Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

BÀI LẤY VỀ TỪ TRÊN CÁC TRANG MẠNG _ ĐỌC ĐỂ HIỂU THÊM

Sau khi Học Thế Nào đăng bài Kỳ án Nhã Thuyên, một số bạn đọc mà họ là những nhân vật chứng kiến ít nhiều một số sự kiện liên quan gửi thư tới nhóm biên tập với mong muốn nói lại, nói thêm hoặc bổ sung một số chi tiết mà bài viết đề cập. Học Thế Nào tổng hợp các ý kiến này thành bài viết ngắn dưới đây:
Về sự kiện ngày 27/7/2013
Sau loạt bài phê phán trên báo chính thống, lãnh đạo trường chỉ đạo Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn triệu tập họp hội đồng khoa học khoa (mở rộng) chứ không phải hội thảo khoa học như được gọi tên trong bài viết “Kỳ án Nhã Thuyên”. Học Thế Nào xin đính chính lại chi tiết này.
Thành phần mở rộng là các giáo sư đã nghỉ hưu, thêm PGS TS Lê Quang Hưng, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tham gia với tư cách phản biện. Không ai ở hội đồng chấm luận văn Nhã Thuyên năm 2010 được mời. PGS TS Nguyễn Thị Bình được mời với tư cách là thành viên hội đồng khoa học của khoa. Tất cả bốn vị Ban Giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có mặt.
Tại cuộc họp, PGS TS Nguyễn Thị Bình giải trình ngắn gọn một số nội dung, cụ thể:
1/ Nghiên cứu những hiện tượng của đời sống văn học đương đại là nhiệm vụ của Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại.
2/ Luận văn được thực hiện đúng quy trình theo những quy định ở thời điểm đó.
3/ Người hướng dẫn làm việc với học viên theo tinh thần đối thoại chứ không áp đặt.
Sau trình bày của PGS TS Nguyễn Thị Bình là phần nêu ý kiến của ba phản biện (tại cuộc này gọi là ¨đọc sâu¨): GS TS Trần Đăng Xuyền, PGS TS Lê Lưu Oanh, PGS TS Lê Quang Hưng.
Sau phần “đọc sâu”, rất nhiều người đã phát biểu sau đó. Có những va chạm được cho là khá gay gắt xung quanh các tiêu chí thẩm mĩ, và cuối cùng vẫn nhất trí ghi vào biên bản kết luận là: đề tài có thể nghiên cứu được, luận văn không có sai phạm về động cơ chính trị…
Khoảng một tuần sau lại có cuộc họp của hội đồng khoa học cấp trường, gồm các giáo sư đương nhiệm và các trưởng đơn vị. Đại diện Khoa Ngữ Văn chỉ có Chủ nhiệm khoa PGS TS Đỗ Hải Phong. GS TS Trần Đăng Xuyền và PGS TS Lê Quang Hưng vẫn là  hai trong số ba vị tham gia với vai trò phản biện. Trong cuộc họp này đã có sự tranh luận gay gắt. Sau khi PGS TS Đỗ Hải Phong đọc kết luận của Hội đồng Khoa học Khoa Ngữ Văn thì có hai luồng ý kiến trái chiều. Một số vị cho rằng chỉ hội đồng chuyên môn mới đủ thẩm quyền phán xét và đề nghị hội đồng khoa học cấp trường tôn trọng các kết luận đã có. Một số vị khác cho rằng luận văn nghiên cứu một đối tượng không xứng đáng và có cái nhìn cực đoan.
Về việc bổ nhiệm Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại
Trong cuộc thăm dò ý kiến do Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn thực hiện, TS Chu Văn Sơn đạt 8/9 phiếu đồng thuận. Nhưng trường lại ra quyết định bổ nhiệm PGS TS Vũ Thanh (chuyên gia phần Văn học Việt Nam Trung đại, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn) phụ trách bộ môn dù gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các cán bộ giảng dạy. Về sau, PGS TS Vũ Thanh cũng từ chối nhiệm vụ này và ngay lập tức xin chuyển cơ quan. Hiện nay PGS TS Vũ Thanh là Phó Viện trưởng Viện Văn học.
Về việc dạy chuyên đề Văn học Việt Nam ở hải ngoại
Xung quanh việc dạy chuyên đề VHVN ở nước ngoài, có những diễn biến khá phức tạp, không hoàn toàn đơn giản như một đôi câu tóm tắt trong bài viết “Kỳ án Nhã Thuyên”.
Cách đây khoảng 5 năm, khi mà GS TS Trần Đăng Xuyền còn là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và thầy Lã Nhâm Thìn còn là trưởng Khoa Ngữ Văn, nhà trường tổ chức xây dựng lại chương trình khung theo học chế tín chỉ. Với sự tham vấn của một số giáo sư, chương trình của Khoa Ngữ Văn có thêm  một số chuyên đề, trong đó có chuyên đề Văn học Việt Nam ở nước ngoài. Đến nhiệm kỳ PGS TS Đỗ Việt Hùng làm Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn thì chương trình được đưa ra thẩm định ở hội đồng khoa học khoa và hội đồng đã chấp nhận đề xuất này và trình lên Ban Giám hiệu nhà trường. Khoa Ngữ văn giao cho Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại phụ trách chuyên đề này và năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện. Vì thuộc hệ thống chuyên đề tự chọn nên nó được quay vòng 2 năm/lần. Vì thế đến 2012, nó tiếp tục được giảng dạy cho sinh viên. Trưởng Bộ môn là PGS TS Nguyễn Thị Bình đã phân công 3 cán bộ, giảng viên dạy đồng thời ba lớp: TS Nguyễn Phượng, TS Đặng Thu Thuỷ, Th.s Đỗ Thị Thoan. Nội dung và cách thức lên lớp chuyên đề này được thống nhất thực hiện trong nhóm 3 cán bộ, giảng viên này. GS TS Trần Đăng Xuyền tuy là Phó Hiệu trưởng nhưng có thể vì bận công tác lãnh đạo, GS không có điều kiện quan tâm tới hoạt động chuyên môn tại khoa nên không hề biết có việc này.
Sau khi đến tuổi nghỉ quản lý, GS TS Trần Đăng Xuyền tiếp tục giảng dạy tại Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ Văn. Khoảng đầu tháng 4/2013, Bộ môn Văn học Việt Nam tổ chức xêmina về chuyên đề Văn học Việt Nam ở hải ngoại. Sau khi TS Nguyễn Phượng đại diện cho nhóm trình bày báo cáo (có sự bổ sung của TS Đặng Thu Thuỷ và Th.s Đỗ Thị Thoan, GS TS Trần Đăng Xuyền bày tỏ sự ngỡ ngàng. GS Trần Đăng Xuyền phản đối, cho rằng không nên quan tâm mảng này. Các cán bộ, giảng viên trong bộ môn giải thích cho GS Trần Đăng Xuyền rằng, học phần này nằm trong chương trình khung do chính Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ban hành, nhiệm vụ của Khoa Ngữ Văn hiện giờ là nghiên cứu, giảng dạy tốt học phần đó chứ không còn là lúc bàn bạc chuyện nên hay không nên.
GS Trần Đăng Xuyền cho rằng cho dù chương trình khung là của trường ban hành nhưng việc đề xuất chắc phải là của Bộ môn. Sau đó GS Trần Đăng Xuyền còn chất vấn ai là người đầu tiên nêu ý tưởng? PGS TS Nguyễn Thị Bình khẳng định bản thân bà chưa bao giờ đưa ra đề xuất này, tuy nhiên bà bỏ phiếu ủng hộ khi nó được thảo luận ở hội đồng khoa học của khoa. Và khi được Ban Chủ nhiệm khoa giao nhiệm vụ, bộ môn đã tiến hành tổ chức nghiên cứu và giảng dạy.
Theo lý lẽ của GS Trần Đăng Xuyền, nhiệm vụ cơ bản của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là trường đào tạo nghề nghiệp, theo đó phạm vi nội dung kiến thức được đưa vào giảng dạy ở Khoa Ngữ Văn chỉ nên bó hẹp ở những kiến thức được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Tuy nhiên, lý lẽ này không thuyết phục được các cán bộ, giảng viên của bộ môn. Có cán bộ còn dẫn nội dung Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và cho rằng, việc đưa học phần Văn học Việt Nam ở hải ngoại vào giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là phù hợp chủ trương của Đảng. Do chỉ là một buổi sinh hoạt chuyên môn nên không có kết luận. Nhiều cán bộ, giảng viên chỉ nghĩ rằng những trao đổi trong buổi sinh hoạt chỉ là những va chạm quan điểm có tính học thuật thông thường nên vẫn tiếp tục tổ chức và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy học phần Văn học Việt Nam ở hải ngoại cho sinh viên.
Các ghi chép phía trên của chúng tôi có thể có những sai sót nhỏ ở chi tiết, nhưng đại thể sự việc được chúng tôi ghi lại trung thực theo các thông tin tin cậy có được.
Về các dư luận ngoài lề khác, theo chúng tôi là hơi nặng “thuyết âm mưu”, nhưng cũng xin ghi lại dưới đây.
Theo dư luận ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, những cán bộ phản đối việc dạy học phần Văn học Việt Nam ở hải ngoại nghi ngờ PGS TS Nguyễn Thị Bình chính là người đầu tiên đề xuất đưa học phần này vào chương trình khung; và động cơ của đề xuất nhằm “kéo” Nhã Thuyên về giảng dạy tại khoa. Thậm chí, một số đồn đoán thỉnh thoảng còn được “tung” ra trong dư luận ở khoa, rằng rằng PGS TS Nguyễn Thị Bình và Nhã Thuyên có “quan hệ mờ ám” với người nước ngoài.
 Đường link dẫn tới Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài:
 Học Thế Nào.
Tagged as: 

12 phản hồi »

  1. Cương lĩnh Đãng : Trí phú địa hào , đào tận gốc trốc tận rễ …. huhuhu
    HTN: Bác cứ viết sai chính tả thế này, chắc phải chặn nick bác mấy hôm thôi.
  2. Xin phép chép về blog của mình ngay, đề phòng sự cố.
  3. Em góp ý tí ạ! Ông Trần Đăng Xuyền vì lí do nào đó đã đổi tên thành Trần Đăng Suyền từ hơn chục năm nay rồi ạ! Về chuyện bầy hầy ông ấy bày ra thì lâu nay có câu hát: “Đường vinh quang xây xác bạn bè” ạ!
  4. Ông Xuyền /Suyền này có viết cuốn “Nhà văn hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo” nhưng đọc vào thì chẳng thấy “cá tính sáng tạo” đâu cả. Hèn gì mà thấy Nhã Thuyên sáng tạo ông ta đã hoảng lên. Hôm nay biết được ông ta làm đến Phó hiệu trưởng trường đào tạo giáo viên ở thủ đô nữa. Ôi chao “đường vinh quang xây xác bạn bè” nếu đúng như vậy thì kinh khủng quá. Dân văn chương, dân nghiên cứu khoa học mà như thế sao giáo sư Suyền/Xuyền ơi? Nhã Thuyên suy cho cùng là học trò ông thôi mà. Ở đây không nói chuyện tình cảm vấn đề là hình như ở xứ này “mấy cụ” không hiểu hay cố tình không chịu hiểu 1 điều rất đớn giản là “Trò mà hiểu biết hơn Thầy thì đó là Đại Phước của quốc gia”. Mấy cụ cứ hô hào đổi mới giáo dục nhưng tư duy của mấy cụ thì nó cổ hủ không chịu được. Lại thêm nếu biết mình thua kém người khác về tài năng thì bắt đầu giở trò “chính chị chính em”. Cho nên cuối cùng Tài không có mà Đức cũng chẳng thấy đâu. Vậy nhưng không hiểu sao vẫn cứ lên làm lãnh đạo. Suy cho cùng bi kịch của đất nước Việt, dân tộc Việt mấy mươi năm qua (dự báo còn kéo dài nữa) là ở chỗ này.
    HTN: Dù thế nào đi chăng nữa, mong quý vị hạn chế tối đa đả kích cá nhân!
    • Bi kịch của đất nước Việt, dân tộc Việt là họ không chịu chơi thể thao, bác Rất là buồn ạ, mà họ chỉ thích dùng tiền ấy để xây bệnh viện thôi. Tất nhiên là ngồi ì một chỗ hoài nó sinh bệnh ra chứ sao, cho nên có xây thêm bệnh viện bao nhiêu cũng không đủ !
  5. Theo dõi vụ ” kỳ án Nhã Thuyên” này, tôi thấy chưa hẳn các thầy ở trường ĐHSP I Hà Nội đã là người chủ trương việc ” diệt” Nhã Thuyên hay PGS-TS Nguyễn Thị Bình mà chỉ bị sức ép buộc phải làm vậy thôi.Dù sao thì làm như thế cũng là không phải, nếu không nói là hèn, nhất là ở thời điểm năm 2013-2014 chứ không phải những năm cuối thập kỷ 5- hoặc 70 thế kỷ trước!Còn, nếu các vị trong Hội đồng khoa học của Trường mà có văn bản đánh giá luận văn của NT theo ý của ai đó ( không trên tinh thần học thuật) thì đáng phải xem lại về nhân cách.
    Cá nhân tôi rất đồng tình với ý kiến giải trình của PGS-TS Nguyễn Thị Bình và PGS-TS Ngô Văn Giá. Nhóm ” Mở miệng” là một hiện tượng văn học đương đại, cho dù những sản phẩm thơ (tôi dùng chữ “sản phẩm” chứ không gọi là ” tác phẩm” là thể hiện ý cá nhân coi thường loại thơ này cũng như thứ thơ ” hậu hiện đại” tắc tỵ, nhố nhăng nhân danh cái gọi là ” cách tân” thơ của vô số tác giả hữu danh khác) của nhóm này không có bao nhiêu giá trị thì nó cũng là một thực tế khách quan đã và đang tồn tại, phản ánh tâm trạng bế tắc, muốn ” nổi loạn” của một bộ phận người trong xã hội hiện nay. Do vậy, nghiên cứu về hiện tượng văn học này là cần thiết ( khen hay chê, đồng tình, ủng hộ hay phản bác lại là chuyện khác). Đối với một người trẻ, mới bước vào đời, vào nghề như NT lại càng đáng biểu dương vì đã dám dũng cảm đột phá vào một cái mới chứ không đi theo lối mòn. Nếu muốn “an toàn” để lấy một cái bằng thạc sĩ cho đủ chuẩn làm giảng viên, NT hoàn toàn có thể chọn đại một trong số tác giả nào đó đang là hội viên HNV VN hiện nay để làm luận văn, cho dù thơ của vị đó không hơn thơ của một CLB thơ cấp phường, xã.
    Ai nói NT nghiên cứu về một đối tượng không xứng đáng thì cứ thử lục “kho” luận văn tiến sĩ của ta xem có bao nhiêu luận văn vô bổ? Tôi dám chắc nếu công bố công khai các luận văn tiến sĩ thuộc các lĩnh vực văn học, sử học, kinh tế-chính trị học, luật học, hành chính, an ninh-quốc phòng…thì vô số người sẽ đứt ruột vì chết…cười! Cái nạn ” tiến sĩ giấy” mà cả xã hội đang lên án là một thực tế không thể chối cãi. Những GS-TS ấy nếu là người còn chút tự trọng chắc sẽ rất xấu hổ trước NT!
    Chỉ có điều đáng tiếc là các thầy trong Hội đồng chẩm luận văn đã cho NT điểm 10 sao bây giờ không dám lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình (trừ PGS-TS VG). Im lặng trong trường hợp này không phải là cách hành xử đúng đâu ạ!
    P/S: Không biết trong vô vàn luận văn thạc sĩ, tiến sĩ văn học đã bảo vệ thành công hoặc đang được thực hiện, có luạn văn nào nghiên cứu về hiện tượng nảy nở như nấm mùa xuân của các cụ về hưu ở các CLB thơ phường, xã, của anh chàng buôn thơ mà vừa rồi ồn ĩ dư luận hay cái CLB Thơ Việt Nam của ông Bành Thông từng hiên ngang tiến hành đại hội ở Hội trường Ba Đình? Cũng đáng nghiên cứu đấy chứ!
    • Đến thời điểm này tôi gần như sắp “ngộ” về kì án NT này, và đã tìm đọc cả LV (nghĩa là đọc được kha khá tác phẩm của Mở Miệng), cả các bài phê bình tiêu diệt nó, bảo vệ nó và thậm chí cả những bản nhận xét của hội đồng phản biện 1 (đã cho chị điểm 10). Nếu chưa đọc những thứ này thì ý kiến cá nhân dễ bề trở nên võ đoán.
      Cái đối tượng nghiên cứu của chị NT bị các nhà phê bình chỉ trích chủ yếu ở 2 khía cạnh:
      - Thơ của nhóm Mở Miệng là thơ để làm chính trị, mang hơi hướng chống đối: chẳng hạn giải thiêng hình tượng Bác Hồ, chống đối chế độ XHCN, chấm ba chấm.
      - Là thơ rác, thơ nghĩa địa…khi dùng quá nhiều từ có tính chất tục tĩu quá đáng, gây phản cảm…
      Anh cho rằng LV của chị nghiên cứu đối tượng xứng đáng thì anh thử phản biện lại 2 luận điểm đó xem ạ?
      • Vấn đề không phải ở LV cô NT mà ở cách hành xử xã hội, cụ thể là của trường SP1.
  6. Tôi đã mất 2 buổi chiều để đọc tất cả những nội dung liên quan đến “Kỳ án Nhã Thuyên”. Tôi không phải là người thích viết những cảm xúc sau mỗi bài viết, nhưng vì vấn đề này hấp dẫn tôi và làm tôi đau đáu về nó nên tôi muốn chia sẻ một số ý kiến như sau:
    1) Về nhóm “Mở Miệng”
    Cứ tạm xem những gì mà nhóm mở miệng xuất bản là “thơ” thì trong thơ của họ có rất nhiều từ tục. Lúc mới đọc tôi thấy “ghê ghê”, nhưng tôi lại bị nó lôi cuốn đọc cho hết bài. Bởi chính tôi, từ khi biết nói, tôi không bao giờ nói ra (viết ra) những từ đó và tôi dường như không thể nói. Khi đọc những phỏng vấn của Nhã Thuyên với nhóm, tôi thấy họ trao đổi rất thật, rất nghiêm túc về nghệ thuật và đam mê và họ theo đuổi, có lẽ họ chỉ sử dụng chúng khi “làm thơ” và họ xem những từ đó là tột cùng của cảm xúc. Bây giờ lại tôi không còn thấy ghê khi đọc chúng, nhưng nói ra các từ tục đó … thì tôi vẫn không thể.
    2) Về Nhã Thuyên
    Trước tiên là tôi rất phục cô ấy, vì một người con gái “thông thường” thì họ rất ngại (thường là không) nói về các vấn đề nhạy cảm đó, cô ấy có cá tính rất mạnh. Cô ấy muốn “cảm” cuộc sống từ nhiều nguồn và không theo một khuôn khổ mà “người ta” quy định (là nữ thì không được nghĩ như thế, nói như thế; làm thơ, đọc thơ là không được chọn những đề tài như thế….) Có thể nói cô ấy đang “cháy” trong cuộc sống.
    3) Hành xử của một số GS
    Thật ra, nếu chúng ta cảm thấy luận văn bàn về vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với “văn chương” không phù hợp “khoa học” thì có thể yêu cầu rút khỏi thư viện của trường, nhưng phải cho nó tự do như một chính kiến khoa học để mọi người có quyền tự do ngôn luận. Luận văn này tự bản thân nó chẳng làm hại ai, chẳng làm hại nền văn học nào, cũng chẳng làm hại nền chính trị nào. Chỉ khi ta cho nó là như thế thì nó sẽ trở nên không là nó nữa. Còn bản thân người dạy đã có sự kiểm định của Sinh viên, của Khoa, của trường, khi nào có đơn tố cáo thì hãy điều tra và hành xử (..)
    4) Cô ấy xứng đáng đứng trên bục giảng, nhưng tôi vẫn xin cô ấy đừng đem luận văn mình đi dạy. Hãy nói những gì cô ấy thích nói ở đâu cũng được (trừ bục giảng). Vì tôi vẫn mang một ý niệm là “không phải điều nào cũng nói được bất cứ đâu”.
    • Đồng ý với anh ở các điểm trên, vì bản thân tôi vẫn quan niệm những gì thuộc về giáo dục nói riêng và văn học nói chung thì vẫn phải có những chuẩn mực nhất định. Rõ ràng NT là một người nghiên cứu văn học có tiềm năng, tâm huyết và có năng lực lý luận (tôi đang đọc luận văn của chị). Tôi chỉ băn khoăn cái quy trình: đề cương luận văn của chị ắt phải được thông qua trước khi chị bắt tay vào làm LV, tức là đề tài đã được duyệt, chị thậm chí đã được hội đồng chấm điểm 10 và nhờ đó trở thành giảng viên của khoa, vậy mà chỉ một số ý kiến phê bình của một số học giả trên báo chí đã đủ (?) tạo sức ép để một trường ĐH uy tín quay ngoắt 180 độ những quyết định trên. Thật khó hiểu, và tôi tự hỏi: LV của chị hay scandal về nghiên cứu học thuật trên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tư duy của người làm khoa học về sau hơn?
      • “vậy mà chỉ một số ý kiến phê bình của một số học giả trên báo chí đã đủ (?) tạo sức ép để một trường ĐH uy tín quay ngoắt 180 độ những quyết định trên”
        Không phải chỉ là một số ý kiến phê bình đâu chị à, mà có lẽ có sự can thiệp sâu của một số cơ quan chức năng. Biết rằng với Nhã Thuyên và một số người liên quan đây là một bài học, nhưng học phí quá đắt. Tôi cũng học được một điều qua vấn đề này là: “Điều gì mà ta nói nhiều về nó quá cũng không hay”. Có lẽ là Nhã Thuyên tâm đắc về LV của mình mà nói nhiều về nó chăng?

Không có nhận xét nào: