Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

MÊNH MANG TÂY NGUYÊN


                                           
 

Tùy Bút của Phan Mai Hương

 Được xê dịch là một trong những niềm khao khát không chỉ của riêng tôi. Con người ta sẽ thấm thía hơn về sự trì trệ nếu như cứ phải ở lâu một chỗ. Chả thế mà nhân vật của Nguyễn Tuân hay củaThạch Lam đều phải mượn chuyến tàu để cho tâm hồn được bay tới những miền xa xôi. Cho nên nếu trong tâm thức luôn thường trực giấc mơ Tây Nguyên thì cũng có gì là lạ đâu?
Thì cứ hình dung đang ở Tây Bắc với sương muối và gió Lào, còn ở Tây Nguyên lại đang xanh mướt mát của thông reo? hay đang vàng thắm màu hoa dã quỳ? Tây Nguyên với thật nhiều ánh mắt mời gọi của bạn bè? Tây Nguyên trong hồn người xa trước hết là những nồng nàn của rượu cần đã ủ sẵn hàng trăm năm; ấm áp như những vỉa đất bazan đang tuôn chảy từ miệng núi lửa mênh mang từ hàng triệu triệu năm.
Vậy thì đây, nếu Hãng hàng không Việt Nam giúp bạn được luồn lách trên những cuộn mây cũng là điều bình thường. Nhưng khi gặp mây của cao nguyên, bạn sẽ bất chợt nhận ra hình như  có một ranh giới mong manh nào đó.Để từ thẳm sâu trong chờ mong, bạn sẽ nhận ra mây đấy là của riêng Tây Nguyên.
Nếu lỡ khi lơ đãng thì tiếng reo của em gái ngồi ghế sau sẽ nhắc cho ánh nhìn chạm mây: “ kia rồi, đường Hồ Chí Minh ! mây cao nguyên kìa”. Dù gì thì tiếng reo đó sẽ không làm bạn khó chịu như em đã từng  nói chuyện quá to trước đó. Bạn sẽ thấy lòng mình bao dung rộng rãi thảnh thơi như gió đang giỡn tưng bừng trên trời xanh cao nguyên. Bừng tỉnh, để rơi ánh mắt chạm nơi đỉnh trời. Để thấy xanh thắm một nền trời với màu xanh không thể khác xanh. Để thấy nõn nà tinh khôi từng cụm bông trắng muốt, những vầng trắng trinh nguyên mà nhìn vào đấy người ta đã muốn làm thơ. Hình như trời xanh với mây trắng là thương hiệu riêng của miền cao nguyên đất đỏ?
Nếu có lúc nào đó bỏ qua cụm bông nõn mùa thu này chẳng phải là một thiệt thòi lắm sao? Bạn nói trong này không mùa thu, đang ngơ ngác thì bạn giải thích, vì thu không thành mùa riêng hẳn ra như Tây Bắc đâu. Vẫn thắc mắc cho học trò Tây Nguyên làm sao cảm nhận “ Mùa Thu câu cá” của Nguyến Khuyến? Nhưng đến Tây Nguyên mới biết mùa thu riêng của Tây Bắc đã nhập vào mỗi ngày của Tây Nguyên để làm nên một bảng màu hấp dẫn, sáng xuân, trưa hè, chiều thu, đêm đông. Có lẽ vì vậy mà nắng và gió đều mang sắc màu; đất và nước đều mang mùi vị; cứ nồng nàn sôi nổi; cứ rực rỡ trong hương hoa phong lan quanh năm khoe sắc. Con người cứ như bị cuốn đi trong cái bảng màu ào ạt, hối hả tiếp nối nhau của thiên nhiên.
Phải chăng thiên thời đã dành cho Tây Nguyên những đối lập trong từng mảng màu, để tạo ra cái nắng cái gió vừa dữ dội vừa mênh mang? Có thê nói thế, vì đã từng chạm mây Tây Bắc nơi cổng trời Lai Châu. Cũng là trời xanh mây trắng, nhưng màu xanh thoáng pha chút ánh trắng lả lướt nên không đậm sắc như trời xanh Tây Nguyên. Nếu trời xanh Tây Bắc đủ để ta cảm nhận cái lồng lộng của mây gió nhẹ nhàng bay lượn một cách ám ảnh, thì trời xanh Tây Nguyên cứ thăm thẳm từ bên trong mà bật bung ra ngoài bằng sắc xanh nồng nàn mà không kém phần bạo liệt.
Khi tôi nói sẽ đi Tây Nguyên, bạn bảo đang mùa mưa, đừng có đi vội thế, đợi đến mùa khô, đến mùa hoa dã quỳ. Nhưng tôi đã đến Tây Nguyên mùa mưa như một mặc định của ý nghĩ, cho dù phải bỏ lại mùa dã quỳ vàng thắm những triền đồi xa xôi.
 Phải nói thật là tôi bị ám ảnh bởi  những cơn mưa rừng Tây Nguyên trong tiểu thuyết “ Nỗi buồn chiến tranh” của  nhà văn Bảo Ninh. Cho nên, tôi đã đến Tây Nguyên để trải nghiệm cơn mưa nhạt nhòa núi non; mưa mờ mịt những nẻo rừng xa; mưa ướt át buông trùm kín  những cánh rừng lặng lẽ;  mưa ẩm ướt dầm dề nơi ngút ngàn màu xanh của rừng nguyên sinh;  mưa nhão nhoẹt cả núi non, suối, đá, nước; mưa lén lút và sầm sập trong những tán cây đại thụ buông  từng chùm rễ xanh âm u.
Tôi đã thấm mưa suốt hơn bốn giờ đồng hồ từ Kon Tum lên Măng Đen, trên con đường ngót 50 km, bạn nói hồi chiến tranh đây là đường dùng vận chuyển vũ khí và lương thực. Rời thành phố lúc 14h30, vẫn còn nắng chói chang, đi khoảng 15 phút thì  gặp mưa giữa đường,  nhưng tôi không thấy lo lắng gì bởi chưa hình dung ra mưa Tây Nguyên. Thế rồi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, và cứ rỉ rách hoài như cứa vào các giác quan, nhòe nhoẹt dầm dề trên con đường đèo quanh co uốn lượn những khúc cua tay áo gấp khúc.

Bạn giải thích con đèo có tên Vio Lăk vì đi trên đó người lắc lư từ bên nọ sang bên kia đấy thôi, sẽ giảm béo và có eo lắm đấy. Bạn cười rí rắc làm đường mưa ấm hơn. Quả thật tôi đã qua nhiều đèo: đèo Thung Khe cao vòi vọi của Mai Châu; đèo Giàng, đèo Gió hun hút của Cao Bằng; đèo Ngoạn Mục kè bên vực sâu đấy thông reo của Đà Lạt; đèo Pha Đin cheo leo lượn trên sườn núi ở Điện Biên; đèo Ô Quy Hồ nối từ Sa Pa sang Lai Châu, con đèo cao hơn hai nghìn mét và dài nhất trong các con đèo đường bộ Việt Nam. Nhưng để được trải nghiệm cảm giác đi trên đèo mà như lắc vòng, thì thật sự bạn phải đi trên đèo Vio Lawk của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ này.

Đi trên con đèo chênh vênh và uốn lượn men theo rừng mưa mù mịt. Luồn rừng trong hoàng hôn sầm sập tối. Dò dẫm trong rừng mưa miên man ướt lạnh. Leo dần từng khúc cua tay áo này sang khúc cua tay áo khác mà không biết đâu là kết thúc. Thử hình dung khi đang rét run và dò dẫm quan sát từng hòn đá tìm chỗ cho bánh xe luồn lách, thì bạn khúc khích nói, chưa có gì hứa hẹn sẽ có lần thứ hai được trải nghiệm cảm giác như thế này đâu nhá, thì lại thấy hào hứng muốn xuyên mưa.Thì lại thấy quá đúng hơn khi trải qua cảm giác mong mỏi cháy lòng được nhìn thấy ánh lửa từ ngôi nhà đầu tiên để tấp xe vào mà không hề có sự lựa chọn, miễn là ấp áp như lửa là được. Đi trong mưa để cảm nhận sự đe dọa của lạnh lẽo và hoang vu; để thấy sự khiếp sợ bởi cô đơn  hoang lạnh; để thấy sự sống ấm áp đáng quý biết bao. Sự ấp áp của lửa, sự ấm áp của tình người như một mặc định vĩnh hằng của cuộc sống này; sự ấm áp để cho bạn tựa nương.

Đã bao giờ bạn dừng chân bên một con suối Tây Nguyên chưa, để thấy mảng xanh thắm xanh đột ngột hiện ra chói chang giữa cơn mưa bất chợt của rừng trong mùa mưa Tây Nguyên. Ngay giữa những cơn giông rừng xối xả thì màu xanh thắm ấy vẫn không chịu mất đi bởi cái nội lực bung ra từ bên trong. Cho dù kề cận bên mảng xanh trời vời vợi ấy là mạng sườn núi trơ đất đỏ như vết thương chiến tranh vẫn đang còn  rỉ máu. Để cho tạm quên đi cái nhức nhối của con suối cạn trơ những tảng đá xù xì, cho dù đang mùa mưa. Mặc dù lạc bước đến Tây Nguyên mùa mưa, nhưng đã rất tiếc nuối vì mất đi hy vọng nhìn thấy thác nước dưới chân mình. Thế mà khi khởi  hành đã từng  hy vọng rằng không phải tưởng tượng đâu, mà sẽ được nhìn tận mắt cảnh hùng vĩ trời xanh mây trắng và thác réo âm u của rừng Tây Nguyên. 

Đến Tây Nguyên, tôi thèm những cánh rừng nguyên sinh mang sắc xanh cuộn khối, hào hùng, thấm đượm màu của sử thi, để gợi về những chàng Đam San Xinh Nhã dũng mãnh từ thuở xa xưa; những chàng trai trẻ của thời hiện đại, đã ngã xuống cho đất cao nguyên thêm thắm đỏ. Sẽ cảm nhận điều ấy rất rõ, nếu bạn thong dong đi trên con đường quốc lộ, với hai làn rộng rãi mịn màng uốn lượn giữa triền ca fe bạt ngàn xanh um, đẹp mê hồn. Đang bị quyến rũ ngất ngây trước con dốc cao vòi vọi, hai bên đường uốn khum những rặng cây cổ thụ, lá nhỏ xanh tươi, hoa vàng thắm buông rủ từng chùm. Chưa kịp hỏi  tên con dốc và tên cây hoa, vì anh tài xế đã hỏi, thế nhà báo có biết con dốc Chu Bao này có câu thơ nổi tiếng không? Rồi anh đọc câu thơ nghe lạnh người: “ Dốc Chu Bao oán hờn trong gió / Mỗi mét đường mỗi chiếc khăn tang”. Anh giải thích, đồi Chu Bao này là nơi diễn ra  những cuộc chiến đấu ác liệt, từ năm 1968 đến năm 1972, bộ đội Giải phóng và quân Việt Nam Cộng Hòa chết rất nhiều, có trận người chết nhiều, nằm xếp lớp trên đường. Tôi hỏi sao anh biết, anh nói anh sinh ra và lớn lên ở đây, có 32 năm lái xe trên đường này, nhà báo đừng hỏi tên tôi, cứ gọi tôi là tài xế xe buýt. Tôi đã không nài nỉ  để hỏi tên anh nữa. Tôi nhớ ngay tên con dôc là  Chu Bao. Xe tuột xuống chân dốc bên kia, tôi chăm chú nhìn xuống đường và tự hỏi, tại sao  sau 40 năm mưa gió cao nguyên vẫn chưa thể gột  rửa sạch ký ức đau thương về cuộc chiến năm xưa.

Lại nhớ câu chuyện bạn đã  kể. Già A Vy-  sinh 1940, quê Đăk Mông, Đăk Tô, Kon Tum – đã mấy ngày nay theo đội tìm kiếm mộ liệt sĩ trong trận chiến vào tháng 5/ 1972 với tư cách là nhân chứng. Hồi đó, già về học trường Dòng ở nhà thờ Gỗ. Khi trận chiến kết thúc, già A Vy cùng năm người  bạn đi gom tử thi của hai bên về chôn. Nay thì năm người bạn ấy đã mất, chỉ còn lại mỗi mình Già sống cùng với quá khứ khó phai mờ. Chính tay Già đã chôn hai liệt sĩ chung một mộ, nơi mà ngày nay là cổng một trường học khang trang giữa thành phố Kon Tum. Suốt buổi sáng tìm kiếm, Già A Vy ngồi âm thầm trên ghế đá, mắt dõi  theo từng xẻng  đất đợi chờ. Cuộc tìm kiếm hài cốt thất bại, không có ai trách cứ, nhưng Gài A Vy cứ thu mình trên ghế, dáng người như bé nhỏ hơn, mắt hướng về nơi xa xăm nào đó và hình như  mang đau đáu một nỗi niềm. Nhớ đã đọc câu thơ “ Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thằng thì nhân dân đều bại”. Thiết nghĩ, mình chẳng cần phải viết gì thêm về mảnh đất đã thắm đỏ máu của nhiều bên?Câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy đã nói hộ những điều muốn nói, và dường như  sử thi  của thời đại cũng nào cũng thẫm đẫm sự hy sinh của nhiều thế hệ.

Tôi nhờ bạn chụp hộ những bức hình ghi lại sườn núi phô ra mảng màu đỏ chói màu đất đỏ, đối lập dữ dội với mây trắng trời xanh và nắng đổ tràn trên đầu. Khi tôi nhận xét, Tây Nguyên đang trong hành trình phủ trọc đồi xanh, bạn là  giáo viên Văn, vốn rất yêu Tây Nguyên có trả lời rằng do thủy điện đó, thủy điện thì không biết đến đâu, nhưng nó giết chết bao nhiêu con suối và cánh rừng. Lại nhớ, người bạn kỹ sư ở nhà máy thủy điện được coi là lớn nhất nước, đã kể rằng đã có hơn hai mươi năm làm thủy điện, nhưng chỉ sau khi được làm lãnh đạo và đi thực tế vùng lòng hồ mới biết thủy điện đã phá hủy thiên nhiên và những cánh rừng như thế nào?

Nhưng tôi có một ít thất vọng cho sự tìm kiếm của mình. Nhìn Tòa khách sạn 12 tầng cao vòi vọi nổi bật giữa thành phố, tôi đã hiểu rừng nguyên sinh phải thấp nhỏ bớt đi là đúng rồi. Bạn kể, không hiểu sao cái khách sạn lộng lẫy này hay có người đến nhảy xuống tự tử? Ngay khi tôi đã xa Tây Nguyên, vừa đọc báo điện tử thấy tin công an Gia Lai đã giải  cứu thành công một cô gái đang có ý định nhảy xuống từ tầng 12 của khách sạn đẹp nhất thành phố Pleiku. Nhưng không vì thế mà du khách thấy thành phố cao nguyên bớt đi sự hiện đại của cuộc sống hôm nay. Vì có thể điều đó cũng là một phần của cuộc sống của đô thị hiện đại mà chúng ta phải chấp nhận.
  Nhưng tôi cũng đã rất hào hứng khi dừng lại bên cây cầu treo hoành tráng ở thị trấn Đăk Rve thuộc huyện Kon Rẫy. Được biết đây là một trong những cây cầu treo hiện đại nhất ở Kon Tum.Nhìn cây cầu treo duyên dáng điệu đà vắt qua dòng sông Đăk Pone thấy phố núi nhỏ xíu nép bên bìa rừng cũng trở nên lộng lẫyvà hiện đại  biết bao trong nắng gió cao nguyên.
 Vẫn dừng lại nữa, nơi con suối cạn giữa rừng Tây Nguyên. Nơi có một cây cầu treo bắc qua. Cây cầu cũ kỹ chằng buộc những dây thép han rỉ, lưng nó đã oằn võng xuống, gần thành hình chữ S. Có thể cây cầu này đã từng được sử dụng? Có thể bây giờ nó chỉ đứng chơ vơ cô đơn, như để làm cảnh với nghệ thuật sắp đặt nơi núi rừng? Tôi chẳng có ai để hỏi. Cây cầu và những tảng đã dưới con suối cạn Tây Nguyên kia lại đưa tôi về con suối cạn ở bản Chu Va (Lai Châu), nơi có cây cầu treo Chu Va bắc qua con suối cũng cạn trơ đá tảng như thế này.Thật sự, tôi đã được nhìn thấy những tảng đá to như lưng voi bạc trắng nhấp nhô dưới lòng con suối cạn khi ô tô đi lướt qua bản Chu Va ở Lai Châu để thấy cảm giác rùng mình khi hình dung mình bị rơi tự do xuống đấy. Nhưng bây giờ, khi đứng ở bờ con suối cạn với những tảng đá bạc đầu cũng ngổn ngang như lưng voi nơi suối cạn giữa rừng Tây Nguyên, thì không dám hình dung cây cầu kia sẽ bị gẫy bất thình lình.Tôi im lặng mà không dám hỏi  bạn điều  gì, dù trong lòng rất muốn bật ra câu hỏi rằng cây cầu kia nối với bản nào trong rừng sâu.
Tôi muốn biết rằng có bước chân em bé nào khoác túi, vượt rừng băng qua cây cầu kia mà đến trường hay không? Nhưng nghĩ vẫn còn may mắn vì vẫn nhìn thấy cây cầu bắc  qua suối để chắc rằng các em bé không phải đu dây hay ngồi trong túi bóng mà đến trường. Cứ miên man thế, vì lòng cứ rưng rung, vì đã từng gặp em bé khoác túi trên vai, chân nhỏ xíu, đi bộ mải miết và tung tăng hồn nhiên trên con dốc uốn dài  đổ nẳng nơi rừng Tây Nguyên. Đã dừng lại để chạy theo em, đã năn nỉ chỉ để được ngắm nhìn khuôn mặt lấm lem đỏ bừng, tóc hoe vàng bê bết mồ hôi, dính bệt vào trán vào tai. Nhưng đôi mắt. Ôi đôi mắt nâu sáng bừng rạng ngời cứ trong veo đến độ như chứa cả đất đỏ trời xanh, chứa cả mây ngàn gió núi của Tây Nguyên thăm thẳm.
Chả biết có phải vì bệnh nghề nghiệp hay không mà đến bất cứ nơi nào, cứ hay nghĩ đến các em bé và ngôi trường. Nghe bạn nói ở Tây Nguyên có một ngôi trường gần 100%  là các cô giáo từ Sông Đà đến Tây Nguyên lập nghiệp. Tôi  thấy mình đã để lại Tây Nguyên một niềm tiếc nuối vô cùng khi không thể đến trường Trung học Phổ thông Yaly. Nơi đó có những đồng nghiệp đã từ Sông Đà xung phong vào góp phần xây dựng thủy điện Yaly từ những năm 1990 của thế kỷ trước.  
Đã biết cuộc thiên di này, vì tôi đã từng muốn lắm được tham gia trong đội ngũ giáo viên và bác sĩ đi chi viện Tây Nguyên thời ấy.Thì đã nói là tôi luôn mang niềm khao khát được đi xa, nhưng lại bị sợi chỉ nhỏ buộc chân. Tôi có cô bạn khá thân, là bác sĩ vừa ra trường đã xung phong đi YaLy từ hồi ấy và mang theo cả con nhỏ. Chuyện về cô ấy tôi sẽ kể trong dịp khác, nhưng tôi tự thấy mình không dũng cảm như cô ấy.
Hồi đó, xung phong vào Yaly là những người trẻ, họ sẵn sàng đến Tây Nguyên mang theo hạn định sau ba năm sẽ  trở về Tây Bắc. Cuộc thiên di ấy có trống rong cờ mở  với một không khí cờ hoa rất trang trọng, y như các cuộc tiễn đưa những người trai trẻ đi ra mặt trận hồi còn chiến tranh.
Sao hồi đấy, thấy Tây Nguyên là miền đất quá xa xôi? Không có ai nói cho chúng tôi biết Tây Nguyên là thế nào? nhưng bây giờ đến Tây Nguyên, tôi  tưởng tượng ra hồi ấy chắc  núi rừng hoang vu và khó khăn chồng chất. Bạn đồng nghiệp làm quản lý giáo dục nói, những cô giáo từ Tây Bắc vào đã xây dựng được một sự nghiệp giáo dục đáng nể ở YaLy lắm đấy. Lại nghĩ vị lãnh đạo ngành hồi đấy đã động viên được hơn năm trăm giáo viên vào YaLy, đã được hưởng quyền lợi như một bậc công thần, nhưng  giờ đây chắc gì bác ấy đã nhớ đến những cô giáo trẻ năm xưa. Sau nhiều năm, tôi cứ ngỡ những người trẻ năm xưa đã trở về. Nhưng hôm nay, vào Tây Nguyên, qua thông tin của đồng nghiệp, tôi mới biết họ đã gắn bó hẳn cuộc đời với nơi nắng gió cao nguyên này. Lại hình dung, nếu năm xưa tôi dám dũng cảm chấp nhận cuộc thiên di,thì bây giờ tôi đang là chủ nhân ở miền cao nguyên đất đỏ này,chứ không phải trong vai du khách đến thăm.
 Tôi  cũng bớt đi phần tiếc nuối, khi gặp em đồng hương dáng vẻ dịu dàng với nụ cười tươi rói hồn nhiên trên khuôn mặt xinh xắn đáng yêu. Tôi bị xúc động khi nhìn vào đôi mắt rưng rưng láng nước của em. Rồi em ríu rít, gặp chị thế này em vui quá, em vào đâycùng bố mẹ từ hồi học lớp Tám, đồng hương mình trong này hiếm lắm, hè nào em cũng về Sông Đà đấy.Tôi và em thân nhau được ngay có lẽ cùng đồng cảm là dân văn chương. Được biết em có một gia đình hạnh phúc cùng chồng và hai con đủ nếp tẻ. Tôi nói đùa, giáo viên trường chuyên với bộ đội Tây Nguyên là hơi bị đẹp đôi và giàu có đấy. Em cười vui vẻ, chồng em rất yêu vợ nên quý cả đồng hương của vợ, có lần đi tận Lạc Dương ( Đà Lạt) tìm đồng hương cho em đấy! chị về nhà em chơi nhá? hay là vợ chồng em đến thăm ? sau này khi chị về Sông Đà rồi thì chúng mình vẫn sẽ thường xuyên điện thoại nhé. Cứ ríu rít quên cả giờ đồng hồ đã trôi qua nơi quán ca fe bên hồ Đức An. Tôi thấy em gái nhỏ đã yêu cao nguyên thật rồi. Gặp em, tôi tự thấy mình cũng trở nên đã thân thiết và hình thành sợi dây gắn bó với miền cao nguyên lần đầu tiên đặt chân đến. Nhưng với tư cách người viết, coi như tôi vẫn nợ Tây Nguyên và các đồng nghiệp của mình ở ngôi trường nơi thủy điện Yaly.

Những cánh rừng Tây Nguyên nếu nhìn bề ngoài thì thăm thẳm xanh, nhưng bên trong lại  là màu xanh nhức nhối bởi những cây bé nhỏ èo uột không đủ sức níu mưa. Những cánh rừng đã mặc kệ những con lũ quét bất thần xoáy thêm vào những bề bộn khó khan của cuộc sống. Chỉ cần đi xa hơn ngôi nhà quen thuộc của mình, bạn đã có thể hiểu nhiều hơn. Khi tôi đã xa Tây Nguyên và đang viết những dòng này, thì báo Gia Lai đưa tin một số xã của huyện Chư Pah, nơi có công trình  thủy điện Yaly, bị  mưa to và lũ quét, thiệt hại khá nặng nề. Lại chỉ biết thở dài chia sẻ âm thầm. Lại nhớ mấy hôm ở Tây Nguyên mùa mưa, được hưởng một trận mưa ở thành phố Pleiku, lớn như mưa đá vậy. Chẳng biết có phải là mình gặp may không? Mà hai lần đi qua Chư Pah đều không gặp cơn mưa nào, chỉ có nắng chang chang như lửa đổ xuống cao nguyên? Nghĩ cho cùng thì suối và rừng, cây và trời xanh nơi nào mà chẳng giống nhau, cho dù là Tây Bắc hay Tây Nguyên ?
Pleku 16/8 / 2014 – Hòa Bình 6/9 /2014

6 nhận xét:

Unknown nói...

anh Bu Lu Khin, đọc bài mới của em nè! Em cam on anh! em chúc anh năm mới 2015 mọi sự may mắn tốt lành, nhiều hạnh phúc và niềm vui!

Bulukhin nói...

Đang đọc đây Mai Hương Phan ơi. Gõ mấy chữ này thử xem nó có nghi ngờ bu là rô bốt không

Bulukhin nói...

Lần này nó không nghi ngờ gì cả hay lắm

Bulukhin nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Bulukhin nói...



Không yêu Tây Nguyên thực lòng bạn không viết được một tùy bút ngót 4284 từ này. Mà không phải mới yêu từ “hành trình mưa”, cô giáo Phan Mai Hương đã tương tư Tây Nguyên từ khi mới tốt nghiệp Đại học kia. Bởi vậy cho nên phần đầu bài viết (gần 1/3 số chữ) nỗi niềm Tây Nguyên nơi bạn cứ dồn lên, trào ra khỏi con chữ. Khi yêu người ta đâm dễ tính, không thấy phiền hà gì khi cô bé ngồi ghế sau đôi nói to quá. Thậm chí tiếng reo của cô “kia rồi, đường Hồ Chí Minh! mây cao nguyên kìa” sao mà dễ thương, và cứ như là một phát hiện gì kì vĩ lắm… hihi. Cũng vì yêu Tây Nguyên nên tác giả thấy cái gì ở đây cũng lạ, cũng mới, cũng khácTây Bắc “Nếu trời xanh Tây Bắc đủ để ta cảm nhận cái lồng lộng của mây gió nhẹ nhàng bay lượn một cách ám ảnh thì trời xanh Tây Nguyên cứ thăm thẳm từ bên trong mà bật bung ra ngoài bằng sắc xanh nồng nàn mà không kém phần bạo liệt”
Nhưng qua cơn hứng khởi khi bắt gặp Tây Nguyên, tác giả đã nhận ra, để có một Tây Nguyên an bình cho mình đặt chân đến thì bao nhiêu xương máu đã đổ ra bên con đường trải nhựa này. Đồi Chu Bao là nơi huyết chiến giữa bộ đội Giải phóng và quân đội Việt Nam cộng hòa. Những người lính của cả hai phía chết nằm xếp lớp trên đường. Mỗi mét đường là mỗi chiếc khăn tang. Núi rừng Tây Nguyên xanh ngút ngàn đấy nhưng rừng không còn đủ sức giữ nước ngăn lũ cho con người. Nạn phá rừng và làm thủy điện tràn lan con người đã phải trả giá.
Cũng may mà bu tui đã có dịp rong ruỗi Tây Nguyên nên những địa danh bạn nhắc tới thì bu tui đã từng đặt chân đến. Chỉ khác nhau bạn đi trong mưa, bu tui đi trong nắng, mỗi người có một trải nghiệm mà không thể trao tặng cho nhau được. Nếu bạn qua đèo Viôlăk trong mưa thì quá mạo hiểm. Ở đây cứ mưa là sụt lở, đặc biệt ở vùng đỉnh đèo nơi giáp giới giữa Kon Tum và Quảng Ngãi. Ai đó bảo đèo có tên Viôlăk vì xe qua đó liên tục lắc từ bên này sang bên kia là nói để cười cho vui. Tiếng M nông gọi Đăk là nước và lăk là hồ. Vậy nói như ai đó thì phải hiểu Lăk trong Đăk Lăk, và Lăk trong huyện Lăk (ở Kon Tum) như thế nào đây. Bu có cái thú nhớ đời là dừng xe lại bên dãy cây Knia trên một con dốc quốc lộ 27 và nằm nghe bản nhạc dưới bóng cây Knia (thơ Ngọc Anh nhạc Phan Huỳnh Điểu). Lại có cái thú nữa là hồi mới ra trường được tham gia khảo sát thiết kế đường từ Sa Pa đi Lai Châu qua suối Chu Va mà Mai Hương Nhắc đến.
Tùy bút MÊNH MANG TÂY NGUYÊN của Phan Mai Hương làm sống lại trong bu một Tây Nguyên trên 10 năm về trước, khiến bu tui cồn cào nhớ và cồn cào mong có dịp quay lại… trong nắng… hoặc trong mưa…

KhanhTrinh nói...

Rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá nghiêm trọng. Hãy chung tay bảo vệ rừng.