Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

CÙNG TÂY BẮC MÙA XUÂN


                                                  Tùy Bút : Phan Mai Hương
  Mùa xuân bắt đầu  cho chu trình tái sinh, và   không gian  ấm áp  thì  buông  lời mời gọi tới những  miền xa xôi . Nhưng nếu mùa xuân là lập  trình sẵn của tạo hóa, thì chuyến đi của chúng tôi hoàn toàn là ngẫu hứng.
   Một lần đón bạn  văn chương đi  qua cửa ngõ lên  Tây Bắc, hoặc cùng  ly  ca fe đen kèm nhạc Trịnh để  trốn cơn gió bấc cuối mùa, cũng đủ làm cho ham muốn xê dịch trỗi dậy. Nắng lên là đi nhé, một lời hẹn phụ thuộc vào đất trời và  tưởng chừng  như vu vơ, thế mà thành một chuyến đi cùng mùa xuân. Thế mới biết, sự ham muốn xê dịch của người viết cũng như  hạt giống được ủ sẵn, chỉ còn đợi gió xuân ấm áp là đội đất ngoi mầm. Nhưng xét cho cùng  thì cái gọi là  ngẫu hứng ấy  đều nằm trong sự lập trình của cảm hứng với  tình  yêu bất tận cho  văn chương trải theo những chuyến đi  trên cung đường mùa xuân.
    Đêm Tây Bắc được  chờ trong  thấp thỏm, và ngày  Điện Biên  háo hức trong đợi mong, hình như thời gian trở nên dài hơn. Không chỉ riêng tôi rơi vào tâm trạng ấy.  Những mái đầu đã hoa râm ríu rít bên mái đầu xanh tóc, vô tư  kể lại  giấc  mơ đến nơi  xe đi rồi, mới  thấy  tất cả đều mang nụ cười  trẻ trung và  đầy  háo hức với chuyến đi xa gần nghìn cây số.  Chúng tôi hành quân lên Tây Bắc trong một sớm mùa  xuân mù mịt sương trắng đặc như sữa,  quấn quện quanh những khúc cua tay áo, đến nỗi hai  đầu xe gần chạm nhau mới nhìn ra, mỗi lần như thế đều như nghẹt thở,  và cảm giác  mây đẹp như  thơ cũng bị trôi tuột đi, bay theo mây là là ngả xuống vực sâu hun hút.  
      Nếu  cha anh xưa lên Tây Tiến chỉ có  “ áo rách vai, quần có vài mảnh vá” ( thơ Chính Hữu) để tìm hòa bình cho quê hương thân yêu,  thì  chúng tôi lên Tây Bắc  trong sự chuẩn bị đầy đủ áo dạ, khăn len chống rét  với niềm tin tìm lại bóng hình của một  thế hệ cha anh  đã đi qua trang sử của đất  nước. Trưởng đoàn công tác của chúng tôi  với nụ cười hiền lành trên ánh mắt,  nhưng lời nói thì kiên quyết và rõ ràng rằng “nghị quyết” của  chuyến đi là “ viết với chủ đề  kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vì thế khi trở về câu trả lời phải  là tác phẩm”. Tôi biết anh  mộc mạc đầy trải nghiệm qua trang văn, và không kém phần tinh tế bay bổng qua thơ, nhưng trong tư cách Tổng biên tập  cho tờ báo, dường như anh muốn chúng tôi hiểu và chung  nỗi lo làm sao để  bài vở  hấp dẫn. Bạn viết hỏi đã có  ý tưởng nào  cho Tây Bắc chưa? Câu hỏi không chỉ riêng bạn mà   đang  là áp lực cho cả đoàn công tác, nên nghĩ  bạn  nói ra như một  cách xả xì chét thôi mà.
          Chưa kịp trả lời bạn thì xe đã  lọt thỏm vào vùng núi đá  trập trùng,  mắt liền dán vào  con đường uốn lượn quanh co, mải miết và kiên nhẫn  vượt núi chồng núi  lô nhô. Dường như để chúng tôi yên tâm, anh tài xế rất tự hào nói đã  có ba năm chạy xe  đường Điện Biên,  thế mà  khi  leo đèo Pha Đin cảm giác tay lái  vẫn vô cùng cẩn trọng. Buông mắt xuống vực sâu thăm thắm phủ trắng xóa mây mù ở xế bên cửa kính  để tưởng tượng nếu thả rơi,  xe chúng tôi chắc chỉ  là chiếc bánh ga tô nhỏ xíu tan biến  trong cốc sữa đặc.  Tưởng tượng một chút  để nghe tim đập mạnh hơn, để hình dung ngày xưa ấy  con đường mòn này  len lỏi trong rừng già, oằn lưng mang vác  bao nhiêu pháo, xe bọc thép, xe đạp thồ gạo lên Điện Biên . Những tượng đài tưởng niệm chiến thắng kỷ niệm  về con đường ra chiến trường thấp thoáng bên sườn đồi như nhắc nhở trang lịch sử thấm đẫm mồ hôi và máu của thế hệ cha anh. Thế hệ chúng tôi và  cả thế hệ sau nữa, sẽ thật khó mà hình dung ra sức mạnh của chiến tranh nhân dân, khái niệm này sẽ chỉ là những con chữ vô hồn khô khan  trên trang sách giáo khoa mà thôi, nếu không có một  lần lên Tây Bắc trên những cung đường hiểm trở như thế này. Lại thấy có  ý tưởng để viết về Điện Biên cũng  gian nan cho ngòi bút, không kém cha anh xưa từng  đã đưa vũ khí và lương thực vào chiến trường trên con đường này. Tôi nghĩ  đây là đề tài quá lớn, phần nữa là vì các cây bút đại thụ đều đã đến Điện Biên và  được tắm trong không khí nóng bỏng của thời khắc lịch sử. Tuy nhiên chúng tôi tiếp nhận lịch sử, nhưng vẫn hy vọng làm tươi mới Điện Biên theo cách riêng của mình.            
         Điện Biên là thành phố  phên dậu của miền biên cương, nắm vị trí địa đầu Tổ Quốc, chắc vậy nên cái gì cũng hứng chịu đầu tiên. Mà đặc sản phải kể đến là  món gió Lào vừa khô vừa nóng, từ sườn tây dãy Hoàng Liên ập xuống, thường xuyên ở ngưỡng 35, 36 độ. May quá, vì chúng tôi đi vào mùa xuân, nên cái nóng chỉ đủ để hâm nóng cảm xúc thôi, nhưng  chắc làm  nhớ lâu vì chỉ di chuyển mấy trăm cấy số mà được  đi qua mấy vùng khí hậu, từ  chỗ lạnh 7, 8 độ đến chỗ  nóng gần 30 độ, làm gì mà không ngỡ ngàng?
      Tôi ngỡ ngàng vì  Điên Biên mang sức bật của một thành phố trẻ. Tôi cảm nhận nét tươi trẻ này trong ánh đèn  đủ màu rực rỡ làm cho đêm thành phố trở nên lộng lẫy. Thấy  sắc màu đô thị qua bóng dáng  những siêu thị, cửa hàng, khách sạn đèn  thắp sáng trưng, lại nhớ có lần biết đêm ở Hải Phòng, đã  phải than là thành phố công nghiệp mà  thiếu sáng quá. Có nhiều khách sạn đang hối hả  hoàn thiện,  gạch ngói  từng đống vun gọn trên vỉa hè. Có nhiều khách sạn chắc vừa làm xong, tươi rói và bóng loáng  không một hạt  bụi, nom như thiếu nữ Thái đang tuổi dậy thì. Bà chủ khách sạn nơi chúng tôi ở vui vẻ kể chuyện về thành phố mà  làm  như chuyện trong nhà mình, rằng năm nay  thành phố có nhiều khách sạn to lắm, đợt tới này làm lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ chắc không thiếu nơi ở; nghe nói sẽ làm to lắm, có cả duyệt binh của quân đội  nữa. Chả tin vào điều “ không thiều nơi ở”, vì hôm nay chúng tôi lên đây không trùng vào ngày lễ nào, chỉ trùng vào mùa xuân thôi mà còn nghe nói  khách sạn  hết phòng .  Ở các địa điểm di tích lịch sử Điện Biên, tôi nom thầy khá  nhiều du  khách là người  nước ngoài. Vậy thì đến tháng Năm, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, chắc là các phòng khách sạn đã được  đặt kín chỗ  từ bây giờ. Vẻ đẹp của  thành phố nơi  biên cương này giống như công chúa ngủ trong rừng, vừa  trải qua một  giấc ngủ dài và được chàng hoàng tử đánh thức.
    Chưa  có ý niệm ngày lễ 60 năm chiến thắng Điện Biên được tổ chức to như nào, nhưng tôi chú ý đến lời của người phụ nữ tầm 65 tuổi, ngồi bán hàng lưu niệm bên cổng khách sạn,  giá  mà  Đại Tướng  Võ Nguyên Giáp còn   sống đến tháng Năm này  nhỉ? Nói rồi lại tự trả lời, nếu còn sống thì  Đại Tướng cũng khó mà di chuyển  được đến   Điện Biên ? Thế mới biết Đại Tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là  vị Tướng của quân đội Việt Nam, mà cao quý hơn còn là Vị Tướng của lòng dân. Tôi thấy người  dân Điện Biên nhắc đến  Đại Tướng như thể  người thân  trong gia đình, Điện Biên và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã thành tượng  đài bất hủ trong lòng  dân tộc  Việt Nam. Chỉ mới  nghĩ thế thôi đã cảm nhận được niềm xúc động dâng lên, và bây giờ  nhân  dân Điện Biên mang cảm xúc của cả một  thế hệ người Việt Nam xưa  đã  hành quân lên Điện Biên,  quyết tâm chiến  thắng kẻ thù đói nghèo, giống  như lời hứa của Đại Tướng với Bác Hồ, trước  khi bước vào trận Điện Biên là phải đánh bại quân xâm lược.     
      Ngày lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ chắc chắn đã  nằm trong đợi  chờ khắc khoải của những  thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Không khí ngày lễ dường như đã tràn ngập thành phố biên cương. Tôi thấy mình  trôi miên man trong sắc đỏ rực rỡ của cờ và màu trắng tinh khôi của  hoa ban, biểu  tượng mùa xuân Tây  Bắc. Rồi lại miên man về một lễ  hội hoa ban mà thành phố  sắp mở, để rồi lại ước sao mình được nhìn thấy  khi hoa ban lễ hội  mở từng cánh trắng tinh khôi ngưng đọng hơi thở nồng nàn của  đất trời mùa xuân. Tôi thấy mình như bị sóng cuốn vào trong cái vòng xoáy hừng hực lửa nhiệt tình của hàng trăm các em sinh viên và các  chiến sĩ quân đội, phơi trong cái nắng gần 30 dộ để tập màn biểu diễn cho lễ hội ở sân vận động thành phố. Tôi chắc  là họ cũng như tôi,  mong được nhìn thấy trang sử oanh liệt hào  hùng  được tái hiện trên quê hương.
    Tôi ngỡ ngàng trôi  đi  trong cái  thành phố hiện đại mang  đầy màu sắc của những chiếc khăn piêu. Khăn piêu duyên dáng trong nhà hàng, khách sạn, cơ quan, nơi chúng tôi đến. Khăn piêu uyển chuyển trên phố với những sọt, ớp đựng  rau cải xanh rờn, cà chua đỏ ối, xoài vàng ươm nom đã muốn tứa nước miếng. Giọng trong veo,  dịu dàng, đon đả nghe đã thấy  ngọt lịm “xoài vườn nhà đấy em mua mở hàng đi chị bán rẻ cho” , làm cho khách xa không nỡ chối từ. Nhìn  khăn piêu địu con nhỏ  trên lưng, cắm cúi cấy trên ruộng bùn  đã cày nhuyễn, lại thấy dâng lên một cảm xúc thật khó tả, hình như đằng sau tấm thêu lộng lẫy của khăn piêu  là  vẻ đẹp giản dị  của đời thường nhưng  không dễ gì  nắm bắt, để cho tôi có cảm giác  mình mắc  nợ khăn piêu.    
  Tôi nghĩ cuộc sống thực luôn có nhiều cái bất ngờ chờ đợi người viết, và Tây Bắc thật sự chắc không chỉ có  ở thành phố, chả thế mà Tây ba lô đến Sa Pa, Mai Châu, Mộc Châu chỉ nằng nặc tìm đến  các bản mường. Buổi tối Điện Biên tuy  lạnh  nhưng vẫn không ngăn được ý định đi bản để tìm cho ra một khăn piêu. Chọn bản Mé vì là bản gần nhất, chỉ cách thành phố khoảng 12 km. Thấy tiếc hùi hụi vì tắc xi như bay qua cánh đồng mường Thanh mà không  được nhìn thấy cánh đồng, chỉ thầy ánh đèn thành phố xa tít  như sao trên  sông Ngân Hà, tạo thành đường viền bao bọc cánh đồng, để cố hình dung ra vựa lúa ngọt thơm của Tây Bắc. Mắt  mải dõi ra cánh đồng tối đen, nên  tai chỉ  lõm bõm nghe anh tài xế tăc xi kể sự tích cánh đồng Mường Thanh. Là phải gọi mường Then mới đúng, cánh đồng của  Trời tạo ra để xin lỗi vì đã làm cho nhiều trẻ con phải  chết. Lúa Mương Then ngọt vì có  thịt xương trẻ con. Câu chuyện làm gai lạnh sống lưng và làm  rùng mình cả đêm tối, nhưng may được  an ủi vì cái kết ngọt ngào. Chỉ biết rằng giờ đây dân Tây Bắc đã có một cánh đồng Trời ngọt ngào.
    Tôi háo hức đồng ý đi  Bản Mé luôn theo lời khởi xướng của anh lái xe tắc xi,  bởi cái tên  nghe đã  hấp dẫn,  tiếng Thái có  nghĩa là nở ra, bung ra,  nên chắc cái bản này sẽ  như  bằng chứng sinh động của cuộc sống đang sinh sôi nảy nở. Cứ ngầm mong như vậy, nhưng không ngờ  đón chúng tôi là một câu chuyện không vui. Gái bản Mé mang khuôn mặt phần hồng  măng tơ,  tươi xinh  như hoa hậu, vừa  có 22 mùa xuân,  có con lớn sáu tuổi và con nhỏ bảy  tháng và chồng vừa chết vì  bị tai nạn. Lòng trắc ẩn  cho hoàn cảnh  éo le  nhói lên mà đành im lặng, vì mọi  lời nói lúc này đều  không có giá trị. Muốn chia sẻ mà lời cứ  nghẹn lại khi hình dung bé gái 15 tuổi làm cô dâu.  Nhưng rồi lại  ngỡ ngàng vì  nụ cười đón khách vẫn  tươi roi rói, và chén rượu ngô thơm nồng như giấu nỗi buồn vào trong tim , giầu nỗi lo mưu sinh xuống đáy chén rượu. Sau một hồi rót và mời,  má dường như  hồng  hơn và ánh nhìn vui tươi  hơn, khăn piêu khoe xấp khăn vừa mới thêu, làm chúng tôi hào hứng chuyển chủ đề. Nhà thơ dân tộc Thái của chúng tôi mở băng ngoại ngữ thứ ba  ra líu lo với khăn piêu, còn khăn piêu  cười tươi như hoa và dịu dàng lắc đầu “ Không bán đâu, cũng không tặng được, để cho em gái còn đi  lấy chồng mà. Cần nhiếu lắm đấy, cho mẹ chồng và bà nội , bà ngoại,   cô,  dì, bác, thím bên họ nhà chồng mà, vẫn chưa đủ đâu. ”. Sau này,  nhà thơ rỉ tai tôi, nếu khăn piêu í  mà  bán thì  bao  tiền cũng  mua. Tôi cùng chung ý nghĩ như nhà thơ, vì đâu  phải mua tấm khăn, mà  mua một bài thơ về sức bật kỳ diệu của mùa xuân. Rời bản Mé,  tôi  mang theo hình ảnh hai chị em khăn piêu tươi cười  vẫy tay tạm biệt trong ngõ nhỏ, mang  theo  câu chuyện về một cuộc sống buồn lặng lẽ  không có  ánh đèn rực rỡ của Điện Biên,  kèm theo niềm tin chắc chắn vào  tình yêu cuộc sồng.  Giờ đây, tôi  đã hiểu  dù mùa đông có khắc nghiệt như nào thì cuộc sống  vẫn sẽ  đâm chồi này lộc như quy luật của tạo hóa khi mùa xuân đến.   
     Tôi đã đầy cảm hứng muốn làm thơ khi bắt gặp một  khăn piêu  khác e lệ dịu dàng bên một thi sĩ  của đoàn chúng  tôi. Sau  phải căn vặn mãi thi sĩ mới khai báo  thật thà  rằng đã gặp và quen  từ mười năm trước, nghe rồi  chỉ kịp thốt lên ôi trời, nếu hồi đấy  đi thi chắc đoạt ngôi hoa hậu. Lại ôi trời lần  nữa vì thấy sức mạnh của thơ thật siêu đẳng, nhưng nói riêng chút  thì thơ của thi sĩ  cũng quyến rũ lắm cơ, nếu có làm xiêu đổ, làm rơi tấm khăn piêu nào thì tôi cũng không lấy  làm ngạc nhiên  lắm đâu.  Mà thôi, để khăn piêu  ấy  làm nàng thơ quyến rũ  cho thi sĩ  còn lấy vồn gợi cảm hứng thơ ca  . Mà  thơ ca đã là sự quyến rũ lắm lắm, thì bắng cảm nhận cá nhân, tôi dám khẳng định chiếc khăn piêu là bài thơ tuyệt vời của miền Tây Bắc này.  Lại nhủ thầm lần nữa, vì chỉ  qua Điện Biên với thời gian quá ngắn ngủi và ít ỏi, nên coi như tôi nợ thành phố biên cương này một  chiếc khăn piêu.  Đúng thế,  tôi nghĩ  sẽ ấp ủ đề tài về  chiếc khăn piêu này trong một dịp khác, khi được trở lại Điện Biên. Tôi đã  mãn nguyện vô cùng khi mua được một  chiếc khăn piêu có hoa văn rực rỡ được thêu tay rất cầu kỳ  từ cô gái Thái ở  khu di tích  Mường Phăng. Tôi yêu quý chiếc khăn piêu này, vì xuất xứ  của nó  từ  nơi mà bà con dân tộc ở  Điện Biên gọi một cách thân thương  là “rừng Đại Tướng”. Mãn nguyện vì  mang được chiếc khăn piêu về nhà, cảm giác  như thể mang được  cả sức  trẻ trung  tươi tắn và nét xinh đẹp  thiếu nữ của một thành phố nơi biên cương.  Lại miên man  nhớ là  nhà văn Tô Hoài khi từ biệt Tây Bắc , “ vợ chồng A Phủ” đã từng  vẫy tay lưu luyến” chéo lù! chéo lù” ( tiếng Mông có nghĩa là  trở lại, trở lại)  . Chiếc khăn piêu  đã ghi lời hẹn một ngày nào đó tôi được trở lại Điện Biên. 
     Chuyến đi Tây Bắc còn mang thêm nhiều hẹn hò dễ thương cùng mùa xuân. Nếu khởi đầu của hẹn hò là những gặp gỡ, và  bạn có thể có nhiều cuộc gặp gỡ trong đời, nhưng tôi dám đảm bảo là những cuộc gặp của dân văn chương vẫn mang cái gì đó khác biệt. Đây nhá, ví dụ bạn gặp một nhà  lãnh đạo  cấp huyện, ngay từ phút đầu đã đập vào mắt bởi ấn tượng về  sự  phong độ đạo mạo nhưng không kém phần trẻ trung. Cuộc gặp tuy không có nhiệt liệt chúc mừng, nhưng cũng nhiều vui mừng chào đón dài dằng dặc khiến cho cái dạ dày dễ thương của tôi sôi lên ùng ục, khi phải chờ đợi. Tất nhiên, liền sau lời chào đón thì  sau đó là phải nâng chén chúc mừng. Đã từng công tác nhiều năm ở miền núi, tôi biết rượu là một nét  văn hóa rất  riêng của  miền cao, nâng chén không cạn là không thật lòng, mà không thật lòng thì đồng bào không tin, và cầm chắc là việc dân vận sẽ thất bại.
   Tôi đã rất “ ngoại giao”   khi làm cái “ lễ nghi” chạm chén  bắt buộc này. Nhưng tôi đã phải thay đổi cảm xúc  khi vào cuộc, vì  rượu ngô núi đá với  hương thơm nồng nàn  đã dẫn dụ cho  văn thơ xuất hiện ngay trước mắt, khi trai Hmoong  giữ nguyên giọng  lơ lớ mộc mạc của bản mường. Rằng mình vui lắm khi được đón đoàn văn nghệ sĩ; rằng mình yêu thơ lắm đấy , đã làm gần trăm bài thơ để tán vợ nhá; rằng sau khi bắt được vợ rồi thì mình không làm thơ nữa nhưng vẫn yêu thơ lắm nhá; rồi vô tư ôm vai và giới thiệu bài thơ của mình đây này, trong khi  đó thì “ bài thơ” chỉ  mủm mỉm cười nụ  và sóng sánh ánh mắt. Uống đi nhá, phải là chén vợ chén chồng cơ nhá, làm cho cả mâm sóng sánh  ngả nghiêng một cách hốt hoảng. Vẫn  còn phải sóng sánh nghiêng ngả vì “ bài thơ” này là đại biểu quốc hội tỉnh Sơn La cơ đấy. Lại vẫn phải  sóng sánh ngả nghiêng vì trai Hmoong này đã từng là cựu sinh viên C500, là khắc tinh của tội phạm ma túy và cờ bạc ở  huyện Sông Mã, nơi mà thầy giáo  dạy tôi  hồi đại học  ( Thầy xung phong lên  dạy học  ở Sông Mã)  từng nói “ nếu Sơn La là cái hang thì huyện Sông Mã là cái hốc của cái hang”. Trai Hmoong dí dỏm, vì cán bộ đã  bị lộ -  là  tội phạm đã  biết mặt -  nên vừa  mới phải về làm Bí thư Huyện ủy đấy nhá. Chủ và khách cười sảng khoái, bên rượu ngô thơm nồng nàn  như con  suối thấm đẫm hương hoa mận , hoa đào,  hoa mơ  Tây Bắc.  Lại phải tự hỏi, nếu như  thơ ca không sinh ra  từ  đấy  thì  còn ở đâu?
     Tôi nghĩ  những tầng núi đá tai mèo ngàn đời rắn rỏi và  sắc nhọn, ôm ấp từng bụm đất cho cây ngô khẳng khiu ra bắp ngọt ngào, đọng thơm  vào chén rượu, dư  sức làm mềm lòng bất cứ ai đi qua Tây Bắc. Trưởng đoàn của chúng tôi nói đùa một cách  rất  thật lòng là “ mọi người cứ về đi, còn  tớ thì sẽ ở lại Yên Châu”,  thì  biết  là anh đã tìm ra cho mình một miếng đất màu mỡ để gieo trồng bắt  con chữ nảy mầm.  Thế là  từ biệt Yên Châu trong một ý tưởng gặp gỡ  hẹn hò cho trại viết, làm hào hứng cả người ở lại lẫn người ra đi. Thế là Yên Châu  mà  lại không yên trong niềm đợi  mong cho một chuyến  đi khác.
   Chuyến đi Tây Bắc của chúng tôi vào mùa xuân, nhưng lại không phải là du xuân. Nhận sự đón tiếp ấm áp của Hội văn học nghệ thuật tỉnh bạn mà  nỗi lo bài viết  cứ canh cánh bên lòng. Thôi thì cứ nhận đi những  tình cảm tràn trề thơm nồng như rượu ngô trong chén. Quan sát cuộc gặp với  Hội văn nghệ Điện Biên và Sơn La, dễ thấy người lãnh đạo văn nghệ rất khác với quan chức của chính quyền, cùng giống nhau ở dáng vẻ  gầy gò có nét hiền hậu  như anh giáo Thứ của nhà văn Nam Cao, thường trực nỗi lo bài vở. Cùng  là lối ứng xử thân mật, như gặp lại bạn  bè của thời học trò,  câu thứ nhất hỏi thăm cửa nhà, câu thứ hai đã là tác phẩm mới và  cũ như nào? đang quan tâm đề tài gì đấy ? viết cho báo nhà tớ nhá? À, có cuộc thi viết về Điện Biên đấy, tham gia tích cực luôn nhá? Sau đợt thực tế  này thì về nhà nhớ gửi bài nhá;  Cứ ríu rít quên ăn. Cứ nồng nã quên rượu. Cứ vội vã nói như chả kịp nghe  để rồi thầy thời gian gặp gỡ nhanh như gió thoảng, như chưa nói được gì với nhau.
     Đường lên Tây Bắc núi trập trùng mờ xa, câu hát thuộc  nằm lòng để thấy  nơi đến thật là cách trở  xa xôi, cứ tưởng là đi sẽ lâu lắm mới tới ,  thế mà  khi trở về tôi mang cảm giác chưa nhìn rõ mặt Tây Bắc. Thôi, đành để  câu trả lời nằm  trong chuyến đi tiếp theo, hy vọng sẽ được  nhìn thấy Tây Bắc theo cách riêng.

Điện Biên 26 /2/2014.

Không có nhận xét nào: