơ được như người vợ xinh xắn, lam làm của  anh nông dân bỗng dưng thành  hoàng hậu, có  kẻ hầu người hạ, và  xống áo xênh xang. Ôi! Những giấc mơ đi qua suốt thời ấu thơ, như nhắc nhở một thời gian khó, và chạm đến hiện tại vẫn còn nhiều nỗi âu lo.
Dân gian có câu câu cửa miệng  “ cơm áo gạo tiền”, và mới thấy  nối lo  “áo” chỉ đứng sau có nỗi lo “cơm” thôi. Phải chăng ở một đất nước nông nghiệp, thì nỗi lo cái ăn và cái mặc luôn đè nặng lên kiếp người ? Cuộc sống vốn là vậy, ăn no mặc ấm luôn là tiêu chí đầu tiên  để phấn đấu, sau đó  mới đến ăn ngon mặc đẹp. Nhưng chả biết sao, trong trí óc non nớt ngây thơ của cô bé con thuở ấy thì chỉ nghĩ đến “ người đẹp vì lụa…” mà thôi. Năm tháng trôi nhanh như chớp mắt,  nhưng đời người vẫn không nguôi vơi cạn giấc mơ lụa là.
Phải nói là giấc mơ lụa là đã găm sâu vào trí nhớ đi theo suốt tháng năm của đời người để không nguôi nơi chốn của bậc sinh thành. Có một  cô bé thành phố chỉ mong có dịp nghỉ học để háo hức  về quê, để được nhìn thấy  các bác gái, các dì, các chị con nhà bác, mặc váy áo thướt tha nom rõ đẹp.  Cô bé thấy ở thành phố chỉ có em bé mới mặc váy, nếu lớn hơn chút mà vẫn diện trang phục váy thì bị coi là “ trẻ con”.
Nhưng ở quê thì khác hẳn luôn. Hình ảnh   bộ váy Mường đen nhánh thướt tha cùng chiếc cạp váy thêu chỉ màu rực rỡ luôn là chiếc cầu vồng kỳ ảo nối liền những hoài niệm thân thương.  Cô bé con như bị  mê đi khi  ngắm những  chiếc cạp váy với những sắc màu nổi bần bật, được thêu  bằng tay với những họa tiết tỉ mỉ cầu kỳ, như  đang bay tung tăng trên vầng ngực thanh tân của các chị con nhà bác . Và nàng hoa hậu đầu tiên xuất hiện trong tâm hồn bé thơ lại không ai khác chính là nhân vật  Nàng Ún trong  cuốn tiểu thuyết “ Hoa hậu xứ Mường” của nhà văn Phượng Vũ. Vì trí tưởng tượng trẻ thơ thật dễ để vẽ ra hình ảnh nàng Ún nhà Lang xinh tươi và  vô cùng cầu kì,  đang  kén chọn từng chiếc cạp váy.
 Này là  cạp váy thêu hình  Rồng quý phái đài các, như làm đẹp hơn bội phần cho nàng  công chúa mày ngài mắt phượng đang e ấp đợi chờ ý trung nhân nơi gác tía lầu xanh.
Này là hình thêu đàn Hươu rất dễ để hình dung ra nét tung tăng trẻ trung, mơn mởn của hoa cỏ mùa xuân, tươi tắn như tâm hồn  lãng đãng mộng mơ,  dễ quên dễ nhớ của  nàng sơn nữ đang yêu.
Này là  hình thêu đàn chim Lạc đang sải cánh miết mải bay về phương trời xa xăm nào đó, như tâm hồn thiếu nữ  đang cảm thấy sự chật chội, đang ngóng chờ những chuyến đi, như cháy niềm mong  được thấy bao nhiêu điều kỳ diệu còn khuất lấp sau những dãy núi xa xanh.
Này là hình thêu Hoa Lá tự do tung tấy, không theo một khuôn mẫu nào. Dường như  có tất cả những  hoa lá  đang vươn cao và muốn bay xa; có  suối sông với  những mơn trớn dịu dàng lẫn  những  ào ạt thác lũ; có núi thẳm lẫn  rừng xanh đanng cất lên hơi thở thì thầm đầy quyến rũ mải mê. Tất cả đều như đang hội tụ về nơi mơn mởn đào nguyên.
Này là hình thêu đàn Cá thoải mái vui tươi bơi lượn trong dòng nước xanh mát rượi, và  nước kia mềm mại hơn cả dải lụa đang dâng lên, dâng lên  để che khuất dần nụ hoa thanh tân mỗi khi Nàng Ún tắm suối theo kiểu sơn nữ là  nhẹ nhàng cuốn váy đến đâu thì thong thả buông mình chìm dần, chìm dần trong làn nước xanh đến đó. Dường như đến bây giờ, khi nhớ lại những khoảnh khắc ấy, cô bé ngày xưa  vẫn còn nguyên cảm giác xấu hổ làm sao khi đi tắm suối cùng các chị con nhà bác  mà cứ phải  nhúng nguyên cả bộ quần áo mặc trên người xuống suối, chả giống như  các chị gì cả.  Lúc ấy, trong tâm trạng cô bé con, nỗi ước mong cháy bỏng có được bộ váy Mường mới mãnh liệt làm sao? Và  phải thừa nhận rằng nỗi ước mong ấy đã, và có lẽ sẽ đeo theo ám ảnh  suốt thời gian rộng dài của đời người. Lắm khi tự cười một mình vì cô bé ngày xưa ấy sắp trở  thành bà nội bà ngoại rồi mà vẫn còn nguyên niềm mong bé bỏng trẻ thơ.
 Cô bé ấy có thể ngồi hàng buổi không biết chán, chỉ để   lục lọi đống váy áo của Bác Dâu để  tỉ mẩn xem từng hình thêu trên cạp váy với  những con thú đang nhảy múa, những con  chim  bay lượn, để mà mơ mộng đến một chân trời xa xăm, để bay nhảy thỏa thuê trong những khát khao. Sau này, khi đã nhớn nhao hơn một  chút mới hỏi mẹ về những kỳ diệu nắm sau những  hình thêu trên cạp váy.
Cứ theo như lời kể của mẹ thì thứ quan  trọng và  được điểm  trang cầu kỳ nhất trên bộ váy Mường chính là tấm cạp váy. Để có một tấm cạp váy phải bỏ ra rất nhiều công sức. Đầu tiên là phát nương trồng bông. Nhưng mảnh nương dể trồng bông thường là những mảnh đất đồi có diện tích không lớn lắm, vì những nương rộng lớn thì dùng để trồng lúa, ngô và cây hoa màu khác. Vị trí nương bông thường là giáp đường đi, len trong khe suối, chen trong vườn cây bương. Nương bông có thể ở rất gần nhà, nhưng có khi lại ở xa hàng giờ đi đường. Tạm hiểu trồng cây bông như là cách tận dụng đất cho khỏi lãng phí.
Nương  bông còn như một biểu hiện về sự chăm chỉ lam làm của những người con gái trong gia đình, đồng thời lại như một cách để các cô gái có điều kiện cùng nhau chuyện trò đủ thứ chuyện trên trời dưới đất một cách  dễ dàng.Thời gian chăm sóc cho nương bông là khi việc đồng áng cấy hái đã xong, hạt lúa hạt ngô cũng đã được gieo nằm  yên vị trên nương xa. Mẹ thích thú nhắc lại kỷ niệm một lần  đi làm cỏ bông vào kỳ sau Tết Nguyên Đán, hí hửng mang cơm nắm và thịt lợn còn lại từ hồi Tết cùng ăn trưa ( chứ bình thường chỉ có muối vừng thôi), mà không biết cô bạn bị dị ứng với thịt lợn, chỉ trong nháy mắt cả mặt mũi tay chân cô bạn bị đỏ ửng, sưng tấy lên làm cho  mẹ sợ khiếp vía vì lo lắng. Lại có lần đi hái bông vào mùa hè, mẹ bị ong vàng  đốt, sưng lên từng cục trên trán, trên đầu. Loại ong này  có cái bụng thon, thắt eo lưng cong veo và khi đốt kẻ thù thì phần đuôi chổng vộc nhọn hoắt. Loài ong này làm tổ bằng bùn trộn phân trâu, thường chỉ  to bằng cái bát ăn cơm, khuất lấp sau những bụi cây rối ren, nên rất khó nhìn thấy. Mình cũng đã từng bị ong vàng đốt nên đã  biết cảm giác đau tê  buốt như nào  rồi.
 Mẹ nói chăm sóc nương bông và hái bông vẫn là việc không thể thiếu trong công việc đồng áng nương rấy. Và sự nết na của người con gái thường được nhìn qua việc trồng và thu hoạch bông, se sợi dệt vải. Mẹ kể  đám con gái ở làng thường chung nhau trồng một nương bông, cùng nhau đi làm cỏ và hái bông; cùng nhau tập trung ở nhà nào đó để  se sợi, nhuộm chỉ màu, trong đó việc nhuộm chỉ để dệt cạp váy là kỳ công nhất. Chỉ  màu  thường được nhuộm bằng lá cây rừng pha trộn với phẩm màu thế nào đó, là bí quyết riêng của bà ngoại, mà  mẹ vẫn chưa kịp học. Chỉ có điều từng sắc màu mảnh mai làm nên những bức tranh rực rỡ trên mỗi tấm cạp váy luôn là thứ hấp dẫn diệu kỳ, nên con gái lại càng muốn vạch ra từng sợi chỉ để mong  tìm tòi cái bí ẩn nằm trong tấm thổ cẩm.
 Ngày cưới của cô gái Mường, cái sự  giàu hay nghèo không quan trọng bằng việc các bậc trưởng lão  “ săm soi” xem cô gái mang về nhà chồng bao nhiêu chăn gối tự dệt? Vì đó  như là một bằng chứng  xác thực nhất cho cái nết na đảm đang, vén khéo giỏi giang, mà bà mối đã dày công giới thiệu với nhà trai từ trước  đám cưới. Con gái thích thú trêu mẹ, lấy chồng thành phố là thoát nạn  may chăn  dệt gối còn gì?  Mẹ cốc đầu con gái  mắng yêu lười kim chỉ như này, sau có gia đình, áo chồng con rách ai vá cho?
Hồi nhỏ, công việc ở nhà của  mẹ là xay giã gạo.  Con gái cứ xoắn lên thắc mắc sao mẹ không làm công việc  dệt vải, mà cứ phải là bác Ba ( chị gái của mẹ) dệt? chẳng nhẽ bác í dệt đẹp còn mẹ thì không à? Mà sao  bác Ba cũng chỉ dệt vải khi đã làm hết mọi việc vặt trong nhà? Thế cái việc dệt vải may váy áo đẹp lại không quan trọng à? Trong hình dung ngây thơ của con gái thì mẹ nhất định phải là  cô tiên mang nhiều phép màu, vừa xinh đẹp lại vừa chăm chỉ giỏi giang. Và con gái lại càng nhất định muốn người làm ra những tấm cạp váy rực rỡ sắc màu kia lại phải chính là mẹ cơ. Để con gái còn thêu dệt cho  hoàn thiện câu chuyện cổ tích ngày xưa về chiếc cạp váy thổ cẩm diệu kỳ, làm mê mẩn bao nhiêu lòng yêu cái Đẹp, mà  trong thế giới thời trang ngày nay có tìm đỏ mắt cũng không thể  có được.
 Thì vẫn là chuyện về chiếc cạp váy mà cô  bé ngày xưa  mê đắm, mà  thời gian đời người đi gần  hết một phần hai cái trăm tuổi vẫn không vơi bớt niềm yêu. Bất chợt, chị bạn thân cùng cơ quan rủ rỉ chúng mình may váy Mường mặc nha.  Vài tuần sau, bỗng dưng  chị mang đến chiếc cạp váy nói tặng em đấy, mà vừa nhìn thấy nó  mình đã như  bị thôi miên.
Chị bạn nói là cụ ngoại của chị, gần  tuổi 80 rồi,  vốn được người làng coi như  một nghệ nhân dệt thổ cẩm, đã tự tay se sợi nhuộm chỉ và dệt nên tấm cạp váy này. Từng hoa văn li ti sắc nét nổi lên mịn màng như vân gỗ. Nhìn vào đấy như thấy cả một rừng hoa lá gió mây đang bay lượn. Sự pha trộn màu sắc tách bạch mà rành rẽ, mà vẫn  mang  nét đẹp hài hòa đến ngỡ ngàng. Những sắc màu đen,  vàng, hồng,  trắng, đỏ tươi và  đỏ rượu vang, xanh lục bảo và  xanh na vy, đan xen với nhau trong từng nét hoa văn tinh xảo. Trên tay  nâng  tấm cạp váy và  hình dung ra cụ bà 80 lụm cụm bên khung cửi đạp bằng chân, nhưng đôi mắt còn  tinh anh, cặm cụi chọn chỉ và lựa màu,  thoăn thoắt luồn thoi, tỉ mẩn từng sợi tơ mũi thêu. Chỉ nghĩ thế thôi mà niềm ngưỡng mộ liền đi kèm cảm giác cay cay nơi sống mũi. Lại nghĩ  cụ bà Nghệ Nhân rồi sẽ đến tuổi Trời, rồi  đây ai sẽ lưu giữ được nghệ nhân ?  
Mẹ đã từng đeo kính lão,  ngồi hàng giờ đề ngắm từng đường thêu của bộ cạp váy này, và thốt lên, cả đời  mẹ chưa bao giờ có được bộ váy Mường mà có cái cạp váy đẹp như thế. Mẹ  còn xuýt xoa tấm  “ cao váy” này dệt bằng tay,  đẹp quá cơ là loại hiếm hoi lắm đấy, trong bộ cạp váy thì tấm “ cao váy” là giá trị vì dệt khó lắm, nên thường được bán rất đắt tiền. Nếu ai đã mặc váy Mường thì mới biết giá trị của tấm “ cao váy”, đó là phần các đường dệt hoa văn đều theo chiều thẳng đứng tạo cảm giác cho  thị giác về sự cao ráo,  thanh thoát, khi nằm trong tổng thể bộ váy thì đây là phần ôm khít vào eo lưng thiếu nữ làm tăng nét  thon thả, nâng vầng ngực thanh tân,  đẩy dáng người cao lên bội phần. Mẹ nói ngày xưa, bà Ngoại chỉ sắm cho “cạp váy” thôi, mà không có đủ tiền để mua tấm “cao váy” đâu, nên hay thay thế bằng mảnh vải hoa có màu sắc rực rỡ, nhưng như thế thì không đẹp tẹo nào.
Bây giờ, mỗi khi mang bộ váy ra mặc lại nghĩ đến cụ bà Nghệ Nhân,  người đã dệt nên bộ cạp váy tuyệt vời. Chợt nghĩ  con người ta sẽ không bao giờ chết, nếu như đã sống xứng đáng với niềm yêu của mình, và  khi ấy cái chết chỉ là sự chuyển từ cõi này sang cõi khác mà thôi. Vậy mà 5 năm sau cụ bà Nghệ Nhân đã  nhẹ nhàng làm cuộc viễn du  về  Trời một cách thanh thản. Đoán chắc người như cụ khi về Trời thì sẽ được  bay bay trên những tấm thổ cẩm mà cụ đã tự tay thêu dệt nên những lá thắm hoa tươi. Thấy báo chí và các nhà nghiên cứu văn hóa nói hay lắm, rằng nghệ nhân là những pho văn hóa sống. Nhưng đã mấy ai biết đến  nghệ nhân sống bình  lặng, thậm chí là lay lắt  ở nhưng  nơi cách trở xa xôi ? Lại nghĩ đến trường hợp có  cụ  đã được phong nghệ nhân ngành ca trù, nhưng chỉ khi cụ mất thì chuyện bảo tồn giọng ca bất hủ mới được nghĩ đến? còn cụ bà Nghệ Nhân này  dù chỉ được vinh danh ở làng cũng là điều vinh hạnh cho cụ lắm rồi chăng? 
 Nếu nói “ người đẹp vì lụa…” thì “ hoa hậu” đẹp nhất mà con bé từng ngưỡng mộ  chính là Dì Út của nó. Bởi Dì chỉ mặc thứ trang phục duy nhất là váy Mường. Nó say mê ngắm dáng người  cao cao tròn lẳn nuột nà dấu trong bộ  váy đen nhánh lả lướt xuống đến mắt cá chân, với những hoa văn rực rỡ nơi cạp váy, với thắt lưng nhiều màu sắc – thường là 2 màu, với bộ xà tích  bằng bạc sáng loáng điệu đà. Cả đến cái khăn trắng muốt nhỏ nhắn mà  Dì nó  thắt trên đầu một cách như hờ hững mà  con bé cũng thấy sao đáng yêu thế. Con bé như mê đắm nhìn theo những bước chân duyên dáng của Dì, mà  mỗi khi bước đều lộ ra gót chân mịn nhẵn, không hề bị nứt nẻ, không xấu xí như gót chân của bác dâu, và vì thế  càng  nỗi bật dưới cái viền gấu váy màu đỏ. Trả lời thắc mắc của con gái, mẹ nói váy Mường chỉ dài chạm mắt cá chân thôi để cho còn khoe gót chân  và  viền gấu váy thường là màu đỏ để cho vừa đẹp một cách quyến rũ. Thế thì còn bé thấy Dì Út của nó vừa đẹp vừa quyễn rũ nhất đời luôn. Con bé yêu Dì Út  lăm lắm bởi dì đẹp đã đành, nhưng sau này khi đủ lớn, con bé hiểu niềm đam mê về bộ  váy Mường được khởi nguồn từ người thân yêu. Chỉ chứng ấy thôi cũng đủ nuôi khát khao gìn giữ nét truyền thống trong bộ váy Mường.
Mỗi khi lục lọi đống váy áo của bác dâu, con bé lại thắc mắc sao váy áo đẹp như này mà cất đi? Con bé nhiều lần năn nỉ Bác Dâu “ mặc cho cháu xem nào”. Trong thâm tâm con bé  không thể chịu được ý nghĩ của người già, có váy áo đẹp để dành lúc chết mới mặc. Đấy là hệ quả của một cuộc sống trăm bề thiếu thốn, sống trong toan lo, nên người Việt chỉ có ý nghĩ làm ăn tích cóp dành cho “ sau này”.
Đến khi Bác Dâu về Trời, con bé đã cùng các chị mặc cho Bác Dâu mấy bộ váy áo liền, bộ nào cũng đẹp tuyệt vời và còn như thơm mùi bông. Mẹ lại nói trong nhà mình, chỉ có  Bác Dâu có những bộ váy đẹp, vì Bác Cả  rất chiều chuộng và  không tiếc tiền mua sắm  cho Bác Dâu những bộ váy  áo đẹp nhất. Giờ đây, thỉnh thoảng nhắc lại chuyện đã qua, mẹ lại tiếc giá như cứ giữ lại một bộ váy của Bác Dâu để  làm kỷ niệm?
Biết là  cứ khắc khoải về một niềm nuối tiếc thế thôi, mà đành chịu để mất đi, như gia đình tôi đã khồng còn bộ váy Mường nào của những người đã khuất? Thời gian trôi không chờ đợi ai, chỉ còn hoài niệm là thuộc về quá khứ. Nhưng hoài niệm có kết nối được với tương lai hay không lại phụ thuộc vào thế hệ hiện tại có niềm yêu với những giá trị truyền thống hay không ? Cơ mà phải nói thêm là hiện tại có đủ sức để  mà yêu truyền thống hay không?

Viết xong 1/8/2013.

7 nhận xét:

laisac nói...

Chúc mừng năm mới

Unknown nói...

Chà! Riêng Mai Hương không đẹp vì lụa á!

Unknown nói...

Cam on bạn laisac nè! chúc bạn đón năm con Ngươaj với thật nhìu may mắn nha!

Unknown nói...

Chúc mừng nam mới ban Nhan Tran! Bạn nhận xét đúng lắm! 100 % lun nè! cho 10 điểm nha! hihi!

Bulukhin nói...

1- Bài viết của bạn khá dài, có tựa đề “NGƯỜI ĐẸP VÌ LỤA”. Cả bài có 240 dòng nhưng chỉ có 45 dòng nói về lụa, 195 dòng còn lại nói về váy Mường. Lúc còn là bé con thì lụa làm cô mê mẩn, nhưng cũng chỉ mê lụa trên thân hình các nghệ sỹ sân khấu thôi. Lớn lên chút xíu cô lại mê mẩn váy Mường, những chiếc váy tuyệt đẹp của những người thân như bác, chị con bác, các dì…Cho đến nay đã vào lứa tuổi bà nội bà ngoại cô “vẫn còn nguyên niềm mong bé bỏng trẻ thơ”. Tác giả viết: “Nếu nói “ người đẹp vì lụa…” thì “ hoa hậu” đẹp nhất mà con bé từng ngưỡng mộ chính là Dì Út của nó. Bởi Dì chỉ mặc thứ trang phục duy nhất là váy Mường.
Hóa ra sự ưu tiên váy Mường, dồn hết tinh lực vào váy Mường là tác giả muốn mở rộng khái niệm “Người đẹp vì lụa”. Váy Mường tôn các cô gái Mường lên hàng hoa hậu, chứ không phải lụa làm được điều đó??
2- Dân gian có câu “Lụa vấn cột cầu ngó lâu cũng đẹp”. Đến cột cầu còn đẹp lên vì lụa thì người đẹp vì lụa là phải. Nhưng đó là cái đẹp ăn theo, đep vay mượn. Lụa là vật chất chung chung, còn váy Mường là của riêng Người Mường, nó ẩn chứa tâm hồn Mường, văn hóa Mường, có khi cả hàng ngàn năm trước.
Hihihi, tưởng tượng một cô gái Mường mặc váy lụa lên nương thì cô ấy không còn là người đẹp xứ Mường nữa…

Unknown nói...

Đấy! cái ảnh chụp ở bài viết, là em đang " diện" bộ váy Mường đấy! anh Bu ? anh cứ tưởng tượng em từng là " hoa hậu" nhé! hihi! còn có nghĩa là hoa nấp đắng sau í mờ! hihi!
Niềm đam mê của phái Đẹp là váy vóc lụa là , anh ạ!

Unknown nói...

Có thể cho mình hỏi: Hình như cái áo đỏ đã được cách tân và cô gái như thiếu một chiếc khăn đội đầu thì phải.